TCCS - Giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh Quảng Trị tiếp tục ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, xem đây là điều kiện tiên quyết để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.  

Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng

Kết cấu hạ tầng có vai trò đặc biệt quan trọng, là điều kiện, tiền đề để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân. Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 16-1-2012, của Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, “Về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020” (Nghị quyết số 13-NQ/TW) xác định: quy hoạch phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phải hiện đại, đồng bộ trên phạm vi cả nước, từng ngành, từng vùng và từng địa phương, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết đặt ra mục tiêu tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư giải quyết cơ bản những tắc nghẽn, quá tải, bức xúc và từng bước hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tương đối đồng bộ với một số công trình hiện đại. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định, đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông...

Đồng chí Võ Văn Hưng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị khảo sát thực địa dự án sân bay Quảng Trị _ Ảnh: vneconomy.vn

Là tỉnh gánh chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh; có nền kinh tế thuần nông kém phát triển, do vậy, việc xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ càng quan trọng và bức thiết đối với tỉnh Quảng Trị. Nhận thức vấn đề đó, đồng thời quán triệt và thực hiện chủ trương, nghị quyết của Trung ương Đảng về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là Nghị quyết số 13-NQ/TW, thời gian qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm chính trị cao, tỉnh Quảng Trị đã tập trung huy động các nguồn lực, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng từng bước đồng bộ với mục tiêu tạo nên đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn.

Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XV, nhiệm kỳ 2010 - 2015 ban hành nhiều chương trình, nghị quyết chuyên đề về xây dựng kết cấu hạ tầng như: Chương trình hành động số 36-CTHĐ/TU, ngày 7-5-2012, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV, về “Thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI “Vxây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020””, Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 28-5-2013, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XV “Về xây dựng và phát triển thành phố Đông Hà đến năm 2020”. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 định hướng rõ chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ của địa phương trong giai đoạn 2015 - 2020. Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Tỉnh ủy đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội như: Nghị quyết về xây dựng và phát triển khu kinh tế Đông Nam; nghị quyết về phát triển đô thị đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành chương trình hành động và kế hoạch hành động chi tiết giai đoạn 2011 - 2015 thực hiện Chiến lược phát triển bền vững đến năm 2020; hoàn thành Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh và Quy hoạch phát triển hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2020,… Cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn căn cứ tình hình cụ thể của địa phương để cụ thể hóa định hướng của Trung ương, của tỉnh về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ thông qua các chương trình hành động, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền và sự nỗ lực triển khai thực hiện của nhân dân, đến nay, hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh Quảng Trị được đầu tư xây dựng khá đồng bộ, ngày càng đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cũng như bảo đảm quốc phòng - an ninh, cụ thể như sau:

Thứ nhất, hạ tầng giao thông phát triển, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Những năm qua, tỉnh Quảng Trị tập trung huy động tối đa các nguồn lực, ưu tiên đầu tư xây dựng và hoàn thiện hạ tầng giao thông. Một số hạng mục công trình giao thông quan trọng kết nối Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị với hành lang kinh tế Đông - Tây, Khu kinh tế - thương mại Lao Bảo, tam giác du lịch biển Cửa Việt - Cửa Tùng - Cồn Cỏ được tỉnh bổ sung vào quy hoạch và từng bước triển khai thực hiện, tạo sự liên kết vùng, miền và khu vực. Nhiều công trình giao thông quan trọng được cải tạo, nâng cấp, đầu tư xây dựng mới như: Cầu sông Hiếu, cầu thứ 2 qua sông Thạch Hãn, cầu nối Mò Ó - Triệu Nguyên, đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn (đoạn qua địa bàn tỉnh), đường tránh thành phố Đông Hà về phía Đông, đường Sa Trầm - Palin, trục đường trung tâm Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị,… đã tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Giai đoạn 2015 - 2020, hệ thống đường bộ trên địa bàn tỉnh tăng hơn 1.600km và tổng vốn đầu tư cho lĩnh vực giao thông đạt trên 6.623 tỷ đồng. Hiện nay, các tuyến xe buýt được mở đến tất cả các huyện, thành, thị trên địa bàn.

