Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong việc thực hiện sứ mệnh là hạt nhân tăng trưởng và thúc đẩy phát triển khu vực miền Trung - Tây Nguyên
TCCS - Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung được hình thành với mục tiêu trở thành động lực phát triển cho cả nước nói chung và khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói riêng. Tuy nhiên, quá trình phát triển vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức, chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng của Đảng và nhân dân. Để vùng kinh tế trọng điểm miền Trung phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, cần thực hiện nhiều giải pháp mang tính toàn diện, đồng bộ, đột phá.
Thực trạng phát triển kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung
Quy mô kinh tế vùng kinh tế trọng điểm miền Trung còn hạn chế
Giai đoạn 2016 - 2019, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (KTTĐMT) đạt được những kết quả quan trọng về tăng trưởng kinh tế. Năm 2019, quy mô GRDP toàn vùng chiếm khoảng 7,17% GDP cả nước, cao hơn so với năm 2016 (6,98%). Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân toàn vùng được duy trì ở mức cao trong giai đoạn 2011 - 2015 (8,3%/năm), trong đó tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Bình Định là hai địa phương có mức tăng trưởng thấp nhất vùng. Giai đoạn 2016 - 2019, thành phố Đà Nẵng đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất vùng, bình quân 14,25%. Tuy nhiên, do tác động của dịch bệnh COVID-19, tăng trưởng kinh tế toàn vùng có sự sụt giảm đáng kể, kéo theo tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng giai đoạn 2016 - 2020 thấp hơn mức bình quân chung của cả nước.
Tăng trưởng kinh tế vùng KTTĐMT mặc dù được duy trì ở mức cao, song quy mô nền kinh tế còn nhỏ và mức độ đóng góp trong nền kinh tế cả nước vẫn còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng hiện có của vùng. Tỷ trọng đóng góp trong GDP cả nước của vùng KTTĐMT còn khiêm tốn; mật độ kinh tế vùng KTTĐMT năm 2019 nhìn chung vẫn thấp hơn so với mật độ chung của cả nước (15,4 tỷ đồng/km2 so với 18,2 tỷ đồng/1km2). Trong đó, thành phố Đà Nẵng là địa phương có mật độ kinh tế cao nhất vùng, gấp 6 lần mật độ chung của toàn vùng. Các địa phương còn lại có mật độ kinh tế thấp hơn so với mật độ chung của cả nước. Tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng là 2 địa phương chiếm tỷ trọng cao trong cấu thành GRDP vùng; đặc biệt, tỉnh Quảng Nam đã có sự bứt phá từ 20,24% vào năm 2010 lên 22,3% vào năm 2021, nhờ vào sự phát triển của khu kinh tế mở Chu Lai. Ngược lại, quy mô kinh tế của tỉnh Thừa Thiên Huế chiếm tỷ trọng bé nhất trong GRDP toàn vùng, chiếm 12,3% vào năm 2021.
GRDP bình quân đầu người của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung còn thấp
GRDP bình quân đầu người vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có xu hướng tăng trong giai đoạn 2010 - 2021. Năm 2019, GRDP bình quân đầu người vùng đạt 66,7 triệu đồng, cao hơn so mức bình quân chung của cả nước (khoảng 63 triệu đồng). Do chịu tác động của dịch bệnh COVID-19, GRDP của vùng có sự sụt giảm vào năm 2020 và tăng nhẹ vào năm 2021. Đáng lưu ý, các địa phương nội vùng có sự chênh lệch lớn về GRDP bình quân đầu người; trong đó, thành phố Đà Nẵng có GRDP bình quân đầu người đứng đầu vùng với 97,4 triệu đồng vào năm 2019; tỉnh Quảng Ngãi xếp thứ 2 của vùng với 70,5 triệu đồng; tỉnh Quảng Nam xếp thứ 3 trong vùng với 66,1 triệu đồng; tỉnh Thừa Thiên Huế và Bình Định là 2 địa phương có GRDP bình quân đầu người thấp nhất vùng, thậm chí thấp hơn mức bình quân chung của cả nước. Điều này cho thấy, thu nhập và mức sống bình quân của người dân trong vùng còn thấp, chưa tương xứng với vị trí là vùng kinh tế động lực.
