Bước chuyển lớn trong tín dụng chính sách xã hội ở Lai Châu

TS. Nguyễn Thị Vy
Tạp chí Cộng sản
11:58, ngày 28-12-2019

TCCS - Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22-11-2014, của Ban Bí thư Trung ương Đảng, tín dụng chính sách xã hội đã được Đảng bộ, chính quyền và người dân Lai Châu đón nhận nhiệt tình, góp phần không nhỏ trong việc thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.

Từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở Lai Châu phát triển sản xuất nông nghiệp, xóa đói, giảm nghèo bền vững_Ảnh: tư liệu

Những kết quả đáng khích lệ

Có thể khẳng định, Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư đã thấm sâu vào cuộc sống và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo mọi tầng lớp nhân dân, nhất là những đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số sinh sống tại các vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trên một số phương diện như:

Thứ nhất, vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội ngày càng được nâng cao.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội đã nâng cao vai trò trách nhiệm trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội, tập hợp đoàn kết lực lượng khối đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Thực hiện việc bình xét đối tượng vay vốn công khai, dân chủ, lồng ghép với các chương trình, dự án khác của các tổ chức chính trị - xã hội, tư vấn, hướng dẫn các tổ chức hội ở cơ sở xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp nhau thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Nhờ đó, dư nợ hằng năm tăng 10-15%, tổng dư nợ, chất lượng tín dụng ngày càng được nâng lên, các tổ TK&VV xếp loại khá, tốt tăng, tổ hoạt động trung bình yếu kém giảm dần qua các năm. Tổng số tổ có dư nợ tính đến 30-6-2019 được chấm điểm là 1.495 tổ (tăng 22 tổ so với năm 2014).

Thứ hai, nguồn lực thực hiện tín dụng chính sách được tăng cường, cơ chế, chính sách ngày càng được hoàn thiện.

Sau 5 năm triển khai, cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên quan tâm hỗ trợ về cơ sở vật chất, địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH, đặc biệt là bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Tính đến ngày 30-6-2019, tổng nguồn vốn ủy thác là 56.198 triệu đồng (tăng 41.198 triệu đồng so với năm 2014), trong đó: nguồn vốn ngân sách tỉnh 44.379 triệu đồng (tăng 29.379 triệu đồng); nguồn vốn ngân sách huyện 11.819 triệu đồng (tăng 11.819 triệu đồng). Thực hiện quy định về quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng, hạn chế “tín dụng đen” trên địa bàn. Bám sát chỉ đạo của Trung ương, nắm bắt tình hình thực tế triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội tại cơ sở, từ đó đề xuất với Trung ương hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn như giảm lãi suất cho vay, nâng mức cho vay tối đa, kéo dài thời hạn cho vay.

Thứ ba, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động.

Ban đại diện hội đồng quản trị (HĐQT) NHCSXH các cấp thực hiện tốt việc triển khai thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Nhà nước đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn; thực hiện tốt nghị quyết của hội đồng quản trị NHCSXH và nghị quyết của ban đại diện HĐQT các cấp đã đề ra. Phân bổ kịp thời nguồn vốn các chương trình tín dụng bảo đảm đúng quy định, đúng đối tượng được thụ hưởng và phát huy hiệu quả nguồn vốn. Tích cực, chủ động trong công tác huy động nguồn lực tài chính, tranh thủ nguồn vốn của Trung ương cùng với nguồn vốn tại địa phương đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách. Kết quả đạt được đến ngày 30-9-2019: Tổng nguồn vốn thực hiện là 2.096.064 triệu đồng, tăng 999.075 triệu đồng so với năm 2014; doanh số cho vay 5 năm (từ năm 2015 đến 30-6-2019) đạt 2.852.116 triệu đồng với trên 77 nghìn lượt khách hàng được vay vốn (trong đó 28.800 lượt hộ nghèo vay vốn); doanh số thu nợ 5 năm đạt 1.853.322 triệu đồng, chiếm 64,98% doanh số cho vay; tổng dư­ nợ thực hiện 14 chương trình tín dụng là 2.093.732 triệu đồng, tăng 998.794 triệu đồng so với từ khi có Chỉ thị với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 18,2%/năm; nợ quá hạn và nợ khoanh là 6.358 triệu đồng, giảm 2.971 triệu đồng so với năm 2014; tỷ lệ thu nợ thực tế hằng năm trên 75%.

Thứ tư, phương thức ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội và các điểm giao dịch xã đổi mới, thực hiện có hiệu quả.

Để chuyển tải vốn tín dụng chính sách xã hội đúng đối tượng thụ hưởng, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, NHCSXH không ngừng đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện tốt phương thức uỷ thác một số công việc trong quy trình nghiệp vụ tín dụng cho 4 tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh (Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh), với tổng dư nợ đạt 2.089.749 đồng, chiếm 99,81% tổng dư nợ của toàn tỉnh, trong đó, nợ quá hạn là 3.767 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,18%/tổng dư nợ ủy thác, giảm 3.338 triệu đồng so với 2018 (7.105 triệu đồng).

Thông qua phương thức ủy thác qua các tổ chức hội đoàn thể, NHCSXH đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến xã trong việc chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, giúp họ biết sử dụng vốn có hiệu quả, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Với kết quả sau ủy thác qua tổ chức hội, có thể khẳng định phương thức ủy thác từng phần thông qua các tổ chức hội là rất phù hợp với điều kiện thực tiễn, góp phần nâng cao tính chất chính trị - xã hội của chính sách tín dụng ưu đãi, tận dụng mạng lưới của tổ chức hội, nguồn vốn của NHCSXH đã nhanh chóng đến được với nhân dân ở 100% số thôn, bản trên địa bàn toàn tỉnh.

Lai Châu đã triển khai tốt mô hình hoạt động của điểm giao dịch xã đặt tại trụ sở ủy ban nhân dân của 108/108 xã, phường, thị trấn trong tỉnh và hằng tháng tổ chức giao dịch vào ngày cố định tại điểm giao dịch để tạo điều kiện thuận lợi cho các khách hàng trong việc vay vốn và trả nợ. Tại các điểm giao dịch xã, đã thực hiện niêm yết công khai các chương trình tín dụng, quy trình, thủ tục cho vay, đối tượng thụ hưởng, mức vay và lãi suất cho vay, sao kê dư nợ từng chương trình, từng tổ chức hội uỷ thác quản lý... để từ đó tăng cường sự giám sát của chính quyền và nhân dân trên địa bàn. Hiện nay, trên 98% các nghiệp vụ kinh tế phát sinh như cho vay, thu nợ, thu lãi và thu - chi trả tiết kiệm đều được thực hiện ở điểm giao dịch xã, từ đó đã giúp khách hàng tiết giảm được phần lớn các chi phí về tiền bạc và thời gian đi lại. Công tác giao dịch tại các xã ngày càng được nâng cao về mặt chất lượng.

Có được những kết quả trên là do cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, luôn xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình, kế hoạch công tác. Thực hiện chủ trương huy động các nguồn lực, hằng năm, tỉnh dành một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương bổ sung nguồn vốn cho vay các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn. Hỗ trợ lãi suất cho vay đối với các dự án theo Nghị quyết số 51/2016/NQ/HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh tại 23 xã biên giới; hỗ trợ cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh. Công tác điều tra, xác định đối tượng hộ nghèo và các đối tượng chính sách luôn được giám sát chặt chẽ ngay từ họp bình xét ở các thôn, bản làm căn cứ cho vay bảo đảm đúng quy định. Tổ chức tập huấn, đào tạo dạy nghề và chuyển giao công nghệ hoạt động cho vay vốn, giúp hộ vay vốn sử dụng có hiệu quả. Từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã tổ chức được 926 lớp tập huấn, 796 lượt cán bộ hội cấp tỉnh, huyện và xã; 1.047 lượt cán bộ Hội Nông dân; 483 lượt cán bộ Hội Cựu chiến binh; 1.081 lượt cán bộ Đoàn Thanh niên; 493 lượt cán bộ ban giảm nghèo; 3.856 lượt trưởng thôn, 8.796 lượt ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV). Số hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay từ nguồn vốn NHCSXH tính đến ngày 30-6-2019 đạt 5.052.492 triệu đồng, với 207.431 lượt khách hàng được vay vốn, thành lập được 1.495 tổ TK&VV, góp phần giúp cho trên 18 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; 327 lượt học sinh, sinh viên được vay vốn, tạo việc làm cho 4.857 lao động, 44 lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động, đầu tư 15.351 công trình nước sạch và 14.689 công trình nhà vệ sinh, xây dựng 1.378 căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, 77 hộ được vay vốn chương trình nhà ở xã hội.

