Hà Nội: Điều chỉnh một số biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát các biến chủng mới của dịch bệnh COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác
TCCS - Trước sự diễn biến phức tạp của các biến chủng mới của dịch bệnh COVID-19 và sự gia tăng của dịch bệnh trong thời gian qua, thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống các bệnh truyền nhiễm nói chung và dịch bệnh COVID-19 nói riêng trong tình hình mới.
Thực trạng phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam thời gian qua
COVID-19 là một đại dịch chưa từng có trong tiền lệ, đã, đang và còn tiếp tục ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội. Tính đến nay, toàn thế giới đã có hơn 612 triệu người mắc COVID-19, hơn 6,5 triệu người tử vong. Khi dịch bệnh COVID-19 mới bùng phát, nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đã phải áp dụng các biện pháp hành chính để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, như giãn cách xã hội, cách ly diện rộng. Tuy nhiên, chiến lược này chỉ tập trung vào phòng, chống dịch, kiểm soát được dịch bệnh nhưng lại ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Tình trạng này kéo dài đã dẫn đến đình trệ các hoạt động đời sống, kinh tế và gây bất ổn xã hội. Vì vậy, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã phải có nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 linh hoạt nhằm từng bước khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Đến nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam đã cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Việt Nam đã đạt được tỷ lệ bao phủ vaccine, tạo miễn dịch cộng đồng. Số lượng ca mắc dịch bệnh COVID-19 đã giảm đi đáng kể và tỷ lệ chuyển nặng và tử vong giảm mạnh. Trạng thái “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19” theo Nghị quyết số 128/NQ-CP, ngày 11-10-2021, của Chính phủ, “Ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, Nghị quyết 38/NQ, ngày 17-3-2022, “Ban hành chương trình phòng, chống dịch COVID-19” của Chính phủ đã được tất cả các tỉnh, thành phố áp dụng. Đặc biệt, Nghị quyết số 128/NQ-CP là dấu mốc vô cùng quan trọng của Việt Nam trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19, là sự chuyển đổi rất quan trọng từ việc kiểm soát virus, kiểm soát sự lây lan và hiện nay chuyển sang trạng thái quản lý để có thể cân bằng giữa việc áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh COVID-19 cộng với việc mở cửa nền kinh tế, xã hội. Bên cạnh đó, Chính phủ luôn chủ động bám sát tình hình thực tiễn để đưa ra các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả và kịp thời góp phần vừa kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, các tầng lớp nhân dân tin tưởng, đồng lòng với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống dịch bệnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Việt Nam vẫn còn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức cần giải quyết. Một trong số đó là sức ép về lạm phát, tỷ giá, việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, trong khi kinh tế thế giới có xu hướng suy giảm, một số nền kinh tế lâm vào suy thoái. Việc triển khai một số nhiệm vụ của kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm. Không chỉ vậy, hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy, trong thời gian tới, Chính phủ chú trọng vào 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trong đó rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Một trong số những nhiệm vụ đó là quyết liệt đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng, chống COVID-19 an toàn, khoa học, kịp thời, hiệu quả, đặc biệt là tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến 12 tuổi. Ngoài ra, để bảo đảm công tác phòng, chống dịch hiệu quả trong tình hình mới, Chính phủ kiến nghị Quốc hội ba nhóm nội dung, trong đó, cho phép kéo dài thực hiện việc gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc quy định tại mục 3.1 của Nghị quyết do ảnh hưởng của dịch bệnh và để bảo đảm nguồn cung ứng thuốc, nguyên liệu làm thuốc ổn định trên thị trường. Đồng thời, bảo đảm có đủ số lượng thuốc phục vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân và doanh nghiệp sau năm 2022. Hơn nữa, việc thành lập các cơ sở khám, chữa bệnh, thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 và cho phép các cơ sở này tiếp tục hoạt động theo yêu cầu thực tiễn cũng được chú trọng triển khai. Để bảo đảm ổn định quyền lợi của người bệnh, việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho người bệnh COVID-19 tại các sơ sở thu dung, điều trị COVID-19 đều được ngân sách nhà nước bảo đảm theo chi phí thực tế, cùng với đó, chi phí điều trị các bệnh khác trong quá trình điều trị COVID-19 được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, khám bệnh, chữa bệnh được tiếp tục áp dụng.
Bên cạnh việc triển khai các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới, các nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế cũng được chú trọng. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước được giao nhiệm vụ chủ động xây dựng phương án điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, bảo đảm chủ động, linh hoạt hiệu quả, đồng thời giữ ổn định, thúc đẩy phát triển hệ thống ngân hàng thương mại. Ngoài ra, việc kiểm soát tốt chi ngân sách và đẩy mạnh tiết kiệm chi cũng là những nhiệm vụ quan trọng cần triển khai trong thời gian tới. Đồng thời, nghiên cứu sửa đổi nghị định về trái phiếu doanh nghiệp phù hợp với tình hình kinh tế đất nước, cùng với đó, thực hiện quyết liệt các giải pháp tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa sản phẩm, phấn đấu bảo đảm thặng dư thương mại bền vững.
Các biện pháp thích ứng linh hoạt và kiểm soát dịch bệnh tại Hà Nội
Có thể thấy, trong thời gian qua, thành phố Hà Nội đã nỗ lực, tích cực trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19, như bảo đảm năng lực tốt trong phát hiện sớm và ứng phó với các trường hợp; giám sát và kiểm tra tốt; các biện pháp hạn chế tiếp xúc xã hội nhằm ngăn chặn sự lây truyền của virus; tuân thủ nghiêm việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng, khử khuẩn…; việc chăm sóc sức khỏe được thực hiện kịp thời... Tất cả các biện pháp này góp phần giữ cho số lượng ca mắc COVID-19 trong tầm kiểm soát.
Đáng chú ý, những giải pháp đúng hướng, quyết sách phù hợp trong từng thời điểm đã mang đến hiệu ứng tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Bức tranh kinh tế của thành phố Hà Nội đang có những tín hiệu khởi sắc, thể hiện sức bật của các ngành kinh tế trọng yếu đang dần phục hồi sau một năm 2021 đầy sóng gió bởi dịch bệnh hoành hành. Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn TP (GRDP) trong quý I-2022 tăng 5,83% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,16 lần cả nước (5,03%). Trong đó, dịch vụ tăng 6,15%, công nghiệp - xây dựng tăng 5,61%; nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,39%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,92%. Đây là mức tăng rất quan trọng với xu hướng phục hồi đà tăng trưởng ở nhiều ngành, lĩnh vực.
Các cân đối lớn được bảo đảm. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thực hiện quý I-2022 là 102.402 tỷ đồng, đạt 32,9% dự toán, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2021. Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện, tổng vốn đầu tư phát triển quý I-2022 đạt 76,26 nghìn tỷ đồng, tăng 7,8%. Có 6.250 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 95.000 tỷ đồng.
Hầu hết chỉ tiêu kinh tế quan trọng của thành phố đều tăng, như: Chỉ số sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất, nhập khẩu, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Đa số các ngành sản xuất chế biến, chế tạo tăng so với cùng kỳ năm 2021. Trong tháng 3-2022, ngành du lịch cũng có dấu hiệu “ấm lên” khi khách du lịch đến Hà Nội đạt khoảng 2,8 triệu lượt, tăng 45,3%; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 7,8 nghìn tỷ đồng, tăng 45,3% so với cùng kỳ năm 2021. Hai con số tăng trưởng trên của ngành du lịch thành phố Hà Nội có được là nhờ chính sách mở cửa đón khách du lịch trong nước và quốc tế. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, giữ vững (1).
Chính vì vậy, căn cứ vào tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố hiện nay, Hà Nội tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới. Cụ thể, thành phố Hà Nội tiếp tục bám sát nhiệm vụ, thường xuyên theo dõi tình hình dịch trên thế giới, đặc biệt sự xuất hiện các biến chủng mới có khả năng lây lan nhanh hơn, khả năng gây bệnh nặng hơn. Bên cạnh đó, thành phố thường xuyên trao đổi, cập nhật thông tin và các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế, các tổ chức, chuyên gia uy tín, đồng thời chủ động đánh giá tình hình dịch, mức độ nguy cơ, dự báo diễn biến để xây dựng kịch bản hướng dẫn các đơn vị triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra; tham mưu đề xuất, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các nội dung vượt quá thẩm quyền. Người dân Hà Nội cũng được khuyến cáo thực hiện thông điệp 2K (đeo khẩu trang và khử khuẩn) thay vì 5K như giai đoạn trước đây, đồng thời thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch khác nhằm thích ứng linh hoạt.
Hà Nội tiếp tục thực hiện các nội dung về phòng, chống dịch theo nội dung tại Công văn số 735/UBND-KGVX, ngày 15-3-2022, của Ủy ban nhân dân thành phố, “Về việc triển khai thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và mở cửa lại các hoạt động du lịch trong tình hình mới trên địa bàn thành phố”. Đặc biệt, các loại hình kinh doanh dịch vụ phải bảo đảm các điều kiện theo quy định, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo hướng dẫn của cơ quan y tế và các quy định liên quan.
Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) tăng cường giám sát, đôn đốc các địa phương triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19; theo dõi kết quả, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để kịp thời hỗ trợ, tham mưu cho Sở Y tế văn bản báo cáo Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội để tháo gỡ các khó khăn, chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị chưa bảo đảm tiến độ. Đồng thời, các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế Hà Nội sẵn sàng hỗ trợ công tác bảo đảm an toàn tiêm chủng của các trung tâm y tế và sẵn sàng tiếp nhận cấp cứu, điều trị các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng (nếu có)…
Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội cơ bản được kiểm soát, công tác thông tin, tuyên truyền được thực hiện tốt, thông tin về tình hình dịch bệnh được cung cấp kịp thời, đầy đủ, minh bạch, công tác phòng, chống dịch, hướng dẫn người dân chăm sóc sức khỏe được bảo đảm, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong tham gia phòng, chống dịch. Tuy vẫn còn tồn tại nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan dẫn đến việc chưa bảo đảm việc thực hiện đúng tiến độ các hoạt động theo kế hoạch đã đề ra, nhưng về cơ bản các chỉ tiêu đề ra đều đạt theo kế hoạch.
Bên cạnh thích ứng linh hoạt với dịch bệnh COVID-19, Hà Nội cũng đang chú trọng phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm hiện nay, đặc biệt là dịch sốt xuất huyết. Đối với dịch bệnh sốt xuất huyết đang có diễn biến phức tạp như hiện nay, thành phố Hà Nội cần tiếp tục tăng cường giám sát ca bệnh tại các cơ sở y tế; lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển mẫu bệnh phẩm để làm xét nghiệm theo quy định đáp ứng chẩn đoán sớm ca bệnh, ổ dịch. Cùng với đó, tăng cường công tác truyền thông tại cộng đồng dưới nhiều hình thức, thông tin kịp thời về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết tại địa phương để người dân biết, nâng cao ý thức phòng bệnh.
Các biện pháp phòng, chống những bệnh truyền nhiễm khác đã và đang được Hà Nội triển khai thực hiện một cách phù hợp với tình hình thực tế, đồng thời tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Y tế. Cùng với đó, thành phố cũng thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn để có phương án xử lý kịp thời, cũng như báo cáo Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội) các diễn biến bất thường của tình hình dịch bệnh để được hỗ trợ kịp thời. Ngoài ra, thành phố còn duy trì tốt hệ thống giám sát phát hiện bệnh nhân mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm. Duy trì hoạt động giám sát thường xuyên và trọng điểm côn trùng, vector truyền bệnh (đặc biệt là giám sát muỗi truyền sốt xuất huyết), đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến các chỉ số giám sát côn trùng. Tiếp tục phối hợp xét nghiệm trong chẩn đoán tác nhân gây bệnh tại cộng đồng. Chủ động thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch, bảo đảm xử lý dịch triệt để theo quy định.
Từ kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Hà Nội đã vào cuộc phòng, chống dịch sốt xuất huyết tương tự như phòng, chống COVID-19. Với các trường học cần có kế hoạch, giải pháp cụ thể, truyền thông mạnh mẽ để giáo viên, học sinh, phụ huynh cùng vào cuộc phòng, chống dịch trong trường học. Cùng với đó, triển khai theo phương châm 4 tại chỗ, chủ động về kinh phí, vật tư tiêu hao, hóa chất, trang thiết bị, triển khai hiệu quả, không để thất thoát, bảo đảm tính tiết kiệm. Đồng thời tiếp tục duy trì và kiện toàn thường xuyên tổ giám sát cộng đồng, đội xung kích diệt bọ gậy theo hướng dẫn của ngành y tế. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện và đẩy mạnh tuyên truyền trực tiếp tới từng người dân, từng gia đình về phòng, chống dịch bệnh. Tiếp tục tập huấn công tác điều trị, tổ chức tốt khám chữa bệnh, phân tuyến, thu dung điều trị bệnh nhân, theo dõi chuyển tuyến kịp thời, an toàn, hạn chế thấp nhất số lượng ca tử vong.
Bệnh đậu mùa khỉ cũng là mối lo ngại đối với thành phố Hà Nội hiện nay. Đối với việc phòng, chống bệnh này, Hà Nội cần tăng cường giám sát từ sân bay Nội Bài với người nhập cảnh, người từ nước ngoài về, đặc biệt phải tiến hành giám sát kịp thời và giám sát một cách hiệu quả với những ca phát hiện bị nhiễm bệnh đậu mùa khỉ. Với các dịch bệnh khác, thành phố Hà Nội tiếp tục lưu ý, bảo đảm không chủ quan, lơ là với mỗi loại dịch bệnh./.
------------------------
(1) Thủy Tiên: “Kinh tế Hà Nội quý I/2022: Quyết sách đúng tạo hiệu quả tích cực”, ngày 9-4-2022, Trang Điện tử Kinh tế và Đô thị, https://kinhtedothi.vn/ kinh-te-ha-noi-quy-i-2022-quyet-sach-dung-tao-hieu-qua-tich-cuc.html
Phát huy vai trò của y tế dự phòng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân Thủ đô  (24/10/2022)
Hà Nội quan tâm đầu tư phát triển y tế cơ sở tạo nền tảng bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân  (22/10/2022)
Thủ đô Hà Nội: Xây dựng mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp  (19/10/2022)
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Những vấn đề môi trường cấp bách hiện nay: Thực trạng và giải pháp