Cơ cấu kinh tế ngành giữa các địa phương vùng kinh tế trọng điểm miền Trung còn có sự chênh lệch đáng kể
Mặc dù cơ cấu kinh tế ngành của vùng có sự dịch chuyển đáng kể theo hướng tiến bộ, hiện đại với sự gia tăng đóng góp của ngành công nghiệp, dịch vụ, song cơ cấu kinh tế ngành của các địa phương nội vùng có sự khác biệt đáng kể. Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế có biến đổi lớn trong cơ cấu kinh tế ngành với đóng góp phần lớn của ngành dịch vụ. Ngược lại, tỷ trọng đóng góp của ngành nông nghiệp trong GRDP của các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định còn khá cao, đặc biệt tỷ lệ này của tỉnh Bình Định là 29,6% trong năm 2021, cao hơn đáng kể so với mức bình quân chung toàn vùng và cả nước. Trong khi đó, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ trong GRDP của tỉnh Quảng Ngãi chỉ ở mức 24,9% trong năm 2021, thấp hơn đáng kể so với mức bình quân chung toàn vùng.
Cán cân ngân sách vùng kinh tế trọng điểm miền Trung thường xuyên ở tình trạng thâm hụt
Năm 2019, tổng thu ngân sách vùng đạt khoảng 169,7 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 13,3% tổng thu ngân sách của cả nước, trong đó thu nội địa và thu từ ngân sách cấp trên chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng thu ngân sách toàn vùng, lần lượt là 47,5% và 13,4%. Cần lưu ý, thu chuyển nguồn của vùng còn ở mức cao, chiếm đến 19%. Giai đoạn 2020 - 2021, dịch bệnh COVID-19 tác động lớn đến kinh tế Việt Nam, tổng thu ngân sách của vùng vẫn bảo đảm mức tăng trưởng dương, đạt 183,8 nghìn tỷ đồng vào năm 2021, chiếm khoảng 14,1% tổng thu ngân sách của cả nước. Tuy nhiên, nếu không có sự phân cấp ngân sách từ Trung ương, cán cân ngân sách vùng sẽ bị thâm hụt đáng kể. Thực tế cho thấy, thu nội địa và thuế quan là hai nguồn thu phản ánh nội lực và tiềm lực của nền kinh tế nội vùng, chỉ chiếm 54,2% tổng thu ngân sách toàn vùng vào năm 2019 (49% vào năm 2020 và 55,3% vào năm 2021). Nói cách khác, nội lực tài chính thực sự của nền kinh tế vùng còn khá hạn chế, chưa tự chủ và tự cân đối ngân sách mà phải dựa hẳn vào sự cấp bổ sung ngân sách từ Trung ương để bảo đảm chi ngân sách.
Năm 2019, tổng chi ngân sách toàn vùng đạt khoảng 186,2 nghìn tỷ đồng. Trước tác động của dịch bệnh COVID-19, chi ngân sách toàn vùng đã có sự gia tăng vào năm 2020 nhằm đáp ứng các nhu cầu phòng, chống dịch, song đến năm 2021 đã có sự sụt giảm đáng kể trong tổng chi ngân sách. Trong cơ cấu chi ngân sách toàn vùng, chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi ngân sách, lần lượt là 31,3% và 17% vào năm 2019; 33% và 20,3% năm 2020; và 33,4% và 22% vào năm 2021. Riêng chi bổ sung ngân sách cho cấp dưới còn chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng chi ngân sách, ở mức 25,4% năm 2019, 30,3% năm 2020 và 25,4% năm 2021.
Nhìn chung, vùng KTTĐMT luôn đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách(1). Mặc dù năm 2021, thặng dư ngân sách toàn vùng là 23,2 nghìn tỷ đồng, song nguyên nhân chủ yếu là từ giảm chi ngân sách, trong đó một phần do mức chi chuyển nguồn của tỉnh Quảng Nam năm 2021 đã giảm 8,99 nghìn tỷ đồng so với năm 2020. Thực tế, nếu loại trừ các khoản hỗ trợ ngân sách từ trung ương (13,4% tổng thu ngân sách toàn vùng vào năm 2019; 16,9% năm 2020; 13,8% năm 2021) thì ngân sách vùng liên tục thâm hụt với quy mô khá lớn, kể cả năm 2021.
Thu hút nguồn vốn “ngoại lực” đầu tư trực tiếp nước ngoài vào vùng kinh tế trọng điểm miền Trung còn rất hạn chế
Mặc dù Việt Nam dần trở thành điểm đến hấp dẫn của dòng vốn quốc tế, song dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào vùng KTTĐMT còn rất hạn chế cả về số dự án và vốn đầu tư. Lũy kế đến tháng 11-2021, toàn vùng chỉ có 1.383 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 19 tỷ USD, chiếm 4,02% tổng số dự án và 4,68% tổng vốn FDI đăng ký tại Việt Nam. Trong 5 tháng đầu năm 2022, toàn vùng thu hút 18 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký mới đạt 56 triệu USD, bình quân chỉ đạt gần 3,1 triệu USD/dự án. Như vậy, lượng vốn FDI chảy vào vùng còn rất thấp, chưa tương xứng với tiềm năng vốn có, đặc biệt là lợi thế về phát triển du lịch và kinh tế biển, chưa tương xứng với tư cách là vùng kinh tế động lực cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Năm 2018, vốn FDI chỉ chiếm 8,2% tổng vốn đầu tư toàn vùng; do đó, khu vực FDI có đóng góp rất hạn chế trong tăng trưởng kinh tế vùng. Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam là 2 địa phương thu hút FDI nhiều nhất vùng, chiếm khoảng 63% tổng FDI toàn vùng vào năm 2020. Tuy nhiên, đóng góp của khu vực kinh tế FDI vào tăng trưởng kinh tế của 2 địa phương này còn khá thấp, lần lượt là 10,1% và 5,8% vào năm 2019. Trong bối cảnh năng lực tài chính nội sinh của vùng còn hạn chế, “ngoại lực” cần được xác định là nguồn vốn ưu tiên và quan trọng để tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế của vùng trong thời gian đến.
Một số giải pháp nhằm đẩy mạnh liên kết, tạo đột phá trong phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong bối cảnh mới
Thứ nhất, hoàn thiện thể chế liên kết trong phát triển vùng
Sớm xây dựng, hoàn thiện và ban hành quy hoạch chung về phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm hiện thực hóa Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 3-11-2022, của Bộ Chính trị, “ Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ” (Nghị quyết số 26-NQ/TW). Quy hoạch cần bảo đảm tính khoa học và thực tiễn, tính kịp thời và tính tuân thủ, thực thi cao. Tính khoa học và thực tiễn của quy hoạch phát triển vùng được bảo đảm khi và chỉ khi có sự tham gia ngay từ đầu của các nhà khoa học, các viện nghiên cứu, các nhà quản lý từ Trung ương đến địa phương, các hiệp hội vào quá trình xây dựng quy hoạch; bảo đảm tính đa chiều và toàn diện của quy hoạch, giảm dần sự tham gia quá sâu của các cơ quan quản lý nhà nước trong xây dựng quy hoạch định hướng phát triển các vùng kinh tế. Tính kịp thời thể hiện rằng, quy hoạch định hướng phát triển vùng ban hành phải đủ sớm, mốc thời gian đủ dài để định hướng các cơ quan Trung ương và chính quyền các địa phương nội vùng có đủ thời gian xây dựng kịp thời các kế hoạch phát triển ngành, địa phương phù hợp và bảo đảm tuân thủ đúng quy hoạch chung về phát triển vùng. Nói cách khác, quy hoạch phát triển vùng phải đi trước