TCCS - Ngày 14-11-2021, tại thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại” do đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng ban Thường thực Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW làm trưởng đoàn có buổi làm việc với Tỉnh ủy Quảng Ninh về Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW nhằm mục đích làm rõ hơn một số vấn đề thực tiễn và kinh nghiệm của Quảng Ninh trong quản lý, sử dụng đất đai của tỉnh phục vụ công tác tổng kết Nghị quyết số 19- NQ/TW.

Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW phát biểu tại hội nghị_Ảnh: TTXVN

Dự hội nghị về phía tỉnh Quảng Ninh có các đồng chí: Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.

Phát biểu gợi mở các vấn đề cần thảo luận, làm rõ, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW chỉ ra một số những hạn chế, khó khăn, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết tại Quảng Ninh, như công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn gặp khó khăn khi giải quyết đối với trường hợp phát sinh các dự án; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; xây dựng hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu địa chính, chính sách bồi thường, hỗ trợ đối với đất nông nghiệp chưa phù hợp với thực tiễn; nhiều dự án gặp vướng mắc khi điều chỉnh chủ trương đầu tư…

Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW đề nghị các đại biểu tham dự, trên cơ sở thực tiễn quản lý, triển khai Nghị quyết trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tập trung thảo luận, đánh giá sâu về những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị về một số vấn đề trọng tâm trong lĩnh vực đất đai như: Thực hiện thu hồi đất theo quy hoạch, giao đất, cho thuê đất; kế hoạch sử dụng đất của thành phố, tạo quỹ đất sạch, đấu giá quyền sử dụng đất; giải phóng mặt bằng; tổ chức bộ máy, hiệu quả hoạt động của Tổ chức phát triển quỹ đất; phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước về đất đai; công tác xác định giá đất; tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về đất đai của tỉnh Quảng Ninh.

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu trong Ban Chỉ đạo đưa ra các ý kiến liên quan đến việc có hay không điều chỉnh hình thức cho thuê đất, thu tiền một lần hay thu tiền hằng năm, đối với nội dung này hiện nay tỉnh Quảng Ninh đang thực hiện thu theo năm. Hình thức này được các đại biểu đồng tình, bởi sẽ hạn chế được việc sau khi thu tiền thuê đất một lần có thể có địa phương sẽ sử dụng ngay nguồn lực trong ngắn hạn. Tuy nhiên, cũng cần có sự điều chỉnh phù hợp từ góc nhìn của nhà nước và doanh nghiệp để hài hòa lợi ích chung.

Đối với xây dựng giá đất, các đại biểu nêu ý kiến nên xác định giá trị đất đai theo nguyên tắc thị trường và phải có phương pháp định giá bằng công nghệ, có cơ quan thẩm định giá độc lập. Việc cho thuê đất thông qua đấu thầu, đấu giá cần tối đa hóa hiệu quả trên diện tích đất đó mang lại chứ không đấu giá theo hình thức trả giá cao nhất. Mặt khác công tác quy hoạch cần có tầm nhìn, có tính liên kết vùng để hạn chế xảy ra tình trạng quy hoạch treo, dự án treo làm lãng phí tài nguyên...

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh phát biểu tại hội nghị_Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, cho biết, đất đai được xác định là nguồn lực đặc biệt quan trọng của Quảng Ninh, với địa phương có diện tích rộng cũng là thách thức trực tiếp với công tác quản lý, sử dụng đất đai. Song tỉnh Quảng Ninh xác định luôn thận trọng, có chiến lược sử dụng đất bảo đảm tính bền vững, bảo vệ tài nguyên. Tỉnh Quảng Ninh không khuyến khích thu hút đầu tư phát triển đơn thuần không tạo ra chuỗi dịch vụ. Tỉnh cũng mong muốn quá trình điều chỉnh, sửa đổi luật sẽ có những màng lọc tạo ra giới hạn để các nhà đầu tư có trách nhiệm hơn khi đã được đồng ý đầu tư vào địa phương.

Kết thúc buổi làm việc, đồng chí Trần Tuấn Anh đánh giá cao quá trình tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách pháp luật về đất đai của tỉnh Quảng Ninh trong thời gian qua đạt được nhiều thành tựu nổi bật, nhờ đó, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh, phát triển, bảo vệ môi trường, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, nhất là bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ gìn vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền vùng Đông Bắc của Tổ quốc, tạo mối quan hệ hữu nghị với nước bạn láng giềng.

Quang cảnh hội nghị_Ảnh: TTXVN

Việc ban hành và thực hiện quy hoạch ổn định, kế hoạch sử dụng đất linh hoạt góp phần tạo quỹ đất thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kết cấu hạ tầng, công nghiệp, đô thị và dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế tích cực theo hướng bền vững từ “nâu” sang “xanh”; không gian phát triển du lịch được mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan, bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản; khu dân cư khu vực nông thôn như hạ tầng văn hóa, thể thao, giáo dục được cải thiện vượt bậc; khuyến khích tập trung và tích tụ đất nông nghiệp, hình thành nên những vùng sản xuất hàng hóa lớn đã góp phần thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh…

Thay mặt Thường trực Ban Chỉ đạo, đồng chí Trần Tuấn Anh ghi nhận những ý kiến đóng góp của Quảng Ninh đối với Dự thảo báo cáo tổng kết và cho rằng, đây là những ý kiến quan trọng, thiết thực về những vấn đề đang còn có ý kiến khác nhau. Đồng chí yêu cầu Tổ Biên tập chắt lọc, tiếp thu trong quá trình bổ sung, hoàn thiện một cách toàn diện và sâu sắc Đề án Tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW./.

Trung Duy (tổng hợp)