Tỉnh Thái Nguyên tập trung phát triển công nghiệp, phấn đấu trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại

TRỊNH VIỆT HÙNG
Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên
15:13, ngày 02-07-2023

TCCS - Thái Nguyên luôn xác định ngành công nghiệp đóng vai trò “trụ cột”, là động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Trong thời gian tới, để đạt được mục tiêu trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du và miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030, tỉnh Thái Nguyên đã đề ra các định hướng phát triển và tập trung triển khai mạnh mẽ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên tham quan khu trưng bày sản phẩm của Công ty TNHH Điện tử Samsung Việt Nam Thái Nguyên_Ảnh: TTXVN

Thực trạng phát triển công nghiệp ở tỉnh Thái Nguyên

Bức tranh phát triển

Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17-11-2022, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, “Về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 10-2-2022, của Bộ Chính trị, “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, với tinh thần nêu cao ý chí tự lực, tự cường, nắm bắt thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đẩy mạnh thi đua yêu nước, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, tỉnh Thái Nguyên đề ra mục tiêu trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du và miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030.

Tỉnh Thái Nguyên được biết đến là cái nôi của ngành công nghiệp luyện kim cả nước, với sự ra đời của Khu Gang thép Thái Nguyên cách đây hơn nửa thế kỷ. Phát huy truyền thống, những năm qua, tỉnh Thái Nguyên luôn xác định ngành công nghiệp đóng vai trò “trụ cột”, là động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã ban hành nhiều chương trình, nghị quyết về phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, toàn diện, bền vững, phù hợp với chủ trương, chiến lược phát triển công nghiệp của cả nước.

Quá trình triển khai, tỉnh Thái Nguyên đã thu được nhiều thành tựu quan trọng: Ngành công nghiệp và xây dựng tăng trưởng nhanh, đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng kinh tế và chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh. Trong năm 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng cao, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp,..., nhưng với sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, đặc biệt là sự sáng tạo, linh hoạt, chủ động của doanh nghiệp, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh vẫn đạt 8,59% (mức tăng GDP của cả nước là 8,02%). Cơ cấu kinh tế của tỉnh năm 2022 tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; giảm tỷ trọng nông, lâm, thủy sản. Cơ cấu khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 58,9%; trong đó, riêng công nghiệp chiếm trên 52% GRDP của tỉnh.

Trong nội ngành công nghiệp, với tốc độ tăng trưởng 10,4%, khu vực chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò là động lực dẫn dắt tăng trưởng của khu vực công nghiệp nói riêng và kinh tế của tỉnh nói chung; đóng góp lần lượt 9,32 điểm phần trăm và 4,93 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng của khu vực công nghiệp và tăng trưởng GRDP của tỉnh.

Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 5/7 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút được 269 dự án đăng ký đầu tư, với 199 doanh nghiệp đang hoạt động; có 22/35 cụm công nghiệp có chủ đầu tư kết cấu hạ tầng với tổng vốn đăng ký đầu tư là 6.650 tỷ đồng. Các cụm công nghiệp đang hoạt động thu hút được 65 dự án đầu tư thứ cấp. Lĩnh vực công nghiệp đang giải quyết việc làm cho trên 250 nghìn lao động, chiếm trên 40% tổng số lao động của tỉnh.Để phát triển công nghiệp hiện đại, bền vững, tỉnh Thái Nguyên chủ trương cải thiện môi trường đầu tư, phát triển các khu, cụm công nghiệp tập trung, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút các nguồn lực, nhà đầu tư. Trong Quyết định số 222/QĐ-TTg, ngày 14-3-2023, của Thủ tướng Chính phủ, về “Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, thể hiện rất rõ chiến lược phát triển công nghiệp của tỉnh. Trong đó chú trọng quy hoạch các khu, cụm công nghiệp quy mô lớn để thu hút đầu tư phát triển. Tỉnh ưu tiên các nhóm ngành, sản phẩm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn; sản xuất hàng xuất khẩu; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; tập trung phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế so sánh và đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh khôi phục và phát triển các lĩnh vực có thế mạnh, như ngành cơ khí, chế tạo, thu hút đầu tư chế biến sâu trong khai thác khoáng sản để tạo đầu vào cho các ngành cơ khí, chế tạo, điện tử; phát triển các ngành công nghiệp chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp gắn với vùng nguyên liệu; hình thành các cụm công nghiệp tại khu vực nông thôn, miền núi, thu hút các dự án sử dụng nhiều lao động để giải quyết việc làm cho người dân.

Theo đó, tỉnh Thái Nguyên tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, khu, cụm công nghiệp phía Nam (huyện Phú Bình, thành phố Phổ Yên, thành phố Sông Công) để thu hút đầu tư, tạo đột phá trong phát triển kinh tế, phát triển công nghiệp. Tỉnh ưu tiên lựa chọn các dự án có quy mô đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, các nhà đầu tư có tiềm lực và chiến lược đầu tư dài hạn; gắn hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh với chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia, kế hoạch xúc tiến đầu tư của các bộ, ngành Trung ương và các địa phương. Ngoài ra, tỉnh tập trung phát triển kinh tế tư nhân, khuyến khích thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa ở tất cả ngành, lĩnh vực; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc cung cấp các dịch vụ phát triển kinh doanh; xây dựng và triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối doanh nghiệp theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; kết nối doanh nghiệp vừa và nhỏ với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, giữa người dân với doanh nghiệp, định hướng gắn kết đến thị trường quốc tế để tạo ra những chuỗi giá trị.

Trình độ công nghệ một số ngành công nghiệp

Ngành sản xuất các sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học: Chủ yếu là Tập đoàn Samsung và các dự án công nghiệp hỗ trợ đến từ Hàn Quốc với trình độ công nghệ tiên tiến và hiện đại. Đây là lĩnh vực thu hút các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư nhiều, nhưng tỷ lệ nội địa hóa còn khá thấp. Từ năm 2014, khi dự án sản xuất điện thoại thông minh, máy tính bảng... của Tập đoàn Samsung đi vào hoạt động, nhóm ngành công nghiệp chế tạo thiết bị điện tử đã chiếm tỷ trọng hơn 90% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Tuy nhiên, giá trị sản xuất công nghiệp hỗ trợ chỉ đáp ứng được khoảng 7 - 9% giá trị sản xuất của nhóm ngành...

Ngành luyện kim: Mặc dù gần đây đã được đầu tư chiều sâu, nâng cao công suất và đã ứng dụng một số công nghệ mới, nhưng nhìn chung công nghệ, thiết bị còn ở mức độ trung bình, sản phẩm chưa đa dạng, trình độ chế biến tinh chưa cao, chưa có các sản phẩm cao cấp dùng cho công nghiệp chế tạo máy, đóng tàu,... Sản phẩm của ngành luyện kim chủ yếu là thép cán, phôi gang, thiếc thỏi, kẽm thỏi...

Ngành khai thác và chế biến khoáng sản: Hiện nay, toàn tỉnh chỉ có Công ty trách nhiệm hữu hạn Khai thác và Chế biến khoáng sản Núi Pháo là đầu tư dây chuyền, công nghệ khai thác hiện đại. Các cơ sở khai thác khác vẫn ở trình độ lạc hậu, năng suất thấp, sử dụng nhiều lao động thủ công, có thể gây tổn thất và thất thoát tài nguyên, ô nhiễm môi trường.

Dây chuyền chế biến khoáng sản hiện đại của Công ty trách nhiệm hữu hạn Khai thác và Chế biến khoáng sản Núi Pháo (tỉnh Thái Nguyên)_Ảnh: TTXVN

Ngành cơ khí: Tỉnh Thái Nguyên có năng lực đúc và rèn dập khá mạnh, là địa phương duy nhất có thiết bị dập song động, có hệ thống nhiệt luyện liên hoàn tương đối hiện đại trong những năm 1960, tuy nhiên, đến nay đã không còn đáp ứng được yêu cầu sản xuất. Mặc dù nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã chủ động đổi mới thiết bị công nghệ, nhưng đánh giá một cách tổng thể, trình độ công nghệ của ngành này ở mức trung bình. Sản phẩm của ngành cơ khí Thái Nguyên gồm phụ tùng xe máy, hộp số, tay biên động cơ, động cơ diesel, chi tiết máy bằng thép đúc, vòng bi, dụng cụ y tế, kìm, tô-vít,...

Ngành hóa chất: Tỉnh Thái Nguyên là một trung tâm sản xuất vật liệu nổ của cả nước thuộc khu vực công nghiệp quốc phòng với các nhà máy Z131, Z115 có dây chuyền sản xuất tương đối hiện đại.

 Ngành sản xuất vật liệu xây dựng: Đang là thế mạnh của tỉnh, được đầu tư khá lớn trong giai đoạn trước; 3 nhà máy xi-măng lò quay có công nghệ, thiết bị nhập ngoại đồng bộ (Quang Sơn, La Hiên, Quan Triều) với tổng công suất trên 3 triệu tấn/năm; chất lượng, chủng loại sản phẩm ổn định và khả năng chiếm lĩnh thị trường tốt; được nhập và lắp đặt từ nhiều năm trước, thuộc loại công nghệ thiết bị lạc hậu.

Ngành dệt may: Phát triển tương đối mạnh, nhiều cơ sở may công nghiệp mới ra đời (hiện nay có trên 10 cơ sở lớn và vừa) có trình độ công nghệ khá và trang, thiết bị nhập đồng bộ từ Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc... Trong đó, Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG, Công ty Cổ phần May TDT có quy mô đầu tư lớn nhất, với nhiều dây chuyền công nghệ, thiết bị nhập khẩu đồng bộ, tiên tiến của Nhật Bản.

Ngành chế biến nông, lâm sản, thực phẩm và đồ uống: Các cơ sở lớn sản xuất các loại sản phẩm, như sữa, chè, thịt gia súc, gia cầm, rượu, bia, nước giải khát,... được đầu tư thiết bị công nghệ sản xuất đồng bộ nhập từ Thụy Điển, Nhật Bản,... trình độ công nghệ đa phần vào loại khá và trung bình khá.

Một số định hướng và giải pháp phát triển trong thời kỳ mới

Định hướng chung

Bước vào giai đoạn mới, tỉnh Thái Nguyên đề ra mc tiêu phát triển: Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội gắn với phát triển bền vững, có sức lan tỏa, tác động đến phát triển công nghiệp toàn vùng trung du và miền núi phía Bắc. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh có các nhóm ngành/sản phẩm hiện đại, chuyên môn hóa giá trị cao, đáp ứng nhu cầu xây dựng tỉnh trở thành một trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại.

Với các mục tiêu cụ thể là: Tăng trưởng giá trị tăng thêm (VA) ngành công nghiệp phấn đấu đạt 9%/năm trở lên trong giai đoạn 2021 - 2030; tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng 8,5 - 9%/năm trong giai đoạn 2021 - 2030. Riêng giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu đạt trên 9%/năm; tỷ trọng VA ngành công nghiệp và xây dựng trong cơ cấu GRDP của tỉnh đạt khoảng 61% vào năm 2025 (riêng ngành công nghiệp đạt khoảng 54,5%) và đến năm 2030 đạt khoảng 60% (trong đó ngành công nghiệp đạt 55 - 57%).

Về định hướng phát triển công nghiệp theo không gian

Tập trung phát triển khu vực công nghiệp phía Nam dọc theo cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, quốc lộ 3 cùng tuyến đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên và thành phố Thái Nguyên, bao gồm thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công, thành phố Phổ Yên và huyện Phú Bình. Đây là vùng động lực phát triển kinh tế của tỉnh Thái Nguyên và của cả vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Tại thành phố Thái Nguyên, thời gian tới, định hướng chuyển đổi chức năng các khu công nghiệp theo hướng công nghiệp sạch, công nghệ cao; hình thành một số cụm công nghiệp tại khu vực phía Nam; di chuyển các cơ sở sản xuất công nghiệp hiện nay còn nằm rải rác trong thành phố vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố và các địa phương khác. Theo định hướng phát triển, Khu công nghiệp Quyết Thắng đã được quy hoạch không còn phù hợp nên đưa ra khỏi danh mục các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2030.

Sản xuất camera tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Sunny Opotech Việt Nam tại Khu công nghiệp Yên Bình (tỉnh Thái Nguyên)_Ảnh: TTXVN

Dự báo tỷ trọng công nghiệp của thành phố Thái Nguyên so với ba địa phương trong vùng sẽ từng bước giảm dần. Về tổng thể, công nghiệp sẽ tiếp tục phát triển mạnh hơn tại 3 địa phương phía Nam của tỉnh là thành phố Sông Công, thành phố Phổ Yên và huyện Phú Bình.

Ngoài các ngành, sản phẩm công nghiệp hiện có, khu vực phía Nam của tỉnh sẽ từng bước tập trung thu hút các ngành, sản phẩm công nghiệp chế biến có công nghệ cao; chế biến sâu, giá trị gia tăng lớn,... hạn chế các ngành sử dụng nhiều lao động và tác động xấu đến môi trường.

Định hướng phát triển công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin tại huyện Phú Bình và thành phố Phổ Yên để tạo thành chuỗi phát triển công nghiệp điện tử liên vùng (Thái Nguyên - Bắc Ninh - Bắc Giang). Thành phố Sông Công sẽ ưu tiên phát triển công nghiệp cơ khí, chế tạo máy, do có nền tảng về công nghiệp cơ khí, địa chất phù hợp.

Phát triển công nghiệp tại 3 huyện Định Hóa, Phú Lương và Đại Từ: Trước mắt, tập trung thu hút đầu tư lấp đầy 100% cụm công nghiệp An Khánh 1, cụm công nghiệp Phú Lạc 2; thu hút doanh nghiệp phát triển hạ tầng cụm công nghiệp Kim Sơn (huyện Định Hóa), cụm công nghiệp Yên Lạc và cụm công nghiệp Yên Ninh (huyện Phú Lương) để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp chế biến khoáng sản; chế biến nông, lâm sản, thực phẩm; gia công cơ khí; sản xuất vật liệu xây dựng; luyện kim; chế biến gỗ xuất khẩu; chế biến và bảo quản nông sản; sản phẩm may mặc; chế biến chè, sản phẩm đa kim,...

Tiếp tục phát triển công nghiệp tại 2 huyện Võ Nhai và Đồng Hỷ gắn với thu hút đầu tư vào 5 cụm công nghiệp có tổng diện tích 146ha. Các ngành, sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chính sẽ là khai thác và chế biến khoáng sản, sản phẩm may mặc, sản xuất vật liệu xây dựng (xi-măng, đá, gạch xây,...), chế biến nông, lâm sản, chế biến chè; tiếp tục phát triển các lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp và ngành, nghề nông thôn ở các thị trấn, khu vực nông thôn nhằm chuyển dịch cơ cấu sản xuất, thu hút lao động và giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Về phương hướng phát triển các ngành công nghiệp chủ yếu

Chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp, đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo theo hướng đẩy mạnh các nhóm ngành, sản phẩm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, công nghệ sạch và sản xuất hàng xuất khẩu.

Dịch chuyển các công đoạn có giá trị cao trong chuỗi giá trị gia tăng của từng ngành công nghiệp. Tăng cường liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh, từng bước tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu hàng điện tử, máy vi tính và thiết bị điện; công nghiệp vật liệu mới và sản xuất kim loại. Khôi phục và phát triển các lĩnh vực trong ngành cơ khí chế tạo là thế mạnh của tỉnh; thu hút đầu tư chế biến sâu khoáng sản để tạo nguyên liệu đầu vào cho các ngành cơ khí chế tạo, điện tử phát triển.

Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thực phẩm; ngành, nghề nông thôn... theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, gắn với nguồn nguyên liệu và xây dựng nông thôn mới. Phát triển một số ngành công nghiệp sử dụng hợp lý lao động mà tỉnh đang có lợi thế và cơ hội phát triển.

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp chủ lực, thế mạnh của tỉnh Thái Nguyên và khu vực, đáp ứng nguyên liệu đầu vào, tăng tỷ trọng nội địa trong sản xuất công nghiệp.

Về liên kết phát triển các ngành công nghiệp

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch để thu hút đầu tư. Trong giai đoạn tới, không phát triển thêm khu công nghiệp ở thành phố Thái Nguyên; tập trung và ưu tiên thu hút đầu tư phát triển khu, cụm công nghiệp tại khu vực phía Nam của tỉnh, gắn kết với sự phát triển của vùng Thủ đô Hà Nội.

Khuyến khích hình thành cụm ngành, cụm sản xuất trong một số ngành công nghiệp ưu tiên, tạo nền tảng và cơ sở kết nối chuỗi sản xuất, chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với phát triển dịch vụ chất lượng cao; công nghiệp phục vụ sản xuất và chế biến trong nông nghiệp ở vùng nông thôn. Thu hút các ngành, sản phẩm công nghiệp có lợi thế so sánh, có kết nối với các địa phương trong vùng Thủ đô Hà Nội, các tỉnh trong vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Một số giải pháp phát triển

Với mục tiêu và định hướng phát triển công nghiệp rõ ràng, trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, với không ít thách thức phía trước, để đạt được mục tiêu đề ra, thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên cần tiếp tục tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Một là, tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Trung ương gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số trong các lĩnh vực: Thuế, hải quan, đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh,... theo hướng ngày càng đơn giản, rõ ràng, công khai, minh bạch; rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đối với nhà đầu tư. Vận dụng phù hợp cơ chế, chính sách của Trung ương, kết hợp với cơ chế, chính sách của Thái Nguyên để hấp dẫn các nhà đầu tư. Tập trung triển khai các cơ chế, chính sách về giao đất, cho thuê đất; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư chuẩn bị mặt bằng; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu; xúc tiến thị trường tiêu thụ sản phẩm; đào tạo lao động...

Hai là, khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tập trung đầu tư cải tiến, đổi mới công nghệ sản xuất, đồng bộ hóa công nghệ trong những ngành có lợi thế của tỉnh, như cơ khí chế tạo, sản xuất kim loại, chế biến thực phẩm, chế biến gỗ, lâm sản... Ưu tiên thu hút FDI đối với các dự án đầu tư có công nghệ cao, các công ty đa quốc gia lớn, gắn với chuyển giao công nghệ và hệ thống quản trị tiên tiến, hiện đại, nhất là trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Rà soát và lựa chọn phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm cạnh tranh của tỉnh, bám sát các công nghệ sản xuất mới, tích hợp những công nghệ mới để tập trung đầu tư phát triển.

Ba là, khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp từng bước chuyển hướng mô hình sản xuất, phù hợp với nền kinh tế thị trường hiện đại, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn, đa sở hữu, có vị thế, năng lực cạnh tranh trong khu vực và thế giới. Xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, hướng tới phát triển mô hình sản xuất công nghệ cao, tạo bước đột phá cho các ngành/sản phẩm công nghiệp ưu tiên của tỉnh.

Bốn là, tăng cường tham gia các hoạt động điều phối phát triển vùng trung du và miền núi phía Bắc, vùng Thủ đô Hà Nội; phối hợp với các tỉnh trong vùng thực hiện vai trò, nhiệm vụ của vùng kinh tế trọng điểm theo sự điều phối chung, nhất là các dự án liên vùng, liên tỉnh. Nghiên cứu xây dựng Đề án Thúc đẩy liên kết doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp nước ngoài, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm công nghiệp tỉnh Thái Nguyên và Đề án Hỗ trợ kết nối, liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp của tỉnh với các doanh nghiệp FDI, từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Phát huy tối đa vai trò là hạt nhân phát triển của vùng trung du và miền núi phía Bắc, là một cực phát triển của vùng Thủ đô Hà Nội. Đẩy mạnh liên kết kinh tế với các nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và các tỉnh lân cận về quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng, định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực để tránh chồng chéo, cạnh tranh lẫn nhau, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện kết nối, xây dựng các chuỗi giá trị trong ngành và sản phẩm công nghiệp.

Năm là, triển khai đa dạng các hoạt động chuyển giao công nghệ (bao gồm cả đối tượng, luồng chuyển giao, nội dung lẫn hình thức) từ nước ngoài vào Việt Nam; phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương trong tiếp nhận chuyển giao công nghệ. Kiên quyết không thu hút các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm cao, dự án có công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều nhiên, nguyên, vật liệu./.