TCCS - Kiểm tra đảng viên và tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm là một trong sáu nhiệm vụ của ủy ban kiểm tra các cấp được quy định trong Điều lệ Đảng. Hiện nay, công tác này luôn được ủy ban kiểm tra các cấp xác định là nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện có chất lượng, hiệu quả, nhằm phát hiện kịp thời, chính xác vi phạm của đảng viên và tổ chức đảng cấp dưới để xem xét, kết luận, xử lý nghiêm minh, giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Do đó, công tác giám sát, kiểm tra của Đảng có vai trò rất quan trọng trong việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong tổ chức đảng và đảng viên.

Trong các nhiệm kỳ vừa qua, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương và UBKT các cấp đã tích cực tham gia và có đóng góp quan trọng vào cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, những biểu hiện “tự diễn biến”,“tự chuyển hóa” trong nội bộ bằng việc tham mưu giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo và tiến hành kiểm tra thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khoá VIII, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; kiểm tra tài chính đảng; giải quyết đơn, thư tố cáo... Công tác kiểm tra đã góp phần trực tiếp giải quyết một số vụ, việc nổi cộm gây bức xúc trong dư luận xã hội. Những kết quả nổi bật trong hoạt động thời gian vừa qua của ngành kiểm tra gồm:

Thứ nhất, làm tốt công tác tham mưu, hoàn thiện một số quy định của Đảng, làm cơ sở cho việc thực hiện hiệu quả hơn Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ tổ chức đảng và đảng viên.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII, UBKT Trung ương đã tham mưu Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư sớm ban hành các văn bản quan trọng về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, như Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26-7-2016, của Ban Chấp hành Trung ương, Quy định thi hành Chương VII, Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; Quy chế làm việc của UBKT Trung ương khóa XII; Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của UBKT Trung ương; Sửa đổi, bổ sung các quy định về giám sát trong Đảng; Về xử lý kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Tham mưu hoàn thiện các quy định của Đảng và Nhà nước về xử lý kỷ luật, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa kỷ luật của Đảng với kỷ luật hành chính của Nhà nước, như ban hành Quy định về kê khai và kiểm tra việc kê khai tài sản, giải trình và giám sát tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên; bổ sung hình thức kỷ luật đối với 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có lời nói, việc làm biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” của cán bộ, đảng viên mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 đã nêu cụ thể vào Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15-11-2017, của Bộ Chính trị khóa XII, “Về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm”. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện một số điều trong Quy định số 30-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương; quy trình giám sát chuyên đề đối với tổ chức đảng và đảng viên; quy định tiếp nhận, xử lý đơn, thư, tiếp đảng viên và công dân; giải quyết khiếu nại, tố cáo phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp... Đồng thời, tham mưu giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành và tổ chức thực hiện Chương trình kiểm tra, giám sát các năm 2016, 2017, 2018, 2019; thành lập nhiều đoàn kiểm tra đối với các tổ chức đảng trực thuộc Trung ương; cử cán bộ tham gia các đoàn kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ, việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng tại nhiều địa phương, đơn vị.

Thứ hai, chủ động, tích cực kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; công khai, minh bạch nhiều vụ, việc sai phạm nghiêm trọng mà dư luận xã hội quan tâm.

Nét mới trong công tác kiểm tra, giám sát từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay là các cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên đã thực sự có những chuyển biến tích cực cả trong nhận thức và hành động; nắm vững vai trò, vị trí của công tác kiểm tra, giám sát trong công tác xây dựng Đảng; từ đó, chủ động xây dựng chương trình công tác toàn khóa. Trong đó, xác định tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT các cấp và chi bộ; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những tổ chức đảng, đảng viên vi phạm Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng; tập trung kiểm tra, giám sát đối với ban cán sự đảng, đảng đoàn, tổ chức đảng ở các cơ quan nhà nước, đơn vị kinh tế và các lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm; chú trọng kiểm tra, giám sát người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống... UBKT Trung ương xây dựng Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền, nhiệm vụ của UBKT Trung ương và cách thức tiến hành trong từng giai đoạn cụ thể, tập trung vào những vấn đề trọng tâm để đấu tranh, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”,“tự chuyển hóa”, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương và cấp ủy các cấp đã quan tâm chỉ đạo, cải tiến đổi mới phương pháp kiểm tra, giám sát theo hướng khoa học, hiệu quả, bảo đảm nguyên tắc, quy trình, thủ tục; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết dứt điểm từng vụ, việc cụ thể; kịp thời thông báo kết luận kiểm tra, kết quả giám sát đến tổ chức đảng, đảng viên được kiểm tra, giám sát và tổ chức đảng có liên quan để thực hiện; kết hợp kiểm tra tổ chức đảng với đảng viên, người đứng đầu cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị; phân công trách nhiệm cho từng cấp ủy viên, thành viên tổ chức đảng trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện các cuộc kiểm tra, giám sát...

Công tác kiểm tra đảng viên, tổ chức đảng khi có dấu hiệu vi phạm tiếp tục được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, đã đi vào những lĩnh vực, những nơi khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, những vụ, việc bức xúc, nổi cộm trong xã hội; tính chất, mức độ kiểm tra sâu sát hơn, quyết liệt hơn và không có “vùng cấm”. Số lượng, chất lượng các cuộc kiểm tra, giám sát đều được nâng lên, nhiều vụ, việc khó, phức tạp, nhạy cảm được giải quyết dứt điểm.

Đặc biệt, nhiều vụ, việc lớn đã được kiểm tra, làm rõ, như các vụ, việc diễn ra ở Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Bộ Công Thương, Bộ Nội vụ, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Thanh Hóa, Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ... Công tác kiểm tra đều đi trước một bước, huy động tối đa lực lượng, triển khai quyết liệt và kịp thời. Sau kiểm tra đã khẩn trương xem xét, kết luận, xử lý và kịp thời đề nghị Ban Bí thư xem xét kỷ luật các tập thể, cá nhân có vi phạm theo thẩm quyền. Các vụ, việc được giải quyết công tâm, khách quan, thận trọng, không suy diễn và thể hiện sự nhân văn. Điều đó cũng thể hiện quan điểm chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư và UBKT Trung ương rất dứt khoát, chặt chẽ trong việc xử lý cán bộ sai phạm; đồng thời cho thấy quyết tâm chính trị cao của Đảng trong vấn đề làm trong sạch Đảng; kiên quyết đấu tranh chống sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Việc xử lý kỷ luật được thực hiện nghiêm minh, đúng quy định, thấu tình, đạt lý.

Thứ ba, thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng và nhiệm vụ cấp ủy giao, trọng tâm là kiểm tra đảng viên và tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm, qua đó góp phần xây dựng và chỉnh đốn Đảng, tạo được niềm tin trong nhân dân.

Dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, thống kê bước đầu cho thấy, UBKT các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 7.511 tổ chức đảng và 23.507 đảng viên (có 11.769 cấp ủy viên các cấp, chiếm tỷ lệ 50,06%). Trong đó:

- Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra 30 tổ chức và 43 đảng viên (có 5 tổ chức đảng trực thuộc Trung ương, 18 đảng viên là cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý); kiểm tra chuyên đề công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng trong lĩnh vực thuế, hải quan; tham gia các đoàn kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ, việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp mà dư luận xã hội quan tâm tại 14 tỉnh, thành phố.

Qua kiểm tra đã thi hành kỷ luật theo thẩm quyền đối với 18 đảng viên(1); đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật 3 tổ chức đảng bằng hình thức cảnh cáo(2) và 10 đảng viên từ cảnh cáo đến cách chức(3); đề nghị tổ chức đảng cấp dưới thi hành kỷ luật 2 tổ chức đảng. Các cuộc kiểm tra được chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc, khoa học, chặt chẽ, có hiệu quả, xử lý nghiêm minh, được cán bộ, đảng viên ghi nhận và nhân dân đồng tình, đánh giá cao.

Đáng chú ý là, tại Đà Nẵng, UBKT Trung ương đã kiểm tra Ban Thường vụ Thành ủy, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, đồng chí Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố. Sau khi kết luận rõ các vi phạm, khuyết điểm, UBKT Trung ương đã quyết định thi hành kỷ luật và đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 - 2020; cách chức Bí thư Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng; cho thôi giữ chức Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đối với đồng chí Bí thư Thành ủy; cảnh cáo đồng chí Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND thành phố.

Công tác giám sát, kiểm tra của Đảng có vai trò rất quan trọng trong việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong tổ chức đảng và đảng viên _Nguồn: ubkttw.vn


Qua kiểm tra đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, UBKT Trung ương đã thi hành kỷ luật bằng các hình thức từ cảnh cáo đến khai trừ đối với 4 đồng chí nguyên là lãnh đạo Tập đoàn; đề nghị Ban Chấp hành Trung ương thi hành kỷ luật 01 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị; yêu cầu Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương xem xét, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn nhiệm kỳ 2010-2015. Qua kiểm tra Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Quảng Nam, Hà Tĩnh, Ban cán sự đảng các bộ: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Nội vụ; các Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Vĩnh Phúc, Hậu Giang; Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ... và các cán bộ, đảng viên có liên quan, UBKT Trung ương đã thi hành kỷ luật và đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật nghiêm minh, đồng thời chỉ đạo cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới làm rõ và xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan và kiến nghị thu hồi cho ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng.

- Ủy ban kiểm tra các cấp kiểm tra 7.481 tổ chức đảng và 23.468 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; kết luận có 4.903 tổ chức đảng (65,5%), 17.868 đảng viên (76,1%) vi phạm; phải thi hành kỷ luật 355 tổ chức đảng, 8.841 đảng viên.

Nội dung kiểm tra chủ yếu là việc chấp hành nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, việc thực hiện quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết nội bộ, Quy định về những điều đảng viên không được làm, việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Việc kiểm tra đã tập trung vào những lĩnh vực, địa bàn nổi cộm, những vấn đề bức xúc mà cán bộ, đảng viên, nhân dân quan tâm; các lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm, như công tác cán bộ, quản lý kinh tế, tài chính, ngân hàng, đất đai, khoáng sản...

Sau kiểm tra, đã xem xét trách nhiệm và xử lý nghiêm minh, kịp thời các tập thể, cá nhân có vi phạm, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của tổ chức đảng, đảng viên; nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Một số UBKT tỉnh ủy, thành ủy, như Hà Nội, Thanh Hoá, Cà Mau; UBKT Quân ủy Trung ương... đã có nhiều cố gắng thực hiện nhiệm vụ này.

Cùng với thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ trọng tâm kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; cấp ủy, UBKT các cấp thực hiện toàn diện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo quy định của Điều lệ Đảng; chăm lo công tác xây dựng ngành, góp phần tích cực xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác kiểm tra, giám sát từ sau Đại hội XII của Đảng đến nay cho thấy, ở một số cấp ủy, UBKT việc triển khai thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát chưa đồng đều, chất lượng và hiệu quả kiểm tra chưa cao; nội dung kiểm tra, giám sát ở một số nơi chưa có trọng tâm, trọng điểm, chưa đi vào những lĩnh vực nổi cộm, gây bức xúc. Công tác giám sát thường xuyên, nắm tình hình ở một số địa phương, đơn vị còn thiếu sát sao, chưa kịp thời, chất lượng chưa cao nên nhiều khuyết điểm, sai phạm của đảng viên và tổ chức đảng chậm được phát hiện; giám sát cấp ủy viên cùng cấp còn hạn chế.

Một số UBKT chưa thực hiện nhiệm vụ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm hoặc chưa chủ động, thiếu quyết liệt trong quyết định kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, còn trông chờ vào sự chỉ đạo của cấp ủy; có vụ, việc xảy ra rồi mới tiến hành kiểm tra, làm rõ sai phạm hoặc nhiều vụ, việc được phát hiện là do quần chúng nhân dân phát giác, tố cáo và công luận phản ánh. Số lượng các cuộc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm mặc dù tăng so với những năm trước nhưng chưa tương xứng với thực tế tình hình vi phạm. Bản lĩnh chính trị, tính chiến đấu trong thi hành kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên ở một số nơi chưa cao, nhất là cấp chi bộ; một bộ phận đảng viên không có chính kiến rõ ràng trước vi phạm của đảng viên có chức, có quyền; vẫn còn biểu hiện bao che, “dĩ hòa vi quý” hoặc đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên; vẫn còn tình trạng xử lý kỷ luật “nhẹ trên, nặng dưới” hoặc hình thức kỷ luật chưa tương xứng với tính chất, mức độ vi phạm...

Năm 2018, một số UBKT tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương chưa thực hiện kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, như UBKT Tỉnh ủy Sơn La, Ninh Thuận, Cần Thơ, Kon Tum, Bến Tre, Khánh Hòa, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Quảng Bình, Bạc Liêu, Hậu Giang, Hòa Bình, Cao Bằng, Tuyên Quang, UBKT Thành ủy Hải Phòng, Đà Nẵng; bên cạnh đó, UBKT Đảng ủy Ngoài nước, UBKT Đảng ủy Công an Trung ương, UBKT Khối các Cơ quan Trung ương, UBKT Khối Doanh nghiệp Trung ương, UBKT Quân ủy Trung ương chưa kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với đảng viên. Các tỉnh, như Điện Biên có 11/14 UBKT cấp huyện, Quảng Ngãi có 5/19 UBKT cấp huyện, Lạng Sơn có 4/15 UBKT cấp huyện, Thừa Thiên - Huế có 3 UBKT đảng ủy trực thuộc, chưa thực hiện nhiệm vụ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm...

2- Từ nay đến năm 2021 sẽ diễn ra nhiều sự kiện quan trọng. Thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngành kiểm tra triển khai toàn diện các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng, mà trọng tâm là kiểm tra đảng viên, tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm. Nhiệm vụ này có vai trò trực tiếp góp phần ngăn chặn, răn đe và xử lý vi phạm. Theo đó, cần quan tâm những nội dung sau:

Một là, UBKT các cấp phải chủ động vào cuộc, tranh thủ và nghiêm chỉnh chấp hành sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của cấp ủy, ban thường vụ, thường trực cấp ủy; của UBKT cấp trên đối với công tác kiểm tra, giám sát.

Ủy ban kiểm tra phải chủ động, kịp thời vào cuộc ngay từ đầu để phát hiện dấu hiệu vi phạm; xác định đối tượng, nội dung vi phạm để tiến hành kiểm tra; tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo nhưng không “trông chờ”, “nghe ngóng”, dựa vào cấp ủy và sự chỉ đạo của UBKT cấp trên. Việc quyết định kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm phải chủ động, kịp thời, chọn đúng thời điểm và đúng nội dung kiểm tra, tập trung vào những vấn đề trọng điểm, dễ phát sinh vi phạm. Đẩy mạnh thực hiện chủ trương UBKT Trung ương đẩy mạnh kiểm tra cách cấp khi có dấu hiệu vi phạm, nghĩa là kiểm tra đến đối tượng là tổ chức đảng và đảng viên cấp huyện, qua đó nâng cao trách nhiệm và vị thế của UBKT.

Quán triệt tư tưởng “Khi phát hiện dấu hiệu vi phạm phải triển khai kịp thời, quyết liệt, triệt để, trong thời gian ngắn kết luận rõ ràng, chính xác, xử lý kỷ luật nghiêm minh, khách quan, công tâm, đúng người, đúng vi phạm, tạo hiệu ứng tốt trong xã hội”(4). Thường trực UBKT phải sát sao đôn đốc các đoàn kiểm tra thực hiện nhiệm vụ, chọn đúng nội dung kiểm tra có tính chất  “mấu chốt” để xác định đúng đối tượng kiểm tra và nhanh chóng làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan; nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác này.

Qua xử lý một số vụ, việc nổi cộm gần đây, như khuyết điểm, vi phạm xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, dự án Formosa Hà Tĩnh cho thấy, công tác kiểm tra giám sát, theo dõi, nắm tình hình địa bàn có lúc còn bị động; việc phát hiện dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên chưa qua công tác giám sát thường xuyên mà chủ yếu qua báo chí, dư luận xã hội và sự phản ánh, kiến nghị, tố cáo của nhân dân. Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng phải giữ vai trò ngăn chặn không để những đối tượng cơ hội chui vào Đảng, vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Thực tế cho thấy, những đối tượng cơ hội chính trị và không có chính kiến “gió chiều nào che chiều ấy” rất khó phát hiện để xử lý. Những đối tượng này rất nguy hiểm, vừa phá hoại Đảng từ bên trong, vừa là môi trường cho các thế lực thù địch lợi dụng thực hiện “diễn biến hòa bình” thúc đẩy “tự diễn biến”,“tự chuyển hóa”. Do vậy, cấp ủy, UBKT các cấp phải chủ động nắm tình hình, kịp thời phát hiện dấu hiệu vi phạm, suy thoái về tư tưởng chính trị đạo đức, lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”,“tự chuyển hóa” như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã chỉ ra để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Cán bộ theo dõi địa bàn và thành viên UBKT trực tiếp phụ trách cần chủ động làm tốt công tác giám sát thường xuyên, kịp thời nắm bắt tình hình, báo cáo đề xuất lãnh đạo UBKT xem xét, quyết định kiểm tra để ngăn chặn những hành vi sai phạm từ khi còn manh nha, chớm phát sinh. Cán bộ theo dõi địa bàn phải dự đầy đủ các cuộc họp của địa bàn theo Quy định số 86-QĐ/TW, ngày 1-6-2017, “Quy định giám sát trong Đảng”, chủ động thường xuyên thu thập, lựa chọn, xử lý các nguồn thông tin, nắm được hoạt động của tổ chức đảng, đảng viên thuộc đối tượng giám sát để sớm phát hiện các dấu hiệu vi phạm. Ủy ban kiểm tra cần có văn bản chỉ đạo các tổ chức đảng cấp dưới mời cán bộ kiểm tra cấp trên dự họp để thực hiện chức năng giám sát thường xuyên theo quy định.

Cấp ủy đảng phải quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của UBKT; kịp thời và tạo điều kiện để UBKT thực hiện đúng quy chế làm việc; thường kỳ nghe UBKT báo cáo tình hình hoạt động và đưa ra ý kiến lãnh đạo, chỉ đạo; quan tâm củng cố, kiện toàn UBKT, cơ quan UBKT và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kiểm tra... để hoạt động của UBKT và cán bộ kiểm tra đạt được hiệu quả, chất lượng. Sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của cấp ủy đảng là nhân tố quyết định kết quả hoạt động của UBKT, cơ quan UBKT và cán bộ kiểm tra.

Ủy ban kiểm tra cấp dưới phải nắm chắc các đặc điểm, các vấn đề nêu trên để trong quá trình thực hiện nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn nếu gặp khó khăn, trở ngại, vướng mắc thì đề nghị tranh thủ sự hướng dẫn, chỉ đạo, hỗ trợ của UBKT cấp trên. Đối với vụ, việc nghiêm trọng, phức tạp có thể đề nghị UBKT cấp trên yêu cầu cấp ủy cấp dưới quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi, kể cả về cán bộ, điều kiện, phương tiện làm việc. Trường hợp đặc biệt, đề nghị UBKT cấp trên trực tiếp kiểm tra.

Hai là, nắm vững và thực hiện tốt các phương pháp cơ bản của công tác kiểm tra, giám sát, nhất là giám sát, kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm.

Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng là công tác lãnh đạo của Đảng, công tác xây dựng nội bộ Đảng, do đó, tiến hành công tác kiểm tra, giám sát phải giữ đúng nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, đúng tính chất công tác đảng. Thực tế cho thấy, muốn tiến hành công tác kiểm tra, giám sát đạt chất lượng, hiệu quả, phải nắm vững và thực hiện tốt các phương pháp cơ bản của công tác kiểm tra. Trong đó, thẩm tra, xác minh là một phương pháp quan trọng nhất; phải bảo đảm nguyên tắc: “chứng cứ đến đâu, kết luận đến đấy, không suy diễn, không áp đặt, không thành kiến”. Không ít tổ chức đảng và đảng viên khi bị kiểm tra còn thiếu tự giác, quanh co, giấu giếm khuyết điểm, vi phạm; tìm mọi cách đối phó, gây khó khăn, trở ngại cho công tác kiểm tra, giám sát. Trong xử lý kỷ luật, không ít trường hợp phải thay đổi hoặc xóa bỏ hình thức kỷ luật; trong khiếu nại, tố cáo, có không ít trường hợp không đúng..., do những lý do nói trên; vì vậy, chưa thẩm tra, xác minh thì chưa được kết luận.

Thẩm tra, xác minh phải tỉ mỉ, khách quan, toàn diện và giữ đúng nguyên tắc đảng và kỷ luật phát ngôn. Tập trung xem xét, phát hiện mâu thuẫn trong khi trao đổi, báo cáo, đồng thời thu thập thêm thông tin, tài liệu liên quan mới để đối chiếu, so sánh, tìm ra bằng chứng xác thực. Thẩm tra, xác minh tập trung vào những yếu tố “mắt xích” để làm rõ vi phạm lớn và đưa ra kết luận kịp thời. Thẩm tra, xác minh cũng là một biện pháp nhằm hỗ trợ nâng cao tính tự giác, tự phê bình của tổ chức đảng và đảng viên, làm cho đảng viên thấy rõ những chứng cứ vi phạm.

Quá trình thực hiện phương pháp cơ bản của công tác kiểm tra, giám sát, UBKT và cán bộ kiểm tra phải chủ động, linh hoạt, sáng tạo, bám sát mục tiêu, yêu cầu, nội dung, đối tượng kiểm tra, giám sát và tình hình cụ thể, song không được dùng phương pháp đặc thù của các cơ quan pháp luật (như điều tra, theo dõi bí mật,...) vì sẽ vi phạm nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng.

Ba là, cấp ủy, UBKT phải luôn quan tâm kiện toàn UBKT, xây dựng cơ quan UBKT và đội ngũ cán bộ kiểm tra có đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu công tác kiểm tra, giám sát.

Thực tế cho thấy, cần luôn quan tâm kiện toàn UBKT các cấp, cơ quan UBKT phù hợp chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra có đủ phẩm chất và năng lực, trình độ, nắm vững các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thường xuyên cập nhật thông tin, bồi dưỡng kiến thức mọi mặt; thông thạo quy trình, kỹ năng, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát nói riêng và thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng nói chung.

Đây là nhân tố quyết định sự thành bại của hoạt động kiểm tra. Cấp ủy đảng và UBKT các cấp cần chăm lo củng cố, kiện toàn UBKT, cơ quan UBKT từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kiểm tra theo hướng: “coi trọng cả đức và tài, đức là gốc”; trong việc nâng cao trình độ, năng lực, coi trọng cả việc nâng cao kiến thức về công tác xây dựng Đảng, nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát; bên cạnh đó, cần trang bị cho đội ngũ cán bộ kiểm tra những kiến thức cần thiết có liên quan đến hoạt động kiểm tra, giám sát (quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, pháp luật...). Cán bộ kiểm tra phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, lập trường tư tưởng kiên định, là “người lính” xung kích trong mặt trận đấu tranh chống tiêu cực, phải giữ gìn tư cách, phải liêm chính, luôn phấn đấu, rèn luyện tác phong công tác, không kiêu ngạo, say sưa, thỏa mãn với thành tích.

Trong quá trình tác nghiệp, cán bộ kiểm tra phải luôn tôn trọng sự thật, không chịu bất kỳ một sức ép hay sự tác động sai trái nào, khẩn trương thẩm tra, xác minh làm rõ vụ, việc để báo cáo UBKT; đặc biệt không được suy diễn, hứa hẹn vô nguyên tắc hoặc vướng vào tiêu cực khi phải đấu tranh với những sai phạm của đồng chí mình, đấu tranh với chính mình trước những cám dỗ đời thường, như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc nhở với cán bộ kiểm tra: “Phải có dũng khí đấu tranh, chính trực và hơn ai hết, phải liêm, phải sạch. Không liêm, không sạch thì không nói được ai, không kiểm tra, giám sát, không kỷ luật được người khác”(5)./.

----------------------------------

(1) Khiển trách 1, cảnh cáo 8, cách chức 6, khai trừ 3 đảng viên
(2) Ban Cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng
(3) Cảnh cáo 3, cách chức 7 đảng viên
(4) Phát biểu của đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại Hội nghị Tổng kết công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng năm 2017; triển khai nhiệm vụ năm 2018, được tổ chức vào ngày 12-1-2018
(5) Phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của Đảng năm 2016, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2017, được tổ chức vào ngày 24-2-2017