quy hoạch phát triển ngành và địa phương. Trong thời gian qua, các quyết định về phương hướng phát triển vùng KTTĐMT đều chưa bảo đảm tính kịp thời khi triển khai trong thực tiễn(2). Đặc biệt, quy hoạch phát triển vùng KTTĐMT thường làm sau quy hoạch của các tỉnh, thành phố và quy hoạch các ngành, lĩnh vực dẫn đến tính tổng thể chưa cao, phân bổ chưa hợp lý(3). Bên cạnh đó, việc lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương vẫn đang theo quan điểm địa giới hành chính mà chưa dựa trên tiếp cận vùng, chưa được dẫn dắt bởi quy hoạch phát triển vùng nên các định hướng phát triển ngành, lãnh thổ hay kết cấu hạ tầng chưa có sự thống nhất trên toàn vùng, dẫn đến đầu tư dàn trải, gây lãng phí và thiếu đồng bộ, thậm chí mâu thuẫn nhau trong phát triển.
Tính tuân thủ và thực thi cao của quy hoạch phát triển vùng thể hiện rằng các kế hoạch phát triển ngành, địa phương trong vùng phải bảo đảm tính thống nhất và tuân thủ triệt để quy hoạch phát triển chung của vùng. Các chính sách quản lý nhà nước áp dụng cho vùng cũng cần tuân thủ triệt để quy hoạch phát triển chung của vùng. Có thể thấy rằng, tính bắt buộc thực thi và tuân thủ cao là cơ sở để các địa phương phải tuân thủ quy hoạch chung, bảo đảm quy hoạch chung về phát triển vùng không bị phá vỡ trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách phát triển ngành, chính sách phát triển riêng của từng địa phương nội vùng. Đây cũng là cơ sở tạo nên sự nhất quán, bảo đảm tính đồng bộ trong hoạch định chính sách phát triển kinh tế giữa các ngành, các địa phương nội vùng đặt trong định hướng phát triển tổng thể của vùng. Muốn vậy, quy hoạch định hướng phát triển vùng cần có tính pháp lý cao hơn quy hoạch ngành và địa phương. Có thể xem xét luật hóa quy hoạch phát triển các vùng, hoặc phải được ban hành ở mức cao hơn quyết định, tạo cơ sở pháp lý mấu chốt bảo đảm tính tuân thủ và thực thi của các quy hoạch, kế hoạch cấp ngành, cấp tỉnh.
Chính phủ cần nhanh chóng cơ cấu lại tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm gồm: Ban Chỉ đạo điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm, Tổ điều phối của các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong vùng kinh tế trọng điểm. Thành phần tham gia Ban chỉ đạo, Hội đồng vùng, Tổ điều phối không chỉ giới hạn là các nhà quản lý Trung ương và địa phương như hiện nay, mà nên bổ sung các nhà khoa học có lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu gắn với sự phát triển của từng vùng kinh tế trọng điểm, các hiệp hội. Đặc biệt, phải nâng cao vai trò và trách nhiệm thực sự của các tổ chức này trong điều phối phát triển vùng kinh tế trọng điểm, nhất là định hướng phát triển bền vững vùng và xây dựng các công trình hạ tầng quy mô vùng, liên vùng. Thực tế cho thấy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 491/QĐ-TTg, ngày 25-6-2015, “Về việc thành lập tổ chức điều phối các vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2015 - 2020”, tuy nhiên do hoạt động với cơ chế kiêm nhiệm với thành phần chủ yếu là cán bộ, công chức của bộ máy quản lý các cấp, thể chế vùng KTTĐMT vận hành không hiệu quả. Đến năm 2021, Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung mới ban hành Quyết định số 02/QĐ-HĐV, ngày 9-9-2021, “Về kế hoạch liên kết phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung giai đoạn 2021 - 2025” nhằm mục đích xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung cho toàn vùng. Tuy nhiên, tính hiệu lực pháp lý và tính bắt buộc thực thi của văn bản này còn thấp.
Xây dựng quy hoạch phát triển chung cho vùng KTTĐMT cần đứng trên cách tiếp cận vùng, trên cơ sở khai thác triệt để lợi thế so sánh (cả lợi thế so sánh động và tĩnh) của mỗi địa phương nội vùng trong phát triển kinh tế, cần đặt các thành tố cấu thành các nền kinh tế địa phương trong mối tương tác và liên kết vùng. Đối với vùng KTTĐMT, cần thiết xác định kinh tế biển, kinh tế du lịch, công nghiệp ô-tô, công nghiệp hóa dầu, sau hóa dầu, công nghiệp phụ trợ ngành hóa dầu, công nghiệp cơ khí, công nghiệp chế biến thủy sản, là những “mũi nhọn đột phá” trong định hướng phát triển dài hạn của vùng. Đặc biệt, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cần triển khai quyết liệt Nghị quyết số 26-NQ/TW, trong xây dựng thành công trung tâm năng lượng và lọc hóa dầu quốc gia tại tỉnh Quảng Ngãi, hình thành hệ sinh thái hóa dầu gắn với công nghiệp lọc dầu với “trái tim” là nhà máy lọc dầu Dung Quất. Đây chính là cơ hội và là sức bật to lớn mà Đảng và Nhà nước dành cho miền Trung nhằm tạo cú hích đột phá cho sự phát triển mạnh mẽ của vùng KTTĐMT trong thời gian tới. Cần có định hướng phát triển lâu dài các khu đô thị công nghiệp, khu công nghiệp chuyên ngành (cụm công nghiệp chuyên ngành) ở những địa phương, vị trí phù hợp. Cần loại bỏ tư duy thu hút đầu tư và phát triển “bằng mọi giá” trong quá trình phát triển vùng.
Liên kết liên vùng KTTĐMT cũng cần chú trọng khai thác lợi thế Hành lang Kinh tế Đông - Tây, đường xuyên Á để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là lĩnh vực vận tải, logistics và du lịch. Thông qua các hành lang kinh tế này để đẩy mạnh trao đổi hàng hóa, giao lưu văn hóa giữa vùng với các quốc gia lân cận, cùng hợp tác phát triển bền vững. Quy hoạch lại hệ thống công trình kết cấu hạ tầng gắn với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội toàn vùng, trên cơ sở xem xét phân tích đầy đủ vai trò của từng công trình đối với sự phát triển vùng. Từ đó, xác định những công trình trọng điểm cần thiết ưu tiên đầu tư, đó là những công trình có tác động “đột phá” đến phát triển kinh tế cũng như tạo hiệu ứng lan tỏa và thu hút đầu tư toàn vùng. Hoàn thành tuyến đường du lịch ven biển nối liền các trung tâm du lịch nội vùng nhằm đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư tạo tiền đề hình thành chuỗi du lịch ven biển; đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hiện đại hoá một vài sân bay, cảng biển chiến lược, trọng điểm mang tầm quốc tế - cơ sở thuận tiện cho giao lưu kinh tế trong và ngoài nước; đẩy nhanh quá trình xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Trị, sớm triển khai xây dựng cao tốc Quảng Ngãi - Bình Định, nhằm tạo tính “nội liên” trong vùng kinh tế trọng điểm cũng như tính liên thông thị trường vùng kinh tế trọng điểm và khu vực miền Trung - cơ sở để phá vỡ tính chia cắt của địa hình, tạo điều kiện để các nhà đầu tư tại miền Trung sử dụng các dịch vụ kinh tế tài chính cao cấp, các dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, du lịch giải trí cấp cao tại thành phố Đà Nẵng. Tiếp tục hiện đại hóa một số công trình giao thông nội vùng “trọng điểm” nhằm tạo tính liên thông mạnh giữa các trung tâm kinh tế, trung tâm du lịch giữa các tỉnh nội vùng. Tập trung và huy động nguồn lực xây dựng thành phố Đà Nẵng hiện đại với sự phát triển của các ngành dịch vụ, du lịch, giải trí. Cần xác định thành phố Đà Nẵng và vùng phụ cận là trung tâm cung cấp dịch vụ cao cấp phục vụ nhu cầu giải trí, nghỉ dưỡng, dịch vụ tài chính,… cho các nhà đầu tư và đối tác kinh doanh.
Lưu ý rằng, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng cần quan tâm đến vấn đề xử lý môi trường một cách đồng bộ, đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tại các trung tâm du lịch, các khu đô thị, các khu công nghiệp, khu kinh tế. Đặc biệt, hệ thống xử lý chất thải tại các trung tâm du lịch trọng điểm cần được chú trọng xây dựng ngay từ đầu nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển hiện đại, bền vững cũng như giảm thiểu chi phí cấu trúc lại các dự án đầu tư khi vùng kinh tế trọng điểm miền Trung bước vào giai đoạn phát triển đỉnh cao.
Thứ hai, xây dựng cơ chế, chính sách đột phá nhằm nâng cao năng lực công nghệ cho hệ thống doanh nghiệp vùng kinh tế trọng điểm miền Trung
Trước thực trạng năng lực và trình độ công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp nội vùng còn lạc hậu, thâm dụng lao động đóng góp của TFP (tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp) toàn vùng thấp hơn mức bình quân chung của cả nước, nguy cơ tụt hậu cao trong phát triển kinh tế so với các vùng kinh tế trọng điểm khác, Trung ương cần mạnh dạn trao cho vùng KTTĐMT cơ chế ưu đãi đặc biệt nhằm khuyến khích mạnh mẽ quá trình đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp nội vùng (chính sách giảm thuế, trợ giá, tín dụng phát triển, thuế nhập khẩu,… gắn với các hoạt động đổi mới công nghệ). Chính sách ưu đãi cần hướng đến khuyến khích đổi mới công nghệ trong một số ngành mà vùng có lợi thế so sánh, hoặc một số ngành có lợi thế so sánh động trong tương lai có thể quyết định sự phát triển bền vững vùng. Hệ thống doanh nghiệp vùng KTTĐMT sẽ đóng vai trò chính yếu, đột phá, lan tỏa trong đẩy mạnh tiến trình đổi mới công nghệ cho hệ thống doanh nghiệp khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Có thể thấy rằng, đổi mới công nghệ của hệ thống doanh nghiệp theo hướng tiên tiến, hiện đại là trụ cột quan trọng để chuyển đổi mô hình tăng trưởng vùng hướng vào chiều sâu, theo hướng tăng trưởng xanh. Nếu chỉ đơn thuần dựa vào sự điều chỉnh tự phát của thị trường thì quá trình đổi mới công nghệ của khu vực này có thể sẽ tiến triển chậm, thậm chí có thể chệch hướng, không tiếp nhận được cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, không đáp ứng được yêu cầu cấp thiết của quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ tiên tiến, hiện đại. Do vậy, cơ chế, chính sách thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ của hệ thống doanh nghiệp nội vùng theo hướng tiên tiến, hiện đại phải được kích hoạt từ Trung ương nhằm bảo đảm tính pháp lý cao nhất, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng của vùng đi vào chiều sâu, theo hướng xanh hóa sản xuất.
