Sân bay Lũng Cò - sân bay đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Nguyễn Văn Đức Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tuyên Quang

TCCSĐT - Bảy mươi năm qua, từ một sân bay dã chiến nhỏ bé, chúng ta đã có hàng chục sân bay (cả quân sự và dân dụng) hiện đại ở khắp cả nước, tạo thành một mạng lưới hàng không vững chắc, góp phần quan trọng bảo vệ vùng trời, phát triển kinh tế, giao lưu với thế giới. Bài học về tinh thần đoàn kết, hợp tác quốc tế để giải quyết các vấn đề thời cuộc vẫn còn nguyên giá trị, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

Cuối năm 1944, tình hình Chiến tranh thế giới thứ hai có nhiều chuyển biến. Phát-xít Đức ngày càng lùi dần về phía Tây, đứng trước nguy cơ bị tấn công vào Béc-lin. Ở mặt trận châu Á - Thái Bình Dương, quân Nhật ngày càng suy yếu. Để ngăn chặn ảnh hưởng của Nhật và tổ chức tấn công quân Nhật, ở phía nam Trung Quốc, giáp với Đông Dương, Mỹ thành lập Bộ Tư lệnh, đặt dưới sự chỉ huy của tướng Xtin-go-eo (Stilwell), lấy Trùng Khánh (Trung Quốc) làm đại bản doanh. Một số thành phố ở Việt Nam do Nhật chiếm đóng thỉnh thoảng bị máy bay của Đồng minh ném bom; những "con hổ bay" này cất cánh từ Côn Minh (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), thuộc Đoàn không quân số 14 của không quân Mỹ, do tướng Sê-nôn chỉ huy. Người Mỹ muốn xâm nhập vào Đông Dương để ngăn chặn sự tấn công của Nhật ở phía Nam Trung Quốc và Đông Dương. Nhưng họ cũng gặp nhiều khó khăn và đang cần tìm một đối tác hợp lý để nhanh chóng vào sâu Đông Dương.

Lúc này, ở Việt Nam, phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ, rộng khắp. Rải rác ở một số tỉnh, như Ninh Bình, Hưng Yên,... nhân dân được du kích yểm trợ đã tổ chức phá kho thóc của Nhật, chia cho những người đang gặp đói. Nhiều nơi, lực lượng vũ trang được thành lập, mở lớp học quân sự, mua sắm vũ khí. Du kích Bắc Sơn, Đình Cả, Vũ Nhai, Tràng Xá đã vũ trang đánh địch, vừa tiêu diệt từng bộ phận, vừa thu vũ khí của địch - đủ trang bị cho một trung đội. Ở Cao Bằng, quân giải phóng đánh đồn Nà Ngần và Phay Khắt để lấy vũ khí. Tuy phong trào Việt Minh đã phát triển mạnh, nhanh, nhưng chưa được tập trung, lực lượng vũ trang còn chưa đủ mạnh để làm nòng cốt, vũ khí còn quá thô sơ, đặc biệt là chưa được sự thừa nhận trên trường quốc tế. Xu thế gặp nhau giữa Mặt trận Việt Minh và Mỹ đã chín muồi, nhưng hai bên chưa có điều kiện tiếp xúc. Trong bối cảnh đó, đầu năm 1945, máy bay của Trung úy Sao (phi công của lực lượng không quân Mỹ) bị lực lượng phòng không của Nhật bắn rơi và đã nhảy dù xuống địa phận tỉnh Cao Bằng. Trung úy Sao được du kích ta cứu thoát và đưa về gặp lãnh tụ Hồ Chí Minh. Trước sự việc ấy, cùng với sự ngỏ ý muốn quan hệ với Mặt trận Việt Minh của tướng Sê-nôn (Tư lệnh Đoàn không quân số 14), lãnh tụ Hồ Chí Minh đã đồng ý đưa trung úy Sao sang Trung Quốc để trao trả cho quân Đồng minh, đồng thời bàn việc hợp tác đánh Nhật ở Đông Dương. Sau đó không lâu, qua cơ sở của ta ở Trùng Khánh, lãnh tụ Hồ Chí Minh gặp Sác-lơ-phen (người của OSS - Cơ quan Tình báo chiến lược Mỹ, tiền thân của CIA) và P. Tan (người của GBT - một tổ chức của Công ty Dầu lửa Anh Caltexaco, hoạt động ở Đông Dương).

Ngày 29-3-1945, tại Côn Minh, diễn ra cuộc gặp gỡ giữa lãnh tụ Hồ Chí Minh, đại diện cho Mặt trận Việt Minh và tướng Sê-nôn, Tư lệnh Đoàn không quân số 14 của không quân Mỹ, đại diện cho quân Đồng minh. Trong buổi hội đàm, hai bên đạt được thỏa thuận: phía Việt Minh sẽ tăng cường lực lượng du kích và mở rộng phạm vi hoạt động; phía Mỹ đồng ý giúp Việt Minh tăng cường lực lượng, mở rộng phạm vi hoạt động bằng cách đưa nhóm cố vấn quân đội sang giúp huấn luyện quân sự, cung cấp vũ khí, điện đài và các trang thiết bị khác. Đồng thời, hai bên thống nhất cần sớm xây một sân bay để bảo đảm liên lạc giữa hai bên và là nơi nhận viện trợ từ quân Đồng minh.

Tháng 5-1945, từ Trung Quốc, lãnh tụ Hồ Chí Minh trở lại Cao Bằng. Cùng đi với Người còn có hai người Mỹ do tướng Sê-nôn cử sang giúp ta về điện đài, giữ liên lạc với Bộ Tư lệnh Đoàn không quân số 14. Họ trở thành những người Mỹ đầu tiên có mặt ở Khu giải phóng Việt Nam, có nhiệm vụ đón những tốp người Mỹ khác sẽ lần lượt đến Việt Bắc sau này. Sau khi trở về nước, do tình hình trong nước và thế giới có nhiều biến đổi lớn có lợi cho ta, thời cơ khởi nghĩa đang đến gần, đầu tháng 5-1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh rời căn cứ Pác Bó (tỉnh Cao Bằng) về Tân Trào (tỉnh Tuyên Quang), tiếp tục chỉ đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Sau khi về Tân Trào, ngay lập tức, kế hoạch xây dựng một sân bay dã chiến đã được lãnh tụ Hồ Chí Minh vạch ra.

Đầu tháng 6-1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ đạo hai đồng chí Đàm Quang Trung và Lê Giản đi khảo sát thực địa, lựa chọn địa điểm thuận lợi và an toàn nhất cho việc xây dựng sân bay quốc tế, nhằm nối liền căn cứ Tân Trào với lực lượng Đồng minh trên toàn thế giới. Sau một thời gian khảo sát thực địa, nhóm khảo sát quyết định chọn một bãi bằng ở Lũng Cò, thuộc thôn Cò, xã Thanh La (nay là thôn Đồng Đon, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) để làm nơi xây dựng sân bay. Điều thuận lợi nhất là ở đó có sẵn dải đất rộng khoảng 4 ha, lại nằm trong thung lũng, xung quanh có các ngọn núi và những quả đồi thấp bao bọc, bảo đảm cho các chuyến bay lên, xuống thuận tiện. Nơi đó cũng sát bìa rừng rậm, khi máy bay hạ cánh, ngay lập tức sẽ được ngụy trang bằng tán lá cây rừng. Đặc biệt, Lũng Cò gần căn cứ Tân Trào, rất dễ dàng đi lại và vận chuyển hàng hóa. Khi được lãnh tụ Hồ Chí Minh nhất trí về phương án xây dựng sân bay ở Lũng Cò và qua liên lạc bằng điện đài với quân Đồng minh ở Côn Minh (Vân Nam, Trung Quốc), ngày 16-7-1945, một tổ công tác đặc biệt mang biệt danh “Con nai”, gồm năm người, do thiếu tá Tô-mát chỉ huy, đã nhảy dù xuống Tân Trào, với nhiệm vụ huấn luyện cho ta về chiến thuật quân sự và cách sử dụng một số loại vũ khí. Sự xuất hiện của tổ công tác đặc biệt này, cùng những người lính Mỹ khác cũng có mặt ở Tân Trào ngay từ trước cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, đã đánh dấu một bước đi quan trọng trong hợp tác Việt - Mỹ lúc bấy giờ, đồng thời đặt ra các yêu cầu cấp thiết trong việc hoàn thiện sân bay với thời gian ngắn nhất. Kế hoạch xây dựng được triển khai nhanh chóng, nhưng trên nguyên tắc bảo đảm bí mật.

Bắt tay vào công việc, những đồng chí được giao nhiệm vụ đã huy động hơn 200 người dân các xã Thanh La, Trung Yên, Tân Trào, Tú Trạc và một đơn vị quân giải phóng tham gia xây dựng sân bay. Lúc đầu, dự định phải mất một tuần thì công việc mới hoàn tất, nhưng những người tham gia đã làm việc với tinh thần năng nổ và nhiệt huyết cách mạng, tích cực làm cả ngày lẫn đêm, do đó, chỉ sau 2 ngày, một sân bay dã chiến với đường băng dài 400m và rộng 20m được hình thành, trải dài theo hướng nam - bắc, bảo đảm cho loại máy bay L5 của Mỹ có thể cất, hạ cánh an toàn. Đầu hướng nam của sân bay (có điểm tiếp giáp với suối Lê, thuận tiện cho việc chỉ dẫn máy bay mỗi khi hạ cánh) là điểm chốt cho các máy bay bắt đầu hạ cánh. Phía bắc sân bay có độ dốc thoai thoải, giáp với rừng già nguyên sinh, cây cối rậm rạp, rất lý tưởng cho việc cất giấu máy bay dưới tán lá rừng. Do sân bay nằm dưới thung lũng, xung quanh có nhiều đồi núi che khuất, lại thường có mây mù nên cũng hạn chế tầm nhìn, đặc biệt là lúc này quân Nhật vẫn đang quản lý vùng trời Bắc Việt Nam, vì vậy, để bảo đảm bí mật, các chuyến bay thường diễn ra vào ban đêm, và để báo hiệu cho máy bay mỗi lần hạ cánh, các cán bộ ở đây đã cắm những lá cờ trắng ở hai bên làm hoa tiêu, còn trên các ngọn núi quanh sân bay, những người làm chỉ dẫn phải đốt những đống lửa to để báo hiệu.

Trong chuyến đầu tiên, một máy bay L5 của Đoàn không quân số 14 thuộc không quân Mỹ đã hạ cánh an toàn; ngoài phi công còn có hai sĩ quan Mỹ có nhiệm vụ vận chuyển một số lương thực, thực phẩm, thuốc men và vũ khí tăng cường cho ta và quân Đồng minh tại Tân Trào. Trong lần hạ cánh đầu tiên, hai đồng chí Lê Giản và Đàm Quang Trung cùng với nhân dân địa phương tổ chức mít-tinh chào mừng sự kiện này. Tại đó, mọi người hô vang khẩu hiệu về sự hợp tác giữa Việt Minh và Đồng minh trên mặt trận chống phát-xít. Trong thời gian quân Đồng minh ở và làm việc tại Tân Trào, có thêm nhiều chuyến bay cất và hạ cánh tại đây. Nhiệm vụ chủ yếu của các chuyến bay là đưa đón quân Đồng minh, vận chuyển vũ khí, thuốc men từ Côn Minh sang Tân Trào. Cuối tháng 7-1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh đến Lũng Cò, ở nhà ông Ma Văn Yến khoảng 10 ngày để chỉ đạo việc đón những chuyến bay của quân Đồng minh; cùng đi với Người có đồng chí Lê Giản và tiểu đội cận vệ. Tại đây, 8 người lính Đồng minh, trong đó một người được đặt tên Việt Nam là Nguyễn, có nhiệm vụ liên lạc với Đoàn không quân số 14 để tổ chức những chuyến bay, đã ở cùng Người. Khi tiến công một đồn lính Nhật tại Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc), quân ta đã giải phóng cho những người Pháp bị Nhật giam ở đây và đưa họ về sống tại một làng thuộc Tân Trào. Ngày 30-7-1945, những người Pháp bao gồm phụ nữ và trẻ em đã lên máy bay L5 từ Lũng Cò sang Côn Minh để trở về nước. Chuyến bay cuối cùng tại sân bay Lũng Cò chở Trung úy Ken-tơ (Keent), một sĩ quan tình báo OSS, về Côn Minh; đồng chí Lê Giản được giao nhiệm vụ tiễn đưa chuyến bay này. Sau khi nhận những lời chúc tốt lành từ đồng chí Lê Giản, Trung úy Ken-tơ đáp lại: “Chiến tranh nay với chúng tôi đã kết thúc, nhưng với các ông, một cuộc chiến tranh mới vô cùng gian khổ bắt đầu. Xin chúc các ông sẽ giành được thắng lợi huy hoàng!”. Trên thực tế, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, chỉ ít lâu sau, cả dân tộc Việt Nam lại bước vào cuộc chiến đấu trường kỳ gian khổ chống thực dân Pháp xâm lược.

Mặc dù được xây dựng và sử dụng chỉ trong thời gian rất ngắn, nhưng có thể khẳng định, sân bay Lũng Cò là sân bay đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sự ra đời của sân bay Lũng Cò với sứ mệnh lịch sử là đón nhận sự ủng hộ từ quân Đồng minh lúc bấy giờ là hết sức cần thiết, thể hiện sự sáng suốt của lãnh tụ Hồ Chí Minh và Đảng ta trong việc tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ từ bên ngoài cho cách mạng Việt Nam, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Sân bay không chỉ là biểu tượng về tinh thần đoàn kết quốc tế chống phát-xít trong Chiến tranh thế giới thứ hai, mà còn là một trong những minh chứng cho bàn tay, khối óc người Việt trong gian khó. Có thể nói, sân bay là nơi duy nhất ở ATK Việt Bắc đón nhận sự ủng hộ của quân Đồng minh bằng đường không, mở đầu cho thời kỳ hình thành và phát triển ngành hàng không Việt Nam./.