Khu kinh tế Lao Bảo (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) nằm trên tuyến đường xuyên Á, vùng đất đầy triển vọng trong thu hút đầu tư và phát triển _ Ảnh: TTXVN

Thứ hai, hạ tầng đô thị được quy hoạch phát triển theo hướng bền vững. Đến nay, trên địa bàn tỉnh cơ bản hình thành hai chuỗi đô thị theo các trục Bắc - Nam và Đông - Tây với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Tỉnh đầu tư xây dựng và phát triển một số khu đô thị mới và từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị thiết yếu. Nhiều công trình hạ tầng xã hội được tỉnh chú trọng xây dựng và hoàn thiện như: Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, phân hiệu Đại học Huế, Nhà văn hóa trung tâm thành phố, Trung tâm Thể dục - thể thao thành phố, Trường iSchool; nâng cấp và xây dựng mới các trung tâm thể dục - thể thao, nhà văn hóa khu phố và các thiết chế văn hóa khác…, từng bước đáp ứng yêu cầu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.  

Thứ ba, các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế tiếp tục được tỉnh đầu tư, mở rộng quy mô, nhờ đó, kết cấu hạ tầng kỹ thuật tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp từng bước được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư và triển khai thực hiện các dự án. Đến cuối năm 2020, có khoảng 4 nghìn doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn với tổng vốn đăng ký đạt gần 44.828 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho khoảng 44 nghìn lao động.

Thứ tư, hạ tầng cấp điện phát triển rộng khắp đáp ứng yêu cầu phát triển hệ thống cấp điện cũng như nhu cầu sử dụng điện của nhân dân. Với khát vọng trở thành trung tâm năng lượng của khu vực và cả nước, những năm qua, bên cạnh đầu tư xây dựng các nhà máy thủy điện, tỉnh Quảng Trị còn ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống điện gió, điện mặt trời, đưa tổng công suất phát điện từ 100,9 MW năm 2015 lên 377 MW vào năm 2020; trong đó, thủy điện là 167,5 MW, điện gió 60 MW, điện mặt trời 149,5 MW. Để đồng bộ hóa với hệ thống cấp điện và thu gom hết sản lượng điện, giải tỏa công suất của các nhà máy điện, tỉnh đầu tư xây dựng nhiều trạm biến áp, hệ thống đường dây lưới điện; đặc biệt, chú trọng đầu tư nâng cấp, xây dựng mạng lưới điện ở nông thôn, bảo đảm 100% số thôn, bản có điện và trên 99,5% số hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia.

Thứ năm, hạ tầng cấp, thoát nước được tỉnh chú trọng đầu tư từ nhiều nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị và các khu công nghiệp, khu kinh tế và khu dịch vụ, du lịch. Đến nay, sản lượng nước máy trên địa bàn tỉnh đạt 13 triệu , tăng 2% so với năm 2015, bảo đảm cấp nước cho thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị, các thị trấn huyện lỵ và một số xã; tỷ lệ dân số thành thị được cung cấp nước sạch đạt 95%, tỷ lệ dân số sử dụng nước hợp vệ sinh ở nông thôn đạt 94,5%.

Thứ sáu, hạ tầng bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin được tỉnh quan tâm và đầu tư phát triển. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức trên địa bàn ngày càng rộng rãi và đạt hiệu quả cao. Tính đến nay, 100% cơ quan nhà nước triển khai hệ thống gửi, nhận văn bản qua mạng, hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc, hệ thống thư điện tử công vụ, hệ thống một cửa điện tử. Cổng giao tiếp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh phát huy khá hiệu quả, kết nối với Cổng thông tin điện tử Chính phủ hỗ trợ thiết thực cho người dân và doanh nghiệp. Thời gian qua, Cổng giao tiếp dịch vụ công của tỉnh đã cung cấp 426 dịch vụ công trực tuyến mức độ 1; 1.274 dịch vụ công trực tuyến mức độ 2; 283 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 91 dịch vụ công mức độ 4.  

Thứ bảy, hệ thống hạ tầng thủy lợi được đầu tư, nâng cấp cơ bản đồng bộ. Đến nay, hệ thống đê điều được đầu tư khép kín với nhiều công trình trọng điểm, bảo đảm tưới chủ động cho 85% diện tích lúa 2 vụ, tiêu úng cho 7.500ha, cấp nước cho 1.975ha nuôi trồng thủy sản; ngăn mặn, ngăn lũ cho 13.000ha; kè sông, kè biển được tập trung đầu tư tại các vị trí sạt lở cấp bách, nguy hiểm, góp phần chủ động phòng, chống thiên tai, ổn định đời sống dân cư, cải thiện cảnh quan đô thị và nông thôn vùng ven sông, ven biển.

