Hành lang kinh tế Ấn Độ - Trung Đông - châu Âu: Tiềm năng, thách thức và triển vọng
TCCS - Hành lang Kinh tế Ấn Độ - Trung Đông - châu Âu (IMEC) là một dự án nhằm thiết lập một mạng lưới giao thông toàn diện, bao gồm các tuyến đường sắt, đường bộ và đường biển, kết nối Ấn Độ, Trung Đông và châu Âu, thúc đẩy hội nhập kinh tế và tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên. Tuy nhiên, cuộc xung đột Israel - Hamas hiện nay khiến việc hiện thực hóa dự án này đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.
Tiềm năng kinh tế và ý nghĩa địa - chính trị
Ngày 9-9-2023, tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức ở Thủ đô New Delhi (Ấn Độ), các nhà lãnh đạo Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Pháp, Đức, Italia, Ấn Độ, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Saudi Arabia đã ký kết Biên bản ghi nhớ, cam kết hợp tác để thúc đẩy IMEC. IMEC không chỉ là một dự án phát triển kinh tế mà còn có ý nghĩa về địa - chính trị.
Về tiềm năng kinh tế
IMEC bao gồm hai tuyến đường riêng biệt: Phía đông là tuyến đường hàng hải, kết nối Ấn Độ với vùng Vịnh; phía bắc là tuyến đường sắt, kết nối các quốc gia vùng Vịnh với châu Âu. Dự án này đồng thời cũng kết nối các cảng lớn, như Fujairah, Jebel Ali và Abu Dhabi ở UAE, Haifa ở Israel, Mundra và Kandla ở Ấn Độ, cảng Piraeus (Hy Lạp), cảng Marseille (Pháp) và cảng Messina (Italia), giúp rút ngắn 40% thời gian vận chuyển từ Ấn Độ đến châu Âu(1), có thể được xem là giải pháp thay thế cho kênh đào Suez (Ai Cập) vốn thường trong tình trạng bị tắc nghẽn và có mức chi phí khá cao. Cải thiện hạ tầng vận tải, hợp tác xuyên biên giới sẽ thúc đẩy gắn kết kinh tế chặt chẽ hơn, cho phép dịch chuyển hàng hóa, dịch vụ và lao động dễ dàng, thuận tiện hơn. Quan hệ kinh tế chặt chẽ giữa các nước tham gia IMEC sẽ tạo thêm động lực cho hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác, như an ninh, chống khủng bố, góp phần vào sự ổn định của khu vực. IMEC giúp giảm chi phí kinh doanh, nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng và tạo việc làm vì lợi ích của doanh nghiệp và cá nhân. Về lâu dài, IMEC có thể được tận dụng để phát triển các đặc khu kinh tế (SEZ) dọc theo các tuyến đường của hành lang này.
Dự án IMEC có tiềm năng lớn trong thúc đẩy hội nhập kinh tế, thương mại, đầu tư, từ đó tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên. Các quốc gia tham gia IMEC chiếm 40% dân số thế giới và đóng góp khoảng 50% GDP toàn cầu(2), do vậy, dự án được kỳ vọng sẽ tạo ra cuộc cách mạng trong thương mại toàn cầu, tăng khả năng tiếp cận thị trường và khuyến khích đầu tư giữa các nước tham gia. IMEC sẽ tạo cơ hội cho các nước phương Tây thâm nhập thị trường khổng lồ đông dân của Ấn Độ. Dự báo đến năm 2030, trao đổi thương mại giữa Ấn Độ và châu Âu sẽ tăng lên 500 tỷ USD và khi đó, IMEC sẽ đóng góp khoảng 1,5 nghìn tỷ USD vào GDP toàn cầu(3). Kết cấu hạ tầng phát triển cho phép các nước tăng cường sản xuất và vận chuyển hydro xanh. Tuyến cáp ngầm mới kết nối khu vực cũng giúp cho việc truyền dữ liệu diễn ra nhanh hơn, thuận lợi hơn.