Những kết quả đạt được nêu trên còn là do chương trình tín dụng chính sách xã hội đã phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện, góp phần thực hiện tốt mục tiêu về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm trật tự, an toàn và an sinh xã hội, đẩy lùi “tín dụng đen” trên địa bàn, đặc biệt là tại các vùng nông thôn. Việc tổ chức thực hiện tín dụng chính sách xã hội được triển khai toàn diện, nghiêm túc, sát với thực tế, có sự phân công nhiệm vụ cụ thể, thường xuyên đánh giá kết quả thực hiện. Nguồn vốn ủy thác của ngân sách địa phương đã giúp cho NHCSXH chủ động hơn về nguồn vốn cho vay, giảm bớt sự phụ thuộc đối với ngân sách trung ương trong bối cảnh ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn.

Những hạn chế, yếu kém

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động tín dụng chính sách xã hội ở Lai Châu còn một số hạn chế, yếu kém. Là tỉnh nghèo, việc chi ngân sách chủ yếu dựa vào nguồn hỗ trợ của Chính phủ, nên việc bố trí nguồn vốn ủy thác qua NHCSXH cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác hằng năm còn hạn chế. Mặt khác, là tỉnh miền núi, biên giới, địa hình chia cắt phức tạp, giao thông đi lại còn gặp nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa nên ảnh hưởng lớn đến lượng hoạt động giao dịch tại các xã, thị trấn. Việc tập trung các nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách vào đầu mối là NHCSXH còn chưa thực hiện được. Hiệu quả tuyên truyền, vận động các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và cá nhân bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách gặp nhiều khó khăn. Công tác điều tra, xác định đối tượng được vay vốn một số xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới chưa được chặt chẽ. Chính quyền địa phương chưa có biện pháp xử lý tích cực còn để nợ xấu cao, chưa nắm bắt kịp thời hộ vay đi khỏi địa phương. Công tác tuyên truyền về các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ ở một số nơi còn chưa kịp thời. Do vậy, còn một bộ phận hộ nghèo và đối tượng chính sách khác chưa biết hoặc nhận thức chưa đúng về chính sách tín dụng ưu đãi, dẫn đến việc tham gia và thực hiện nghĩa vụ về vay vốn chưa đầy đủ. Các thành viên ban đại diện HĐQT các cấp kiêm nhiệm, nên công tác kiểm tra, giám sát chưa kịp thời, chưa thường xuyên. Các tổ chức chính trị - xã hội ở một số xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới chưa làm tốt công tác tuyên truyền và các nội dung ủy thác đã ký ...

Nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới

Với xuất phát điểm là một tỉnh nghèo, điều kiện kinh tế, xã hội, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế, ngân sách phụ thuộc vào sự cấp bù của Nhà nước, nguồn lực cho đầu tư phát triển vẫn còn hạn chế, đặt ra cho tỉnh Lai Châu nhiều thách thức. Năm 2020 là năm cuối thực hiện chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020, năm về đích thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Những năm tiếp theo sẽ mở ra giai đoạn mới với chuẩn nghèo được nâng lên, đặt ra những thách thức mới, nhiệm vụ mới trong công tác giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, với tốc độ tăng dân số như hiện nay, dự báo về nhu cầu lao động, việc làm sẽ tiếp tục là vấn đề bức xúc cần quan tâm giải quyết trong những năm tiếp theo của tỉnh Lai Châu. Chính vì vậy, việc triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội vẫn sẽ là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần quan tâm hàng đầu để thực hiện tốt mục tiêu, kế hoạch của tỉnh trong công tác giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, ổn định tình hình trật tự, an toàn xã hội, hạn chế và đẩy lùi “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh.

Để tiếp tục tổ chức thực hiện ngày càng hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Công văn số 971/CT-TU ngày 15-6-2015 và Công văn số 434-CV/TU ngày 28-9-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình tín dụng chính sách xã hội, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp trọng tâm.

Một là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt hằng năm cần quan tâm triển khai thực hiện. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 40-CT/TW.

Hai là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, nhất là công tác kiểm tra của ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp, của chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã, của các tổ chức chính trị xã hội… để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện, cũng như nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của cơ sở và người dân, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả vốn tín dụng chính sách.

Ba là, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục tuyên truyền chủ trương chính sách tín dụng ưu đãi với nhiều hình thức đa dạng, phong phú để thông tin đến được với mọi tầng lớp nhân dân, giúp người dân hiểu và dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi nếu có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn. Đồng thời, cảnh báo về tác hại của “tín dụng đen” đến đời sống gia đình cũng như trật tự, an toàn xã hội để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng cho vay nặng lãi trên địa bàn.

Bốn là, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội, phục vụ hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Chú trọng chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động giao dịch tại xã, chất lượng hoạt động của các tổ TK&VV. Tăng cường tổ chức tập huấn, phổ biến quy trình nghiệp vụ cho cán bộ, viên chức và người lao động thuộc NHCSXH và các cán bộ của tổ chức chính trị - xã hội, trưởng thôn, ban giảm nghèo, ban quản lý tổ TK&VV...

Năm là, các cơ quan chức năng căn cứ theo nhiệm vụ được phân công triển khai tốt các nội dung liên quan đến tín dụng chính sách xã hội, gắn việc thực hiện tín dụng chính sách với các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư…, các dự án hiện đại hóa, chuyển giao khoa học - công nghệ, đào tạo nghề, phát triển sản phẩm, dịch vụ… để nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn tín dụng chính sách. Tổ chức chính trị - xã hội các cấp đặc biệt quan tâm củng cố, nâng cao chất lượng ủy thác, chất lượng hoạt động của các tổ TK&VV, góp phần chuyển tải kịp thời, có chất lượng vốn tín dụng chính sách đến các đối tượng thụ hưởng, bảo đảm an toàn và hiệu quả.

Sáu là, nghiên cứu cơ chế cho vay trình Chính phủ đối với các hộ có mức sống trung bình theo quyết định số 59/2015/QĐ-TTg, của Thủ tướng chính phủ, về chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020, để các đối tượng này tiếp cận với nguồn vốn tín dụng sản xuất - kinh doanh tránh tái nghèo. Đề nghị Chính phủ xem xét hủy bỏ tài sản thể chấp hình thành từ vốn vay đối với món vay từ trên 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng thuộc chương trình cho vay sản xuất - kinh doanh tại vùng khó khăn, theo Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg; đồng thời kéo dài thời hạn cho vay tối đa lên 10 năm để phù hợp với chu kỳ sản xuất - kinh doanh của các loại cây trồng, vật nuôi có thời gian sinh trưởng dài như cây ăn quả, cây công nghiệp. Nâng mức cho vay chương trình học sinh, sinh viên theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg, phù hợp với mức tăng học phí và biến động giá cả thị trường. Cho phép tiếp tục thực hiện chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo khi hết thời hạn quy định (31-12-2020); kéo dài thời gian hộ gia đình được thụ hưởng chính sách tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo lên tối đa là 5 năm./.