Kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực du lịch: Cơ hội và thách thức đối với quản lý nhà nước hiện nay
TCCS - Thời gian qua, kinh tế chia sẻ có sự tăng trưởng vượt bậc nhờ tiến bộ nhanh chóng của công nghệ thông tin và nhu cầu của người dùng. Kinh tế chia sẻ mang tính “di động” lớn, đặc biệt là với các ứng dụng trên di động, người dùng có thể yêu cầu dịch vụ từ mọi nơi, mọi lúc. Việc đánh giá hiện trạng, tiềm năng phát triển kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực du lịch, đồng thời chỉ ra cơ hội, thách thức để đề xuất các khuyến nghị chính sách về quản lý nhà nước đối với một ngành công nghiệp mới nổi có ý nghĩa quan trọng tại Việt Nam.
Tổng quan về kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực du lịch
Kinh tế chia sẻ (KTCS) là một mô hình kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ, cho phép cá nhân chia sẻ tài sản, dịch vụ nhàn rỗi của mình với nhau để kiếm thêm thu nhập hoặc đáp ứng nhu cầu của bản thân. Tính mới của KTCS nằm ở việc sử dụng công nghệ thông tin để thực hiện việc chia sẻ. Mặc dù có nhiều quan niệm khác nhau về KTCS, tuy nhiên các quan niệm đều có đặc điểm chung là việc mua lại, sử dụng, phân phối mất phí, chuyển giao/không “chuyển giao quyền sở hữu” tài sản nhàn rỗi, sản phẩm, dịch vụ, thông tin đã qua sử dụng của người khác đều được thực hiện thông qua internet và các nền tảng kỹ thuật số(1).
Kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực du lịch có đặc điểm là cách thức kinh doanh dựa trên nền tảng trực tuyến nhằm kết nối cung - cầu. Thông qua các nền tảng chia sẻ, KTCS tạo ra mạng lưới kết nối trực tiếp các nhà cung cấp dịch vụ du lịch và khách du lịch một cách minh bạch. Bên cạnh đó, KTCS được xây dựng dựa trên sự truy cập tạm thời, tiêu dùng các dịch vụ du lịch nhàn rỗi, như nhà ở, xe... các tài sản này “không có sự chuyển giao quyền sở hữu”, thông qua việc cộng tác tiêu thụ, tài sản được sử dụng hiệu quả hơn. Kinh tế chia sẻ hướng tới sự phát triển bền vững trong du lịch, tính bền vững của KTCS trong du lịch được thể hiện thông qua việc sử dụng hiệu quả tài sản nhàn rỗi, giảm ô nhiễm môi trường và trao quyền cho người dùng và chi phí hoạt động cận biên gần như bằng không vì các trang web hay ứng dụng trên thiết bị điện tử chỉ đóng vai trò là công cụ trung gian mà không trực tiếp cung cấp dịch vụ du lịch, dẫn đến chi phí thấp hơn. Ngoài ra, các hoạt động của KTCS dựa trên cơ chế ngang hàng, tin cậy và vì lợi nhuận.
Có ba yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển mô hình KTCS, bao gồm:
Một là, công nghệ. Đây là nền tảng trực tuyến, là yếu tố cốt lõi của mô hình KTCS, cho phép kết nối giữa người cung cấp và người sử dụng dịch vụ. Nền tảng này cần dễ sử dụng, an toàn và bảo mật thông tin cho người dùng, cụ thể như Mobile app giúp người dùng dễ dàng truy cập dịch vụ chia sẻ mọi lúc, mọi nơi. Việc tích hợp các tính năng, như định vị GPS, thanh toán trực tuyến, đánh giá dịch vụ,... giúp nâng cao trải nghiệm của người dùng, dữ liệu lớn (big data) giúp doanh nghiệp tham gia kinh doanh theo mô hình KTCS phân tích hành vi, xu hướng của người dùng để đưa ra chiến lược kinh doanh phù hợp, tối ưu hóa hiệu quả hoạt động.
Hai là, nguồn nhân lực. Có hai nhóm, bao gồm: 1- Người cung cấp dịch vụ, trong đó phải kể đến nhu cầu về kỹ năng của người cung cấp dịch vụ trong mô hình KTCS khá đa dạng, từ kỹ năng giao tiếp, ứng xử, cho đến kỹ năng chuyên môn trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ và động lực; 2- Người sử dụng dịch vụ cần có thái độ cởi mở, sẵn sàng trải nghiệm dịch vụ mới và chia sẻ thông tin, đánh giá về dịch vụ và người sử dụng dịch vụ cũng cần có ý thức sử dụng dịch vụ một cách văn minh, trách nhiệm để bảo đảm lợi ích cho bản thân và cộng đồng.
Ba là, môi trường pháp lý, bao gồm khung pháp lý là hệ thống pháp luật hoàn thiện nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của mô hình KTCS, đồng thời bảo đảm quyền lợi cho các bên tham gia; các chính sách hỗ trợ, cụ thể Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển mô hình KTCS, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả, phù hợp với đặc điểm của mô hình KTCS.
Phát triển kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực du lịch tại Việt Nam
Sau hơn 20 năm phát triển, kết cấu hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng:
Về phát triển viễn thông: Những năm qua, Việt Nam đẩy mạnh đầu tư phát triển viễn thông để bảo đảm năng lực kết nối internet cũng như đáp ứng xu hướng phát triển KTCS. Năm 2023, số thuê bao sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) đạt 100,1 triệu, tăng 5,7% so với năm 2022. Tỷ lệ người dùng smartphone/người dùng điện thoại di động đạt 84,4%, cao hơn tỷ lệ trung bình quốc tế (trung bình quốc tế: 63% theo nguồn báo cáo của Statista). Có 42/63 (chiếm 75%) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành Kế hoạch phát triển hạ tầng số. Số thuê bao băng rộng di động đạt 84,9 triệu thuê bao (tương ứng với tỷ lệ 85,5 thuê bao/100 dân), tăng 1,75% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 95,4% kế hoạch năm 2023. Tốc độ băng rộng cố định tháng 10-2023 đạt 104,08 Mbit/s, tăng 31,9% so với cùng kỳ năm 2022, xếp thứ 41/181 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tốc độ truy cập internet băng rộng di động tháng 10-2023 đạt 44,92 Mbit/s, tăng 13,78% so với cùng kỳ năm 2022, xếp thứ 57/181 quốc gia, vùng lãnh thổ(2).
Tỷ lệ sử dụng thế hệ địa chỉ internet mới IPv6 trên internet Việt Nam đạt khoảng 60%, cao gấp 1,6 lần trung bình toàn cầu và gấp 1,7 lần trung bình khối Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Việt Nam tăng 1 bậc, vượt qua Mỹ, đứng thứ 9 toàn cầu; đứng thứ 2 ở ASEAN, đứng thứ 3 châu Á (sau Ấn Độ, Ma-lai-xi-a). Có 82/85 (chiếm 96%) bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch chuyển đổi IPv6, 75/85 (chiếm 88%) bộ, ngành, địa phương chuyển đổi IPv6 cho cổng thông tin điện tử, dịch vụ công (vượt chỉ tiêu năm 2023)(3).
Về giá cước internet: Việt Nam nằm trong tốp 20 quốc gia có giá cước dịch vụ internet rẻ nhất thế giới. Tốc độ internet cao và giá cước rẻ là những yếu tố thuận lợi cho phát triển KTCS tại mỗi quốc gia, đặc biệt là đối với những nước có thu nhập trung bình thấp như Việt Nam.
Phần mềm, ứng dụng công nghệ: Việt Nam có nhiều ứng dụng du lịch thông minh phục vụ khách du lịch trên điện thoại di động thông minh với các tính năng, như hỗ trợ tìm kiếm khách sạn, nhà hàng, các điểm vui chơi giải trí; bến tàu, xe, trạm xe buýt; sử dụng bản đồ du lịch điện tử; quản lý hành trình, lựa chọn tuyến, điểm; xem thông tin, tham khảo ý kiến đánh giá; ngoài ra còn có các chức năng khác, như dự báo thời tiết, đổi tiền, phản ánh đối với cơ quan chức năng. Bên cạnh đó còn có nền tảng kỹ thuật số quốc tế chủ yếu được ứng dụng trong KTCS đối với dịch vụ lưu trú, lữ hành và vận chuyển khách du lịch.
