Tạp chí Cộng sản - kiên định và sáng tạo trên nền tảng truyền thống vẻ vang 90 năm, xứng đáng là ngọn cờ tư tưởng, lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam

PGS, TS. Đoàn Minh Huấn
Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản
13:43, ngày 01-08-2020

TCCS - Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930) đã quyết định xuất bản một tạp chí lý luận chính trị chung cho toàn Đảng và ba tờ báo tuyên truyền cho ba xứ (Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ)(1). Thực hiện chủ trương đó, chỉ mấy tháng sau khi Đảng ra đời, vào giữa lúc cao trào cách mạng 1930  - 1931 diễn ra sôi động, Trung ương Đảng đã xuất bản Tạp chí Đỏ, do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập và làm Chủ nhiệm đầu tiên.

Kỷ niệm 90 năm Ngày Tạp chí Cộng sản xuất bản số đầu tiên (5-8-1930 - 5-8-2020) _Đồ họa: Vũ Trung Duy

Từ đó đến nay, trải qua các thời kỳ cách mạng, với nhiều hoàn cảnh khác nhau, tạp chí lý luận chính trị nối tiếp nhau được xuất bản, trở thành một bộ phận nòng cốt trong công tác tư tưởng, lý luận của Đảng. Từ năm 1930 đến năm 1945, sau Tạp chí Đỏ là Tạp chí Cộng sản (1930), Tạp chí Bôn-sơ-vic, rồi đến Tạp chí Cộng sản (1941, 1943). Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Tạp chí có tên là Sinh hoạt nội bộ (1947 - 1950) và Tạp chí Cộng sản (1950). Hòa bình lập lại trên miền Bắc, Tạp chí Học tập ra đời tháng 12-1955 và xuất bản đều kỳ hằng tháng. Ở miền Nam, trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Trung ương Cục miền Nam đã cho xuất bản Tạp chí Nghiên cứu và trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cho xuất bản Tạp chí Tiền phong. Từ ngày 5-1-1977, Tạp chí Học tập được đổi tên thành Tạp chí Cộng sản và tiếp tục ra đều kỳ hằng tháng. Từ ngày 3-2-2002, Tạp chí Cộng sản điện tử chính thức phát trên nền tảng kỹ thuật số xuyên biên giới của mạng in-tơ-nét; từ ngày 1-1-2007, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản cho xuất bản chuyên san Hồ sơ sự kiện.

Suốt tiến trình cách mạng 90 năm qua, kể từ khi xuất bản số đầu tiên cho đến hiện nay, Tạp chí luôn là ngọn cờ lý luận chính trị, là “vũ khí hạng nặng” trong công tác tư tưởng, lý luận của Đảng. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư rất quan tâm, thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo công tác Tạp chí; ban hành các chỉ thị, quyết định để định hướng hoạt động, nâng cao chất lượng Tạp chí phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng từng giai đoạn. Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Bộ Chính trị đã có Quyết định số 199-QĐ/TW, ngày 31-7-2019, về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Tạp chí Cộng sản; đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước có nhiều ý kiến chỉ đạo quan trọng, quý báu đối với công tác tạp chí. Phát huy truyền thống vẻ vang 90 năm, thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo đó, Ban Biên tập và toàn thể cán bộ, biên tập viên, nhân viên Tạp chí Cộng sản tập trung vào các định hướng công tác cơ bản sau đây:

