TCCS  - Hướng tới trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương vào năm 2030, Bắc Ninh sẽ hình thành các đô thị, trong đó xác định thành phố Bắc Ninh, thành phố Từ Sơn và huyện Tiên Du làm khu vực đô thị lõi.

Thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh_ Ảnh: baobacninh.gov.vn

Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh Bắc Ninh tích cực đầu tư, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng; đặc biệt là thu hút các nguồn lực đầu tư xây dựng những công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật khác theo quy hoạch bảo đảm mục tiêu phát triển đô thị, nâng cao chất lượng sống của người dân.

Theo chương trình phát triển đô thị, hiện nay, hệ thống đô thị toàn tỉnh phát triển khá nhanh về chất và lượng với 12 đô thị, khu vực dự kiến trở thành đô thị bao gồm: Thành phố Bắc Ninh, thành phố Từ Sơn, đô thị Yên Phong, Quế Võ, Tiên Du, Thuận Thành, Gia Bình, Thứa, Nhân Thắng, Cao Đức, Trung Kênh, Lâm Thao. Các đô thị này giữ vai trò là trung tâm kinh tế thương mại - dịch vụ, chính trị - hành chính của tỉnh, huyện. Qua đánh giá sơ bộ, Bắc Ninh có 1 đô thị loại I, 1 đô thị loại III, 3 đô thị loại IV và 4 đô thị loại V. Về lộ trình phát triển, giai đoạn 2021 - 2025, thành phố Từ Sơn phấn đấu đạt đô thị loại II; Tiên Du đạt đô thị loại IV; xã Trung Kênh, Lâm Thao đạt tiêu chí đô thị loại V. Về quy mô toàn tỉnh, giai đoạn 2026 - 2030 Bắc Ninh cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại I trực thuộc Trung ương.

Nhằm thực hiện các mục tiêu về phát triển đô thị, gần đây ngành xây dựng hoàn thiện bộ khung về phát triển đô thị bao gồm: Chương trình phát triển đô thị tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030, Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 06, ngày 24-1-2022, của Bộ Chính trị, "Về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, Chương trình phát triển của từng đô thị". Trong đó, mục tiêu phát triển đô thị là tỉnh Bắc Ninh trở thành đô thị loại 1 vào năm 2030. 

Ngoài ra, Sở còn tập trung tham mưu đẩy mạnh đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng đô thị, các dự án nhà ở để nâng loại đô thị theo kế hoạch; rà soát các tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương làm cơ sở tiếp tục hoàn thiện “Đề án xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”. Lập danh mục các dự án, khu đô thị, khu chức năng đô thị cần thu hút đầu tư… bảo đảm mục tiêu nâng cấp các đô thị, thành lập các phường, thị xã, thành phố. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị phát triển theo hướng hiện đại, bền vững vì mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, chất lượng đô thị.

Kết quả, tỷ lệ đô thị hoá của tỉnh tăng từ 32,5% lên 38%, dự kiến lên 60% vào cuối năm 2023; đô thị Thuận Thành, Quế Võ, Yên Phong được Bộ Xây dựng công nhận đô thị loại IV; đô thị Tiên Du đang nghiên cứu triển khai lập, trình Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại III.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng đô thị, Sở Xây dựng tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành sửa đổi Quy định quản lý công trình đường ống, đường dây ngầm cho phù hợp với thực tiễn; Quy định về cây xanh sử dụng công cộng trồng tại đô thị trên địa bàn; phương án bảo đảm an ninh nguồn nước, cấp nước an toàn trên địa bàn…

Đề xuất tỉnh lựa chọn nhà đầu tư dự án Nhà máy nước mặt thành phố Bắc Ninh công suất 45.000m3/ngày đêm, dự án mạng cấp nước xã Tam Đa (Yên Phong). Đồng thời, chủ động phối hợp với các ngành giải quyết khó khăn, vướng mắc trong xây dựng khu xử lý chất thải rắn tập trung các huyện, các nhà máy xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt phát điện tại thị xã Thuận Thành, các huyện Lương Tài, Quế Võ. Đến nay, không còn tình trạng thiếu nước sạch trên địa bàn tỉnh và đã khắc phục việc ngập úng kéo dài tại các đô thị.

Theo lộ trình, từ nay đến trước năm 2030 tỉnh cần từng bước nâng cấp 12 đô thị gồm: Từ Sơn lên đô thị loại II; 4 đô thị Quế Võ, Thuận Thành, Yên Phong và Tiên Du đạt loại III… cùng với đô thị loại I - thành phố Bắc Ninh tạo thành chuỗi đô thị đa trung tâm, trong đó chuỗi đô thị Từ Sơn - Tiên Du - Bắc Ninh là trọng tâm.

Mỗi đô thị có các chức năng đặc trưng bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, đô thị, dịch vụ, công nghiệp, logistics, nông nghiệp công nghệ cao. Cả trong ngắn và dài hạn, toàn tỉnh đang nỗ lực phát triển đô thị với trọng tâm là phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng kinh tế và bảo vệ cảnh quan, môi trường, ứng dụng công nghệ thông tin vào quy hoạch và xây dựng các đô thị, khu nhà ở, công trình thông minh, từng bước tiến tới xây dựng đô thị Bắc Ninh là đô thị thông minh, sinh thái. 

Ngành chức năng đang rà soát các tiêu chuẩn, tiêu chí của các đô thị, của thành phố thuộc tỉnh, của thành phố trực thuộc Trung ương (ranh giới toàn tỉnh). Từ đó, tập trung nguồn lực, đẩy mạnh thu hút đầu tư để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng đô thị còn thiếu, như Trung tâm văn hóa, thể thao cấp tỉnh, cấp huyện; công viên, hồ điều hòa, bệnh viện, hệ thống thu gom và xử lý nước thải…

Tập trung tháo gỡ khó khăn, đề xuất cơ chế chính sách phù hợp để đẩy mạnh thu hút đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư phát triển các khu đô thị quy mô lớn có tính chất điểm nhấn gắn với khu chức năng đô thị cấp vùng; công trình hạ tầng kỹ thuật khung liên quan đến giao thông đối ngoại, liên vùng. Đặc biệt là quy hoạch, phát triển không gian ngầm, rà soát quỹ đất phát triển không gian ngầm… để hướng tới mục tiêu trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương. 

Cụ thể nâng cấp thành phố Từ Sơn đạt tiêu chí đô thị loại II trước năm 2025; các đô thị Thuận Thành, Quế Võ, Tiên Du và Yên Phong đạt tiêu chí đô thị loại III trước năm 2030. Đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt trên 65% vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX (chỉ tiêu là 55%); 100% các đô thị loại IV trở lên có hệ thống xử lý nước thải tập trung, 100% các chung cư, tòa nhà cao tầng có hệ thống xử lý nước thải; bảo đảm 100% người dân có nước sạch sử dụng./.

Việt Nguyễn (tổng hợp)