Cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa hai ứng cử viên sáng giá của Đảng Dân chủ Hi-la-ri Clin- tơn (Hilary Clinton) và Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama) đang đe dọa cơ hội của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 này. Giới chức đảng này tỏ ra rất bối rối, liệu có thể diễn ra “cuộc thương lượng hòa bình” để dàn xếp và thỏa hiệp giữa hai đối thủ hay không? Đó là câu hỏi chưa có câu trả lời.

Những người ủng hộ bà Hi-la-ri và ông Ô-ba-ma đã dịu giọng hơn, có vẻ không còn muốn tiếp tục chỉ trích lẫn nhau, vì lo ngại cuộc chiến trong nội bộ đảng có thể làm phương hại sự ủng hộ đối với các ứng cử viên của Đảng Dân chủ và trao thêm phiếu vào tay ứng cử viên của Đảng Cộng hòa - Giôn Mắc-kên (John McCain).

Ngày 16-3, với lợi thế không còn đối thủ cạnh tranh sau khi giành được đủ số đại biểu cần thiết để trở thành ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa, Giôn Mắc-kên đã tới Bát-đa, I-rắc, thực hiện một trong những chuyến công du nhằm “cộng thêm điểm” cho thành tích về chính sách đối ngoại của ông.

Các ứng cử viên của Đảng Dân chủ không thể có được sự “xa xỉ” như vị Thượng nghị sĩ bang A-ri-dô-na (Aizona). Họ vẫn đang bị chất vấn về những phát biểu bị coi là không đúng sự thật do những người ủng hộ của Hi-la-ri và Ô-ba-ma đưa ra trong các cuộc đấu khẩu quyết liệt nhằm bôi nhọ lẫn nhau. Mỗi ngày trôi qua, cuộc đấu tranh trong nội bộ đảng này lại gây thêm nhiều vết thương mới bởi những cú đòn “hiểm”, động chạm tới các vấn đề “nhạy cảm”. Bà Hi-la-ri cho rằng ông Ô-ba-ma không có kinh nghiệm chính trường. Bà đặt câu hỏi rằng liệu một Ô-ba-ma non trẻ có đủ năng lực và kinh nghiệm để trở thành tổng tư lệnh hay không. Ông Ô-ba-ma cũng tung ra những đòn phản công vào những điểm yếu của Hi-la-ri, ông cho rằng bà ta là người thủ cựu và không thể truyền cảm hứng cho người dân Mỹ.

Cuộc chiến bất phân thắng bại đã kéo dài nhiều tháng. Những phát biểu hiện nay sẽ trở thành “đạn đại bác” bắn vào chính ứng cử viên Đảng Dân chủ sau này. Và người “sống sót” sau cuộc chiến đó khó có thể ngồi yên mà nhấm nháp chiến thắng của mình.

Cho dù có giành được chiến thắng tại các cuộc bầu cử sơ bộ còn lại - “điều không tưởng” đối với cựu Đệ nhất phu nhân nước Mỹ thì số lượng đại biểu cũng không đủ để Hi-la-ri được trao vương miện. Còn Ô-ba-ma, dù có thắng lợi tại tất cả các cuộc chiến sắp tới - “điều khả thi” đối với vị thượng nghị sĩ trẻ gốc Phi bang I-li-noi (Illinois), thì ông cũng không đủ số đại biểu cần thiết để trở thành ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ.

Từ trước đến nay, hiếm có hai ứng cử viên “ngoan cường” trở thành đối thủ không khoan nhượng của cùng một đảng trong chiến dịch tranh cử sơ bộ như thế này. Thông thường người không có đủ số phiếu sẽ buộc phải hợp tác với đối thủ của mình. Không tránh được quy luật đó, sau cuộc bầu cử sơ bộ tại bang Pen-xin-va-ni-a (Pennsylvania) vào ngày 24-4 tới, các trọng tài cần phải bắt đầu một “cuộc đàm phán vì hòa bình” càng sớm càng tốt. Nếu không, cuộc đấu quyết tử này sẽ chỉ mang lại lợi ích cho “đối thủ” mà thôi./.