Dự án IMEC còn là chất xúc tác để giúp các nước đa dạng hóa nền kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển các ngành công nghiệp mới, ngoài các ngành công nghiệp truyền thống. Bởi khi giao thông thuận lợi, trao đổi hàng hóa sẽ diễn ra dễ dàng hơn, từ đó khuyến khích tăng trưởng công nghiệp. Hoạt động kinh tế được mở rộng, cơ hội việc làm ở các lĩnh vực sẽ tăng lên, chất lượng sống của người dân cũng được cải thiện. Ở khía cạnh khác, IMEC được triển khai sẽ giúp phục hồi kinh tế khu vực Trung Đông, thúc đẩy bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Saudi Arabia.
IMEC hình thành không chỉ thúc đẩy trao đổi năng lượng truyền thống mà còn khuyến khích hợp tác các nguồn năng lượng mới, sạch. Đối với các quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng, IMEC cung cấp cơ hội đa dạng hóa nguồn cung năng lượng và giảm phụ thuộc vào các nhà cung cấp độc quyền, đồng thời khai thác các nguồn năng lượng mới như hydro sạch, đáp ứng mục tiêu giảm phát thải, chống biến đổi khí hậu. Các quốc gia Trung Đông cũng đa dạng hóa được nguồn năng lượng và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Về ý nghĩa địa - chính trị
IMEC giúp các quốc gia tham gia dự án tăng cường quan hệ, thúc đẩy hội nhập giữa các châu lục, nâng tầm ảnh hưởng và vị thế trên bàn cờ địa - chính trị thế giới, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng diễn ra gay gắt. Đối với Mỹ, thúc đẩy IMEC thể hiện sự quyết tâm của chính quyền Tổng thống Joe Biden về cam kết của Mỹ đối với khu vực Trung Đông. Đây còn là cơ hội để Mỹ, phương Tây kiềm chế ảnh hưởng của Nga và Iran ở Trung Đông, bởi khi IMEC vận hành sẽ làm suy yếu vai trò của Hành lang vận tải quốc tế Bắc - Nam (INSTC) do Nga và Iran hậu thuẫn. Bên cạnh đó, IMEC được xem như một lựa chọn thay thế hoặc cạnh tranh với Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) của Trung Quốc, giảm bớt ảnh hưởng của Trung Quốc ở lục địa Á - Âu, góp phần tạo sự cân bằng mới trong quan hệ quốc tế. Đối với EU, IMEC không chỉ cải thiện vị thế thương mại và khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu của EU, mà còn thông qua hành lang này, EU mong muốn xây dựng ảnh hưởng vững chắc ở vịnh Persian. IMEC phục vụ mục tiêu “giảm thiểu rủi ro” cho EU, nhất là sự phụ thuộc về kinh tế và các “lỗ hổng chiến lược” nảy sinh trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine hiện nay. Sự tham gia của châu Âu vào IMEC cùng với Sáng kiến “Cổng toàn cầu” là tín hiệu cho thấy sự quan tâm lớn của khối này đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc, thế giới ngày càng trở nên đa cực hơn, IMEC có thể đóng vai trò là nền tảng để EU tái khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế, tăng cường quan hệ với Ấn Độ và phát huy ảnh hưởng lớn hơn ở Trung Đông. Đối với các nước Trung Đông, tham gia IMEC giúp các nước này đa dạng hóa các mối quan hệ đối ngoại, thúc đẩy động lực thay đổi phù hợp với lợi ích quốc gia. Đơn cử như, dự án IMEC phù hợp với kế hoạch “Tầm nhìn 2030” của Saudi Arabia về đa dạng hóa nền kinh tế. IMEC mang lại cơ hội cho các quốc gia vùng Vịnh tối đa hóa “sức hút” địa - chính trị, tiếp tục khẳng định là cầu nối giữa châu Á và châu Âu; đồng thời đây cũng là cơ hội cho các quốc gia Trung Đông tiếp cận thị trường Ấn Độ - một thị trường mới nổi và ngày càng sinh lợi. Đối với Ấn Độ, IMEC không chỉ đơn thuần là hành lang kinh tế mà còn là “con đường dẫn đến thịnh vượng”. IMEC đóng vai trò là hành lang xuất khẩu quan trọng cho các sản phẩm của Ấn Độ, giúp Ấn Độ tiếp cận thị trường các nước châu Âu mà không phải đi qua Pakistan; cùng với đó là tạo điều kiện để Ấn Độ thu hút đầu tư từ Trung Đông. Bằng cách tận dụng hành lang này, Ấn Độ có thể nâng cao hơn nữa khả năng cạnh tranh kinh tế và mở rộng vị thế của quốc gia trong nền kinh tế toàn cầu. IMEC làm sâu sắc thêm sự can dự chiến lược của Ấn Độ với bán đảo Arab thông qua tăng cường kết nối, nâng cao liên kết địa - chiến lược với các quốc gia trong khu vực.