Tuy nhiên, hạ tầng viễn thông của Việt Nam vẫn còn một số hạn chế với gần 70 triệu người dùng internet (chiếm khoảng hơn 70% dân số), nhưng hiện nay Việt Nam chỉ có 7 tuyến cáp quang biển, tức là trung bình khoảng 10 triệu người hoạt động trên một tuyến cáp. Trong khi đó, con số này ở Xin-ga-po là 0,16 triệu, Ma-lai-xi-a là 0,78 triệu. Bên cạnh đó, hiện tượng đứt cáp xảy ra khoảng 10 lần mỗi năm, cũng được xem là trở ngại đối với sự phát triển KTCS(4).
Về phát triển các dịch vụ du lịch trong KTCS:
Dịch vụ lưu trú: Theo Outbox Consulting 2023, quy mô doanh thu thị trường chia sẻ lưu trú tại Việt Nam năm 2023 đạt khoảng 174 triệu USD, chiếm gần 2% chi tiêu thị trường lưu trú du lịch (tương đương gần 8 tỷ USD). Trong khi đó, tại thị trường các nước phát triển, con số này chiếm khoảng 10 - 20% chi tiêu của thị trường lưu trú. Tính đến hết năm 2023, Việt Nam có 38.000 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 780.000 buồng. Việt Nam cũng có 18.230 chủ nhà cho thuê các cơ sở lưu trú trên nền tảng chia sẻ, 69% trong số đó đang cho thuê nhiều hơn 1 cơ sở lưu trú. Trong đó, tỷ lệ cơ sở lưu trú tham gia mô hình KTCS với thời gian từ 3 năm trở lên chiếm phần lớn, một tỷ lệ nhỏ các cơ sở lưu trú mới bắt đầu tiếp cận mô hình này trong khoảng 1 năm đến 2 năm; 100% cơ sở lưu trú đều mong muốn tiếp tục cung cấp dịch vụ lưu trú trên các nền tảng chia sẻ trong thời gian tới bởi những lợi ích mà mô hình này mang lại.
Việt Nam hiện nay có hai loại nền tảng chia sẻ chỗ lưu trú, là: 1- Nền tảng có nguồn gốc nước ngoài, trụ sở đặt ở nước ngoài, có chi nhánh/văn phòng đại diện đặt ở Việt Nam, có thông báo/đăng ký kinh doanh với cơ quan quản lý (Traveloka) hoặc không có chi nhánh/văn phòng đại diện đặt ở Việt Nam, chưa thông báo/đăng ký kinh doanh với cơ quan quản lý (Airbnb, Expedia, Booking, Agoda,...). 2- Nền tảng trong nước (thương hiệu Việt), như iVIVU, Mytour, Vntrip, Luxstay, Chudu24,...
Về kinh doanh dịch vụ lữ hành: Tính đến hết năm 2023, Việt Nam có 4.069 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, tuy nhiên mô hình KTCS đã tác động đáng kể đến hành vi tiêu dùng của khách du lịch, du lịch trực tuyến từng bước thay thế nhiều khâu của du lịch truyền thống trước đây. Nghiên cứu về mô hình KTCS tại Việt Nam cho thấy, 76% người Việt Nam sẵn sàng sử dụng các sản phẩm dịch vụ chia sẻ, cao hơn 10% so với người tiêu dùng trên thế giới. Doanh nghiệp lữ hành tại Việt Nam đang dần thay đổi khi tham gia kinh doanh mô hình KTCS theo hai hình thức là đăng ký bán tour và tự xây dựng nền tảng công nghệ hoặc sử dụng các nền tảng chia sẻ miễn phí để kinh doanh, chia sẻ tour du lịch, chương trình du lịch.
Kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách: Các nền tảng chia sẻ trong du lịch đang hoạt động tại Việt Nam hiện nay kể cả nền tảng trong nước hay ngoài nước, như Booking, Agoda, Traveloka, Mytour, iVIVU, Vntrip,... đều tích hợp chức năng vận chuyển hành khách, đặc biệt là vận chuyển hàng không (đặt vé máy bay) và đặt xe đưa đón sân bay. Ngoài ra, còn có một số nền tảng chuyên về vận tải hành khách đang phổ biến tại Việt Nam, như Grab, Be, GO-Viet, MyGo, FastGo, Dichung, Go-jek, VATO, Gonow, Ahamove,... Xu hướng gọi xe qua ứng dụng của người tiêu dùng ngày càng phổ biến, trong đó Grab đang chiếm ưu thế với tỷ lệ 70% người dùng đặt xe và mức độ yêu thích của người dùng chiếm 55%. Tiếp đến là taxi truyền thống Mai Linh, với ứng dụng Gojek và Be, tỷ lệ này là 24% và 20%.