Thứ ba, hoàn thiện môi trường đầu tư nhằm huy động các nguồn lực phục vụ tăng trưởng
Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư hấp dẫn, thông thoáng, minh bạch. Trước hết, cần tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý trong kinh doanh theo hướng tạo ra sự hấp dẫn, minh bạch, nhất quán và ổn định. Phân tích đặc điểm cụ thể của từng địa phương trong vùng để tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng các chính sách ưu đãi mang tính đặc thù nhằm ưu tiên phát triển các ngành khai thác lợi thế so sánh của từng địa phương trong vùng. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống công cụ khuyến khích đầu tư, bao gồm công cụ tài chính, như miễn giảm thuế, lựa chọn phương pháp khấu hao, trợ vốn, tiếp cận tín dụng giá rẻ... cho một số ngành cần khuyến khích phát triển, hoặc thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ theo hướng xanh, sạch, hiện đại. Căn cứ vào tính chất của từng ngành, từng đối tác, tình trạng cụ thể của vùng mà chọn hình thức khuyến khích đầu tư phù hợp. Cần có chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư hướng vào xuất khẩu, sử dụng công nghệ hiện đại, phát triển kết cấu hạ tầng, các ngành kinh tế xanh.
Đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm hoàn thiện môi trường kinh doanh nội vùng. Mọi thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh, đặc biệt là hoạt động FDI phải nhanh chóng, hiệu quả, không tăng chi phí (nhất là thời gian thực thi các thủ tục hành chính), không gây khó khăn đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp. Tạo niềm tin và luôn sát cánh với nhà đầu tư trước, trong và sau hoạt động đầu tư. Về phương diện điều tiết vĩ mô, cần tập trung xóa bỏ những cản trở, ách tắc trong đầu tư hơn là đưa ra các biện pháp khuyến khích đặc biệt, cố gắng hoàn chỉnh chính sách thu hút đầu tư, phát triển kinh tế một cách nhất quán, hạn chế thay đổi chính sách thường xuyên.
Đẩy mạnh thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn FDI có công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường. Theo đó, các địa phương nội vùng cần loại bỏ tư duy “thu hút FDI bằng mọi giá”, cần chủ động lựa chọn dự án và đối tác đầu tư, kiên quyết từ chối cấp giấy phép các dự án FDI không bảo đảm các tiêu chuẩn công nghệ gắn với bảo vệ môi trường và khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên. Đặc biệt, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi theo hướng khuyến khích thu hút các dự án FDI có công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại, các dự án có công nghệ thân thiện với môi trường, các dự án hoạt động dịch vụ môi trường.
Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng
Trung ương và các địa phương nội vùng cần định hướng lại phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển mới. Phát triển nguồn nhân lực bậc cao nên được thực hiện ở cấp vùng hơn là cấp tỉnh. Theo đó, giáo dục bậc đại học trở lên nên chuyên môn hóa cho các đại học vùng, bởi lẽ nguồn lao động chất lượng cao có thể di chuyển dễ dàng giữa những địa phương lân cận với nhau để tham gia các hoạt động kinh tế. Đặc biệt, Trung ương cần chú trọng phát triển các đại học vùng lên tầm khu vực và quốc tế nhằm bảo đảm đào tạo được đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho toàn vùng. Trung ương nên tập trung phát triển thành phố Đà Nẵng thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực bậc cao cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên theo mô hình đại học quốc gia. Có thể phát triển Đại học Huế, Đại học Quy Nhơn, Đại học Vinh theo mô hình đại học vùng trọng điểm nhằm cung cấp nhân lực chất lượng cao cho tiểu vùng Bắc Trung Bộ và tiểu vùng Nam Trung Bộ. Giải pháp này đặc biệt quan trọng nhằm chuyên môn hóa công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi mô hình tăng trưởng hướng vào chiều sâu của vùng trong tương lai.
Đặc biệt, trong điều kiện giới hạn về nguồn lực, thay vì tập trung nâng cao chất lượng đại học, các địa phương nội vùng nên tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng công tác đào tạo đội ngũ công nhân lành nghề, nhất là chú trọng xây dựng một hệ thống đào tạo với các nội dung học tập và phương tiện thực hành hiện đại, với các ngành, nghề phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế ngành, địa phương và của toàn vùng. Có thể thấy, trình độ chuyên môn thấp của nguồn nhân lực hiện tại của vùng là rào cản lớn nhất đối với việc tiếp thu, sử dụng thành thạo và hiệu quả công nghệ, nhất là công nghệ mới. Đồng thời, đây cũng chính là rào cản lớn trong thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn chất lượng từ bên ngoài vào vùng trong thời gian tới, nhất là vốn FDI.
Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp trong bồi dưỡng và đào tạo lại. Chính quyền các địa phương nội vùng cần tạo môi trường thuận lợi khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đào tạo nghề cho người lao động trong doanh nghiệp, có cơ chế khuyến khích người lao động phát huy trí tuệ, tham gia nghiên cứu và mạnh dạn đề xuất các giải pháp cải tiến kỹ thuật. Có chính sách ưu đãi đối với đội ngũ các nhà khoa học, nhất là ưu đãi đặc biệt đối với đội ngũ các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ quốc tế đến công tác dài hạn tại các địa phương nội vùng.
Thứ năm, phát triển xã hội vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cần chú trọng hơn các chính sách tầm vùng
Các vấn đề xã hội nảy sinh cùng với quá trình phát triển kinh tế, khi nền kinh tế vùng mang tính hội tụ cao thì các vấn đề xã hội cũng dần mang tính vùng. Do vậy, cần có các chính sách phát triển xã hội cho vùng KTTĐMT. Trong đó, chú trọng các chính sách phát triển giáo dục, y tế, an sinh xã hội mang tầm vùng. Giải quyết vấn đề bất bình đẳng thu nhập ở miền Trung cũng cần được xem xét giải quyết ở phương diện vùng hơn là cấp địa phương đơn lẻ. Theo đó, các chính sách phát triển kinh tế xã hội ở cấp vùng cần chú trọng và lồng ghép giải quyết bất bình đẳng thu nhập, giảm sự phân cực quá mức về thu nhập giữa các nhóm cư dân, giữa các khu vực lãnh thổ./.
--------------------------------
(1) Năm 2019 ngân sách toàn vùng thâm hụt 16,4 nghìn tỷ đồng; năm 2020 thâm hụt 30,4 nghìn tỷ đồng
(2) Ngoại trừ Quyết định số 1018/1997/QĐ-TTg, ngày 29-11-1997, của Thủ tướng Chính phủ, “Về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2010” (ban hành trước mốc thời gian hướng đến 13 năm: 1997 - 2010); các quyết định còn lại đều chưa bảo đảm tính kịp thời, như Quyết định số 148/2004/QĐ-TTg, ngày 13-8-2004, của Thủ tướng Chính phủ, “Về phương hướng chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020”; Quyết định số 1874/QĐ-TTg, này 13-10-2014, của Thủ tướng Chính phủ, Về “Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát kinh tế xã hội vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 2836/QĐ-BCT, ngày 6-3-2013, của Bộ Công Thương, Về “Phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; Quyết định số 2054/QĐ-TTg, 13-11-2014, của Thủ tướng Chính phủ, “Về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”
(3) Các địa phương trong vùng đã triển khai lập quy hoạch từ năm 2021, trong khi Quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới được phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch ngày 14-4-2022 (Quyết định số 462/QĐ-TTg)
Lý luận về đường lối đổi mới, phát triển kinh tế thị trường - Những giá trị cốt lõi và những nội dung cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện  (31/07/2023)
Phát triển nền kinh tế vũ trụ: Tiềm năng và thách thức  (15/07/2023)
Phát huy vai trò của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ  (08/07/2023)
Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính vùng  (20/05/2023)
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế ở Việt Nam  (15/04/2023)
Văn hóa là động lực quan trọng để phát triển kinh tế  (11/04/2023)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên