Tăng cường công tác kiểm toán để phòng ngừa
và đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí

Hồ Đức Phớc
TS, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước
01:12, ngày 09-09-2019

TCCS - Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên vừa cấp bách, vừa khó khăn, phức tạp và lâu dài của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Kiểm toán nhà nước là một công cụ quan trọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí

1- Trong những năm vừa qua, cùng với những thành tựu quan trọng đạt được về kinh tế - xã hội, đối ngoại, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí có nhiều chuyển biến tích cực cả về phòng và phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng, lãng phí.

Việc kiềm chế, đẩy lùi tham nhũng góp phần thiết thực giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Để có bước chuyển biến mạnh mẽ hơn, ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt thực hiện nghiêm túc và đồng bộ các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Một trong những nhiệm vụ, giải pháp mà Đảng ta đã đề ra trong các chỉ thị, nghị quyết đó là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả đối với việc phát hiện, xử lý các vụ, việc tham nhũng, lãng phí thông qua hoạt động của các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, lãng phí, như thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí nói chung và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc phát hiện các vụ, việc tham nhũng, lãng phí thông qua công tác kiểm toán nói riêng, thời gian qua Ban Cán sự đảng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã phối hợp chặt chẽ với Đảng ủy KTNN tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện trong toàn Đảng bộ, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, kiểm toán viên đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí thông qua hoạt động kiểm toán.

Ban Cán sự đảng, Đảng ủy KTNN đã cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước thành nhiều văn bản chỉ đạo việc tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong hoạt động kiểm toán và trong nội bộ cơ quan KTNN. Yêu cầu toàn ngành tập trung nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán, phát hiện kịp thời hành vi tham nhũng, lãng phí để kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời phát hiện những “lỗ hổng, khe hở” của cơ chế, chính sách để kiến nghị hoàn thiện chống thất thoát, lãng phí.

Kiểm toán Nhà nước đã xây dựng và ban hành hệ thống chuẩn mực kiểm toán phù hợp với đặc thù của Việt Nam và thông lệ quốc tế, ban hành từng bước đồng bộ các văn bản quản lý, văn bản hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán; đẩy mạnh đổi mới công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán và kiểm soát chất lượng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát đột xuất chất lượng kiểm toán và kiểm soát thông tin, kết quả kiểm toán; nâng cao tinh thần trách nhiệm, trình độ, năng lực, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ công chức, viên chức, nhất là vai trò của thủ trưởng đơn vị ở từng cấp quản lý trong hoạt động kiểm toán; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp, tham nhũng, tiêu cực, đồng thời xem xét trách nhiệm đối với trưởng đoàn kiểm toán, thủ trưởng đơn vị để xảy ra sai phạm, tiêu cực, nhũng nhiễu trong phạm vi trách nhiệm quản lý; sau mỗi cuộc kiểm toán yêu cầu bắt buộc các tổ, đoàn kiểm toán phải tổ chức họp đúc rút kinh nghiệm, đồng thời bình bầu, xếp loại tổ, đoàn và thành viên đoàn kiểm toán theo các mức: không hoàn thành nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được đề nghị khen thưởng.

Tổng Kiểm toán Nhà nước đã chỉ đạo áp dụng nhật ký điện tử trực tuyến (online) để kiểm soát công việc hằng ngày của kiểm toán viên; tăng cường phát hiện và kịp thời chuyển các vụ, việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tham nhũng sang cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để điều tra, kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; nâng cao chất lượng công tác kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán, hiệu quả phối hợp với các cơ quan hữu quan trong quá trình thực hiện kiến nghị kiểm toán, từ đó nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí thông qua hoạt động kiểm toán.

Kết quả kiểm toán những năm qua luôn đạt được chất lượng và hiệu quả, đặc biệt trong 5 năm vừa qua (2014 - 2018) KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 288.671 tỷ đồng (trong đó kiến nghị tăng thu, giảm chi ngân sách 144.261 tỷ đồng, kiến nghị xử lý khác 144.410 tỷ đồng) gấp hơn 2,3 lần tổng số kiến nghị xử lý trong 20 năm, từ năm 1994 đến 2013. Ngoài kiến nghị xử lý tài chính, thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ hơn 1.200 văn bản pháp luật sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn, nhằm khắc phục “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách, tránh thất thoát, lãng phí, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với nhiều tập thể, cá nhân sai phạm theo quy định của pháp luật. Từ năm 2014 đến 2018, thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã phát hiện và chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra 15 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Công tác kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kiến nghị kiểm toán nhằm thu hồi triệt để tài sản tham nhũng, thất thoát, xử lý sai phạm của tổ chức, cá nhân liên quan được Ban Cán sự đảng, Đảng ủy, Tổng Kiểm toán Nhà nước chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Tổng Kiểm toán Nhà nước đã yêu cầu thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường công tác theo dõi, kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán của KTNN. Nhờ đó, việc thực hiện kiến nghị kiểm toán của các đơn vị được kiểm toán đã có sự chuyển biến khá tích cực. Số kiến nghị xử lý tài chính đã thực hiện của các đơn vị được kiểm toán trong 5 năm vừa qua đạt bình quân gần 80%, tỷ lệ thực hiện năm sau cao hơn năm trước.

Công tác phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí cũng là nội dung quan trọng được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Trong thời gian qua, KTNN đã phối hợp tốt với các cơ quan phòng, chống tham nhũng, nhất là các cơ quan tố tụng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ, việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trong đó có hành vi tham nhũng do KTNN phát hiện và kiến nghị xử lý thông qua hoạt động kiểm toán; đồng thời tích cực phối hợp với các bộ, ngành, cấp ủy và chính quyền địa phương nhằm giúp các địa phương, đơn vị được kiểm toán nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát, điều hành tài chính công, tài sản công. Từ năm 2014 đến năm 2018, KTNN đã cung cấp hàng nghìn bộ hồ sơ, tài liệu kiểm toán, đặc biệt trong năm 2018 đã cung cấp 136 bộ hồ sơ, tài liệu cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát, điều tra và thực hiện tố tụng.

Có thể nói, hoạt động kiểm toán của KTNN trong những năm vừa qua đã đóng góp tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Các phát hiện, kết luận, kiến nghị của KTNN đã góp phần phòng ngừa, ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị trong việc điều hành, quản lý tài chính - ngân sách và hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính công, tài sản công. Kiểm toán Nhà nước đã khẳng định được vị trí, vai trò là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong việc kiểm tra hoạt động quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công đồng thời là công cụ sắc bén trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho đội ngũ cán bộ, công chức, kiểm toán viên nhà nước _Nguồn: vietnam+

2- Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm toán, nâng cao hiệu quả đối với việc phát hiện các vụ, việc tham nhũng, lãng phí thông qua hoạt động kiểm toán, đóng góp tích cực hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, bảo vệ pháp luật và sự liêm chính, Ban Cán sự đảng, Đảng ủy, lãnh đạo KTNN tập trung lãnh đạo toàn ngành thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-5-2012, của Bộ Chính trị khóa XI, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Kết luận số 10-KL/TW, ngày 26-12-2016, của Bộ Chính trị khóa XII, về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung 3 khóa X; Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 7-12-2015, của Bộ Chính trị khóa XI, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; các văn bản chỉ đạo của Đảng, văn bản pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; không ngừng nâng cao nhận thức và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, kiểm toán viên nhà nước, đặc biệt là trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong ngành để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí thông qua việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ và ngành KTNN.

Hai là, tập trung lãnh đạo hoàn thành kế hoạch kiểm toán hằng năm bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu lực, hiệu quả, trong đó cần tập trung kiểm toán các lĩnh vực, đối tượng kiểm toán nổi cộm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tham nhũng, lãng phí được Quốc hội, Chính phủ và dư luận xã hội quan tâm; chỉ đạo quyết liệt thực hiện việc nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm toán, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí thông qua hoạt động kiểm toán, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công nhằm thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước và xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có sai phạm liên quan, kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời kiến nghị hoàn thiện chính sách, tránh thất thoát, lãng phí do chính sách gây ra.

Ba là, tập trung xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015. Ban hành, sửa đổi quy trình kiểm toán, các quy định, hướng dẫn về kiểm toán bảo đảm sát hợp, hiệu lực, hiệu quả theo hướng cải cách thủ tục hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán trên cơ sở dữ liệu số, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo (AI); ban hành và chỉ đạo thực hiện Quy định về xử lý trách nhiệm trong hoạt động kiểm toán đối với kiểm toán viên nhà nước và lãnh đạo các cấp của KTNN.

Bốn là, tăng cường thực hiện các biện pháp chống tham nhũng, kiểm soát quyền lực trong cơ quan KTNN; tăng cường thanh tra, kiểm tra về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong hoạt động kiểm toán; kiểm soát việc thực hiện đạo đức nghề nghiệp và văn hóa ứng xử của kiểm toán viên nhà nước; giải quyết kịp thời, đúng quy định các khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền; rà soát bổ sung, hoàn thiện các quy trình kiểm toán, quy chế tổ chức và hoạt động của đoàn kiểm toán và các quy định về việc thực hiện nhiệm vụ kiểm toán bảo đảm công khai, minh bạch, chặt chẽ, không có sơ hở để tránh các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quá trình kiểm toán theo tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Năm là, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho đội ngũ cán bộ, công chức, kiểm toán viên nhà nước; nâng cao nhận thức về tính tiên phong, gương mẫu và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị; giữ gìn đạo đức, tính liêm chính và hình ảnh của kiểm toán viên nhà nước. Xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp, không hoàn thành nhiệm vụ, năng lực yếu kém, vi phạm kỷ luật, nội quy cơ quan, lợi dụng chức vụ và quyền hạn để vụ lợi, tham nhũng... để giữ gìn và không ngừng nâng cao uy tín của ngành.

Sáu là, tiếp tục phối hợp tốt với các cơ quan có chức năng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nhất là các cơ quan tố tụng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ, việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trong đó có hành vi tham nhũng do KTNN phát hiện và kiến nghị xử lý thông qua hoạt động kiểm toán; kịp thời chuyển, cung cấp hồ sơ các vụ, việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan điều tra, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để điều tra, kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật; tích cực phối hợp với các bộ, ngành, cấp ủy và chính quyền địa phương nhằm phát hiện kịp thời những hành vi sai phạm, nhũng nhiễu của các đoàn kiểm toán để xử lý nghiêm, đồng thời giúp các bộ, ngành, địa phương, đơn vị được kiểm toán chấn chỉnh, khắc phục, sửa chữa thiếu sót, sai phạm, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng, giám sát, điều hành tài chính công, tài sản công./.