Văn hóa - nguồn lực, động lực nội sinh phát triển bền vững đất nước

PHẠM ĐẠI DƯƠNG
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên

00:44, ngày 14-10-2021

TCCS - Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, nguồn lực, động lực nội sinh to lớn của đất nước, có vai trò điều tiết sự vận động của xã hội. Xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước là quan điểm xuyên suốt, nhất quán trong chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần quan trọng vào việc hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, nguồn lực, động lực nội sinh to lớn của đất nước (Trong ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nghe giới thiệu pho tượng Phật A Di Đà bằng đá (thời Lý), bảo vật quốc gia Việt Nam tại Di tích lịch sử văn hoá quốc gia đặc biệt chùa Phật Tích) _Ảnh: TTXVN

“Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”

Văn hóa là một khái niệm mang nội hàm rộng với nhiều cách hiểu khác nhau, liên quan đến mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần của con người; được con người tạo ra và phát triển trong mối quan hệ qua lại giữa con người và xã hội. Văn hóa là một nguồn lực to lớn, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự tồn tại, phát triển của mỗi con người, tổ chức, rộng hơn là của quốc gia - dân tộc. Vì vậy, Đảng và Nhà nước rất coi trọng vai trò của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. 

Trước đây, một số nhà lãnh đạo và học giả cho rằng, chỉ cần tăng trưởng kinh tế là có sự phát triển. Đây là quan niệm phát triển nhanh bằng cách hy sinh các giá trị văn hóa và bỏ qua các mục tiêu xã hội. Tuy nhiên, thực tiễn thế giới và Việt Nam cho thấy, các quốc gia đi theo xu thế này đạt được một số thành tựu về kinh tế nhưng đã phải hứng chịu những hậu quả xã hội, sự xuống cấp về đạo đức và văn hóa. Từ đó, lại ảnh hưởng tiêu cực tới sự tăng trưởng, mất ổn định xã hội tăng lên và cuối cùng là sự phá sản của các kế hoạch phát triển kinh tế, đất nước rơi vào tình trạng suy thoái.

Lịch sử phát triển của thế giới cho thấy, quốc gia nào chú trọng các giá trị văn hóa của dân tộc thì sẽ xây dựng được mô hình phát triển bền vững; trong đó, có không ít quốc gia đã phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống để thúc đẩy sự phát triển kinh tế nhanh và bền vững, mà Nhật Bản là ví dụ điển hình.

Trong nhiều thập niên qua, ở Nhật Bản, văn hóa đã thực sự trở thành một “sức mạnh mềm” thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị, xã hội và tạo dựng được uy tín, hình ảnh tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế. Nước này xác định, sự phát triển kinh tế dựa trên nền tảng kỹ thuật phương Tây cộng với văn hóa truyền thống đã hình thành nên một mô hình phát triển xã hội điển hình, đó là thành công của quốc gia này. Các giá trị văn hóa, đặc biệt là văn hóa truyền thống, như trọng gia đình, tính trung thực, bình đẳng, trách nhiệm, tinh thần võ sĩ đạo,... là nhân tố quan trọng cho sự thành công của Nhật Bản, tạo nên sự hài hòa giữa vật chất và tinh thần trong mỗi công dân. Nền văn hóa đó thấm đẫm trong con người Nhật Bản và ngày càng được phát huy trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa của đất nước này. Bên cạnh đó, văn hóa còn là nền tảng tạo nên triết lý kinh doanh cho các doanh nghiệp Nhật Bản, giúp họ biết tổ chức sản xuất, kinh doanh năng động và độc đáo, khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới.

Đối với Việt Nam, văn hóa có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong cách mạng, kháng chiến và phát triển kinh tế - xã hội. Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 xác định, văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa), có mối quan hệ mật thiết với nhau. Đảng không chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa; đồng thời, Đề cương đề ra 3 nguyên tắc của nền văn hóa Việt Nam mới là: dân tộc hóa; khoa học hóa; đại chúng hóa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất đặc biệt đề cao vai trò của văn hóa trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, bồi đắp nền tảng tinh thần cho xã hội. Theo Người, văn hóa chính là biểu hiện của sự hiểu biết, tài năng, trí tuệ, đạo đức, lối sống, tâm hồn,... của con người và của mỗi cộng đồng, dân tộc trong mối quan hệ với xã hội và tự nhiên. Đặc biệt, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (tháng 11-1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra luận điểm: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Luận điểm này cho thấy phạm vi rộng lớn, tầm ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa đối với tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trở thành nguyên tắc quan trọng, có ý nghĩa cơ bản, lâu dài và là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình phát triển văn hóa Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trao truyền những giá trị văn hóa cho thế hệ mai sau _Nguồn: vapa.org.vn

Khi đất nước thống nhất hoàn toàn và nhất là từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới, những luận điểm về phát triển văn hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước được Đảng ta cụ thể hóa và triển khai mạnh mẽ hơn trong thực tiễn. Đó là Nghị quyết số 05 của Bộ Chính trị khóa VI, “Về đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật và văn hóa, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học, nghệ thuật và văn hóa phát triển lên một bước mới”, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa VII, “Về một số nhiệm vụ văn hóa, văn nghệ những năm trước mắt”; đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII, “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, và gần đây là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI, “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI đều xác định, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển; gắn văn hóa với sự phát triển kinh tế - xã hội, với việc thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; với chính trị, kinh tế, xã hội, luật pháp,... Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII nhấn mạnh: “Chăm lo văn hóa là chăm lo củng cố nền tảng tinh thần của xã hội. Thiếu nền tảng tinh thần tiến bộ và lành mạnh, không quan tâm giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội thì không thể có sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI xác định: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.

Trong bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng như hiện nay, thì những luận điểm nêu trên là rất đúng đắn và kịp thời; đã nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa trong mối quan hệ với sự phát triển kinh tế - xã hội; là cơ sở để khắc phục những quan điểm sai lầm đã từng tồn tại trong tư duy của không ít người khi cho rằng, phát triển kinh tế là quan trọng nhất, phát triển văn hóa chỉ là phụ, là sự “ăn theo” kinh tế. Đặc biệt, các luận điểm đó mang ý nghĩa thực tiễn rất cao khi coi văn hóa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Bởi, lịch sử cho thấy, sự phát triển của đất nước về mọi mặt, kể cả kinh tế, chính trị và con người, xét đến cùng, nếu muốn đi thật xa, nếu muốn ngày càng trở nên bền vững hơn thì đều phải nằm trong quỹ đạo của văn hóa và phải có văn hóa dẫn đường, như luận điểm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra năm 1946.

Hiện nay, so với những thành tựu đạt được trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại,... thành tựu trong lĩnh vực văn hóa là chưa tương xứng; chưa đủ để tác động có hiệu quả tới xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh. Một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với đô thị và trong các tầng lớp nhân dân chậm được rút ngắn. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về văn hóa chậm đổi mới, có lúc, có nơi còn bị xem nhẹ. Đầu tư cho lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng và còn dàn trải. Chưa nắm bắt kịp thời những vấn đề mới về văn hóa để đầu tư đúng hướng và có hiệu quả. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa các cấp chưa được quan tâm đúng mức. Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, bất cập nêu trên là do một số tàn dư văn hóa cũ, lạc hậu; ảnh hưởng mặt trái của nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế; nhận thức và việc cụ thể hóa chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước về văn hóa ở một số địa phương, lĩnh vực chưa theo kịp yêu cầu phát triển; điều kiện kinh tế, xã hội của Việt Nam còn không ít khó khăn, do đó đầu tư cho phát triển văn hóa còn hạn chế.

Đêm di sản văn hóa Việt (cổng Hiền Nhơn, Đại Nội Huế) _Nguồn: VietnamHeritage

Để văn hóa trở thành nguồn lực, động lực nội sinh phát triển bền vững đất nước

Mục tiêu, định hướng

Thế giới đang bước vào kỷ nguyên của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây là cơ hội lịch sử để Việt Nam vươn lên, thực hiện khát vọng đứng vào hàng ngũ các quốc gia phát triển vào năm 2045, dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Để thực hiện được khát vọng đó, Việt Nam cần xây dựng mô hình phát triển phù hợp, mà trong đó, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo là động lực chính, còn văn hóa và con người chính là nguồn lực nội sinh để phát triển.

Bên cạnh các cơ hội thì cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng tạo ra những thách thức đối với sự phát triển đất nước nói chung, phát triển văn hóa nói riêng. Thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp ấy đã mở ra nhiều cơ hội mới cho quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa, đồng thời cũng gây ra nguy cơ phai nhạt về bản sắc và truyền thống văn hóa dân tộc. Cùng với đó là việc sử dụng văn hóa như một “sức mạnh mềm” của các nước lớn để thể hiện vai trò, thực hiện tham vọng về lợi ích, mục đích chính trị.

Trong bối cảnh đó, việc xây dựng và phát triển nền văn hóa nước nhà, đặc biệt là con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, phục vụ phát triển bền vững đất nước trở nên quan trọng và cấp bách hơn bao giờ hết. Phải thấm nhuần mục tiêu và quan điểm coi văn hóa thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là nguồn lực, động lực nội sinh bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp; phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; chú ý đến yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế.

Đại hội XIII của Đảng bên cạnh việc khẳng định những kết quả quan trọng đạt được trên lĩnh vực văn hóa trong nhiệm kỳ Đại hội XII và 35 năm đổi mới đất nước cũng thẳng thắn chỉ ra hạn chế, khuyết điểm: Văn hóa chưa được quan tâm tương xứng với kinh tế và chính trị, chưa thực sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước. Từ đó, Đại hội XIII đã đề ra định hướng: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”(1).

Xây dựng, phát triển văn hóa, con người hướng đến chân - thiện - mỹ, có tinh thần nhân văn, có đời sống tâm hồn phong phú tất nhiên sẽ không chỉ ứng xử tốt đẹp với nhau mà còn ứng xử có văn hóa với thiên nhiên. Khi con người biết yêu thiên nhiên, tôn trọng thiên nhiên thì sẽ có ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn tài nguyên thiên nhiên, phát triển bền vững, vì thế, phải có cái gốc từ văn hóa.

Một số nhiệm vụ chủ yếu

Thứ nhất, đổi mới phương thức bảo tồn và phát triển văn hóa. Trước sự phát triển của công nghệ, sự du nhập của các sản phẩm văn hóa ở bên ngoài vào trong nước, con người Việt Nam nói chung, thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay đang đứng trước “mê hồn trận” sản phẩm văn hóa, trong đó có nhiều sản phẩm tốt, có giá trị, làm phong phú thêm cho đời sống; bên cạnh đó, cũng có không ít sản phẩm đội lốt văn hóa, không có giá trị bồi bổ tinh thần, thậm chí làm méo mó các giá trị đích thực và định hướng sai lạc trong lựa chọn các giá trị văn hóa của giới trẻ. Những sản phẩm văn hóa “dễ tiêu dùng, ít giá trị” này đã dễ dàng thu hút sự quan tâm của các bạn trẻ, khiến nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, như lòng yêu nước, tính tự lực tự cường, ham học hỏi,... đứng trước nguy cơ bị phai mờ. Đồng thời, phương thức phát triển và bảo tồn văn hóa truyền thống lâu nay vẫn chưa thực sự được đổi mới, khiến những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc không được phát huy. Trước thực trạng đó, việc phát triển văn hóa cần tiếp tục được đổi mới, hiệu quả hơn, đi vào cuộc sống hơn; trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc phát triển các giá trị văn hóa Việt Nam, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên. Thực hiện những giải pháp đột phá nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống. Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa Việt Nam(2). Có như vậy, văn hóa mới được bảo tồn, mới thực sự trở thành nền tảng tinh thần của một xã hội lành mạnh, giàu tính nhân văn, Việt Nam mới phát triển.

Duyên dáng phụ nữ Việt Nam trong tà áo dài dân tộc _Ảnh: TTXVN

Thứ hai, phát triển công nghiệp văn hóa trở thành động lực mới của nền kinh tế. Bên cạnh việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, phát huy được “sức mạnh mềm” cũng là một nội dung quan trọng. Cha đẻ của ngành quản trị hiện đại Pi-tơ Đrắc-cơ (Peter Drucker) từng tiên đoán, công nghiệp văn hóa sẽ là yếu tố đặc biệt quan trọng góp phần quyết định thành bại của mỗi quốc gia trong thế kỷ XXI. Dự đoán trên thể hiện vai trò quan trọng của công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế của đất nước. Thực tiễn cũng cho thấy, nhiều quốc gia đã phát triển công nghiệp văn hóa thành công, trở thành một động lực mới của nền kinh tế như trường hợp của Hàn Quốc, Nhật Bản,...

Ở Hàn Quốc, việc phát triển công nghiệp văn hóa thu được những thành công rất ấn tượng. Đóng góp của lĩnh vực công nghiệp văn hóa ở Hàn Quốc cho GDP chiếm hơn 6% và có xu huớng tiếp tục tăng. Bên cạnh đóng góp trực tiếp, công nghiệp văn hóa còn tạo hiệu quả lan tỏa đối với các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Nghiên cứu định lượng cho thấy, nếu kim ngạch xuất khẩu sản phẩm văn hóa Hàn Quốc tăng 100 USD, thì kim ngạch xuất khẩu hàng tiêu dùng của Hàn Quốc tăng 412 USD. Bên cạnh các giá trị kinh tế, việc phát triển công nghiệp văn hóa còn giúp phát triển đất nước trên các phương diện khác, nhất là truyền bá văn hóa và tăng cường sức mạnh mềm của đất nước; qua đó, nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế.

Ở Việt Nam, phát triển công nghiệp văn hóa đã sớm được đề cập tại Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI và tiếp tục được đề cập tại Đại hội XII của Đảng về nhiệm vụ phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường dịch vụ và sản phẩm văn hóa. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tuy nhiên, công nghiệp văn hóa vẫn đang còn rất hạn chế. Để phát triển lĩnh vực này một cách có hiệu quả, Đại hội XIII của Đảng xác định, phải “khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới”(3).

Thứ ba, bảo tồn, khai thác và phát huy nguồn tài nguyên văn hóa. Việt Nam đang trên đà phát triển kinh tế nhanh với mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045, và luôn xác định văn hóa là nền tảng tinh thần, là nguồn lực nội sinh, là “ngọn đuốc soi đường” cho sự phát triển của đất nước. Thực tiễn hơn 35 năm đổi mới, nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa được kế thừa, bảo tồn và phát huy. Phát triển toàn diện con người Việt Nam đang từng bước trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Tuy vậy, nhìn một cách tổng thể, văn hóa chưa được quan tâm tương xứng với kinh tế và chính trị, chưa thực sự trở thành nguồn lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam bị mai một. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội có chiều hướng gia tăng. Môi trường văn hóa đứng trước nhiều thách thức, chịu tác động mạnh của yếu tố ngoại lai, đe dọa đến thuần phong mỹ tục,... Do vậy, để văn hóa, con người thực sự trở thành nguồn lực nội sinh, động lực của sự phát triển bền vững đất nước, trước hết phải bảo tồn được nguồn lực văn hóa và khai thác đúng tầm giá trị của nguồn tài nguyên vô giá này.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh, cần bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa Việt Nam: tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Đẩy mạnh giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ... Tăng cường đầu tư, khai thác và phát huy tối đa các nguồn lực văn hóa đi đôi với đổi mới nội dung, phương thức quản lý, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả(4).

Cần lưu ý, văn hóa là tài nguyên quốc gia, nhưng tài nguyên không phải trong trạng thái ngủ yên mà phải được đánh thức, tạo ra giá trị cho đời sống. Sự đánh thức nguồn tài nguyên văn hóa trong thời hiện đại chính là xây dựng được nền công nghiệp văn hóa để khai thác có hiệu quả.

Phát huy các giá trị của nguồn tài nguyên văn hóa dân tộc để phát triển đất nước bền vững không chỉ là sự quyết tâm và hành động của cả hệ thống chính trị, mà còn là sự nhận thức và chung tay của toàn dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước./.

----------------

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr. 330
(2) Xem: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 143
(3), (4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 145, 143 - 146