Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã giành thắng lợi trọn vẹn, nước nhà được thống nhất. Đại hội IV của Đảng họp vào tháng 12-1976 đã vạch ra đường lối của cách mạng xã hội chủ nghĩa trong phạm vi cả nước. Đại hội cũng quyết định đổi tên Đảng thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Trên cơ sở tình hình và nhiệm vụ trong giai đoạn mới, ngày 5-1-1977 Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IV) ra Nghị quyết số 01/NQ-TW đổi tên tạp chí Học tập thành Tạp chí Cộng sản bắt đầu từ tháng 1-1977.

Trong lịch sử tạp chí Đảng, đây là lần thứ năm tạp chí Đảng lấy tên là Tạp chí Cộng sản. Việc lấy tên đó là để phù hợp với tình hình và nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới và phù hợp với việc đổi tên Đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Qua Đại hội IV, đồng chí Đào Duy Tùng, Tổng Biên tập tạp chí, được bầu là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng.

Ngày 7-1-1978, Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 32/TT-TW về nhiệm vụ của Tạp chí Cộng sản. Chỉ thị nêu rõ: “Nhiệm vụ của Tạp chí Cộng sản là đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân, lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin làm cơ sở, kết hợp chặt chẽ lý luận Mác - Lê-nin với thực tiễn cách mạng Việt Nam để tuyên truyền đường lối, chính sách và các quan điểm của Đảng một cách sâu sắc. Tạp chí Cộng sản phải vận dụng lý luận Mác - Lê-nin, phân tích những chủ trương, chính sách của Đảng, nâng cao nhận thức của cán bộ và đảng viên về tư tưởng, chính sách và quan điểm của Đảng, phê phán những khuyết điểm, sai lầm trong khi thi hành các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Tạp chí phải giáo dục tư tưởng xã hội chủ nghĩa, chống tư tưởng tư sản và tàn dư phong kiến, phê phán tư tưởng tiểu tư sản, quét sạch ảnh hưởng của tư tưởng thực dân mới. Tạp chí phải đi hàng đầu trong việc bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đường lối cách mạng và các quan điểm của Đảng, đồng thời làm nổi bật việc Đảng ta vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam để lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác ...”.

Sau khi nêu rõ “Trước mắt, Tạp chí Cộng sản phải căn cứ vào chức năng của mình mà tuyên truyền sâu sắc Nghị quyết Đại hội IVcủa Đảng và các nghị quyết quan trọng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, của Quốc hội và Hội đồng chính phủ”, Chỉ thị đã đề ra sáu phương hướng cụ thể cho việc tiến hành công tác biên tập của Tạp chí Cộng sản:

1. Kết hợp lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin với thực tiễn cách mạng Việt Nam để giải thích đường lối chung của cách mạng xã hội chủ nghĩa và đường lối xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới ở nước ta.

2. Căn cứ vào chủ nghĩa Mác - Lê-nin và Nghị quyết Đại hội IV của Đảng mà trình bày có hệ thống và hướng dẫn những công tác lớn của Đảng, như: xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, vận động quần chúng, kinh tế tài chính, văn hóa giáo dục, khoa học - kỹ thuật, văn học nghệ thuật, tăng cường củng cố quốc phòng, bảo vệ trật tự, an ninh, v.v..

3. Nêu bật một cách sâu sắc và có tính tổng kết những kinh nghiệm tốt, những sáng kiến mới, phê phán những khuynh hướng và biểu hiện tư tưởng sai lầm trong phong trào quần chúng nhân dân đang phấn đấu để thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, kế hoạch và pháp luật của Nhà nước.

4. Góp phần tổng kết những kinh nghiệm của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa, và của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ ở Việt Nam, đi đến những kết luận có tính chất lý luận.

5. Tuyên truyền các chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, quan điểm của Đảng về các vấn đề quốc tế quan trọng. Giới thiệu có chọn lọc những kinh nghiệm chủ yếu của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, và của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Thông qua bình luận thời sự mà phê phán chiến lược toàn cầu của đế quốc Mỹ, bóc trần những âm mưu đen tối của bọn đế quốc và tay sai.

6. Dùng những hình thức trình bày trực diện vấn đề mà bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Chỉ thị cũng ghi rõ: “Ban Biên tập Tạp chí Cộng sản là một ban của Trung ương Đảng đặt dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị”.

Triển khai Nghị quyết của Đại hội IV, Tạp chí đã đăng nhiều bài làm sáng tỏ những quan điểm cơ bản trong đường lối chính trị của Đảng đã được Đại hội thông qua. Đó là các luận điểm về nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học - kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hóa, trong đó cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt. Những bài trình bày một cách đầy đủ các luận điểm đó trong đường lối của Đảng thường là bài của các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng. Tạp chí còn có những bài đề cập đến các mặt khác trong đường lối của Đảng như: Giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội; mối quan hệ giữa cải tạo và xây dựng trong cách mạng xã hội chủ nghĩa; vấn đề quốc phòng toàn dân và bảo vệ Tổ quốc, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; đường lối đối ngoại của Đảng và các quan điểm của Đảng về các vấn đề quốc tế.

Tạp chí đã dành nhiều bài bàn về các vấn đề kinh tế, nhằm cụ thể hóa những luận điểm đã được Đảng nêu lên trong đường lối kinh tế. Từ số 9-1977, tạp chí tập trung tuyên truyền cho Nghị quyết Hội nghị Trung ương 2 khóa IV về vấn đề phát triển nông nghiệp.