Cơ hội và thách thức đối với phát triển kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực du lịch tại Việt Nam
Về cơ hội
Một là, thay đổi tư duy và cách thức quản lý nhà nước nhằm nâng cao năng lực quản lý của bộ máy nhà nước trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đáp ứng các yêu cầu quản lý và thúc đẩy phát triển mô hình KTCS trong du lịch. Đồng thời, nâng cao nhận thức và năng lực của doanh nghiệp, địa phương và người dân về mô hình KTCS trong lĩnh vực du lịch.
Hai là, khai thác hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường. Mô hình KTCS trong du lịch góp phần gia tăng hiệu quả khai thác và sử dụng các nguồn lực dư thừa, tài nguyên nhàn rỗi trong lĩnh vực du lịch; tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh và khả năng quay vòng vốn cho doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch; hạn chế tình trạng “vốn chết”, “tài sản chết” (dư thừa không/chưa được dùng đến) trong lĩnh vực du lịch.
Ba là, thúc đẩy phát triển kinh tế và tạo việc làm. Kinh tế chia sẻ đang thay đổi thị trường du lịch, mang đến cho mọi người những lựa chọn mới về nơi lưu trú và bất kỳ ai cũng có thể bắt đầu kinh doanh du lịch, giúp rút ngắn thời gian gia nhập thị trường của chủ thể kinh tế, với chi phí giao dịch thấp, hiệu quả kinh doanh cao. Do đó, KTCS trong du lịch thúc đẩy phát triển kinh tế nói chung và quy mô thị trường du lịch Việt Nam thông qua việc mở rộng cơ hội kinh doanh, tăng số lượng chủ thể tham gia vào thị trường du lịch nói riêng.
Bốn là, tăng tính minh bạch. Mô hình KTCS trong du lịch thúc đẩy giao dịch trực tuyến với giá cả được niêm yết công khai, thanh toán trực tuyến, qua đó làm tăng tính minh bạch cho thị trường. Ở phương diện quản lý nhà nước, do KTCS dựa trên nền tảng công nghệ trực tuyến nên doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp được quản lý minh bạch hơn, chống gian lận thuế, trốn thuế.
Năm là, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Mô hình KTCS trong du lịch đang có tác động tích cực đến việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi số toàn diện trong ngành du lịch, đặc biệt, góp phần thúc đẩy mục tiêu “xã hội số” và “kinh tế số” trong lĩnh vực du lịch. Bên cạnh đó, mô hình KTCS trong du lịch cũng đang tạo ra động lực tích cực cho việc nâng cao trình độ công nghệ của đội ngũ cán bộ quản lý trong ngành, cải cách bộ máy quản lý ngành du lịch để bảo đảm hoạt động quản lý mô hình KTCS trong du lịch đạt hiệu quả, đồng bộ, hướng đến hoàn thiện mục tiêu “chính phủ số” trong lĩnh vực du lịch (hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về du lịch các cấp trên môi trường số).
Về thách thức
Thứ nhất, cơ sở pháp lý cho hoạt động kinh doanh theo mô hình KTCS trong lĩnh vực du lịch còn nhiều hạn chế. Hiện nay, hệ thống pháp luật về hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, như Luật Đầu tư; Luật Giao dịch điện tử; Luật Doanh nghiệp; Luật Du lịch... và các quy định về thuế hiện nay hầu như chưa đề cập đến mô hình KTCS. Bên cạnh đó, cũng chưa có khung pháp lý chặt chẽ để quản lý mô hình hoạt động của KTCS. Do thị trường của mô hình KTCS trong lĩnh vực lưu trú là dịch vụ phục vụ khách lưu trú (trong đó có khách du lịch), nên cơ sở pháp lý điều chỉnh mô hình KTCS này trước hết phụ thuộc vào Luật Du lịch. Tuy nhiên, Luật Du lịch và các văn bản hướng dẫn luật này không quy định cụ thể về quá trình tổ chức, vận hành hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, hiện nay quy định về đăng ký kinh doanh đối với các đại lý du lịch trực tuyến kinh doanh nền tảng chia sẻ (đặc biệt là các nền tảng có nguồn gốc nước ngoài tham gia thị trường Việt Nam); quy định về điều kiện đăng ký kinh doanh trên các nền tảng chia sẻ đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trong nước; quy định về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch được chia sẻ trên các nền tảng công nghệ; quy định thống nhất về tỷ lệ hoa hồng của các nền tảng chia sẻ; quy định về hợp đồng kinh doanh ba bên (bên cung cấp dịch vụ du lịch - bên cung cấp nền tảng chia sẻ - bên cầu), hợp đồng lao động hai bên (doanh nghiệp - người lao động); vấn đề kiểm soát giao dịch, đặc biệt là các giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới,... đều chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.