Hạ tầng các lĩnh vực thương mại, truyền dẫn sóng phát thanh, truyền hình, văn hóa, thể thao, du lịch,… tiếp tục được hoàn thiện, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Thực tế cho thấy, nhờ đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng khá đồng bộ đã tạo cú hích lớn cho nền kinh tế của tỉnh Quảng Trị. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh bình quân 5 năm 2016 - 2020 đạt 7,16%, tăng 1,25% so với giai đoạn 2010 - 2015 và cao hơn bình quân chung của cả nước. Quy mô nền kinh tế gấp 1,41 lần so với năm 2015. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 55,4 triệu đồng, gấp 1,6 lần năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tạo nguồn lực mới cho sự phát triển. Văn hóa - xã hội đạt được nhiều tiến bộ; an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện. Quốc phòng - an ninh được củng cố, tăng cường; giữ vững ổn định an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng kết cấu hạ tầng của tỉnh Quảng Trị những năm qua vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhiều điểm nghẽn chưa được tháo gỡ trong quá trình triển khai thực hiện. Một số chương trình, lĩnh vực trọng điểm kinh tế được kỳ vọng mang tính đột phá (Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, tam giác du lịch Cửa Việt - Cửa Tùng - Cồn Cỏ, cảng biển Mỹ Thủy, Khu kinh tế thương mại Lao Bảo...) tiến triển chậm; hệ thống thiết chế văn hóa, thể dục, thể thao còn thiếu, nguồn lực đầu tư còn hạn chế; một số đề án, dự án về văn hóa, xã hội thực hiện chậm. Cơ sở vật chất trường học, nhà công vụ giáo viên ở miền núi và thiết bị dạy học chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác quản lý và giải ngân vốn đầu tư chậm; định hướng quy hoạch có tầm nhìn dài hạn còn nhiều lúng túng, chưa được tháo gỡ, nhất là trong công tác quản lý đất đai, sự phối hợp giữa các địa phương trong tổ chức giải phóng mặt bằng.

Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ trong thời gian tới

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ là một trong năm chương trình, dự án trọng điểm trong giai đoạn 2021 - 2025. Tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng từng bước đồng bộ, khắc phục dần các điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung thực hiện hoàn thành một số dự án trọng điểm, động lực, có sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là các công trình giao thông quan trọng kết nối các khu kinh tế, khu công nghiệp, cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, La Lay với cảng Cửa Việt, cảng Mỹ Thủy và hệ thống giao thông quốc gia; xây dựng kết cấu hạ tầng các đô thị trên địa bàn tỉnh. Cụ thể:

Một là, về hạ tầng giao thông, tỉnh tập trung triển khai thực hiện dự án quốc lộ 15D; đốc thúc đẩy nhanh quá trình đầu tư để đưa vào khai thác cảng biển Mỹ Thủy; cảng Cửa Việt bờ Nam; nâng cấp, mở rộng quốc lộ 9 đoạn từ quốc lộ 1 về cảng Cửa Việt; mở rộng quốc lộ 9 đoạn tránh phía nam Đông Hà; đường ven biển; cảng hàng không sân bay Quảng Trị; đường Hùng Vương nối dài giai đoạn 3; đường từ sân bay Quảng Trị đến đường trung tâm Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị; đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây; nghiên cứu tuyến đường sắt đoạn Đông Hà - Lao Bảo và đoạn từ cảng Mỹ Thủy nối với đường sắt Bắc - Nam, ga đường sắt cao tốc Bắc - Nam; tiếp tục đầu tư hoàn thiện, đưa vào sử dụng các công trình đầu tư dở dang, kéo dài nhiều năm. Ngày 6-4-2021, Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư Dự án cảng hàng không Quảng Trị theo đúng quy định. Cảng hàng không Quảng Trị là cảng hàng không nội địa có tính chất sử dụng chung dân sự và quân sự; có tổng diện tích hơn 316ha, trong đó diện tích khu hàng không dân dụng hơn 87ha, diện tích đất quân sự hơn 51ha, diện tích dùng chung hơn 177ha. Cấp sân bay thuộc loại 4C theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế và sân bay quân sự cấp II, công suất một triệu hành khách/năm và 3.100 tấn hàng hóa/năm. Việc xây dựng cảng hàng không Quảng Trị sẽ tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.

Hai là, về hạ tầng cấp điện, tỉnh xác định phải đi trước một bước, tạo cú hích cho phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian tới, Đảng bộ tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11-02-2020, của Bộ Chính trị khóa XII, “Về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phấn đấu xây dựng tỉnh Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung vào năm 2030. Do đó, bên cạnh thủy điện, tỉnh ưu tiên phát triển điện khí, điện gió và điện mặt trời. Ngày 25-1-2021, Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030; trong đó, tỉnh Quảng Trị sẽ xây dựng nhà máy điện độc lập tại 2 xã Hải An và Hải Ba của huyện Hải Lăng, công suất 4.500 MW, với tổng mức đầu tư 4,5 tỷ đồng. Để đồng bộ hóa hệ thống cấp điện và bảo đảm công suất các dự án điện đầu tư trên địa bàn, tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng lưới truyền tải; trong đó, thúc đẩy hoàn thành xây dựng đường dây, trạm biến áp 220kV Đông Hà - Lao Bảo để đồng bộ với các dự án năng lượng tái tạo phía tây của tỉnh... Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục đầu tư hiện đại và ngầm hóa lưới điện; nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới hệ thống điện lưới, đáp ứng nhu cầu truyền tải điện, phục vụ các dự án phát triển năng lượng trên địa bàn; mở rộng mạng lưới những nơi chưa có điện.

Ba là, về hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp, tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, Khu công nghiệp Quán Ngang, Khu công nghiệp Tây Bắc Hồ Xá và các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Xây dựng một số công trình hạ tầng thiết yếu tại khu vực cửa khẩu quốc tế La Lay đủ điều kiện thành lập khu kinh tế cửa khẩu. Đẩy nhanh triển khai dự án phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Quảng Trị (VSIP8). Triển khai các dự án xử lý rác thải từ nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước; hệ thống cấp nước sạch đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị và các khu công nghiệp, khu kinh tế và khu dịch vụ du lịch.

Bốn là, về hạ tầng đô thị, tỉnh tập trung đầu tư phát triển hạ tầng đô thị hiện đại, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Kêu gọi đầu tư xây dựng các khu đô thị hiện đại. Nghiên cứu xây dựng quy hoạch và phát triển đô thị ven biển để phát triển kinh tế biển, gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo... Bên cạnh đó, tỉnh tập trung phát triển hạ tầng thương mại nông thôn; xã hội hóa trong đầu tư xây dựng, quản lý, kinh doanh, khai thác chợ; đầu tư xây dựng một số chợ đầu mối, chợ nông sản, thủy hải sản...; phát triển thị trường bất động sản phù hợp với điều kiện phát triển của tỉnh.

Nghiên cứu xây dựng quy hoạch và phát triển đô thị ven biển để phát triển kinh tế biển, gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo... (Trong ảnh: Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị chúc mừng ngư dân trúng đậm cá bè khi tàu vừa cập cảng Cửa Việt)_Ảnh: TTXVN

Năm là, về hạ tầng nông nghiệp và phát triển nông thôn, tỉnh tập trung nâng cấp các công trình thủy lợi bảo đảm tưới tiêu chủ động; các công trình đê, kè phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; các khu neo đậu tránh trú bão, dịch vụ hậu cần nghề cá. Từng bước hoàn thành các tiêu chí về kết cấu hạ tầng trong xây dựng nông thôn mới.

Sáu là, về hạ tầng văn hóa, thể thao, du lịch, tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng Công viên Thống nhất tại Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải; tu bổ, tôn tạo Di tích Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn (giai đoạn 2); triển khai dự án phát triển kết cấu hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, giai đoạn 2 - tiểu dự án tỉnh Quảng Trị; hoàn thiện khu liên hiệp thể thao tỉnh; nâng cấp Di tích Thành cổ Quảng Trị.

Bảy là, về hạ tầng y tế, giáo dục, những năm tới tỉnh sẽ đầu tư xây dựng Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Quảng Trị; đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện. Hoàn thành Đề án hệ thống y tế cơ sở; Đề án xóa phòng học tạm, phòng học mượn giai đoạn 2019 - 2021. Phát triển hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nêu trên sẽ là tiền đề, động lực quan trọng thúc đẩy địa phương phát triển nhanh và bền vững, đưa Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước vào năm 2025 và thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước vào năm 2030 như Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra./.