Tháng 8-1979, Hội nghị Trung ương 6 đề ra nhiệm vụ cấp bách là đẩy mạnh sản xuất, ổn định và bảo đảm đời sống nhân dân, tăng cường quốc phòng và an ninh, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, khắc phục những mặt tiêu cực trong hoạt động kinh tế và xã hội. Hội nghị cũng đã quyết định thay đổi một số chính sách và biện pháp nhằm phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân, bảo đảm đúng đắn lợi ích chung của toàn dân, của tập thể và từng người sản xuất, quan tâm lợi ích vật chất của người lao động, tạo ra chuyển biến trong sản xuất và đời sống. Tạp chí đã ra xã luận “Những nhiệm vụ cấp bách trước mắt của chúng ta” (số 11-1979) trình bày rõ những thắng lợi mà đất nước đạt được từ sau chiến thắng lịch sử mùa xuân 1975, đồng thời phân tích sâu sắc những khuyết điểm về kế hoạch hóa, về xây dựng các chính sách cụ thể, về tổ chức quản lý kinh tế, quản lý xã hội, và nêu rõ những nhiệm vụ cấp bách theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 6. Tạp chí cũng đã đăng nhiều bài phân tích nội dung của Nghị quyết Trung ương 6, trong đó có bài của các đồng chí Lê Duẩn, Tố Hữu, Nguyễn Duy Trinh, Đỗ Mười, Nguyễn Lam,... trình bày rõ những vấn đề cơ bản trong tư tưởng chính sách kinh tế của Đảng như: kết hợp kế hoạch hóa với sử dụng quan hệ thị trường; sử dụng các thành phần kinh tế; kết hợp ba loại lợi ích: lợi ích xã hội, lợi ích tập thể và lợi ích cá nhân người sản xuất,... Trên lĩnh vực kinh tế, nét mới so với những năm trước là tạp chí đã có bài đi sâu vào những vấn đề lý luận kinh tế như: hoạt động của quy luật giá trị; tư duy kinh tế khoa học; ba lợi ích: lợi ích của xã hội, lợi ích của tập thể, lợi ích của cá nhân,...

Tạp chí số 3-1982 đăng bài “Bàn về ba lợi ích kinh tế” của đồng chí Đào Duy Tùng. Bài báo đã phân tích kỹ nội dung của ba lợi ích kinh tế; sự thống nhất căn bản và mối quan hệ hữu cơ, quyện vào nhau, thâm nhập vào nhau, giữa ba lợi ích đó. Bài báo chỉ rõ: “Kết hợp hài hòa ba lợi ích kinh tế là động lực phát triển kinh tế xã hội... Quan tâm thích đáng đến lợi ích của cá nhân người lao động không phải là khuyến khích chủ nghĩa cá nhân, phát triển đầu óc tư hữu mà chính là gắn lợi ích của cá nhân người lao động với lợi ích tập thể, làm cho người lao động quan tâm đến lợi ích vật chất mà hăng hái lao động”.

Bài báo cũng chỉ rõ “việc kết hợp hài hòa “ba lợi ích” không thể không đi đôi với việc thay đổi tận gốc cơ chế quan liêu bao cấp, thực hiện phương thức quản lý, kinh doanh xã hội chủ nghĩa, lấy kế hoạch làm trung tâm, gắn kế hoạch với hạch toán kinh tế”.

Vấn đề khoán trong nông nghiệp được tạp chí quan tâm. Số 7-1980, tạp chí đăng bài “Khoán màu ở Vĩnh Phú”, giới thiệu một cách khoán mới mở ra khả năng khai thác tốt tiềm năng của đất đai và lao động. Tiếp đó trong số 10-1980, đăng tiếp bài “Khoán trồng đay ở Hải Hưng”, và số 12-1980 đăng bài “Khoán lúa” giới thiệu và phân tích cách khoán mới đang được nhiều hợp tác xã nông nghiệp áp dụng. Số 3-1981 đăng bài “Cải tiến chế độ khoán trong nông nghiệp” của đồng chí Võ Chí Công. Sau khi nêu lên những mặt yếu kém của nền nông nghiệp miền Bắc nước ta trong 20 năm qua, bài báo đã đặt vấn đề phải cải tiến cơ chế khoán trong hợp tác xã, tức là chuyển từ hình thức khoán việc có thưởng phạt bằng công điểm sang hình thức khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động gắn với trách nhiệm bảo đảm sản phẩm cuối cùng cho tập thể, có thưởng phạt bằng sản phẩm. Hình thức khoán mới này đã được áp dụng tương đối phổ biến trong nhiều hợp tác xã ở miền Bắc nước ta, và đã đưa lại kết quả tốt. Số 8-1981 đăng bài “Tính khoa học của hình thức khoán mới trong hợp tác xã nông nghiệp”. Số 11-1981 đăng bài viết quan trọng của đồng chí Phạm Văn Đồng “Bước mới trong phong trào hợp tác hóa và sự nghiệp phát triển sản xuất nông nghiệp ở nước ta”, trong đó đã dành một đoạn quan trọng phân tích ý nghĩa và tầm quan trọng về mặt lý luận và thực tiễn của phong trào khoán mới.

Về công nghiệp, Tạp chí Cộng sản đã kịp thời có những bài đề cập những vấn đề có tính thời sự cấp bách trong sản xuất công nghiệp, như “Mở rộng quyền chủ động sản xuất kinh doanh của xí nghiệp công nghiệp quốc doanh”; “Khoán gọn trong ngành xây dựng”; “Trả lương khoán theo sản phẩm cuối cùng của xí nghiệp”

Về tài chính, thương nghiệp, ngoài các bài bàn về công tác giá cả, cải tiến kinh doanh thương nghiệp, Tạp chí đã có bài về việc xóa bỏ bao cấp tràn lan, thực hiện đúng nguyên tắc phân phối theo lao động.

Trong tình hình nước nhà đã thống nhất, tạp chí có những bài điều tra cơ bản về tình hình miền Nam trên các mặt nông nghiệp, công nghiệp và sự phân hóa giai cấp ở nông thôn và các bài về các vấn đề cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp và công thương nghiệp tư bản tư doanh ở miền Nam.

Coi trọng việc tổng kết kinh nghiệm, đúc rút lý luận từ thực tế của phong trào, tạp chí đã dành một số lượng bài thích đáng cho việc phản ánh và nêu kinh nghiệm các điển hình tiên tiến trong hoạt động kinh tế, đặc biệt là trên mặt trận nông nghiệp. Số 1-1980, Tạp chí đăng bài “Những vấn đề khoa học kỹ thuật của việc mở rộng điển hình tiên tiến trong nông nghiệp”. Bài báo đã nêu rõ “mở điển hình tiên tiến ra diện rộng thực chất là tìm ra các quy luật năng suất cao, quản lý khoa học tốt ở các cơ sở sản xuất tiên tiến và vận dụng các quy luật đó vào điều kiện sản xuất cụ thể ở mỗi nơi. Đó là một hoạt động có nội dung khoa học đòi hỏi phải được tổ chức tốt và chỉ đạo chặt chẽ”. Đối với các đơn vị tiên tiến, Tạp chí không chỉ nêu các mặt tốt, các ưu điểm, mà còn chỉ rõ những khuyết điểm, tồn tại. Trong bài “Bài học Quỳnh Lưu” đăng số 10-1977, sau khi nêu những thành tựu của Quỳnh Lưu mấy năm qua, bài báo đã đề nghị Quỳnh Lưu xem xét lại phương hướng sản xuất, vì “tình hình phát triển kinh tế của Quỳnh Lưu trong mấy năm qua chưa thể hiện đậm nét nhiệm vụ hàng đầu là phát triển vượt bậc sản xuất nông nghiệp nhằm giải quyết tốt vấn đề lương thực và thực phẩm”. Để chứng minh cho nhận định và đề nghị đó, bài báo đã nêu lên những dẫn chứng có sức thuyết phục từ thực tế của phong trào ở Quỳnh Lưu.

Trong xu thế chung của báo chí hồi đó hầu như nặng về ca ngợi một chiều, thậm chí đôi lúc thổi phồng thành tích của các đơn vị điển hình tiên tiến, thì việc nêu lên cả những mặt yếu kém, những hạn chế của các điển hình đó là việc làm có ý nghĩa tích cực của Tạp chí Cộng sản.

Về chính trị, Tạp chí đã có những bài về các chủ đề: Phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân; chính sách đại đoàn kết, chính sách dân tộc; chính sách tự do tín ngưỡng; chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa; quyền con người,…

Tháng 4-1978, sau khi Bộ Chính trị Trung ương Đảng và ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định đưa bản dự thảo Hiến pháp để cán bộ và nhân dân cả nước thảo luận và góp ý kiến xây dựng, tạp chí đã ra xã luận “Hãy làm thật tốt việc tổ chức thảo luận dự thảo Hiến pháp mới trong cán bộ và nhân dân”. Cũng trong số đó, và mấy số tiếp theo, tạp chí đã lần lượt đăng các bài phát biểu của các nhân sĩ trí thức như Nguyễn Xiển, Nghiêm Xuân Yêm, Phan Anh, Nguyễn Lân, Đỗ Xuân Sảng, bà Ngô Bá Thành, Trần Công Tường,…

Về quân đội, quốc phòng, an ninh, Tạp chí đã có những bài nhằm bước đầu tổng kết những kinh nghiệm quân sự, như “Chiến lược tổng hợp của chiến tranh cách mạng Việt Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” của Đại tướng Hoàng Văn Thái (số 9-1981); “Địa lý quân sự trong chiến tranh nhân dân” (số 10-1980). Một số bài đã đi sâu về lý luận quân sự trong tình hình mới: “Bàn về xây dựng thế chiến lược mới để giữ nước trong giai đoạn mới” (số 2-1979); “Chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới” của đồng chí Võ Nguyên Giáp (số 5-1979).

Vấn đề con người cũng đã được tạp chí đề cập bằng các bài “Về cái gọi là “chiến dịch nhân quyền” của đế quốc Mỹ” (số 11-1977); “Thực chất vấn đề quyền con người” (số 1-1979); “Dân chủ và quyền con người” (số 2-1979); số 5-1979 đăng bài “Chúng hoàn toàn không có tư cách nói về quyền con người” của Luật sư Đỗ Xuân Sảng. Bằng những chứng cứ xác đáng, những luận điểm sắc bén, sau khi điểm lại lịch sử quyền con người, bài báo khẳng định ngọn cờ đấu tranh cho quyền con người từ lâu đã thuộc về chủ nghĩa xã hội, chỉ có chủ nghĩa xã hội mới thật sự tôn trọng, đấu tranh kiên quyết và bền bỉ cho quyền con người. Bài báo cũng chứng minh cụ thể rằng sự thật đã hoàn toàn bác bỏ những lời vu cáo đối với nước ta về vấn đề nhân quyền.

Tạp chí còn có một số bài về các vấn đề chính trị, nhìn từ góc độ triết học: “Thuyết hội tụ, học thuyết lừa bịp mới của chủ nghĩa đế quốc” (số 5-1977); “Về cái gọi là xã hội sau công nghiệp” (số 7-1977); “Vấn đề con người trong triết học tư sản hiện đại” (số 12-1978)...

Về lĩnh vực văn hóa, giáo dục, bên cạnh những bài đi sâu vào nội dung chính của cách mạng tư tưởng và văn hóa, có những bài về các chủ đề: truyền thống và văn hóa dân tộc; bản chất, sức mạnh của văn hóa Việt Nam; chống văn hóa thực dân; đấu tranh văn hóa trong thời kỳ quá độ; quan hệ giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa; bảo vệ nền văn hóa mới; văn hóa phục vụ sự nghiệp phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn; quản lý văn hóa mới, v.v.. Về xây dựng con người mới, trong các số 8, 9, 10 và 11-1978, tạp chí đã đăng một số bài phát biểu trong cuộc hội thảo về “Con người mới Việt Nam” do Bộ biên tập tổ chức. Về khoa học kỹ thuật - khoa học tự nhiên, tạp chí đã đăng nhiều bài viết về các vấn đề chủ yếu của cách mạng khoa học kỹ thuật ở nước ta của các nhà khoa học: Trần Đại Nghĩa, Đặng Hữu, Võ Quý, Đường Hồng Dật, Nguyễn Đình Cát, Tạ Hoàng Tinh, Đặng Thu,… Tạp chí cũng đã đăng các bài viết về các vấn đề lịch sử dân tộc của các nhà nghiên cứu: Phan Huy Lê, Văn Tạo, Văn Tân, Vũ Khiêu, Đinh Gia Khánh, Phạm Ngọc Phụng, Nguyễn Lương Bích, Nguyễn Tài Thư, Nhuận Vũ,…

Về xây dựng Đảng, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Đảng, Tạp chí đã dành trọn số 2-1980 đăng các bài viết về Đảng, trong đó có xã luận “Đảng ta tròn 50 tuổi”; bài “Dưới ngọn cờ của Đảng, đưa đất nước lớn lên ngang tầm cao thời đại” của đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn; bài “Đảng Cộng sản Việt Nam - người tổ chức mọi thắng lợi của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam” của đồng chí Văn Tiến Dũng.

Tạp chí có nhiều chuyên luận đề cập đến các chủ đề: Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác xây dựng Đảng; công tác tư tưởng của Đảng; đổi mới công tác cán bộ, kiện toàn các chi bộ, đảng bộ cơ sở; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục lý luận; vấn đề xây dựng Đảng với công tác cải tạo nông nghiệp; công tác vận động quần chúng của Đảng,… Việc nghiên cứu một cách có hệ thống về bản chất của Đảng đã được chú ý; Tạp chí đăng bài “Phát huy mạnh mẽ bản chất cách mạng và khoa học của Đảng ta” của đồng chí Đào Duy Tùng (số 3-1977); bài “Đảng ta - Đảng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin sáng tạo” của đồng chí Nguyễn Đức Bình (số 5-1980).

Tạp chí tiếp tục có bài về những bài học lịch sử của Đảng và về học tập Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tháng 5-1980, kỷ niệm lần thứ 90 ngày sinh của Bác Hồ, tạp chí có xã luận “Hồ Chủ tịch sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”, và trong các số 5 và 6-1980 đã đăng nhiều bài viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có bài của các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Hà Huy Giáp, Lê Trọng Tấn,…

Mục “Sinh hoạt tư tưởng” được duy trì đều đặn. Một số bài của mục này đã đề cập đến các tệ nạn: móc ngoặc, lãng phí, hối lộ, ức hiếp quần chúng, nịnh và ưa nịnh, dân chủ hình thức, v.v.. Trước đây, các bài sinh hoạt tư tưởng đều lấy một tên tác giả chung là “Người xây dựng”, thì từ tháng 6-1979, mỗi bài đã có một bút danh tác giả khác nhau.

Về các vấn đề quốc tế, Tạp chí giới thiệu những thành tựu và kinh nghiệm của các nước và các Đảng anh em, sự lớn mạnh của hệ thống xã hội chủ nghĩa, hoạt động của Hội đồng tương trợ kinh tế, của Phong trào Không liên kết. Tạp chí có những bài đề cập đến chủ nghĩa quốc tế vô sản và chủ nghĩa dân tộc tư sản, giới thiệu những vấn đề nổi bật trong thời sự quốc tế, phân tích những mâu thuẫn trong nội bộ các nước tư bản chủ nghĩa, lên án sự lũng đoạn thế giới của đế quốc Mỹ,…

Số 10-1977 đăng bài “Cách mạng Tháng Mười và cách mạng Việt Nam” - bài phát biểu của đồng chí Đào Duy Tùng, Tổng Biên tập tạp chí tại Hội nghị khoa học quốc tế “Cách mạng Tháng Mười và tính hiện đại của nó”, tổ chức tại Vac-xa-va (Ba Lan) tháng 9-1977.

Tháng 11-1977, kỷ niệm lần thứ 60 Cách mạng Tháng Mười, Tạp chí đăng xã luận “Cách mạng Tháng Mười - bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử phát triển của loài người” cùng với bài viết của đồng chí Lê Duẩn “Cách mạng Tháng Mười với cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”; và bài “Kỷ niệm lần thứ 60 Cách mạng Tháng Mười vĩ đại” - diễn văn của đồng chí Trường Chinh đọc tại cuộc mít tinh ngày 5-11-1977. Tháng 11-1978, Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Liên Xô được ký kết, tạp chí ra xã luận “Hữu nghị vĩ đại”.

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của V.I. Lê-nin, Tạp chí số 4-1980 ra xã luận “Tên tuổi và sự nghiệp của Lê-nin sống mãi”, và đăng bài “Tên Người là biểu tượng của thế giới mới” của R. Cô-xô-la-pốp, Tổng Biên tập tạp chí Người cộng sản (Liên Xô) viết cho Tạp chí Cộng sản.

Trong số 12-1978, Tạp chí đăng tổng thuật và những ý kiến phát biểu trong cuộc hội nghị bàn tròn về “Chủ nghĩa tư bản lũng đoạn nhà nước”. Số 5-1981 đăng bài “Chúng ta - những người lạc quan” nói về Đại hội XXVI Đảng Cộng sản Liên Xô, do Bộ Biên tập tạp chí Người cộng sản (Liên Xô) viết cho Tạp chí Cộng sản.

Tháng 4-1982, Đảng tiến hành Đại hội V. Đại hội đã khẳng định những thắng lợi to lớn mà nhân dân ta giành được trong những năm qua, đồng thời cũng phân tích những khuyết điểm, thiếu sót trong công tác lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là những khuyết điểm về chủ quan, nóng vội và bảo thủ, trì trệ trong lãnh đạo và quản lý kinh tế. Đại hội cũng đã nêu lên hai nhiệm vụ chiến lược phải thực hiện đồng thời là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tháng 4-1982, Bộ Chính trị ra Quyết định số 70/NQ-NS-TW ngày 30-4-1982 đề bạt đồng chí Hồng Chương, Phó Tổng Biên tập, giữ chức Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, thay đồng chí Đào Duy Tùng được cử làm Trưởng Ban Tuyên huấn của Trung ương Đảng.

Ngày 16-1-1983, trong buổi làm việc với đồng chí Trần Hồng Chương, Tổng Biên tập Tạp chí, đồng chí Lê Duẩn, Tổng Bí thư của Đảng, đã cho nhiều ý kiến quan trọng về phương hướng biên tập của tạp chí. Đồng chí căn dặn: báo chí của ta nói chung và tạp chí của Đảng nói riêng phải góp phần tích cực vào việc xây dựng tư tưởng mới, con người mới nhằm thúc đẩy ba cuộc cách mạng. Báo chí của ta còn xa cuộc sống quá. Cách làm việc còn rời rạc, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các báo, đài, các cơ quan tư tưởng để đạt hiệu quả mong muốn... Lý luận phải đi sát thực tiễn. Làm lý luận mà không đi vào thực tiễn, chỉ nói những điều trong sách thì không được. ở Việt Nam ta có những tình huống, những vấn đề mà trong các sách kinh điển của Mác - Lê-nin chưa nói đến. Mác và Lê-nin sống trong các nước công nghiệp phát triển. Còn Việt Nam ta ngày nay vẫn trong tình trạng sản xuất nhỏ. Phải xuất phát từ tình hình thực tế của Việt Nam, nghiên cứu, tổng kết, nâng thành lý luận, bổ sung những điều mà Mác, Lê-nin chưa có điều kiện nói tới.

Ngày 17-1-1983, cũng trong buổi làm việc với đồng chí Trần Hồng Chương, đồng chí Trường Chinh căn dặn: “Cán bộ tạp chí cần nghiên cứu kỹ các văn kiện sau đây:

1. Văn kiện Đại hội V.

2. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa V.

3. Nghị quyết của Bộ Chính trị về Thành phố Hồ Chí Minh.

4. Nghị quyết của Bộ Chính trị về thành phố Hà Nội. Phải nghiên cứu kỹ bốn tài liệu đó để viết bài cho tạp chí.

Cần có bài về hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Phải viết bài về bốn mục tiêu kinh tế - xã hội trong những năm 80. Đó là:

1. Bảo đảm đời sống.

2. Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội.

3. Giữ vững trật tự an ninh.

4. Quốc phòng.

Về tư tưởng, cần đấu tranh trên hai mặt trận:

1. Chống trì trệ, bảo thủ, ỷ lại, kém tính năng động.

2. Chống chủ nghĩa tự do tiểu tư sản và tư sản, chống tự phát tư bản chủ nghĩa, chống tự do vô tổ chức, vô kỷ luật.

Tạp chí cần phải nói về nghĩa vụ quốc tế. Sắp tới có hai sự kiện:

1. Tháng 3-1983 có Hội nghị cấp cao ba nước Đông Dương.

2. Tháng 3-1983, có Hội nghị cấp cao lần thứ bảy các nước Không liên kết ở Niu Đê-li.

Cần có bài về hai sự kiện này.

Về cách viết, phải thận trọng, phải vì lợi ích của cách mạng. Phải xuất phát từ hoàn cảnh cụ thể của nước ta để biết điều gì viết thì có lợi, điều gì viết thì có hại”.

Tháng 4-1982, Tạp chí Cộng sản đã ra số đặc biệt về Đại hội V của Đảng. Cùng với bài xã luận “Tất cả vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì hạnh phúc của nhân dân”, Tạp chí đã đăng các văn kiện chủ yếu của Đại hội.

Trong các số tiếp sau đó, Tạp chí đã có những bài đề cập đến ý nghĩa chính trị, ý nghĩa lý luận và thực tiễn của các nhiệm vụ chiến lược. Những bài này được đăng tải trong suốt những năm của nhiệm kỳ Đại hội V (1982 - 1986), gồm những bài về các vấn đề: “Tình hình đất nước và nhiệm vụ của chúng ta”; “Tình hình thế giới và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước”; “ý nghĩa và nội dung của từng nhiệm vụ chiến lược”; “Mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược”; “Các địa phương, các cơ sở với việc thực hiện những nhiệm vụ chiến lược”.

Để góp phần nghiên cứu, quán triệt đường lối của Đảng, Tạp chí có những bài về các quy luật cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội; về cuộc đấu tranh giữa hai con đường; về sử dụng sức mạnh tổng hợp; về sự kết hợp chặt chẽ các biện pháp tư tưởng, tổ chức, kinh tế; về quan hệ giữa tư tưởng, tổ chức và kinh tế.

Ngoài những vấn đề lý luận chung phục vụ việc quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết của Đại hội V, Tạp chí đã hướng các mục biên tập thường xuyên của mình vào việc triển khai nghị quyết.

Tạp chí tiếp tục coi việc tuyên truyền đường lối và chính sách kinh tế của Đảng là nhiệm vụ hàng đầu của mình. Đầu năm 1983, Hội nghị Trung ương 3 khóa V đã cụ thể hóa đường lối chung và đường lối kinh tế mà các Đại hội IV và V của Đảng đã đề ra, chỉ rõ nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trong ba năm 1983 - 1985, nhằm phát triển thêm một bước, sắp xếp lại cơ cấu và đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa nền kinh tế quốc dân. Tạp chí số 1-1983 đã có xã luận “Ra sức thực hiện Nghị quyết Hội nghị thứ 3 của Ban chấp hành Trung ương Đảng” và trong những năm sau đó vẫn thường ra xã luận về các vấn đề trọng yếu trong hoạt động kinh tế.

Hội nghị Trung ương 6 họp từ ngày 3 đến 10-7-1984 đã tập trung thảo luận và giải quyết hai loại vấn đề quan trọng: một là, phát huy tính chủ động, sáng tạo và mọi khả năng của các cơ sở, tổ chức lại sản xuất, từng bước xây dựng cơ chế quản lý mới, phân công, phân cấp quản lý đúng đắn; hai là, giải quyết một số vấn đề cấp bách về phân phối, lưu thông, đặc biệt là các lĩnh vực thị trường, giá - lương - tiền, nhằm phục vụ tốt cơ sở, đồng thời giải quyết đúng đắn các mối quan hệ phân phối trong nền kinh tế quốc dân. Tạp chí số 8-1984 đã phát biểu xã luận “Hãy thực hiện tốt những nhiệm vụ cấp bách trong công tác cải tiến quản lý kinh tế”, và đăng các bài viết của các đồng chí Lê Duẩn và Đỗ Mười giới thiệu những vấn đề cốt lõi của hội nghị.

Hội nghị Trung ương 8 (tháng 6-1985) đã quyết định phải dứt khoát xóa bỏ tập trung quan liêu bao cấp, thực hiện đúng chế độ tập trung dân chủ và hạch toán kinh tế, kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Cùng với việc ra xã luận tuyên truyền cho nghị quyết đó, tạp chí đã có nhiều bài chuyên luận phục vụ việc thực hiện nghị quyết. Số 9-1985, đăng bài “Triệt để xóa bỏ quan liêu - bao cấp, giải quyết một số vấn đề cấp bách về giá - lương - tiền, nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển, làm chủ thị trường xã hội, ổn định và cải thiện một bước đời sống nhân dân” của đồng chí Tố Hữu; số 11-1985 đăng bài “Nghị quyết 8 và những nhiệm vụ cấp thiết của công tác lý luận” của đồng chí Nguyễn Đức Bình. Bài báo nêu rõ: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 là nghị quyết về giá - lương - tiền, song tầm quan trọng và ý nghĩa sâu xa của nó vượt ra ngoài phạm vi giá - lương - tiền. Trong khi đột phá vào giá - lương - tiền, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 về thực chất đánh dấu bước mở đầu quá trình đổi mới cơ bản chiến lược quản lý kinh tế - xã hội ở nước ta. Bài báo cũng chỉ rõ những nhiệm vụ chủ yếu của công tác lý luận được đặt ra từ Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 là: phê phán triệt để tình trạng tập trung quan liêu bao cấp, và điều quan trọng hơn là phải xác định và luận chứng cho cái mới, làm sáng tỏ những vấn đề của việc chuyển hẳn sang hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa trên cơ sở kế hoạch hóa.

Cũng trong số 11-1985, Tạp chí đăng bài bình luận “Thấu suốt tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng” nhằm uốn nắn những lệch lạc về tư tưởng và tổ chức trong việc thực hiện nghị quyết đó.

Cuối năm 1986, để góp ý vào Dự thảo Báo cáo chính trị sẽ trình bày tại Đại hội VI của Đảng, Bộ Biên tập tạp chí đã tổ chức Hội nghị khoa học - thực tiễn về “Kinh doanh xã hội chủ nghĩa”. Trong các số 10, 11 và 12-1986, Tạp chí đã đăng các bài phát biểu trong cuộc hội thảo.

Trên các lĩnh vực kinh tế cụ thể, về nông nghiệp, các bài đã tập trung vào các vấn đề trong phát triển nông nghiệp, đặc biệt là ở miền Nam, về hoàn chỉnh cơ chế khoán, về kinh tế gia đình, kinh tế vườn,… Về công nghiệp, các đề tài được đề cập nhiều là các vấn đề: đổi mới cơ chế quản lý công nghiệp; đổi mới quản lý xí nghiệp quốc doanh; khoán sản phẩm cho tập thể; mở rộng quyền chủ động sản xuất, kinh doanh và quyền tự chủ về tài chính cho các xí nghiệp,… Về tài chính, đã đề cập đến các vấn đề về tích lũy và tiêu dùng, về quyền tự chủ tài chính của xí nghiệp, đấu tranh giữa hai con đường trên lĩnh vực giá cả; về phân cấp quản lý ngân sách cho địa phương,…

Về lĩnh vực chính trị - quân sự, thực hiện Nghị quyết Đại hội V của Đảng, Tạp chí đã có nhiều bài về đề tài bảo vệ Tổ quốc. Ngoài các bài xã luận, tạp chí đã đăng nhiều bài của các tướng lĩnh bàn về vấn đề củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Nhân dịp những ngày lễ lớn: Kỷ niệm 40 năm Ngày quốc khánh (2-9-1945 - 2-9-1985); Kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (12-1944 - 12-1984); Kỷ niệm 30 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (5-1954 - 5-1984); Kỷ niệm 10 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-1985);…Tạp chí đều có xã luận và nhiều bài viết có giá trị phục vụ các lễ kỷ niệm đó.

Về Nhà nước và pháp luật, Tạp chí đã dành nhiều bài cho chủ đề tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa; đấu tranh chống quan liêu và các tệ nạn xã hội.

Về văn hóa, giáo dục, Tạp chí đã có các xã luận “Nâng cao chất lượng giáo dục” (số 8-1982); “Vươn tới đáp ứng nhu cầu văn hóa ngày càng to lớn của nhân dân ta” (số 10-1983). Vào cuối năm 1982, Tạp chí đã phối hợp với Viện Mác - Lê-nin tổ chức cuộc hội thảo trao đổi ý kiến về giá trị văn hóa tinh thần của Việt Nam. Trong các số 11, 12-1982 và 1-1983, Tạp chí đăng các bài của nhiều trí thức, nhiều nhà văn hóa có tên tuổi phát biểu trong cuộc hội thảo đó. Lên tiếng kịp thời trước những diễn biến của tình hình văn hóa văn nghệ, tạp chí số 6-1983 đăng bình luận “Tạo một chuyển biến mạnh mẽ trong sáng tạo văn học nghệ thuật” và các bài “Công tác lý luận, phê bình văn nghệ mấy năm qua”; “Nghệ thuật đâu phải là hàng hóa”; “Mấy vấn đề lý luận văn học, nghệ thuật tại miền Nam hiện nay”. Số 4-1984 đăng diễn văn của đồng chí Trường Chinh đọc tại Lễ kỷ niệm lần thứ 40 Ngày ra đời của Đề cương về cách mạng văn hóa Việt Nam.

Cuối 1984, Tạp chí tổ chức cuộc trao đổi ý kiến về xây dựng lối sống xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Trong các số 1, 2 và 3-1985, Tạp chí đã đăng các bài phát biểu trong cuộc hội thảo đó. Ngoài ra, vẫn thường xuyên có các bài về văn nghệ, giáo dục, lịch sử, khoa học, y tế,… Vấn đề kế hoạch hóa dân số được đề cập đến nhiều lần. Tạp chí đã đăng các bài: “Sự bùng nổ số dân và sức ép của nó” (số 8-1982); “Về vấn đề sinh đẻ có kế hoạch” (số 9-1983); “Mấy vấn đề cấp bách về dân số” (số 8-1984),… Vấn đề bảo vệ môi trường và sử dụng tốt tài nguyên thiên nhiên cũng được tạp chí đề cập.

Về công tác xây dựng Đảng, ngoài nhiều xã luận, Tạp chí có các bài chuyên luận đi sâu vào chủ đề sự lãnh đạo của Đảng trên các mặt kinh tế, xây dựng quân đội, phát triển khoa học, giáo dục, bảo đảm an ninh chính trị ..., và sự lãnh đạo của Đảng đối với các tổ chức chính trị, các đoàn thể quần chúng. Tháng 2-1985, Kỷ niệm lần thứ 55 Ngày thành lập Đảng, Tạp chí đăng bài viết về các đề tài: lý tưởng của Đảng; nâng cao chất lượng lãnh đạo của các tổ chức cơ sở Đảng; Đảng và việc lãnh đạo xây dựng kinh tế; vai trò của cán bộ nữ,…

Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa V) quyết định triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng vào cuối năm 1986. Tạp chí số 2-1986 ra xã luận “Tiến tới Đại hội lần thứ VI của Đảng”, và từ số 4-1986, cho đến số 11-1986, tạp chí thường xuyên mở mục “Tiến tới Đại hội lần thứ VI của Đảng - Góp ý kiến về chiến lược kinh tế - xã hội trong chặng đường đầu tiên ở nước ta”. Số 5-1986, Tạp chí phát biểu xã luận “Tiến hành tốt đợt tự phê bình và phê bình, chuẩn bị đại hội các cấp của Đảng”, và đăng bài “Những nhiệm vụ cấp bách của công tác xây dựng Đảng” của đồng chí Lê Đức Thọ.

Về phản ánh phong trào và giới thiệu kinh nghiệm các địa phương, Tạp chí đã có nhiều bài về thủ đô Hà Nội, về Thành phố Hồ Chí Minh và các bài về thành phố Hải Phòng, các tỉnh Đắk Lắk, Long An, Quảng Nam - Đà Nẵng, Bắc Thái, Bến Tre, Bình Trị Thiên, Nghệ Tĩnh,…

Từ số 2-1984 đến số 12-1984, Tạp chí mở thường kỳ mục “Trao đổi ý kiến về xây dựng huyện và tăng cường cấp huyện”.

Mục “Sinh hoạt tư tưởng” được tiếp tục duy trì đều đặn và đi vào phê phán đầu óc địa vị, tệ độc đoán chuyên quyền, đầu óc gia trưởng, đặc quyền đặc lợi, địa phương tự trị, thói ba phải, tệ ăn cắp của công, tệ cánh hẩu,… Nét mới của lối viết “Sinh hoạt tư tưởng” là ngoài việc phê phán trực diện, đã dùng lối phê phán bằng luận bàn, ví dụ các bài “Dám nghĩ, dám làm”, “Chức vụ và uy tín”, “Phát hiện tài năng mới”, “Phi thương bất phú”,…

Về các vấn đề quốc tế, Tạp chí đã có một số bài xã luận: “Đoàn kết giữa ba nước Lào, Campuchia và Việt Nam”; “Bảo vệ hòa bình”; “Tình hữu nghị Việt - Xô”... Nhân các đợt kỷ niệm 30 năm Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, 10 năm thắng lợi của cách mạng Lào, và nhân dịp Đại hội V của Đảng Nhân dân cách mạng Cam-pu-chia, Đại hội XXVII Đảng Cộng sản Liên Xô, Tạp chí đều có xã luận chào mừng.

Các bài chuyên luận của Tạp chí tập trung vào các chủ đề: hợp tác kinh tế, văn hóa giữa ba nước Đông Dương; tình hình thế giới và chính sách đối ngoại của Đảng; bảo vệ hòa bình, v.v.. Kỷ niệm lần thứ 165 ngày sinh và kỷ niệm lần thứ 100 ngày mất của C. Mác, Tạp chí số 5-1983 đăng xã luận “Chủ nghĩa Mác - vũ khí tư tưởng của chúng ta”, và một số bài về việc vận dụng chủ nghĩa Mác vào thực tiễn nước ta.

Bộ Biên tập Tạp chí đã mời một số đồng chí lãnh đạo các Đảng anh em viết bài cho tạp chí, trong đó có bài của các đồng chí: Đi-mi-ta Xta-ni-sép, Bí thư Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Bun-ga-ri (tháng 6-1982); I-van Ca-pi-tô-nốp, Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô (tháng 8-1982); Cay-xỏn Phôm-vi-hản, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (tháng 3-1985); Xu-pha-nu-vông, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (tháng 12-1985); Hêng Xom-rin, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Cam-pu-chia (tháng 1-1986).

Tháng 12-1985, Tạp chí kỷ niệm 30 năm Ngày xuất bản số đầu tiên của tạp chí Học tập - Tạp chí Cộng sản (1955 - 1985). Nhìn lại chặng đường 30 năm qua, Tạp chí Học tập - Tạp chí Cộng sản đã cố gắng vận dụng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, quán triệt và thể hiện đúng đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần nâng cao trình độ chính trị và lý luận của cán bộ trong Đảng và cán bộ ngoài Đảng.

Mặc dù còn có những hạn chế trong tư duy lý luận, nhưng nhìn chung nội dung của Tạp chí, về cơ bản, đáp ứng đúng những yêu cầu của công tác lý luận trong từng thời kỳ cách mạng, đồng thời đã phản ánh sự tìm tòi nhằm vận dụng ngày càng sát hợp lý luận Mác - Lê-nin vào thực tiễn nước ta, thúc đẩy cách mạng Việt Nam tiến tới. Những bài viết của Tạp chí phục vụ Nghị quyết Trung ương 6 (khóa IV) và Nghị quyết Trung ương 8 (khóa V) vừa thể hiện đúng những quan điểm của Đảng, vừa có những tìm tòi, phù hợp với tình hình thực tế. Cũng do biết kết hợp lý luận với thực tế, Tạp chí đã có những bài viết kịp thời, có tác dụng tốt trong chỉ đạo thực tiễn về các vấn đề: khoán trong nông nghiệp; kế hoạch ba phần, v.v.. Chính sự tìm tòi đó là những cơ sở để góp phần cùng toàn Đảng tìm ra định hướng đúng và những quan điểm đúng của công cuộc đổi mới trong giai đoạn tiếp theo của cách mạng Việt Nam.

Tạp chí cũng đã đứng ở tuyến đầu của cuộc đấu tranh tư tưởng của Đảng. Tạp chí đi đầu trong cuộc đấu tranh chống các quan điểm sai trái của nhóm Nhân văn - Giai phẩm; chống thuyết nhân vị - duy linh của tập đoàn Ngô Đình Diệm; chống chủ nghĩa xét lại hiện đại và chủ nghĩa giáo điều; chống tư tưởng phản động của chủ nghĩa thực dân mới; chống hệ tư tưởng tư sản cùng các trào lưu tư tưởng phi vô sản khác. Tạp chí đã góp phần tích cực bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, bảo vệ đường lối và quan điểm cách mạng của Đảng ta.

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày xuất bản số đầu tiên của tạp chí Học tập - Tạp chí Cộng sản (1955-1985), Tạp chí Cộng sản đã được Hội đồng Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, vì “Trong 30 năm qua đã có nhiều cống hiến vào việc giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng cho cán bộ và nhân dân”. Cũng nhân dịp này, đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn đã đến thăm và nói chuyện với Bộ Biên tập của Tạp chí.

Ngày 3-12-1985, tại Trung tâm báo chí Hà Nội, Lễ kỷ niệm 30 năm xuất bản Tạp chí Cộng sản và trao tặng Huân chương cao quý của Đảng và Nhà nước - Huân chương Hồ Chí Minh - cho Tạp chí, đã được tổ chức trọng thể. Đồng chí Trường Chinh, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước đã có thư gửi Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản nhân buổi lễ này. Thư có đoạn viết: “Ba mươi năm qua, dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Trung ương Đảng, Tạp chí Cộng sản đã cố gắng kết hợp lý luận Mác - Lê-nin với thực tiễn cách mạng Việt Nam để tuyên truyền đường lối, phương châm, chính sách của Đảng và Nhà nước ta một cách sâu sắc. Tạp chí đã góp phần nâng cao trình độ lý luận và chính trị của cán bộ, đảng viên, động viên phong trào hành động cách mạng của quần chúng. Đông đảo cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng coi tạp chí là tài liệu tin cậy để học tập, nghiên cứu đường lối, chính sách và quan điểm của Đảng và Nhà nước ta. Tạp chí Cộng sản xứng đáng là ngọn cờ lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Tại lễ kỷ niệm này, nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, các ngành, các đoàn thể quần chúng,… đã chúc mừng Tạp chí và đóng góp những ý kiến xây dựng nhằm làm cho Tạp chí Cộng sản luôn xứng đáng là “ngọn cờ lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Tạp chí Cộng sản số 12-1985 đã dành nhiều trang đăng các bài viết và bài phát biểu tại lễ kỷ niệm.

 
 Lễ đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh
(ngày 3-12-1985)