Quyết tâm triển khai hiệu quả những định hướng chỉ đạo tâm huyết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đưa đất nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội

PHẠM MINH CHÍNH
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

11:48, ngày 21-08-2024

TCCS - Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, người đảng viên cộng sản kiên trung, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, hiện thân đầy đủ phẩm chất, tài năng, bản lĩnh, trí tuệ của thế hệ lãnh đạo Việt Nam thời kỳ đổi mới đã từ biệt chúng ta, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta cũng như bạn bè trên toàn thế giới. Đồng chí mất đi, nhưng cả cuộc đời tận tâm, tận lực, tận hiến cho Đảng, cho nước, cho dân và tấm gương đạo đức sáng ngời của Đồng chí vẫn còn sống mãi. Những định hướng chỉ đạo tâm huyết và tâm nguyện thiết tha của Đồng chí về một nước Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc luôn soi rọi cho đất nước ta vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi, động viên người lao động ngành dầu khí _Nguồn: PVN

Trong bài viết quan trọng “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”(1) của Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, có những lời trở thành tiếng vọng thiết tha của lý tưởng cộng sản: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường. Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có”.

Là một nhà lý luận sắc sảo, đồng thời là nhà hoạt động thực tiễn đầy kinh nghiệm, Đồng chí chỉ rõ: “Để thực hiện được mục tiêu đó, chúng ta phải: Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện”.

Với tư duy biện chứng và tầm nhìn chiến lược, tại các lần dự Hội nghị của Chính phủ, Đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn có những chỉ đạo, định hướng quan trọng, trong đó nhấn mạnh Chính phủ “có trách nhiệm cụ thể hóa và tổ chức thực hiện, biến luật pháp của Nhà nước, tức cũng là đường lối của Đảng thành hiện thực, tạo ra của cải vật chất, quản lý xã hội, mang lại lợi ích thiết thực cho toàn thể nhân dân, cho đất nước”(2). Đồng chí yêu cầu Chính phủ đoàn kết một lòng, xây dựng Chính phủ trong sạch, liêm chính, hành động, vì Nhân dân phục vụ, phấn đấu “thành tích năm sau phải cao hơn năm trước”; tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa, tốt hơn nữa truyền thống vẻ vang, những kết quả, thành tích to lớn và những bài học kinh nghiệm quý báu mà Chính phủ qua các thời kỳ đã đạt được; nỗ lực phấn đấu không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo sâu sắc của Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nghiêm túc quán triệt và tập trung chỉ đạo triển khai hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội, tiếp tục kế thừa và phát huy những thành tựu đạt được, kiên quyết, kiên trì, không lùi bước trước khó khăn, thách thức, quyết tâm xây dựng Chính phủ hành động, kiến tạo phát triển, bộ máy hành chính nhà nước trong sạch, vững mạnh toàn diện, liêm chính, kỷ luật, kỷ cương; tập trung chỉ đạo, điều hành và phản ứng chính sách chủ động, linh hoạt, sáng tạo; giữ vững, phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu để đạt cao nhất mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.

Một là, trước tình hình đại dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống, Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hai lần ra Lời kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, cùng chung sức, đồng lòng, cố gắng hơn nữa, đoàn kết hơn nữa, quyết tâm cao hơn nữa ngăn chặn, đẩy lùi bằng được dịch bệnh.

Hưởng ứng Lời kêu gọi của Đồng chí, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương nỗ lực hết sức mình, thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp sáng tạo, hiệu quả phòng, chống dịch với tinh thần “đặt tính mạng, sức khỏe người dân lên trên hết, trước hết”. Trong đó, từng bước hoàn thiện phương châm phòng, chống dịch: lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể; chú trọng y tế cơ sở để người dân được tiếp cận từ sớm, từ xa ngay từ cơ sở; xây dựng công thức chống dịch 5K + vắc-xin + điều trị + công nghệ + ý thức của người dân + các biện pháp khác; 3 trụ cột: cách ly, xét nghiệm, điều trị... Chỉ đạo xây dựng và thực hiện thành công Chiến lược vắc-xin với ba thành tố: quỹ vắc-xin, ngoại giao vắc-xin và tổ chức chiến dịch tiêm chủng vắc-xin thần tốc miễn phí trên toàn quốc.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cùng sự đoàn kết, đồng tình ủng hộ, tham gia tích cực của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, sự hỗ trợ, ủng hộ của bạn bè quốc tế, từ một nước có tỷ lệ tiêm chủng rất thấp, Việt Nam đã xoay chuyển tình thế, đạt kỳ tích “đi sau về trước” trong triển khai tiêm vắc-xin phòng dịch; tỷ lệ chuyển nặng, tử vong thấp hơn nhiều so với trung bình của thế giới(3); tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy mạnh mẽ với rất nhiều tấm gương, nghĩa cử cao đẹp, lay động lòng người và nhiều sáng kiến, hành động cụ thể, thiết thực tham gia phòng, chống dịch; được cộng đồng quốc tế đánh giá cao(4). Tập trung bảo đảm an sinh xã hội, đời sống của người lao động, nhất là vùng tâm dịch; trong 3 năm chống dịch, hỗ trợ gần 104,5 nghìn tỷ đồng cho trên 1,41 triệu lượt người sử dụng lao động và trên 68,43 triệu lượt người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Triển khai thực hiện chủ trương của Trung ương, Bộ Chính trị và Nghị quyết số 128/NQ-CP, ngày 11-10-2021, của Chính phủ, về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, nước ta đã sớm kiểm soát được dịch bệnh và nhanh chóng chuyển trạng thái, đưa các hoạt động kinh tế, xã hội trở lại bình thường(5).