1- Nắm vững tính chất tạp chí lý luận chính trị - cơ sở bảo đảm cho Tạp chí Cộng sản luôn giữ vững tôn chỉ, mục đích hoạt động, mãi mãi xứng đáng là ngọn cờ lý luận chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Lý luận chính trị được phân biệt với lý luận học thuật phản ánh nhu cầu nhận thức của cá nhân (hoặc trường phái) hoặc lý luận ngành phản ánh một phân hệ - lĩnh vực cụ thể của đời sống. Tính chất lý luận chính trị quy định phương hướng, nhiệm vụ nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục lý luận của tạp chí xuất phát từ mục tiêu chính trị, phục vụ cho nhiệm vụ chính trị của Đảng. Nói cách khác, chính thực tiễn đề ra phương hướng cho nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị, được Đảng tổng kết thành những nhiệm vụ cụ thể cho công tác tạp chí, đến lượt nó, kết quả nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục lý luận quay trở lại cải tạo thực tiễn. Lý luận chính trị không đặt ra nhu cầu trả lời các câu hỏi nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục của từng cá nhân, của các trường phái học thuật, mà giải đáp những vấn đề nhận thức lý luận của đảng cầm quyền, sâu xa là những bài toán thực tiễn đòi hỏi sự can thiệp đúng đắn, kịp thời của công tác lý luận. Sai lầm của nhận thức học thuật chỉ ảnh hưởng đến hiểu biết và hành vi của cá nhân hoặc nhóm người thuộc trường phái học thuật ấy. Còn sai lầm của nhận thức lý luận chính trị để lại những hậu quả khôn lường về mặt thực tiễn, bởi lý luận chính trị không chỉ dừng lại ở nhận thức, mà tính hướng đích của nó là cải tạo thực tiễn, thông qua thể chế hóa về mặt nhà nước và tuyên truyền, giáo dục để thực hiện trên quy mô toàn xã hội. Điều đó khiến cho lý luận chính trị luôn phải thận trọng, chắc chắn, lấy thực tiễn làm thước đo cho mọi nhận xét, kết luận, tuyên truyền, giáo dục, tránh chủ quan duy ý chí, để phòng ngừa các khả năng sai lầm.

Cương lĩnh, nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc và chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư là căn cứ quan trọng bậc nhất cho xây dựng kế hoạch nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, biên tập, xuất bản tuyên truyền của Tạp chí. Tính chất lý luận chính trị đòi hỏi mỗi công trình nghiên cứu không được sa đà vào các trường phái học thuật, cũng không lấn sân vào những vấn đề quá chi ly, cụ thể của từng ngành/lĩnh vực. Đánh giá các trường phái học thuật cũng phải được phân tích, mổ xẻ, xem xét bằng thế giới quan, phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng, duy vật lịch sử, dựa vào quan điểm, đường lối của Đảng. Những vấn đề lý luận ngành có ý nghĩa vượt lên tính chất ngành cần phải nghiên cứu, tổng kết, tiếp cận dưới góc độ lý luận chính trị. Những vấn đề của địa phương, cơ quan, đơn vị rất phong phú, đa dạng phải được chú trọng tổng kết, nhất là những mô hình mới, cách làm hay để rút ra những bài học có tính khái quát tầm lý luận.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gắn Huân chương Hồ Chí Minh lên lá cờ truyền thống của Tạp chí Cộng sản tại Lễ kỷ niệm 85 năm Ngày Tạp chí Cộng sản xuất bản số đầu tiên và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai, ngày 5-8-2015 _Ảnh: Lưu trữ TCCS

Lý luận chính trị, tự nó đòi hỏi phải phục tùng chính trị, nhưng khi tiến hành thao tác nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục với tư cách là một hoạt động đặc thù của lĩnh vực tư duy con người thì nó lại có tính độc lập tương đối, nhất là phương pháp nghiên cứu, vận dụng các quy luật truyền thông. Chỉ bằng phương pháp nghiên cứu khoa học thì mới có thể đưa đến kết quả nghiên cứu khách quan, tiếp cận chân lý khoa học, cung cấp luận cứ sắc bén, thuyết phục cho chính trị. Dựa vào căn cứ lý luận đó mà chính trị đề ra các nhiệm vụ một cách sát hợp với thực tiễn, phù hợp với quy luật khách quan, hài hòa hóa các quan hệ lợi ích, tận dụng cơ hội, biến thách thức thành cơ hội, phát huy tối đa các nguồn lực, giảm thiểu tổn thất, rút ngắn các quá trình phát triển. Rút ra các kết luận khách quan, khoa học là nhiệm vụ của những người làm công tác lý luận, nhưng công bố, tuyên truyền, giáo dục kết quả nghiên cứu như thế nào, thời điểm nào, phạm vi ra sao,... lại bị chế định bởi quan điểm chính trị, nếu công bố, tuyên truyền đó chưa có lợi cho cách mạng. Có những kết quả nghiên cứu lý luận chính trị đồ sộ với hàng trăm, hàng ngàn trang, nhưng không thể in ấn, xuất bản như các công trình nghiên cứu cơ bản, mà chỉ có thể chắt lọc thành những báo cáo kiến nghị gửi đến các cơ quan lãnh đạo Đảng. Đó cũng là thiệt thòi của những người làm công tác lý luận chính trị, nhất là trong điều kiện thành tích khoa học ngày càng đề cao các kết quả nghiên cứu công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín.

Tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị đòi hỏi phải tuân thủ nghiêm ngặt tính đảng. Biên tập viên của Tạp chí Cộng sản phải luôn nhạy bén về chính trị khi thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị; biết chọn lọc nội dung nào tuyên truyền trên tạp chí, còn nội dung nào để các báo, tạp chí khác thông tin sẽ phù hợp hơn; biết thời điểm nào thì đưa các vấn đề lên mặt tạp chí bảo đảm hiệu quả tuyên truyền, nếu sớm hơn sẽ thiếu độ chín cần thiết, nếu chậm sẽ mất đi ý nghĩa hiệu ứng truyền thông. Các tờ báo khác bao giờ cũng xem giá trị của thông tin ở tính thời sự, cập nhật tình hình, nhưng người làm tạp chí lý luận chính trị lại đòi hỏi sự trầm tĩnh, tỉnh táo, sâu lắng trước mọi sự kiện khi đưa ra các phân tích, bình luận, đánh giá. Tính hiệu quả tuyên truyền đòi hỏi phải nắm bắt và vận dụng tốt các quy luật truyền thông, ngày nay gồm cả ứng dụng phương tiện kỹ thuật số.

Nghiên cứu - trao đổi trên Tạp chí Cộng sản không giống như tranh luận giữa các trường phái lý luận học thuật, mà có mục đích thu hẹp và đi đến thống nhất nhận thức trước những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, để cung cấp luận cứ cho các cơ quan lãnh đạo Đảng đưa ra quyết định đúng đắn, sáng suốt, phù hợp với quy luật khách quan. Khi đã ban hành nghị quyết, các bài nghiên cứu - trao đổi trên tạp chí lý luận chính trị có mục đích làm sáng rõ hơn các quan điểm, chủ trương đã ban hành, tạo thống nhất nhận thức trong toàn Đảng và đồng thuận xã hội để tổ chức thực hiện thành công. Đó không hẳn là “nghiên cứu thuyết minh” mà phải trình bày quan điểm, đường lối một cách có lý lẽ, thuyết phục, bởi mỗi quan điểm, đường lối trước khi ban hành đều dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn chắc chắn, được nghiên cứu công phu, khảo sát thấu đáo, thảo luận kỹ lưỡng, được đa số thông qua. Qua trao đổi trên Tạp chí còn góp phần tìm kiếm cách thức tổ chức thực hiện nghị quyết hiệu quả.

2- Bám sát chức năng, nhiệm vụ của Tạp chí Cộng sản trong thời kỳ mới để tiến hành đổi mới công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, nghiên cứu khoa học; nâng cao tính thuyết phục, tính hiệu quả tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị; chủ động và tích cực đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Hoạt động tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận có vai trò trực tiếp trong nâng cao trình độ của cán bộ, nhất là chất lượng nghiên cứu, viết bài và biên tập. Trong điều kiện mới cần đề cao hoạt động tổng kết thực tiễn để làm cho lý luận luôn xuất phát từ thực tiễn, phòng ngừa và khắc phục mọi biểu hiện chủ quan duy ý chí trong nghiên cứu lý luận. Hoạt động tổng kết thực tiễn không chỉ được phản ánh trong kế hoạch biên tập, cơ cấu bài xuất bản, mà phải xây dựng thành chương trình tổng kết thực tiễn bài bản ở mỗi nhiệm kỳ đại hội. Chương trình tổng kết thực tiễn phải có khả năng bao quát toàn bộ các ngành/lĩnh vực, địa bàn xuất hiện những mô hình mới, cách làm sáng tạo; dùng lý luận phân tích, mổ xẻ từng trường hợp để khám phá quy luật, xu hướng vận động các mô hình trong thực tiễn; lấy thực tiễn để kiểm chứng lý luận, thấy đâu là khả năng vượt trước dẫn đường của lý luận, ở đâu lý luận có độ trễ bị thực tiễn vượt qua, phải được bổ sung, phát triển. Kế hoạch đi thực tế của các đơn vị phải có sự chuẩn bị bài bản về mặt lý luận, khung lý thuyết, tư liệu thứ cấp; thị sát phải đến tận hiện trường, phân tích tình hình bằng nhãn quan khoa học, nhất là nắm bắt ý kiến của cán bộ, đảng viên và người dân, tránh tình trạng chỉ nghe báo cáo hành chính một chiều hoặc “cưỡi ngựa xem hoa”. Mỗi chuyến đi khảo sát thực tế phải có sản phẩm cụ thể mà ở đó phải trả lời được câu hỏi mục đích khảo sát để làm gì, chủ đề trọng tâm ra sao, lấy lý thuyết gì để phân tích đối tượng cần khảo sát, kết quả thu nhận được từ khảo sát thực tiễn bổ sung gì cho lý luận?... Cần khắc phục tình trạng “báo cáo hóa” tạp chí, tức chỉ dựa trên báo cáo hành chính để “nhào nặn” nên những bài viết khô khan, vô hồn mà thiếu lý lẽ, thiếu tính sinh động của đời sống hiện thực gắn với sự kiện, địa danh, cộng đồng, con người, hoạt động cụ thể. Dạng bài tổng kết thực tiễn không chỉ cuốn hút người đọc ở khả năng phản ánh sinh động, chân thực cuộc sống, mà còn ở khả năng khái quát thành kinh nghiệm, bài học, cao hơn là quy luật, lấy lý luận soi rọi, phân tích thực tiễn, nhờ đó mà nâng cao sức thuyết phục của mỗi luận điểm, nhận xét, lập luận.

Tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị là chức năng thiên khải của Tạp chí Cộng sản gắn với yêu cầu nâng cao tính thuyết phục, tính chiến đấu, tính hiệu quả của nhiệm vụ tuyên truyền. Tính thuyết phục không chỉ ở “nghệ thuật của ngôn từ”, mà cơ bản là tạo niềm tin cho người đọc trước mỗi vấn đề cần chuyển tải, truyền thông. Không thể thuyết phục được người đọc nếu chính người viết chưa thuyết phục được bản thân mình. Vì vậy, người viết phải có một niềm tin mãnh liệt vào mục tiêu, lý tưởng của Đảng; phải dày công đầu tư cho mỗi tác phẩm báo chí bằng tất cả tình cảm và trách nhiệm, tâm lực và trí lực. Mỗi bài báo phải là sự kết tinh của thành quả lao động miệt mài và sáng tạo nghệ thuật, dù đó là bài viết của mình hay biên tập bài cho cộng tác viên. Khả năng thuyết phục của bài báo được phản ánh bởi chiều sâu của nguồn tư liệu tin cậy, thông tin trung thực, lập luận chắc chắn, lý lẽ sắc bén, mà kể cả những người thiếu thiện cảm cũng khó bác bỏ. Thực tiễn rất phong phú, sinh động mà ở đó hằng ngày, hằng giờ luôn xuất hiện cuộc đấu tranh giữa cái mới tiến bộ và cái cũ lạc hậu, diễn ra ở mọi ngành, mọi cấp, mọi địa bàn, mọi tầng lớp xã hội, là địa chỉ cần đến của người cầm bút để tìm tòi, khám phá. Tính hiệu quả của tuyên truyền, giáo dục đặt ra yêu cầu lựa chọn cách viết, cách trình bày sao cho dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, tránh lối “tư biện” sáo rỗng.

Đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là một nhiệm vụ trọng yếu của Tạp chí Cộng sản. Từ khi ra đời đến nay, Đảng ta luôn đối mặt với sự chống phá của các thế lực thù địch và cơ hội chính trị, từ chống phá nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương đến công tác tổ chức và cán bộ. Ngày nay, lợi dụng các nền tảng kỹ thuật số xuyên biên giới, mạng xã hội, các thế lực thù địch càng ráo riết, tăng cường hoạt động chống phá nền tảng tư tưởng, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch phải được coi trọng và tăng cường hơn bao giờ hết. Khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, Liên Xô rơi vào khủng hoảng rồi sụp đổ, chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh bị tấn công từ nhiều phía, Tạp chí Cộng sản luôn có những bài viết sắc sảo đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ lẽ phải, đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, bôi nhọ của các thế lực thù địch. Từ năm 2019, Tạp chí đã mở và duy trì đều đặn chuyên mục “Đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch”. Thông qua cuộc đấu tranh này, Tạp chí Cộng sản đã tập hợp được đông đảo cộng tác viên tham gia, chất lượng bài viết ngày càng được nâng cao, tính chiến đấu được tăng cường. Thể loại bài bút chiến, đấu tranh tư tưởng, lý luận rất khó, đòi hỏi người viết không chỉ hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn, hoạt động của các thế lực thù địch, mà còn phải có ngòi bút sắc bén để đập tan từng luận điểm, bóc trần từng thủ đoạn, bảo vệ Đảng một cách thuyết phục. Trong điều kiện mới, các thế lực thù địch tìm mọi cách “tác động chuyển hóa”, kích động “tự diễn biến” trong nội bộ ta để thúc đẩy “diễn biến hòa bình”; do đó, cuộc đấu tranh trên địa hạt tư tưởng, lý luận diễn ra phức tạp hơn. Phải cô lập cao độ những đối tượng phản động, phần tử cơ hội chính trị công khai chống đối; đối thoại, trao đổi với những người có nhận thức lệch lạc để uốn nắn nhận thức, tránh để lún sâu vào sai lầm; tranh thủ, tập hợp lực lượng tiến bộ rộng rãi vào cuộc đấu tranh; rèn luyện bản lĩnh, tính chiến đấu của những người cầm bút trên trận địa tư tưởng, lý luận.

Hoạt động nghiên cứu khoa học của Tạp chí Cộng sản ngày càng được nâng tầm với vị thế là cơ quan lý luận chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Bản thân công tác biên tập, xuất bản các ấn phẩm của Tạp chí Cộng sản không thuần túy là hoạt động báo chí, mà phải dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học bài bản, công phu. Không có hoạt động khoa học làm bệ đỡ, biên tập viên chỉ dừng lại ở nghiệp vụ báo chí, “biên tập văn học” thuần túy, khó có thể viết các bài chuyên luận chuyên sâu, rất hạn chế cho biên tập nâng cao hàm lượng lý luận cho bài viết của cộng tác viên. Tạp chí Cộng sản phấn đấu từ năm 2021 sẽ xuất bản ấn phẩm chuyên đề chuyên sâu, càng đòi hỏi hoạt động nghiên cứu khoa học phải được đẩy mạnh và tổ chức chuyên nghiệp. Nghiên cứu đề tài khoa học được thiết kế thành chương trình dài hạn, tiến hành có trọng tâm, trọng điểm, huy động, tập hợp chuyên gia rộng rãi để tập trung làm sáng rõ những vấn đề mà thực tiễn đang đặt ra cần câu trả lời từ cơ quan lý luận. Hội thảo, tọa đàm phải lựa chọn được những chủ đề đúng tầm vóc lý luận chính trị, những vấn đề mà giữa lý luận và thực tiễn còn có khoảng cách. Trước mỗi kỳ đại hội Đảng, hội nghị Trung ương, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, Tạp chí có thể tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học, đưa các ý kiến đó đăng tải để rộng đường thảo luận. Trong những năm mới tiến hành công cuộc đổi mới, khi chính sách khoán theo Chỉ thị 100 của Ban Bí thư (năm 1981) đã gặp trần giới hạn, cản trở sức sản xuất của nông dân, Tạp chí đã mở các cuộc thảo luận trao đổi rộng rãi với sự tham gia của giới nghiên cứu, các nhà lãnh đạo, quản lý, dần đi đến thu hẹp các ý kiến khác nhau và đề xuất đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp. Năm 1988, khi lạm phát phi mã, gây bất ổn kinh tế vĩ mô và toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội, Tạp chí Cộng sản đã phối hợp cùng Ban Kinh tế Trung ương tổ chức hội thảo quốc gia có tiếng vang lớn, tạo không gian tranh luận các ý kiến khác nhau, rồi đưa ra kiến nghị, đề xuất các phương án chống lạm phát. Đầu thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, khi biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ diễn ra phức tạp, Tạp chí Cộng sản đã phối hợp cùng Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương và Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng tổ chức hội thảo để nhận diện vấn đề, thống nhất khái niệm “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” - một vấn đề mới xuất hiện trong nội bộ Đảng - rồi đưa ra các kiến nghị, đề xuất giải pháp đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi. Hoạt động khoa học không nên sa đà vào nghiên cứu cơ bản, mà phải liên thông chặt chẽ với công tác tuyên truyền, biên tập, xuất bản, làm cho mỗi bài viết thật sự là sản phẩm của nghiên cứu khoa học công phu, luôn bám sát thực tiễn, có sức soi rọi thực tiễn.

3- Đẩy mạnh thông tin đối ngoại những vấn đề lý luận chính trị, mở rộng hợp tác quốc tế về trao đổi lý luận và nghiệp vụ truyền thông, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các viện nghiên cứu, trường đại học, cơ quan báo chí... để nâng cao hơn hiệu quả nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị.

Nhiệm vụ thông tin đối ngoại những vấn đề lý luận chính trị đã được Bộ Chính trị xác định rõ trong Quyết định số 199-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ của Tạp chí Cộng sản. Trong thời đại kỹ thuật số, Tạp chí Cộng sản điện tử được nâng cấp, phát huy tính tiện ích của nó mà tạp chí in không có được để đẩy mạnh thông tin đối ngoại. Những năm qua, Tạp chí Cộng sản đã đổi mới phiên bản điện tử, giao diện, hình thức trình bày, nâng cao chất lượng bài viết trên các chuyên mục, nhờ vậy đã đạt lượng người đọc khoảng 100.000 người/ngày, trong đó có tỷ lệ không nhỏ người Việt Nam ở nước ngoài và bạn đọc quốc tế. Các trang điện tử tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Lào đóng góp tích cực vào thông tin đối ngoại. Phấn đấu năm 2021 sẽ mở trang tiếng Tây Ban Nha để tăng cường thông tin đối ngoại đối với khu vực sử dụng tiếng Tây Ban Nha. Tiếp tục cung cấp bài viết bằng tiếng Anh để phát trên SolidNet - trang thông tin điện tử của các đảng cộng sản và công nhân quốc tế có trụ sở tại Hy Lạp. Không ngừng nâng cao chất lượng biên dịch để nâng cao hơn hiệu quả tuyên truyền, thông tin đối ngoại những vấn đề lý luận chính trị.

Tiếp tục mở rộng, tăng cường và nâng cao hiệu quả hợp tác với Tạp chí Alunmay của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, mở rộng hợp tác với các cơ quan nghiên cứu lý luận, tổ chức tư vấn chính sách, chiến lược (Think tank), báo chí của các đảng cộng sản cầm quyền và không cầm quyền, các đảng cầm quyền trên thế giới... để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm công tác. Tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ Tạp chí Alunmay xây dựng phiên bản tạp chí điện tử gắn với đào tạo, tập huấn đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên vận hành thông thạo; thường xuyên trao đổi các đoàn thăm, chia sẻ kinh nghiệm công tác, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ.

Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, tỉnh/thành ủy, tổ chức đảng để tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị, hướng dẫn mua, đọc và sử dụng có hiệu quả Tạp chí Cộng sản. Thực hiện tốt các chương trình phối hợp công tác đã ký kết giữa Tạp chí Cộng sản với các bộ, ngành, tỉnh/thành ủy; tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện trong 5 năm vừa qua để tiếp tục nâng cao hơn hiệu quả phối hợp tổng kết thực tiễn, tuyên truyền trong nhiệm kỳ tới. Trên cơ sở chương trình phối hợp công tác đã ký kết, khi các tổ chức đảng, bộ/ngành, địa phương diễn ra các sự kiện lớn cần tư vấn, tham gia ý kiến, nhất là chuẩn bị văn kiện đại hội, các nghị quyết chuyên đề, hội thảo khoa học,... Tạp chí cần chủ động, tích cực tham dự bằng trách nhiệm cao nhất, qua đó còn giúp nâng cao năng lực tổng kết thực tiễn cho cán bộ, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận với thực tiễn. Nâng cao chất lượng các hội thảo khoa học do Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản và tỉnh/thành ủy, bộ/ngành đồng tổ chức; lựa chọn chủ đề thiết thực, nhất là những vấn đề thực tiễn đặt ra cấp bách cần làm rõ về mặt nhận thức lý luận. Kết quả hội thảo phải tạo được ảnh hưởng lan tỏa sâu rộng, góp phần thay đổi nhận thức và can thiệp chính sách. Một trong những nội dung rất quan trọng cần phối hợp chặt chẽ giữa Tạp chí Cộng sản và các bộ/ngành, tỉnh/thành ủy trong thời gian tới là hướng dẫn thực hiện tốt việc mua, đọc và sử dụng Tạp chí Cộng sản. Cần xây dựng, quảng bá, nhân rộng các mô hình tiêu biểu về mua, đọc, sử dụng Tạp chí Cộng sản phục vụ công tác nghiên cứu, tham mưu, tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị. Tăng cường sự gắn kết, liên thông giữa hoạt động biên tập, xuất bản, phát hành với mua, đọc, sử dụng Tạp chí Cộng sản để nâng cao sức lan tỏa giá trị của mỗi bài báo trong đời sống hiện thực. Cùng với tăng cường hợp tác với các tổ chức đảng là mở rộng hợp tác với Hội đồng lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các viện nghiên cứu, trường đại học để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, xây dựng mạng lưới cộng tác viên đa dạng, linh hoạt. Công tác nghiên cứu khoa học càng được đẩy tới, càng phải tăng cường hợp tác với các cơ quan nghiên cứu, trường đại học dưới hình thức đồng tổ chức hội thảo khoa học, tổ chức các ấn phẩm và bài viết chuyên sâu. Đây cũng là nơi có đội ngũ chuyên gia, cán bộ nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lý luận có uy tín, cần mở rộng hợp tác dưới nhiều hình thức đa dạng để hình thành nên lực lượng cộng tác viên chiến lược, gắn bó, đồng hành cùng sự nghiệp lý luận của Tạp chí. Các cơ quan báo chí cùng với Tạp chí là những bộ phận hợp thành công cụ tuyên truyền của Đảng, Nhà nước, mà ở đó từng cơ quan đảm nhận những chức năng, nhiệm vụ riêng gắn với hình thức tuyên truyền cụ thể, có ưu thế riêng cần hợp tác, bổ sung cho nhau để tạo sức cộng hưởng trong truyền thông. Tăng cường và nâng cao hiệu quả hợp tác với các cơ quan báo chí bằng nhiều hình thức đa dạng như tổ chức giải báo chí, các chương trình truyền thông, sự kiện,... nhất là định hình cơ chế chia sẻ, sử dụng bài viết của Tạp chí Cộng sản làm tài liệu “nguồn” phục vụ cho sản xuất các chương trình, bài viết ở nhiều dạng khác nhau.

PGS, TS. Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản phát biểu tại Hội nghị cộng tác viên năm 2018 và trao giải báo chí nội bộ của Tạp chí Cộng sản - giải "Ngọn lửa" - lần thứ II _Ảnh: Lưu trữ TCCS

4- Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy, tích cực chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, coi trọng xây dựng đội ngũ cộng tác viên, đẩy mạnh áp dụng khoa học - công nghệ vào công tác quản lý và chuyên môn  - nghiệp vụ.

Trên cơ sở cơ cấu lại tổ chức bộ máy trong thời gian qua, Tạp chí Cộng sản tiếp tục hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc gắn với đổi mới quy trình biên tập, xuất bản, luân chuyển bản thảo để tăng cường trách nhiệm từng tổ chức và cá nhân theo phương châm “một đơn vị, một cá nhân có thể làm nhiều việc, nhưng một việc do một đầu mối chịu trách nhiệm”. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng mỗi ban chuyên môn, ban ấn phẩm, cơ quan thường trực thật sự là đơn vị cơ sở nền tảng, đủ số lượng cán bộ, đủ năng lực tổ chức sinh hoạt chuyên môn - nghiệp vụ, chủ trì hội thảo, tọa đàm khoa học, tổng kết thực tiễn, thực hiện vai trò đào tạo cán bộ tại nơi làm việc dưới hình thức kèm cặp. Vì vậy, sinh hoạt chuyên môn - nghiệp vụ phải trở thành chế độ định kỳ, thực hiện có nền nếp để rút kinh nghiệm sau khi xuất bản mỗi ấn phẩm, tổ chức hội thảo khoa học, đi thực tế... Quy trình biên tập, xuất bản, luân chuyển bản thảo tiếp tục được hoàn thiện để làm rõ trách nhiệm từng khâu, từng việc, khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, làm chậm tiến độ xuất bản.

Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, đồng bộ về cơ cấu, là nhiệm vụ có ý nghĩa quyết định cho cả trước mắt và lâu dài đối với sự nghiệp phát triển của Tạp chí Cộng sản. Trong điều kiện hẫng hụt về thế hệ, thiếu vắng những cây bút chủ lực có ảnh hưởng lớn, công tác cán bộ phải được đẩy mạnh hơn bao giờ hết, bảo đảm xây dựng được đội ngũ cán bộ xứng tầm trong nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, biên tập, tuyên truyền. Cán bộ Tạp chí Cộng sản phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, chuyên môn  - nghiệp vụ thành thạo, sâu sát thực tiễn. Muốn vậy, phải chuẩn hóa các mặt trình độ và kỹ năng, từ lý luận chính trị, chuyên môn - nghiệp vụ, ngoại ngữ đến công nghệ thông tin; từ kỹ năng nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn đến kỹ năng biên tập, sử dụng các phần mềm chuyên dụng. Ngay từ khâu tuyển dụng phải thu hút được những sinh viên xuất sắc các ngành lý luận cơ bản, cử đi đào tạo đúng chuyên ngành và đào tạo lý luận chính trị cơ bản, từng bước chuẩn hóa trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đối với các biên tập viên. Phát huy đầy đủ vai trò của hình thức đào tạo tại nơi làm việc dựa trên tăng cường sinh hoạt chuyên môn - nghiệp vụ, chế độ tập sự, bảo đảm mỗi người khi được bổ nhiệm làm trưởng, phó các đơn vị chuyên môn thật sự là “thủ lĩnh” về mặt chuyên môn, có khả năng lãnh đạo, dẫn dắt, hướng dẫn, kèm cặp cho cán bộ cấp dưới.

Xây dựng đội ngũ cộng tác viên chiến lược chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng, bảo đảm cho Tạp chí hoàn thành nhiệm vụ chính trị. Là cơ quan lý luận chính trị của Ban Chấp hành Trung ương, bài viết của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ/ban/ngành, của giới lý luận chiếm một số lượng lớn. Vì vậy, xây dựng quan hệ chặt chẽ với cộng tác viên có ý nghĩa quyết định đến chất lượng bài viết, thực hiện đúng kế hoạch biên tập. Tăng cường trách nhiệm của đội ngũ cộng tác viên bán chuyên trách gắn với hoạt động biên tập tại Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, nhằm giúp Ban Biên tập nâng cao chất lượng các bài viết. Củng cố quan hệ, đổi mới các hình thức tương tác giữa các đơn vị chuyên môn với các cộng tác viên chiến lược để giúp nắm rõ kế hoạch biên tập, nhu cầu công bố trên Tạp chí, liên thông với tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học để có những bài viết đúng trọng tâm, trọng điểm, nâng cao hiệu quả tuyên truyền. Chú trọng xây dựng đội ngũ cộng tác viên trẻ, được đào tạo từ nhiều nguồn khác nhau, nhằm bảo đảm tính kế thừa, đổi mới và phát triển các thế hệ cộng tác viên. Thường xuyên mở các hội nghị cộng tác viên theo chuyên đề nhằm trao đổi, chia sẻ thông tin, tương tác hai chiều để có những bài viết chất lượng cao, nâng cao hiệu quả tuyên truyền.

Đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học  - công nghệ vào công tác tổ chức biên tập, luân chuyển bản thảo, quản trị nội bộ, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin. Phải xây dựng được một hệ thống dữ liệu số phục vụ cho tra cứu nội bộ hoặc liên kết với các trung tâm dữ liệu, thư viện lớn trên cả nước để phục vụ có hiệu quả cho công tác nghiên cứu khoa học, biên tập. Đẩy nhanh xây dựng tòa soạn điện tử, không chỉ giúp biên tập viên có thể đi bất cứ đâu, thời gian nào vẫn có thể tác nghiệp thuận lợi, mà còn giúp minh bạch hóa trách nhiệm biên tập gắn với quy trình mà dấu vết để lại trên các phương tiện kỹ thuật số, nhờ đó đánh giá chính xác cán bộ, hạn chế tình trạng đùn đẩy trách nhiệm đối với những công việc liên quan đến nhiều bộ phận. Hiện đại hóa Tạp chí Cộng sản điện tử để tối ưu hóa hiệu quả tuyên truyền, nhất là thực hiện những chức năng mà ấn phẩm in gặp giới hạn như công bố những bài dữ liệu lớn, loại bài phát huy tính hữu dụng kỹ thuật số đa nền tảng (video, hình ảnh, âm thanh...) và thông tin đối ngoại. Nâng cấp phiên bản mới của hệ thống hành chính điện tử để tối ưu hóa hiệu quả quản lý, điều hành, vừa bảo đảm trình giải quyết công việc, hội họp, góp ý một cách công khai, minh bạch; vừa tiết kiệm chi phí, vừa rút ngắn thời gian công tác.

Trên nền tảng vững chắc được tạo dựng suốt tiến trình lịch sử 90 năm qua, được sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đội ngũ cán bộ, biên tập viên, nhân viên Tạp chí Cộng sản sẽ nỗ lực hết mình, phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, mãi mãi xứng đáng là ngọn cờ tư tưởng, lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh./.

-----------------------------------

(1) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, t. 2, tr. 12