Thách thức trong triển khai Hành lang Kinh tế Ấn Độ - Trung Đông - châu Âu
Dù có tiềm năng lớn, song quá trình triển khai IMEC phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Thứ nhất, tình hình địa - chính trị phức tạp tại khu vực triển khai dự án. IMEC được kỳ vọng giúp thúc đẩy hội nhập kinh tế và hợp tác ở Trung Đông, kết nối các quốc gia thuộc UAE, Saudi Arabia, Jordan và Israel. Tuy nhiên, việc triển khai IMEC hiện phụ thuộc nhiều vào diễn biến của cuộc xung đột Israel - Hamas và tình hình an ninh ở Biển Đỏ. Thêm vào đó, Saudi Arabia và UAE đã bày tỏ sự không hài lòng về việc Israel tấn công Dải Gaza, điều này càng làm suy yếu các nỗ lực cải thiện quan hệ giữa Israel và một số nước láng giềng Arab. Saudi Arabia gần đây cho biết, nước này vẫn quan tâm đến việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Israel sau khi cuộc chiến ở Dải Gaza kết thúc, nhưng Saudi Arabia sẽ chỉ làm như vậy nếu có một thỏa thuận dẫn đến việc thành lập một Nhà nước Palestine độc lập dựa trên đường biên giới thiết lập năm 1967 với Đông Jerusalem là Thủ đô. Ngoài ra, việc bảo đảm an ninh, ổn định ở tất cả các nước tham gia IMEC cũng là thách thức lớn. Khu vực nơi có IMEC đi qua rất dễ bị tổn thương trước các mối đe dọa an ninh, nhất là nguy cơ khủng bố, xung đột và bất ổn chính trị.
Thứ hai, sự khác biệt trong hệ thống chính trị, pháp luật, chính sách và tiêu chuẩn của các quốc gia tham gia. Hành lang này chạy qua nhiều quốc gia với những khác biệt về hệ thống chính trị cũng như khác biệt về lợi ích. Điều này tạo ra những thách thức địa - chính trị đòi hỏi sự cân bằng tốt giữa hoạt động kinh tế và ngoại giao. Hài hòa các khung pháp lý cũng là một thách thức lớn khác mà IMEC phải đối mặt. Dự án có sự tham gia của nhiều nước, với hệ thống pháp luật, chính sách, quy định và các giao thức vận tải khác nhau. Sắp xếp hợp lý và tạo ra sự tương đồng giữa các khung quy định này là cần thiết nếu các nước muốn thúc đẩy thương mại, đầu tư và hợp tác kinh tế. Các quy định về thuế và thủ tục hải quan cũng cần phải được điều chỉnh. Ngoài ra, dự án này đòi hỏi phải tiêu chuẩn hóa các yếu tố liên quan đến kỹ thuật.
Thứ ba, thách thức về tài chính và hậu cần. Các dự án hạ tầng quy mô thông thường đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn. IMEC đòi hỏi đầu tư đáng kể vào việc cải thiện kết cấu hạ tầng, nhất là trong việc xây dựng các tuyến đường sắt ở các nước Trung Đông. Nguồn vốn đầu tư cần huy động từ nhiều bên liên quan, bao gồm chính phủ, các tổ chức quốc tế và khu vực tư nhân. Nhưng để làm tốt điều này, cần có một khuôn khổ tài chính mạnh, kết nối tất cả các quốc gia tham gia. Các sáng kiến quan trọng khác nằm trong khuôn khổ IMEC, chẳng hạn như đường ống hydro sạch và kết nối kỹ thuật số, hiện “hoàn hảo” về mặt ý tưởng, song vẫn chưa có nghiên cứu khả thi nào được triển khai. Mặt khác, nếu các quốc gia tham gia chậm trễ trong việc cấp vốn cho các dự án thuộc khuôn khổ IMEC thì sẽ ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.
Bên cạnh đó, việc phát triển hành lang vận tải đa phương thức bao gồm các tuyến đường sắt, đường bộ và đường biển trải dài qua nhiều quốc gia như trên đòi hỏi phải có sự phối hợp và lập kế hoạch hậu cần chi tiết giữa các bên liên quan. Thành công của dự án phụ thuộc phần lớn vào việc phát triển các mạng lưới vận tải hiệu quả kết nối liền mạch ba khu vực. Thiết lập một hệ thống vận tải bao phủ một cung đường rộng lớn, chạy qua nhiều khu vực với địa hình, địa lý khác nhau cùng với tiềm lực hạ tầng đa dạng sẽ đặt ra những thách thức lớn về hậu cần. Việc xây dựng cảng biển, đường bộ, đường sắt và các hạ tầng kết nối khác cũng như nâng cấp hạ tầng hiện hữu đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, kinh nghiệm cũng như khâu lập kế hoạch chính xác, tỉ mỉ.
Thứ tư, IMEC sẽ phải cạnh tranh với các dự án khác đang được triển khai tại khu vực. Mỹ và phương Tây chủ trương thúc đẩy IMEC như một đối trọng với BRI của Trung Quốc. Tuy nhiên, BRI đã có ảnh hưởng đáng kể dọc theo lộ trình đề xuất của IMEC. Một mắt xích quan trọng của IMEC là cảng Piraeus của Hy Lạp - cảng lớn nhất ở Đông Âu, án ngữ vị trí rất quan trọng ở lục địa châu Âu - sẽ tiếp nhận hàng hóa từ cảng Haifa ở Israel. Tuy nhiên, Tập đoàn Vận tải biển Trung Hoa (COSCO) của Trung Quốc đã nắm quyền khai thác, quản lý cảng Piraeus từ năm 2016. Hơn nữa, mối quan hệ kinh tế - thương mại sâu sắc giữa Trung Quốc và các nước vùng Vịnh Persian sẽ hạn chế khả năng của IMEC. Trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và Saudi Arabia đạt hơn 106 tỷ USD vào năm 2022, gần gấp đôi trao đổi thương mại giữa Mỹ và Saudi Arabia. Trung Quốc cũng đã mua được 20% cổ phần tại cảng Biển Đỏ, cảng lớn nhất ở Saudi Arabia. Giá trị thương mại phi dầu mỏ Trung Quốc - UAE đã vượt quá 72 tỷ USD chỉ riêng trong năm 2022 và Trung Quốc đã đầu tư vào nhiều kế hoạch phát triển ở khu vực này(4). Điển hình, Trung Quốc đã đầu tư vào dự án đường sắt Etihad Rail, kết nối thành phố Fujairah phía đông bắc của UAE với Ghuweifat ở biên giới Saudi Arabia. Đây sẽ là tuyến đường sắt lớn nhất, nối các trung tâm công nghiệp lớn, cơ sở sản xuất, trung tâm hậu cần và các cảng quan trọng của UAE. Các quốc gia như Saudi Arabia, UAE... cũng đã tham gia BRI, điều này có thể xảy ra xung đột liên quan đến cam kết của chính các quốc gia này đối với cả BRI và IMEC.
Bên cạnh đó, IMEC được triển khai sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của các nước khác. Phản ứng của Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy rõ điều này. Vị trí địa chiến lược của Ai Cập đóng một vai trò quan trọng trong các tuyến thương mại quốc tế thông qua kênh đào Suez - tuyến đường vận chuyển quan trọng nối biển Địa Trung Hải với Biển Đỏ, đồng thời cũng là nguồn thu ngoại tệ chính cho nước này. Nếu IMEC được triển khai, số lượng tàu qua kênh đào Suez sẽ giảm đáng kể và Ai Cập sẽ thiệt hại nhiều nhất so với các quốc gia Trung Đông khác. Hiện có khoảng 12% trao đổi thương mại thế giới và 7% số lượng vận chuyển dầu toàn cầu đi qua kênh đào này. Kênh đào Suez đã tạo ra doanh thu kỷ lục là 9,4 tỷ USD trong năm tài chính 2023(5). Kênh đào này cũng là một biểu tượng quan trọng của niềm tự hào dân tộc Ai Cập, do vậy, Ai Cập không hoan nghênh IMEC. Mặt khác, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã lên tiếng phản đối IMEC ngay từ khi dự án này được khởi động. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khẳng định: “Không thể có hành lang nếu không có Thổ Nhĩ Kỳ”(6). Do vậy, ông T. Erdogan đề xuất xây dựng dự án “Con đường phát triển” nối cảng Grand Faw ở miền Nam giàu dầu mỏ của Iraq tới Thổ Nhĩ Kỳ và sau đó đến châu Âu, đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở thành trung tâm trung chuyển, rút ngắn thời gian đi lại giữa châu Á và châu Âu.
Triển vọng của Hành lang Kinh tế Ấn Độ - Trung Đông - châu Âu
Vượt qua những thách thức trên, Ấn Độ hiện là quốc gia đi đầu trong việc thúc đẩy hiện thực hóa dự án này. Đối với Ấn Độ, quốc gia đang tìm cách xây dựng mô hình tăng trưởng lấy xuất khẩu làm trung tâm, IMEC mang lại khả năng tiếp cận hiệu quả vào thị trường châu Âu và hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Hầu hết hoạt động thương mại của Ấn Độ với châu Âu đều đi qua Biển Đỏ. Tình hình bất ổn hiện nay ở Biển Đỏ càng làm tăng nhu cầu về một hành lang thương mại thay thế nhằm vận chuyển hàng hóa từ Ấn Độ đến châu Âu. Do vậy, việc triển khai dự án IMEC càng trở nên cấp thiết đối với Ấn Độ. Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước G20 ở Marrakech (Morocco) vào ngày 13-10-2023, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman cho biết, đây là một sáng kiến dài hạn. Trong khi những gián đoạn ngắn hạn ở Trung Đông là đáng lo ngại, Ấn Độ sẽ tiếp tục hợp tác với các bên liên quan để thúc đẩy dự án này, bởi “IMEC là nhân tố thay đổi cuộc chơi kinh tế và chiến lược cho Ấn Độ và các quốc gia khác”(7). Gần đây, trong chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ N. Modi tới UAE vào tháng 2-2024, hai nước đã ký kết một thỏa thuận khung để thực hiện dự án IMEC. Ngày 13-3-2024, Chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ N. Modi đã phê chuẩn Thỏa thuận khung Liên chính phủ (IGFA) giữa Ấn Độ và UAE về hợp tác trao quyền và vận hành IMEC. IGFA nhằm thúc đẩy quan hệ song phương, đồng thời tăng cường hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực cảng, hàng hải và hậu cần. Bằng cách tận dụng thế mạnh của nhau, hai nước có thể mở ra triển vọng mới cho tăng trưởng và tạo môi trường thuận lợi cho trao đổi thương mại và thu hút đầu tư. Ngày 9-6-2024, khi tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ ba, Thủ tướng Ấn Độ N. Modi đã khẳng định các kế hoạch vận hành IMEC đang là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của nước này. Ngày 27-6-2024, phát biểu tại cuộc họp chung của cả hai viện Quốc hội sau khi Lok Sabha (Hạ viện) khóa 18 được bầu, Tổng thống Ấn Độ Droupadi Murmu cho biết, Ấn Độ đang rất chú trọng đến khả năng kết nối; chính tầm nhìn của Ấn Độ đã định hình nên IMEC và hành lang này sẽ chứng tỏ là một trong những yếu tố thay đổi cuộc chơi lớn nhất của thế kỷ XXI(8).
Chương trình nghị sự của một số nước châu Âu gần đây cho thấy IMEC đang được quan tâm thúc đẩy. Ngày 12-2-2024, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bổ nhiệm Gerard Mestrallet, cựu Giám đốc điều hành của Công ty Năng lượng Pháp Engie, làm đặc phái viên chính thức cho dự án IMEC. Trong một cuộc phỏng vấn của Bloomberg, ông G. Mestrallet mong muốn IMEC sớm đạt được tiến bộ. Trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Ấn Độ của Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis vào tháng 2-2024, nguyên thủ hai nước cũng đã thảo luận về IMEC. Thủ tướng Hy Lạp K. Mitsotakis cho rằng Ấn Độ và Hy Lạp nên kiên trì với IMEC, đáp lại Thủ tướng Ấn Độ N. Modi nhấn mạnh việc tiếp cận cảng Piraeus sẽ đóng vai trò quan trọng để bảo đảm triển khai IMEC. Thông cáo chung của Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại Savelletri (Italia) ngày 14-6-2024 nhấn mạnh, các nước G7 cam kết thúc đẩy các dự án kết cấu hạ tầng cụ thể, bao gồm IMEC. Điều này cho thấy mặc dù xung đột và bất ổn tại khu vực Trung Đông đang diễn ra nhưng động lực kinh tế, chính trị của các nước tham gia IMEC không có nhiều thay đổi.
Để thúc đẩy thành công IMEC đòi hỏi ý chí chính trị, sự phối hợp giữa các bên tham gia, cùng với đó là một loạt giải pháp toàn diện và đa chiều được triển khai, tập trung vào việc giải quyết các thách thức chính và tối ưu hóa tiềm năng của hành lang này. Giải quyết những thách thức này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ, đồng thuận giữa các quốc gia tham gia. Các nước này đều cần vượt qua rào cản về chính trị, pháp lý và kinh tế, bảo đảm lợi ích cân bằng và bền vững cho tất cả các bên. Ngoài ra, việc thu hút được vốn đầu tư từ chính phủ, tổ chức quốc tế và các tổ chức tư nhân là yếu tố quan trọng bảo đảm cho sự thành công của IMEC.
Hàm ý chính sách đối với Việt Nam
Thứ nhất, khi IMEC được hiện thực hóa, đây có thể là cơ hội để Việt Nam nghiên cứu, hướng tới đa dạng hóa các tuyến đường biển quốc tế mới, thúc đẩy giao thương với các nước trên thế giới, góp phần thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng. Như đã phân tích ở trên, IMEC được xem là giải pháp thay thế cho kênh đào Suez (Ai Cập), trong khi đối với Việt Nam, tuyến hàng hải qua kênh đào Suez là tuyến đường quan trọng cho hàng hóa xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước thuộc khu vực châu Âu, kể cả một phần châu Mỹ. Khi hoạt động thương mại qua kênh đào Suez bị gián đoạn, các tàu thuyền buộc phải đổi hướng đi vòng qua mũi Hảo Vọng (Good Hope) ở Nam Phi, điều này sẽ kéo dài thời gian hành trình và làm tăng đáng kể chi phí vận chuyển. Về lâu dài, việc nghiên cứu, tìm phương án kết nối với IMEC là cần thiết, IMEC có thể đóng vai trò là tuyến đường thay thế trong những trường hợp như vậy.
Thứ hai, sự ra đời của IMEC sẽ giúp các nước tham gia gắn kết kinh tế chặt chẽ hơn, tạo thêm động lực hợp tác trên nhiều lĩnh vực, điều này cũng sẽ gián tiếp tạo ra cơ hội phát triển cho Việt Nam, đòi hỏi Việt Nam cần tranh thủ tối đa cơ hội này. Thực tế cho thấy, các quốc gia đã ký kết Biên bản ghi nhớ, cam kết hợp tác thúc đẩy IMEC đều có quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại khá chặt chẽ với Việt Nam. Khi hoạt động giao thương giữa các nước dọc theo IMEC thuận lợi, kinh tế phát triển thì nhu cầu mở rộng thị trường, thúc đẩy hơn nữa các hoạt động đầu tư ra nước ngoài, trong đó có Việt Nam, sẽ được các nước quan tâm. Bốn trong tám bên ký kết biên bản ghi nhớ IMEC là các nước, tổ chức thuộc châu Âu như EU và ba nền kinh tế lớn nhất của khối là Pháp, Đức và Italia, đều là các nước có nền công nghiệp phát triển, vốn nổi tiếng trong các lĩnh vực ô tô, chip bán dẫn hay trí tuệ nhân tạo (AI). Việt Nam có thể tranh thủ cơ hội từ sự hợp tác này. Ngoài ra, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm nâng cấp kết cấu hạ tầng từ các nước tham gia IMEC bởi một trong những mục tiêu của IMEC là thiết lập một mạng lưới đường sắt “đáng tin cậy và tiết kiệm chi phí” giữa Ấn Độ, UAE, Saudi Arabia và châu Âu. Ấn Độ hiện đang nỗ lực đưa lưới điện vào khuôn khổ IMEC nhằm thúc đẩy Sáng kiến “Một mặt trời, một thế giới, một lưới điện” do New Delhi khởi xướng nhằm kết nối các lưới điện quan trọng của khu vực và thế giới thành một lưới điện xanh chung, có thể truyền năng lượng tái tạo từ khu vực này sang khu vực khác. Sáng kiến này sẽ tận dụng các múi giờ khác nhau để tối đa hóa việc sử dụng năng lượng mặt trời và giảm thiểu nhu cầu về các hệ thống lưu trữ năng lượng tốn kém. Khi hoàn thành kết nối kỹ thuật số, IMEC hứa hẹn sẽ mang đến đường truyền tốc độ cao, bảo đảm dữ liệu an toàn, giảm thiểu sự phụ thuộc vào dự án Con đường tơ lụa kỹ thuật số (DSR) của Trung Quốc. Điều này rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và hội nhập khu vực, trong đó có tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Thứ ba, sự ra đời của IMEC có thể giúp bảo đảm khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường kết nối toàn cầu và hình thành các tuyến thương mại mới. Trong xu hướng điều chỉnh và chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam có lợi thế là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài; là thị trường nhiều tiềm năng; đã tạo dựng được môi trường tự do hóa tiếp cận thị trường ở mức cao… Với những yếu tố thuận lợi này, kết hợp với sự ra đời của IMEC, Việt Nam có thể tận dụng xu thế thay đổi chuỗi cung ứng, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thứ tư, sự mở rộng IMEC trong tương lai sẽ tác động tới Việt Nam, đem lại cả cơ hội lẫn thách thức đan xen. Anil Wadhwa, cựu quan chức ngoại giao Ấn Độ và là một nhà phân tích về chính sách đối ngoại cho rằng, dự án IMEC sẽ mang lại lợi ích cho các nước Đông Nam Á một khi các đoạn phía đông và phía tây của hành lang IMEC được hình thành(9). Ấn Độ đang đi đầu trong việc thúc đẩy hiện thực hóa IMEC. Khi IMEC mở rộng hành lang về phía đông, tây, tức là mở rộng phạm vi của IMEC sang khu vực Đông Nam Á, vai trò của Ấn Độ tại khu vực này tiếp tục gia tăng do Ấn Độ tạo được sự kết nối thương mại giữa hai khu vực Đông Nam Á và Trung Đông, song song với đó là sự gia tăng ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực. Khi đó, vị thế của Đông Nam Á sẽ tăng lên do sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn. Sự mở rộng của IMEC sẽ tác động tới các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam, quốc gia đang là tâm điểm thu hút sự quan tâm của các nước lớn. Sự tác động này đem lại cho Việt Nam nhiều cơ hội và thách thức, nhất là những thách thức về chính trị, ngoại giao. Để tối đa hóa lợi ích đồng thời giảm thiểu rủi ro, Việt Nam cần định vị được mình trong bối cảnh toàn cầu có nhiều biến động, xác định mục tiêu, tầm nhìn mà Việt Nam hướng tới, từ đó chủ động nắm bắt cơ hội, dự báo các tình huống có thể nảy sinh và linh hoạt trong đối sách nhằm tối đa hóa lợi ích quốc gia - dân tộc./.
--------------------------
(1) “The Significance of the India - Middle East - Europe Corridor” (Tạm dịch: Ý nghĩa của Hành lang Ấn Độ - Trung Đông - châu Âu), Viện Kinh tế và Chính trị Trung Đông, ngày 13-3-2024, https://mepei.com/the-significance-of-the-india-middle-east-europe-corridor/
(2), (3) “Navigating New Trade Frontiers: The Rise of the India-Middle East-Europe Sea Trade Corridor” (Tạm dịch: Định hướng các biên giới thương mại mới: Sự trỗi dậy của Hành lang thương mại biển Ấn Độ - Trung Đông - châu Âu), Linkedin, ngày 13-02-2024, https://www.linkedin.com/pulse/navigating-new-trade-frontiers-rise-india-middle-sea-sixs-solution-cfsyf
(4) “The India - Middle East - Europe Economic Corridor (IMEC): Too Little, Too Late?” (Tạm dịch: Hành lang kinh tế Ấn Độ - Trung Đông - châu Âu (IMEC): Quá ít, quá muộn?), Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, ngày 12-12-2023, https://carnegieendowment.org/sada/91214
(5), (6) “The India - Middle East - Europe Economic Corridor: Promises and Challenges” (Tạm dịch: Hành lang kinh tế Ấn Độ-Trung Đông-châu Âu: Triển vọng và thách thức), Viện Quan hệ quốc tế Australia, ngày 25-10-2023, https://www.internationalaffairs.org.au/australianoutlook/the-india-middle-east-europe-economic-corridor-promises-and-challenges/
(7) “Nirmala Sitharaman hails IMEC project in Interim Budget” (Tạm dịch: Nirmala Sitharaman ca ngợi dự án IMEC khi công bố ngân sách tạm thời), Blitzindia, ngày 4-2-2024, https://blitzindiamedia.com/nirmala-sitharaman-hails-imec-project-in-interim- :~:text=NEW%20DELHI%3A%20Union%20Finance%20Minister,changer%20for%20India%20and%20others
(8) “What President Murmu Said On India-Middle East-Europe Economic Corridor” (Tạm dịch: Tổng thống Murmu nói gì về Hành lang kinh tế Ấn Độ - Trung Đông - châu Âu), Đài Truyền hình New Delhi, ngày 27-6-2024, https://www.ndtv.com/india-news/what-president-murmu-said-on-india-middle-east-europe-economic-corridor-5982962
(9) “India - Middle East - Europe economic corridor to counter China?” (Tạm dịch: Hành lang kinh tế Ấn Độ - Trung Đông - châu Âu đối phó Trung Quốc?), Deutsche Welle, ngày 13-9-2023, https://www.dw.com/en/can-new-india-europe-middle-east-corridor-counter-china/a-66799232
Cuộc xung đột quân sự tại Dải Gaza: Những hệ lụy khó lường  (12/05/2024)
Định hướng xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng trong bối cảnh mới ở Việt Nam  (17/12/2023)
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Chính sách đối ngoại đa phương của nước Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên