Tỉnh Ninh Bình: Làng thêu Văn Lâm giữ gìn tinh hoa truyền thống
TCCS - Văn Lâm là một làng cổ của xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình nơi có nghề thêu truyền thống phát triển từ lâu đời với các sản phẩm thêu tay ren rua có kỹ thuật, mỹ thuật cao. Trải qua hàng thế kỷ người dân nơi đây vẫn lưu giữ nghề truyền thống, phát triển những sản phẩm thêu tay độc đáo có độ tinh xảo cao phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Nét tinh hoa của đất cố đô
Theo các nghệ nhân cao tuổi trong làng, nghề thêu ren ở thôn Văn Lâm có tuổi đời trên 700 năm. Các sản phẩm thêu ngày đó phục vụ nghi thức, nghi lễ trong đời sống văn hóa tâm linh, đặc biệt là trong lễ hội, như quần, áo, mũ của đội tế; tàn, lọng, y môn trong các ngôi đình, đền đều có sự đóng góp, sáng tạo của người thợ thêu làng Văn Lâm. Đến năm 1910, dưới thời Pháp thuộc, có hai người làng Văn Lâm là cụ Đinh Ngọc Hênh và Đinh Ngọc Xoan lên Hà Nội học thêm nghề zen Jour (ren rua) của người Pháp về truyền dạy lại cho bà con trong làng. Kể từ đó, làng Văn Lâm có thêm nghề thêu rua, tạo bước chuyển cho làng nghề. Với đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của những nghệ nhân, nghề thêu ren rua Văn Lâm mau chóng phát triển và trở thành một trong những làng nghề làm ren đẹp nổi tiếng Việt Nam.
Trải qua quá trình lịch sử, làng nghề có lúc thăng trầm nhưng người dân Văn Lâm vẫn bền bỉ giữ gìn và phát triển nghề truyền thống, đặc biệt phát triển mạnh mẽ từ năm 1964 đến năm 2000 với nhiều mô hình sản xuất như hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp, hộ cá thể... Khi hòa bình lập lại, người thợ ở làng Văn Lâm được giao phụ trách những vai trò quan trọng trong việc tổ chức sản xuất những sản phẩm thêu tiêu biểu của làng nghề phục vụ xuất khẩu. Ngày nay, trước sự phát triển mạnh của nền kinh tế thị trường, làng thêu Văn Lâm luôn chủ động đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu khách hàng, giúp làng nghề ngày càng phát triển, mang lại giá trị kinh tế và việc làm cho người dân.
Với bề dày truyền thống văn hóa lịch sử, các nghệ nhân, thợ giỏi của làng nghề đã thổi hồn vào các tác phẩm thêu tay truyền thống, đưa sản phẩm có mặt trên hầu hết thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Các nghệ nhân đã không ngừng phát huy sáng tạo, làm ra nhiều sản phẩm thêu ren mang vẻ đẹp độc đáo, thanh nhã. Từ những chiếc kim sợi chỉ mảnh mai, cùng những miếng vải rộng, hẹp đủ mọi màu sắc, bằng sự cần cù khéo léo của đôi tay, các nghệ nhân, thợ giỏi làng nghề tạo nên những sản phẩm vừa tinh xảo, mềm mại, thanh tú, vừa sống động, mịn màng như những nét vẽ. Mỗi sản phẩm, từng đường kim, mũi chỉ là sự gửi gắm tình cảm, tâm huyết với nghề của người thợ thêu. Các họa tiết được thể hiện thường là những cây cỏ, con vật đẹp, quý hiếm như tùng, trúc, cúc, mai, ong, bướm,... cùng cảnh dân dã như đàn gà, vịt, lợn, bò; người làm đồng, đánh cá, dệt vải; cây đa, bến nước, con thuyền, danh lam thắng cảnh đất nước.
Mỗi tác phẩm đều mang đậm tính nhân văn thể hiện hồn quê, khơi dậy ở người xem sản phẩm tình yêu đối với non sông gấm vóc. Các sản phẩm thêu điển hình của làng thêu Văn lâm được khách hàng ưa thích hiện nay là: túi sách lụa, khăn lụa, chăn ga gối, tranh thêu Cố đô Hoa Lư, Tam Cốc (mỏ đại bàng), Nhà thờ đá Phát Diệm, chăn thêu hình hoa sen, túi xách thêu phong cảnh Ninh Bình...
Nét đặc sắc chỉ có ở làng thêu ren Văn Lâm đó là kỹ thuật thêu đơn sắc, thậm chí là chỉ dùng chỉ màu trắng. Người thợ không dùng màu sắc tạo nên nét sinh động của bản thêu, mà sử dụng chính sự đơn sắc của vải, của chỉ làm nổi bật sự khéo léo của người thợ và nét tinh xảo của tác phẩm. Đặc điểm của nghệ thuật thêu ren Văn Lâm là sử dụng công cụ thô sơ, nhưng lại đòi hỏi sự tỉ mỉ cao của người thợ trong trong từng chi tiết. Nếu các tác phẩm thêu thông thường quan trọng ở khâu châm nét, giữ mũi thêu cho đều thì thêu bằng chỉ trắng đòi hỏi người thợ phải khéo léo bởi nếu đường thêu thô xấu sẽ dễ bị lộ. Người thợ thêu phải tỉ mỉ trong từng đường kim mũi chỉ để thổi hồn vào sản phẩm, qua đó gửi gắm tình cảm, tâm huyết với nghề. Với nhiều thế hệ nghệ nhân tài hoa, làng nghề thêu ren đã truyền lại những kỹ thuật và bí quyết gia truyền từ cha ông, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp với đường nét tinh xảo.
Hướng đi mới cho nghề thêu truyền thống
Năm 2024, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công bố các Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có nghề thủ công truyền thống - nghề thêu ren Văn Lâm. Đây là sự ghi nhận, đánh giá cao về giá trị, bề dày lịch sử, nét độc đáo riêng có của nghề thêu ren vùng đất gắn liền với di sản Tràng An. Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho việc bảo tồn và phát triển nghề thêu truyền thống Văn Lâm.
Sự đơn giản mà tinh tế trong từng đường thêu, cùng với những gam màu sáng, nhẹ nhàng hoặc đơn sắc nên các sản phẩm thêu ren Văn Lâm rất phù hợp với thị hiếu công chúng và được khách nước ngoài yêu thích. Từ lâu, các sản phẩm như tranh phong cảnh, chăn, ga, khăn trải bàn, túi sách, khăn lụa,… của làng thêu ren Văn Lâm đã xuất khẩu được sang những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và thẩm mỹ như: Mỹ, Nhật Bản, Anh, Tây Ban Nha, Italia, Hàn Quốc...
Nằm tại trung tâm khu du lịch Tam Cốc - Bích Động - nơi có lượng khách tham quan lớn - làng nghề thêu truyền thống Văn Lâm có nhiều thuận lợi trong việc duy trì và phát triển nghề thêu, tạo nguồn thu về du lịch, dịch vụ và thay đổi cơ cấu lao động địa phương. Hằng năm, khu du lịch Tam Cốc - Bích Động đón hàng vạn lượt khách đến tham quan, rất thuận lợi để Văn Lâm phát triển du lịch làng nghề. Làng đã có loại hình du lịch làng nghề, du khách có thể lưu trú dài ngày tại các hộ dân và được trực tiếp làm nghề, tìm hiểu những nét tinh tế trong khâu chế tác hoặc khám phá truyền thống văn hóa được chuyển tải qua từng tác phẩm... Tuy nhiên sự phát triển về du lịch làng nghề vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của làng, số lượng khách tham gia vào hoạt động du lịch làng nghề mới chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, dưới 10% tổng số lượng khách đến Tam Cốc - Bích Động, phần lớn là khách quốc tế.
Trước thực tế trên, Hiệp hội Du lịch tỉnh Ninh Bình tổ chức nhiều đoàn gồm các công ty lữ hành trong nước, quốc tế, các nhà nghiên cứu chuyên sâu về du lịch làng nghề tới tham quan, khảo sát, đánh giá. Trên cơ sở đó sẽ có giải pháp cụ thể, sát với thực tế để xây dựng tour, tuyến hợp lý, thúc đẩy phát triển du lịch làng nghề, qua đó góp phần hỗ trợ Văn Lâm thực hiện phương châm “ly nông bất ly hương”, để người dân Văn Lâm phát triển nghề thêu kết hợp với phục vụ du lịch ngay trên quê hương mình.
Tỉnh Ninh Bình cũng triển khai nhiều giải pháp nhằm giữ gìn và bảo tồn các làng nghề truyền thống tại địa phương, trong đó có việc triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Qua tham gia chương trình OCOP, các sản phẩm của làng thêu ren Văn Lâm có cơ hội được trưng bày trong các lễ hội lớn, các sự kiện du lịch lớn của tỉnh, được hỗ trợ tham gia các hội chợ triển lãm, quảng bá sản phẩm trong và ngoài nước; góp phần quảng bá thương hiệu thêu ren Văn Lâm tới nhiều khách hàng trong và ngoài nước…
Trong năm 2023, tổng giá trị sản xuất của làng thêu Văn Lâm ước đạt 70 tỷ đồng, thu nhập trung bình của lao động tham gia các làng nghề đạt khoảng 60 triệu đồng/năm. Làng làng thêu Văn Lâm có sản phẩm được đăng ký thương hiệu, có sản phẩm OCOP đạt 4 sao.
Tâm huyết giữ lửa nghề thêu
Để có một bức tranh đẹp, người thợ phải trải qua rất nhiều công đoạn từ vẽ mẫu trên nền vải rồi sang kiểu, lựa chọn màu chỉ, thực hành các kỹ thuật thêu tay. Mỗi công đoạn đều phải làm hết sức tỉ mỉ. Có được sản phẩm đẹp mắt, người thợ thêu phải thuần thục các kỹ thuật thêu. Chính vì thế, thợ thêu không chỉ có đôi bàn tay khéo mà còn phải có trí tưởng tượng phong phú và khả năng thẩm mỹ tốt.
Cũng chính vì những yêu cầu kỹ thuật tỉ mỉ, tốn thời gian và công sức, việc duy trì và phát triển nghề thêu truyền thống gặp khó khăn không nhỏ bởi thiếu đội ngũ lao động kế cận lành nghề. Ở thôn Văn Lâm hiện nay, những người biết thêu còn nhiều, nhưng những người theo nghề thì đang ít dần, nguyên nhân chính là bởi nghề thêu chưa thể bảo đảm thu nhập phục vụ sinh hoạt của người dân. Ninh Bình là tỉnh đang phát triển nóng về du lịch, bởi vậy sự cạnh tranh lao động giữa các làng nghề thủ công với ngành dịch vụ những năm gần đây diễn ra gay gắt. Không chỉ Văn Lâm, nhiều làng nghề khác cũng mất dần thợ giỏi, thợ truyền thống bởi giá nhân công không đủ thu hút. Đây thực sự là bài toán khó giải với những người đang trăn trở giữ lửa nghề cho thôn làng.
Nhận thức được điều đó, chính quyền địa phương và các nghệ nhân ưu tú đã tích cực vào cuộc động viên, khuyến khích đội ngũ thợ trẻ vượt khó giữ lửa nghề, đồng thời nâng cao tay nghề, cải tiến kỹ thuật thêu đáp ứng thị hiếu mới của thị trường. Theo đó, các nghệ nhân thêu Văn Lâm luôn tập trung nguồn lực, đặc biệt là đội ngũ nghệ nhân có công ty riêng, xưởng thêu riêng luôn chú trọng việc đào tạo tay nghề cho lớp thợ thêu tay mới. Đây được xem là những cái nôi rèn giũa đội ngũ thợ chất lượng cao cho làng nghề, tạo việc làm cho nhiều lao động.
Hiện nay, thị trường tiêu thụ thêu truyền thống có phần chững lại, việc tìm hướng đi mới là cách để giữ nghề truyền thống là trăn trở hằng ngày của nghệ nhân thêu. Người thợ làm nghề thêu không chỉ cần đáp ứng được yêu cầu về kỹ năng, thẩm mỹ, tính sáng tạo mà phải có tư duy bắt kịp nhu cầu của thị trường. Để nghề thêu truyền thống thực sự sống và phát triển phải bảo lưu những tinh túy hồn Việt của sản phẩm, phù hợp với thị hiếu đời sống hiện đại của người tiêu dùng, có như vậy mới tạo ra lợi ích kinh tế, lợi thế cạnh tranh để duy trì, phát triển.
Bên cạnh đó, để giữ lửa làng nghề, những người thợ thêu phải luôn sáng tạo, tự đổi mới mẫu mã sản phẩm, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Ngoài ra, việc nâng cao chất lượng sản phẩm là khâu rất quan trọng để khẳng định thương hiệu làng nghề đủ sức cạnh tranh với các mặt hàng thêu của các làng thêu truyền thống khác.
Mặc dù còn nhiều khó khăn trong việc giữ gìn và phát triển nghề, nhưng làng nghề thêu ren Văn Lâm vẫn luôn không ngừng tìm những hướng đi mới để giữ lửa cho nghề. Những người nghệ nhân vẫn cần mẫn ngày đêm để cho ra đời những tác phẩm đặc biệt, để đưa nghề thêu truyền thống của cha ông đến được với nhiều thế hệ trẻ./.
Phát huy giá trị văn hóa làng nghề giấy dó truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội: Những thách thức cần giải quyết  (16/11/2024)
Huyện Kim Sơn phát huy vai trò của đồng bào các tôn giáo trong xây dựng nông thôn mới  (16/11/2024)
Mô hình phát triển du lịch xanh tỉnh Ninh Bình  (15/11/2024)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay