Nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng cán bộ, công chức
làm công tác mặt trận - Cơ sở quan trọng
để tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Hà Thị Khiết
Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
23:44, ngày 13-09-2019

TCCS - Để thực hiện hiệu quả công tác mặt trận đã được Hiến pháp, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định, việc nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng cán bộ, công chức làm công tác mặt trận có ý nghĩa quan trọng vì “cán bộ là gốc của mọi công việc, công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém” (Hồ Chí Minh). Trong công cuộc đổi mới đất nước hơn 30 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác kiện toàn bộ máy tổ chức, cán bộ của Mặt trận Tổ quốc các cấp đã từng bước được chú trọng. Do vậy, hệ thống bộ máy tổ chức, cán bộ cơ quan chuyên trách ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã từng bước được tăng cường về số lượng và chất lượng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Dur Kmăl (huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) _Ảnh: TTXVN

Theo thống kê đến tháng 6-2018, số lượng cán bộ chuyên trách đang công tác trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp là 16.112 người (trong đó, cấp Trung ương có 185 người; cấp tỉnh: 1.473 người; cấp huyện: 4.295 người; cấp xã: 11.159 người). Đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc các cấp được quan tâm bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng vận động nhân dân, số lượng chủ tịch ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tham gia thường vụ cấp ủy tăng. Tính từ năm 2013 đến năm 2018, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức 8 hội nghị toàn quốc tập huấn cho 9.843 cán bộ chuyên trách công tác mặt trận các cấp và 6 khóa bồi dưỡng nghiệp vụ công tác mặt trận cho 1.396 cán bộ Mặt trận Tổ quốc cấp huyện. Ở các địa phương, Mặt trận Tổ quốc đã phối hợp với các trường chính trị tỉnh, thành phố và các trung tâm giáo dục chính trị quận, huyện, thị xã để mở các lớp bồi dưỡng hằng năm cho cán bộ, công chức làm công tác mặt trận. Đồng thời với việc tổ chức các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chú trọng công tác nghiên cứu khoa học, thông qua đó tăng cường bồi dưỡng khả năng nghiên cứu khoa học của cán bộ làm công tác mặt trận. Từ năm 2013 đến năm 2018, các tổ chức, cá nhân của cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thực hiện 27 đề tài, đề án, dự án cấp bộ, 17 đề tài cấp cơ sở... Các nội dung nghiên cứu gắn với vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, góp phần hoàn thiện các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết dân tộc và công tác mặt trận, trong đó một số đề tài, chuyên đề đã nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn có tính thời sự, tính chính trị - xã hội sâu sắc, như Hiến pháp, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, vấn đề trưng cầu ý dân, những diễn biến tư tưởng không tích cực trong xã hội; vấn đề tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; giám sát, phản biện xã hội; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; xây dựng Đảng, Nhà nước; tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng, tuyên truyền về biển, đảo... Các sản phẩm nghiên cứu góp phần làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn trong tổ chức, hoạt động và việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận; làm sáng tỏ những đề xuất, kiến nghị của Mặt trận với Đảng, Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách về tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong tình hình mới.

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, về “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã triển khai thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, chấm dứt hoạt động của 23 đơn vị cấp phòng, 18 công chức thôi giữ chức vụ lãnh đạo cấp phòng và tương đương; tiến hành xây dựng Đề án vị trí việc làm của cơ quan Mặt trận ở Trung ương và hệ thống Mặt trận các cấp, thí điểm tổ chức thi tuyển lãnh đạo cấp vụ; phấn đấu đến năm 2021 thực hiện tinh giản 10% số biên chế nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng cán bộ Mặt trận. Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Quy định số 282-QĐ/TW, ngày 01-4-2015, của Ban Bí thư, “Về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện”, làm cơ sở để tổ chức lại bộ máy cơ quan chuyên trách Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, kết quả đã giảm được 200 biên chế trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh, cấp huyện.

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, số lượng biên chế cơ quan chuyên trách Mặt trận Tổ quốc các cấp giảm nhưng vẫn bảo đảm công tác mặt trận hoạt động hiệu quả. Mặt trận Tổ quốc các cấp thường xuyên củng cố, kiện toàn và mở rộng số lượng ủy viên ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp bằng việc tăng thêm số lượng thành viên là người tiêu biểu, đại diện cho các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài, các chuyên gia trên các lĩnh vực,... bảo đảm tính tiêu biểu, tính đại diện, tính thiết thực trong ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Hoạt động của các hội đồng tư vấn, ban tư vấn tiếp tục được tăng cường, mở rộng lực lượng cán bộ không chuyên trách, đội ngũ chuyên gia, cộng tác viên, phát huy hiệu quả vai trò tư vấn cho ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và hoạt động của Mặt trận. Công tác kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của ban công tác mặt trận ở khu dân cư được coi trọng với nhiều giải pháp thiết thực, cụ thể, như số lượng ủy viên ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp hiện nay là 431.333 người (cấp Trung ương có 382 người, cấp tỉnh: 5.243 người, cấp huyện: 39.500 người, cấp xã: 377.724 người). Số thành viên của 7 hội đồng tư vấn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện nay là 126 người; số thành viên của 171 hội đồng tư vấn cấp tỉnh: 1.440 người; số thành viên của 695 ban tư vấn cấp huyện: 5.467 người; số thành viên của 4.379 ban tư vấn cấp xã: 26.072 người. Hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được tổ chức theo 4 cấp gồm: Trung ương, tỉnh, huyện, xã, dưới cấp xã có 103.606 ban công tác mặt trận, trung bình mỗi ban có 5 thành viên, tổng số thành viên ban Mặt trận ở các địa phương khoảng 518.030 người(1).

Công tác tổ chức, cán bộ của Mặt trận Tổ quốc các cấp được từng bước củng cố, kiện toàn đã tạo động lực cho đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống Mặt trận có đủ năng lực hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được phân công, góp phần cùng hệ thống chính trị tiếp tục xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp nhân dân, góp phần củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng; tập hợp, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo phong trào cách mạng rộng lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực tế cho thấy, những thành tựu đạt được trong hơn 30 năm đổi mới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự nỗ lực phấn đấu của toàn dân, trong đó có đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vận động lòng dân, tài dân, sức dân hướng tới mục tiêu xây dựng đất nước: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, công tác vận động các tầng lớp nhân dân có tầm quan trọng chiến lược, nhân tố quyết định thành công mọi thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì “dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.

Để thực hiện “dân vận khéo” tiêu chuẩn, chất lượng của đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị nói chung và đội ngũ cán bộ Mặt trận nói riêng có tầm quan trọng đặc biệt. Tuy nhiên, thực tế hiện nay ở một số địa phương, công tác mặt trận còn chậm được đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, cán bộ Mặt trận làm việc theo kiểu hành chính hóa, ít gắn bó với thực tiễn, cơ sở; nhiều nơi còn tồn tại biểu hiện mệnh lệnh hành chính, xa dân, nói không đi đôi với làm. Một số cấp ủy địa phương chưa coi trọng đúng mức công tác mặt trận nên trong bố trí cán bộ còn nhiều bất cập, chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao; bổ nhiệm, bố trí những cán bộ Mặt trận có năng lực ở mức “thường thường bậc trung” hoặc chuyển những cán bộ “có vấn đề” ở bộ phận khác sang. Do đó đã tạo ra một bộ phận cán bộ Mặt trận không tự nguyện, không tâm huyết, nhiệt tình với công việc, “dân vận kém”, ngại đi cơ sở, nhất là đi công tác ở những vùng khó khăn, gian khổ, nên hiệu quả công việc thấp, không đạt được yêu cầu, mục tiêu đã đề ra.

Cán bộ làm công tác mặt trận, công tác dân vận trao đổi kinh nghiệm_Ảnh: tư liệu


Đối với công tác mặt trận, công tác dân vận, cán bộ là “linh hồn” của phong trào, “cán bộ nào, phong trào ấy”. Do đó, nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp là yêu cầu cơ bản đầu tiên bảo đảm cho thành công của các phong trào hành động cách mạng của quần chúng.

Cán bộ Mặt trận phụ trách công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nên ngoài tiêu chuẩn chung mà Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ của Đảng quy định, còn phải đáp ứng về tiêu chuẩn, chất lượng cụ thể như sau:

Một là, có nhận thức đúng về vị trí, vai trò của công tác mặt trận, tin dân, quý trọng, yêu thương nhân dân, thể hiện đạo đức trong sáng của người cán bộ cách mạng để từ đó xác định mục tiêu phấn đấu vì lợi ích của nhân dân; tự nguyện, nhiệt tình, trách nhiệm, phát huy hết khả năng của mình để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nếu nhận việc một cách miễn cưỡng, thiếu say mê thì không bao giờ đạt hiệu quả cao. Nếu không có tình yêu, hứng thú đối với công việc thì không nên nhận lấy trách nhiệm lãnh đạo một tập thể; chỉ có tình yêu và hứng thú mới làm cho công việc trở nên hấp dẫn, huy động được nghị lực tối đa của mình và góp phần mở rộng sức sáng tạo của quần chúng. Trên thực tế, không ít cán bộ chưa có nhận thức đầy đủ về vị trí, tầm quan trọng của công tác mặt trận trong thời kỳ mới, ngại đi cơ sở, ngại khó, ngại khổ... Họ cho rằng, làm cán bộ ở khối dân vận thì vị thế sẽ thua kém cán bộ ở các bộ phận khác theo suy nghĩ tính toán thiệt hơn “lính ủy ban hơn quan dân vận”; khi tổ chức phân công sang làm công tác mặt trận thì tự ti, mặc cảm, cho rằng cấp trên không tin tưởng ở phẩm chất, năng lực của mình, thậm chí có cán bộ được bố trí sang Mặt trận thì cho đó là nơi “hạ cánh an toàn, phòng chờ để về hưu”.

Hai là, phải được rèn luyện, trưởng thành từ phong trào quần chúng, được nhân dân tín nhiệm, tin yêu. Cán bộ được rèn luyện, thử thách, trưởng thành từ phong trào ở cơ sở mới có sự hiểu biết quần chúng một cách đầy đủ, cán bộ mới hiểu dân hơn, tiếp xúc với nhiều đối tượng quần chúng sẽ tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu. Từ trong phong trào hành động cách mạng, quần chúng có sự so sánh, lựa chọn, suy tôn chính thủ lĩnh của mình. Trên thực tế, nhân dân chỉ yêu quý, tin tưởng những cán bộ đã đồng cam cộng khổ với họ, biết tuyên truyền, vận động, hướng dẫn quần chúng, gương mẫu trong lối sống và công tác. Uy tín của những cán bộ vì nhân dân, “ba cùng” với nhân dân sẽ in đậm sâu sắc trong tâm thức của quần chúng nhân dân. Cán bộ chưa trải qua hoạt động thực tiễn sẽ thiếu hiểu biết về quần chúng, ít kinh nghiệm công tác, hiệu quả công tác vận động nhân dân sẽ kém, nếu là cán bộ chủ chốt thì bộ máy hoạt động nhiều khi bị hành chính hóa, cán bộ ít đến cơ sở, mối quan hệ công tác bị ngăn cách, hiệu quả công tác mặt trận không đạt kết quả như mong muốn.

Ba là, thường xuyên được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị. Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế, cán bộ Mặt trận phải am hiểu về khoa học - công nghệ, có kiến thức chung về quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, lý luận chính trị và nghiệp vụ chuyên môn. Công tác mặt trận không chỉ có tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước mà còn phải khơi dậy được tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân hướng vào mục tiêu xây dựng đất nước giàu mạnh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Do vậy, cán bộ Mặt trận phải có kiến thức chuyên môn, am hiểu khoa học, kỹ thuật để hướng dẫn nhân dân trong sản xuất và tổ chức đời sống, giải đáp được nhiều vấn đề từ thực tiễn mà nhân dân nêu ra. Hiện nay, trình độ dân trí, giác ngộ chính trị của nhân dân ngày càng được nâng cao, song thực tiễn đang đặt ra nhiều vấn đề mới, đòi hỏi người cán bộ Mặt trận không chỉ có uy tín, kinh nghiệm công tác mà phải có kiến thức ở nhiều lĩnh vực. Công tác mặt trận là công tác đối với con người; đối tượng của công tác mặt trận là đông đảo quần chúng nhân dân nên cán bộ Mặt trận phải nắm vững quy luật nhận thức, tư tưởng của các nhóm xã hội và từng đối tượng quần chúng để có những biện pháp tác động phù hợp trên cơ sở hiểu biết tâm lý đối tượng, phát huy tính tích cực ở mỗi con người, ở mỗi nhóm xã hội nhằm tuyên truyền, vận động cho phù hợp, phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực, hướng quần chúng nhân dân thực hiện có kết quả các nhiệm vụ chung.

Bốn là, rèn luyện phong cách, đổi mới lề lối làm việc để gắn bó chặt chẽ với nhân dân. Hiểu tâm lý quần chúng là “chìa khóa” để người cán bộ Mặt trận đi vào lòng dân, nhân tố quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác mặt trận. Cán bộ Mặt trận phải thực hiện 3 tác phong “gần dân, tôn trọng dân, có trách nhiệm với dân” và 4 phương pháp “nghe dân nói, nói dân hiểu, hướng dẫn dân làm, làm cho dân tin”. Ngoài các vấn đề nêu trên, người cán bộ Mặt trận cần có sự hiểu biết sâu sắc phong tục, tập quán, truyền thống của nhân dân nơi địa bàn công tác, đây là một yêu cầu rất cần thiết đối với đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị nói chung, của đội ngũ cán bộ Mặt trận nói riêng./.

--------------------------

(1) Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tháng 7-2018