Thứ hai, thách thức trong việc quản lý thuế. Đối với việc điều chỉnh pháp luật về thuế đối với mô hình KTCS, Bộ Tài chính đã có Công văn số 848/BTC-TCT, ngày 18-1-2017, “Về chính sách thuế và quản lý thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh của dịch vụ đặt phòng trực tuyến”, trong đó có quy định về nghĩa vụ thuế của các chủ thể tham gia mô hình chia sẻ phòng ở. Văn bản này yêu cầu cơ sở lưu trú (bên Việt Nam) sẽ nộp thay cho các chủ cung ứng dịch vụ chia sẻ. Tuy nhiên, văn bản này cũng chưa phải văn bản quy phạm pháp luật, bởi nó mang tính chất là văn bản hành chính thông thường trong nội bộ ngành. Do đó, công tác quản lý thuế, công tác thu thuế gặp khó khăn, đặc biệt là đối với doanh nghiệp kinh doanh nền tảng chia sẻ tại Việt Nam, nhưng có trụ sở đặt ở nước ngoài do thiếu cơ chế kiểm soát hoạt động kinh doanh và khung khổ pháp lý quy định nộp thuế kinh doanh, mức thuế, loại thuế.
Thứ ba, chức năng quản lý, cơ chế quản lý đối với mô hình KTCS trong du lịch chưa rõ ràng. Cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát và chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm kinh doanh theo mô hình KTCS trong du lịch cũng chưa có quy định cụ thể. Điều này gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước đối với mô hình KTCS trong du lịch. Trong khi đó, mô hình KTCS trong du lịch tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro cho người dùng nói chung và khách du lịch nói riêng, như rò rỉ thông tin cá nhân, lừa đảo (tội phạm công nghệ), chất lượng hàng hóa và dịch vụ không như mong đợi (thực tế không như quảng cáo) và các bất cập khác. Bên cạnh đó, còn thách thức liên quan đến trình độ công nghệ, sự am hiểu về mô hình KTCS nói chung và mô hình KTCS trong du lịch của cơ quan quản lý nhà nước các cấp còn hạn chế, do đó khó để nắm bắt kịp so với xu thế phát triển nhanh chóng của mô hình này.
Một số khuyến nghị
Thời gian tới, để nâng cao chất lượng quản lý đối với KTCS trong lĩnh vực du lịch, cần triển khai hiệu quả các nội dung sau:
Hoàn thiện hệ thống pháp lý: Ban hành luật hoặc sửa đổi luật hiện hành để quy định cụ thể về mô hình KTCS trong du lịch, đồng thời xác định rõ các quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia vào mô hình KTCS; xây dựng các cơ chế quản lý, như thành lập cơ quan quản lý chuyên trách hoặc giao nhiệm vụ quản lý cho một cơ quan hiện có; xây dựng quy trình đăng ký kinh doanh đơn giản, minh bạch cho doanh nghiệp tham gia kinh doanh theo mô hình KTCS. Ban hành các quy định quản lý, như quy định về các điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ, an toàn, vệ sinh thực phẩm,... quy định để giảm thiểu và giải quyết kịp thời tranh chấp giữa các bên tham gia vào mô hình KTCS. Bảo đảm sự phù hợp giữa cơ chế quản lý và quy định quản lý với điều kiện thực tế của Việt Nam, đồng thời cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trong việc quản lý mô hình KTCS, đồng thời tổ chức các chương trình tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về KTCS.
Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh: Một môi trường cạnh tranh lành mạnh sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng dịch vụ, Bên cạnh đó, còn có thể bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, khách du lịch và góp phần phát triển du lịch bền vững, nâng cao hình ảnh du lịch Việt Nam, thu hút khách du lịch quốc tế. Muốn tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, ngoài việc hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng cần nâng cao năng lực quản lý nhà nước về KTCS, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người dân về cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích doanh nghiệp cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ. Cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác cho khách du lịch về các dịch vụ du lịch. Khuyến khích các doanh nghiệp hợp tác với nhau để phát triển KTCS. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam hợp tác với doanh nghiệp quốc tế trong lĩnh vực KTCS.
Phát triển nguồn nhân lực về kinh tế chia sẻ trong du lịch: Nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành du lịch, các cấp tham mưu, quản lý nhà nước về du lịch ở địa phương về sự phát triển của mô hình KTCS trong du lịch là xu hướng tất yếu của việc ứng dụng công nghệ số trong kinh doanh du lịch thông qua các chương trình tập huấn, hội thảo. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền đối với doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch và cộng đồng về lợi ích của việc tham gia kinh doanh theo mô hình KTCS. Đổi mới, na#ng cao chất lượng cơ sở đào tạo nghề du lịch, bảo đảm chưo#ng trình đào tạo sát thực tiễn, lồng ghép vào chương trình đào tạo kiến thức, kỹ năng công nghệ và những nội dung liên quan đến mô hình KTCS trong du lịch để người lao động sau khi tốt nghiệp có thể đáp ứng ngay yêu cầu việc làm.
Phát triển hạ tầng công nghệ và các nền tảng công nghệ số: Nhà nước cần có chính sách cụ thể khuyến khích doanh nghiệp nhanh chóng phát triển dịch vụ internet di động 5G, 6G; đầu tư mở rộng mạng lưới cáp quang tốc độ cao và tăng băng thông internet quốc tế; xây dựng xa lộ internet cho các dịch vụ nhiều người dùng. Nâng cao năng lực độc lập, tự chủ về công nghệ, phát triển nhanh các công nghệ nền tảng, nhất là các công nghệ nền tảng lớn, giảm dần lệ thuộc vào các nền tảng công nghệ nước ngoài. Có cơ chế khuyến khích, tạo thuận lợi và hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước đóng vai trò mũi nhọn trong kinh doanh công nghệ, kinh doanh nền tảng theo mô hình KTCS. Khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong kinh doanh công nghệ, phát triển các nền tảng công nghệ chia sẻ./.
----------------------
* Vũ Thị Tâm, Ngô Phúc Hạnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
(1) Xem: Frenken, K., & Schor, J. (2017): Đưa nền kinh tế chia sẻ vào quan điểm, Tạp chí Đổi mới môi trường và chuyển đổi xã hội, số 23, tr. 3 - 10
(2) Xem: Tổng quan hoạt động chuyển đổi số năm 2022 trong Hạ tầng số, Cổng công nghệ mở Cục Chuyển đổi số quốc gia, ngày 28-2-2022, https://tech.gov.vn/tin-tuc/tong-quan-hoat-dong-chuyen-doi-so-nam-2022-trong-ha-tang-so-35.htm
(3) Xem: Speedtest by Ookla, Ứng dụng kiểm tra tốc độ băng thông rộng toàn cầu, ngày 25-2-2024, https://www.speedtest.net/
(4) Xem: Decision Lab, (MMA): 2023, Báo cáo “Người tiêu dùng số - The Connected Consumer”, ngày 25-5-2023, https://advertisingvietnam.com/bao-cao-connected-consumer-q1-2023-nguoi-tieu-dung-viet-dam-chim-trong-shoppertainment-p22034
Phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới hiện nay  (15/09/2023)
Đẩy mạnh hoạt động du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19  (06/10/2022)
Ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19  (27/05/2022)
Du lịch golf – Lợi thế mới để Việt Nam hút khách quốc tế  (16/12/2021)
Quan hệ sở hữu trong xu thế phát triển kinh tế chia sẻ ở Việt Nam  (28/08/2021)
Chiến lược phát triển du lịch trước những thách thức mới hiện nay  (05/07/2021)
- Bài học phát huy sức mạnh toàn dân tộc của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và sự vận dụng trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự hiện nay
- Hợp tác Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc trong bối cảnh mới
- Tạp chí Cộng sản - cái nôi góp phần hun đúc tài năng, trí tuệ, đạo đức, phong cách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Huy động, phân bổ nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, góp phần triển khai hiệu quả Nghị quyết số 26-NQ/TW
- Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh định hướng cho công tác bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng công an nhân dân
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Văn hóa - Xã hội
Một số quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa và nâng tầm văn hóa Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Căng thẳng Nga - Ukraine: Bản chất, nguyên nhân và triển vọng