Hai là, Chính phủ đã chủ động đề xuất cấp có thẩm quyền, phê duyệt triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với tổng nguồn lực gần 350 nghìn tỷ đồng. Bám sát diễn biến tình hình trong nước, quốc tế, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; trong đó có miễn, giảm lãi suất, giãn, hoãn, giữ nguyên nhóm nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, quyết liệt nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thu, chi ngân sách nhà nước. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt và thu hút mọi nguồn lực xã hội, khuyến khích đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Tập trung tháo gỡ vướng mắc, xử lý bất cập để từng bước ổn định và thúc đẩy phát triển lành mạnh, an toàn, hiệu quả các thị trường tài chính, chứng khoán, bất động sản... Đẩy mạnh xuất khẩu song song với tập trung phát triển thị trường trong nước, có giải pháp phù hợp, hiệu quả, ổn định thị trường, giá cả, nhất là đối với các hàng hóa thiết yếu. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách; thành lập các tổ công tác trực tiếp làm việc với các địa phương để nắm bắt tình hình thực tiễn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh công tác lập và tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy hoạch(6); thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành, lĩnh vực mới nổi, như trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn...; tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống đường bộ cao tốc, sân bay, cảng biển, năng lượng, viễn thông(7)...

Nhờ đó, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh COVID-19, nền kinh tế nước ta đã nhanh chóng phục hồi và phát triển; tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,02%, là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của nền kinh tế toàn cầu(8). Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát được kiểm soát, bình quân khoảng 4%/năm; các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Xuất siêu 8 năm liên tiếp, thuộc nhóm 20 nước có quy mô thương mại hàng đầu thế giới. Bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia được kiểm soát thấp hơn giới hạn cho phép(9); tiết kiệm được 680 nghìn tỷ từ nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách cải cách tiền lương. Môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện(10); mặc dù tình hình thế giới rất khó khăn, Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong thu hút đầu tư nước ngoài, lọt vào nhóm 20 nước thu hút FDI hàng đầu thế giới(11).

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm hỏi người dân sống trong khu vực dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột _Ảnh: TTXVN

Ba , chăm lo phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội, thể hiện rõ bản sắc dân tộc và tính ưu việt của chế độ. Trong bài phát biểu mang tầm định hướng chiến lược sâu sắc tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”, đồng thời chỉ rõ “Văn hóa còn thì dân tộc còn”, “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc”; văn hóa nền tảng tinh thần, là nguồn lực nội sinh, là động lực đột phá cho phát triển đất nước. Các cấp, các ngành, các địa phương đã tập trung quán triệt và tích cực triển khai định hướng chỉ đạo của Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, về phát triển con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, hội nhập, gắn với giữ gìn, phát huy hệ giá trị của quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình, chuẩn mực con người Việt Nam.

Trong những năm qua, việc xây dựng xã hội nhân văn, phát triển con người Việt Nam toàn diện, có nhân cách tốt đẹp, lối sống lành mạnh, kết hợp chặt chẽ giữa tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, các giá trị hiện đại và kế thừa các giá trị truyền thống đã được cả xã hội đồng thuận, thực hiện hiệu quả; tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết, trọng tình nghĩa, trọng công lý và đạo đức xã hội ngày càng được lan tỏa rộng khắp. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật ngày càng được nâng cao cả về chất lượng và năng lực tổ chức. Tình trạng chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa, thể thao giữa các vùng, khu vực dần được thu hẹp. Tập trung xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa...

Tập trung thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, dạy nghề. Chú trọng công tác chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân; tăng cường y tế cơ sở, phòng, chống các loại dịch bệnh, bảo đảm thuốc, trang thiết bị và vật tư y tế. Thực hiện tốt các chính sách chăm lo người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới(12) với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Kết quả giảm nghèo của Việt Nam được thế giới ghi nhận, đánh giá cao. Thúc đẩy phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm. Thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1-7-2024 theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 21-5-2018, của Ban Chấp hành Trung ương, góp phần cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, người về hưu và người hưởng trợ cấp xã hội, người có công với cách mạng. Chú trọng công tác dân tộc, tôn giáo, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi, chăm sóc, bảo vệ trẻ em, giáo dục thanh, thiếu niên, bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ... Thực hiện nhất quán chủ trương không hi sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần; quản lý phát triển xã hội ngày càng hiệu quả, bảo đảm sự công bằng, hài hòa, bền vững. Việt Nam cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” đến năm 2050 tại COP26 và tham gia Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Bốn là, tập trung triển khai thực hiện hiệu quả định hướng, tinh thần chỉ đạo của Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về quốc phòng, an ninh; xác định đây nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước. Chú trọng tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân vững chắc; xác định đối tác - đối tượng chính xác, cụ thể, có đối sách phù hợp. Thực hiện tốt chủ trương gắn kết chặt chẽ giữa bảo đảm quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế - hội. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, tự chủ sản xuất được nhiều vũ khí, trang bị hiện đại đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của các lực lượng và sản xuất các sản phẩm lưỡng dụng. Nâng cao năng lực, chất lượng công tác dự báo, tham mưu chiến lược; tiếp tục tổng kết, bổ sung, hoàn thiện đường lối, chiến lược về quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới. Chủ động, sẵn sàng phương án ứng phó, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Các lực lượng vũ trang đóng vai trò nòng cốt, xung kích, đi đầu trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; đồng thời, làm tốt nhiệm vụ tham gia gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, đóng góp tích cực, hiệu quả vào các hoạt động cứu hộ, cứu nạn quốc tế, qua đó nâng cao hình ảnh, vị thế quốc tế của Việt Nam.

Tập trung giữ vững an ninh quốc gia, nhất là tại các địa bàn chiến lược, an ninh tôn giáo, dân tộc, kinh tế, an ninh mạng; kịp thời giải quyết nhanh, hiệu quả, dứt điểm các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự, không để lan rộng. Quyết liệt đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm mạng, tội phạm công nghệ cao, tội phạm về ma túy; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là một điểm sáng về tình hình chính trị - xã hội ổn định bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong một thế giới đầy biến động hiện nay.

Năm , công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được chú trọng và triển khai hiệu quả, thực hiện tốt vai trò tiên phong trong phát huy sức mạnh thời đại, huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dày công vun đắp lý luận về đường lối đối ngoại, chính sách ngoại giao “Cây tre Việt Nam: gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam”. Đồng chí cũng trực tiếp chỉ đạo, tham gia nhiều hoạt động đối ngoại cấp cao và đã nhiều đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển trong khu vực và trên thế giới, được nguyên thủ các nước lớn, các đối tác quan trọng, bạn bè quốc tế yêu mến, tôn trọng, khâm phục.

Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, Chính phủ tập trung thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; là bạn tốt, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia, có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 30 quốc gia, trong đó có tất cả 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và nhiều nước G20. Đặc biệt, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gia tăng, trong vòng chưa đầy một năm, Việt Nam đã đón các lãnh đạo cấp cao nhất của ba cường quốc là Trung Quốc, Mỹ, Nga. Nhìn chung, quan hệ đối ngoại ngày càng được thúc đẩy mạnh mẽ, toàn diện, đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả, ổn định, bền vững trên tất cả các lĩnh vực; vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam được nâng cao.

Tập trung thực hiện chủ trương xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả. Việt Nam đã đảm nhiệm thành công nhiều trọng trách quốc tế; có nhiều đề xuất, sáng kiến được ghi nhận tại các diễn đàn đa phương lớn(13). Ngoại giao kinh tế được đẩy mạnh, Việt Nam đã mở rộng quan hệ kinh tế, thương mại với hơn 230 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) với hơn 60 quốc gia, trong đó có nhiều quốc gia, đối tác lớn. Công tác bảo hộ công dân, người Việt Nam ở nước ngoài, thông tin đối ngoại được triển khai bài bản, kịp thời, hiệu quả.

Sáu , về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tại các Hội nghị của Chính phủ, Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều nhấn mạnh về hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tinh gọn bộ máy gắn với nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Thực hiện chỉ đạo của Đồng chí, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã dành nhiều thời gian, nguồn lực cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 42 luật và hiện nay đang xây dựng 40 luật; đã tổ chức 28 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; ban hành hơn 390 nghị định(14). Tập trung rà soát, xác định các “điểm nghẽn” về thể chế trên các lĩnh vực, nỗ lực tháo gỡ những quy định chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập, kìm hãm sự phát triển, thúc đẩy thí điểm cơ chế, chính sách mới, góp phần khơi thông mọi nguồn lực, tạo thuận lợi, thúc đẩy hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Nhìn chung, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách được hoàn thiện, phù hợp hơn với yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển trong tình hình mới.

Cải cách thủ tục hành chính được thúc đẩy mạnh mẽ, góp phần tiết giảm chi phí, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân. Tập trung sắp xếp, kiện toàn, cắt giảm tổ chức, bộ máy của các bộ, cơ quan, địa phương. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ với các bộ, ngành, giữa Trung ương và địa phương gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi; gắn quyền hạn với trách nhiệm; khuyến khích sự năng động, sáng tạo và phát huy tính tích cực, chủ động của các cấp, các ngành, các địa phương; đề cao tinh thần trách nhiệm gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực. Đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hóa 3.000 quy định kinh doanh, phân cấp 295 thủ tục hành chính; đơn giản hóa 859 thủ tục hành chính, giấy tờ công dân. Tất cả các bộ, ngành đã công bố tổng số 645 thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước. Tăng cường triển khai Đề án số 06, về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, gắn với tích hợp, chia sẻ dữ liệu, hình thành hệ sinh thái công dân số. Các nền tảng Chính phủ điện tử, Chính phủ số được tập trung phát triển, tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia gắn với Cổng Dịch vụ công quốc gia, đưa các cơ sở dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp, bảo hiểm, dân cư và đất đai đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả.

Bảy , thực hiện chỉ đạo của Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với phương châm triển khai kiên trì, quyết liệt, không ngừng, không nghỉ, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”; đồng thời, xây dựng hệ thống hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các chủ trương, giải pháp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng; trong đó, chú trọng xây dựng, hoàn thiện thể chế, khắc phục sơ hở, bất cập; tăng cường thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực có nguy cơ phát sinh tham nhũng cao và tập trung chỉ đạo công tác thu hồi tài sản tham nhũng, khẩn trương ban hành và thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra, kiểm tra, xử lý tham nhũng, tiêu cực. Nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, được xã hội quan tâm được đưa ra xét xử nghiêm minh, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ, góp phần xây dựng xã hội dân chủ, kỷ cương, liêm chính, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, các cấp, các ngành, các địa phương tập trung rà soát, hoàn thiện, xây dựng bộ máy hành chính nhà nước trong sạch, vững mạnh toàn diện, liêm chính, kỷ luật, kỷ cương theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chú trọng hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách để hướng tới mục tiêu “không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng”. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, làm “cầm chừng”, “phòng thủ”, “che chắn”, giữ “an toàn” trong một bộ phận cán bộ, công chức; đồng thời, quán triệt chỉ đạo sâu sắc của Đồng chí về công tác cán bộ theo tinh thần “07 dám: Dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung”. Nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp, phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng và những thành tựu đạt được, kiên quyết, kiên trì, không lùi bước trước khó khăn, thách thức, chủ động, linh hoạt, đổi mới, sáng tạo, nhanh chóng xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái, đưa đất nước vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển.

Bốc xếp hàng hóa xuất khẩu tại Cảng quốc tế Tân Cảng - Cái Mép _Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

***

Trong bối cảnh vô vàn khó khăn của những năm đầu thập niên thứ ba của thế kỷ XXI, những thành tựu to lớn, khá toàn diện mà Đảng ta, đất nước ta, Nhân dân ta đã nỗ lực phấn đấu đạt được càng làm chúng ta thêm phấn khởi, tự hào về Đảng quang vinh, đất nước đổi mới và Nhân dân Việt Nam anh hùng. Trong âm hưởng đó, với sự đúc kết, khái quát mang tầm lý luận sâu sắc, cách đây nửa năm, nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2024), Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”. Trong đó, như lời nhắn gửi trước lúc đi xa, Đồng chí đã ân cần căn dặn về những bài học kinh nghiệm, về những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung triển khai trong thời gian tới.

Với tầm nhìn chiến lược, Đồng chí chỉ ra và dự báo những vấn đề quan trọng của thế giới đương đại, những cơ hội và thách thức đối với đất nước ta; đồng thời, nhấn mạnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta “tuyệt đối không được chủ quan, tự mãn, quá say sưa với những kết quả, thành tích đã đạt được, và cũng không quá bi quan, dao động trước những khó khăn, thách thức; mà trái lại, cần phải hết sức bình tĩnh, sáng suốt, phát huy thật tốt những kết quả, bài học kinh nghiệm đã có, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, nhất là từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, để tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, nỗ lực phấn đấu, tranh thủ mọi thời cơ, thuận lợi; vượt qua mọi khó khăn, thách thức, triển khai thực hiện thắng lợi các chương trình, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho nhiệm kỳ khóa XIII và đến năm 2030”.

Vô cùng tiếc thương trước sự ra đi của một người cộng sản với phẩm cách ngời sáng, trọn đời vì Đảng, vì nước, vì dân, chúng ta thành kính tôn vinh và biết ơn sâu sắc công lao, cống hiến to lớn của Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - một tấm gương không ngừng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; là trung tâm đoàn kết, hạt nhân lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Với tinh thần “biến đau thương thành hành động”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng toàn thể hệ thống hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương nguyện học tập, noi gương Đồng chí, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, tập trung triển khai hiệu quả những chỉ đạo tâm huyết của Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên tất cả các lĩnh vực, nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ, giàu mạnh, phồn vinh, công bằng, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội./.

-------------------------

(1) Bài viết được đăng tải vào dịp kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2021) và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 (ngày 23-5-2021)
(2) Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với tựa đề “Chính phủ mới: Khí thế mới, nỗ lực mới, quyết tâm phấn đấu lập nhiều thành tích mới” tại Phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 (ngày 11-8-2021).
(3) Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến tháng 10-2023, tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở Việt Nam là 0,37%, thấp hơn nhiều bình quân chung của thế giới là 0,99%.
(4) Xếp thứ 2 thế giới về phục hồi sau dịch theo bảng xếp hạng tháng 8-2022 của tổ chức Nikkei Asia.
(5) Việt Nam quyết định mở cửa trở lại du lịch quốc tế từ ngày 15-3-2022. Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến tháng 6-2022, Việt Nam được đánh giá là quốc gia duy nhất trong khu vực Đông Nam Á mở cửa hoàn toàn, không còn hạn chế liên quan đến phòng, chống dịch.
(6) Đã ban hành 110/111 quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia (theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
(7) Đã hoàn thành đưa vào sử dụng trên 2.000km đường cao tốc và đang đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông quan trọng, nhất là thi công 1.000km đường bộ cao tốc để phấn đấu đến năm 2025 đưa vào khai thác khoảng 3.000km; vận hành khai thác đường sắt đô thị trên cao Cát Linh - Hà Đông, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội, đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên Dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối; bên cạnh đó, hạ tầng số được thúc đẩy phát triển, hiện đại hóa, nhất là mạng 5G và cơ sở dữ liệu quốc gia (theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Thông tin và Truyền thông).
(8) Theo báo cáo của Tổng Cục Thống kê, tốc độ tăng GDP năm 2021, 2022, 2023 và 6 tháng năm 2024 đạt lần lượt 2,56%, 8,02%, 5,05% và 6,42%, thuộc nhóm nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới.
(9) Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến hết năm 2023, ước dư nợ công là 39 - 40% GDP, dư nợ Chính phủ là 36 - 37% GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 37 - 38% GDP, thấp hơn ngưỡng cảnh báo quy định của Quốc hội, góp phần củng cố xếp hạng tín nhiệm quốc gia.
(10) Xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2023 tăng 12 bậc (theo Báo cáo môi trường kinh doanh toàn cầu tháng 5-2023 của cơ quan nghiên cứu EIU thuộc tạp chí Economist).
(11) Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2023 vốn FDI thu hút đạt trên 39,4 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 23,2 tỷ USD; lũy kế đến nay có 40,8 nghìn dự án đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký khoảng 487 tỷ USD.
(12) Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay có khoảng 80% số xã và 283 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, góp phần thay đổi diện mạo và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân ở nông thôn.
(13) Việt Nam đã 2 lần là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008 - 2009 và 2020 - 2021, 2 lần là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 - 2026 và 2023 - 2025, Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77, lần đầu tiên đảm nhiệm vị trí của 6/7 cơ chế then chốt nhất của UNESCO. Bên cạnh đó, Việt Nam đã khởi xướng, dẫn dắt nhiều sáng kiến quan trọng như Ngày Quốc tế về Phòng, chống dịch bệnh (27-12), Ngày Quốc tế vui chơi (11-6), thành lập Nhóm Bạn bè về Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS)...
(14) Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành hơn 90 quyết định quy phạm pháp luật; 5.400 quyết định cá biệt; 95 chỉ thị và 285 công điện (theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ).