Tỉnh Hà Tĩnh phát huy nội lực và đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp để thúc đẩy phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh
TCCS - Những ảnh hưởng của dịch bệnh, đại dịch COVID-19, thời tiết cực đoan, sự biến động và bất ổn của tình hình địa - chính trị, địa - kinh tế thế giới đã tác động tiêu cực, gây nên không ít khó khăn cho nền kinh tế của Việt Nam nói chung, của tỉnh Hà Tĩnh nói riêng. Trong bối cảnh đó, với sự đồng hành của chính quyền và ý chí, bản lĩnh khẳng định năng lực của chính mình, cộng đồng doanh nghiệp Hà Tĩnh chủ động đổi mới, sáng tạo, quyết tâm biến thách thức thành cơ hội, kịp thời thích ứng với tình hình để duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần quan trọng vào thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tăng trưởng kinh tế thế giới tiếp tục suy giảm sau hơn hai năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19; xung đột kéo dài giữa Nga - Ukraine làm gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, chi phí đẩy tăng cao, lạm phát ở hầu hết các nước; chính sách nới lỏng tiền tệ của các nền kinh tế lớn ảnh hưởng đến tỷ giá, đầu tư, xuất khẩu của các nước... Bức tranh kinh tế thế giới những tháng còn lại của năm 2022 và cả năm 2023 được dự báo tiếp tục nhiều “gam màu tối”, như tăng trưởng kinh tế thấp, thậm chí tăng trưởng âm, suy thoái kinh tế; nợ công gia tăng; nguy cơ mất an ninh năng lượng, an ninh lương thực trên diện rộng ở nhiều quốc gia... Những diễn biến trên tác động nhiều mặt đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và quá trình phục hồi, phát triển kinh tế của tỉnh Hà Tĩnh nói riêng.
Nhận diện đúng cơ hội và thách thức, bắt nhịp với tình hình, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự điều hành quyết liệt, thống nhất, kịp thời của Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã quán triệt, triển khai nghiêm túc các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn, thích ứng bối cảnh mới; tập trung tháo gỡ các vấn đề cấp bách, những nút thắt, điểm nghẽn đang cản trở hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, đóng góp vào giải quyết việc làm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Càng trong khó khăn, càng tỏ rõ bản lĩnh, tinh thần nỗ lực bứt phá, chủ động đổi mới, sáng tạo và kịp thời thích ứng với tình hình mới, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh.
Tình hình đăng ký doanh nghiệp, thu hút đầu tư của tỉnh Hà Tĩnh có nhiều tín hiệu tích cực. Trong năm 2022, số lượng doanh nghiệp gia nhập, quay lại thị trường và nguồn vốn đăng ký bổ sung tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Trong 9 tháng đầu năm 2022, thành lập mới gần 1.100 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký gần 7.000 tỷ đồng, tăng 39% về số lượng so với cùng kỳ năm 2021, vượt chỉ tiêu cả năm 2022; gần 300 doanh nghiệp quay lại thị trường, tăng gần 16%. Số doanh nghiệp gia nhập thị trường và quay lại thị trường gấp 2,5 lần số doanh nghiệp rút khỏi thị trường; lũy kế đến nay toàn tỉnh có gần 8.300 doanh nghiệp đang hoạt động, vốn đăng ký bình quân 27 tỷ đồng/doanh nghiệp. Thành lập mới 15 hợp tác xã, 4.077 hộ kinh doanh, đến nay toàn tỉnh có 1.015 hợp tác xã, 52.500 hộ kinh doanh đang hoạt động. Chấp thuận chủ trương đầu tư 15 dự án, trong đó 13 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 2.900 tỷ đồng, 2 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 280 triệu USD(1).
Điểm nhấn đáng chú ý là nhiều doanh nghiệp lớn đã tích cực đẩy mạnh triển khai thi công thực hiện các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh để bảo đảm tiến độ đề ra và đưa vào hoạt động. Cuối năm 2021, Nhà máy sản xuất pin VinES của Tập đoàn Vingroup chính thức khởi công tại Khu kinh tế Vũng Áng với tổng mức đầu tư gần 4.000 tỷ đồng; sau 9 tháng thi công đã hoàn thành việc xây dựng nhà xưởng và đang tiến hành lắp đặt thiết bị, phấn đấu đưa vào vận hành sản xuất trong quý IV-2022. Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng II với tổng mức đầu tư 2,2 tỷ USD đang được tập trung đẩy mạnh thi công; tính đến tháng 9-2022 đã giải ngân 1/4 tổng vốn đăng ký thực hiện, dự kiến hoàn thành đi vào vận hành vào năm 2025. Với định hướng phát triển đồng bộ các vùng động lực, hành lang kinh tế, các cụm công nghiệp - thương mại - dịch vụ phía bắc của tỉnh cũng tạo được bứt phá trong thu hút đầu tư. Cuối tháng 7-2022, Nhà máy Bia Hà Nội - Nghệ Tĩnh có tổng mức đầu tư gần 1.300 tỷ đồng đã chính thức hoạt động và sản xuất thử nghiệm, với công nghệ tiêu chuẩn EU, công suất tối đa lên đến 500 triệu lít/năm, dự kiến sẽ đóng góp vào ngân sách tỉnh hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho hơn 200 lao động…
Việc thúc đẩy phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, logistics được tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, không chỉ khắc phục các chuỗi cung ứng bị gián đoạn trước đây mà còn tạo nền tảng cho sự phát triển nhanh, bền vững của Hà Tĩnh. Theo đó, tỉnh đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, thu hút khách du lịch, tìm kiếm và mở rộng thị trường với sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú, linh hoạt, như hội chợ, hội thảo, tọa đàm trong và ngoài nước quảng bá trên nền tảng online, thúc đẩy thanh toán điện tử. Nhờ đó, các doanh nghiệp vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, vận tải, bán lẻ… đã từng bước phục hồi. So với cùng kỳ năm 2021, doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng năm 2022 đạt hơn 38.000 tỷ đồng, tăng gần 23%; doanh thu vận tải, kho bãi đạt hơn 4.200 tỷ đồng, tăng hơn 21%; doanh thu du lịch, lưu trú, ăn uống đạt gần 4.000 tỷ đồng, tăng gần 60%...
Vào những tháng cuối năm 2022, để đạt hiệu quả sản xuất, kinh doanh tối đa, hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch doanh thu, góp phần bảo đảm các chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội của tỉnh, hầu hết các doanh nghiệp đang tập trung nguồn lực để “bứt tốc” về đích năm 2022 bằng quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt.
Những nỗ lực bền bỉ, vượt khó, tích cực đổi mới, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp đã mang lại những kết quả đáng khích lệ trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong 9 tháng năm 2022, thu ngân sách của tỉnh đạt gần 14.500 tỷ đồng, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, tỷ lệ đóng góp của khu vực doanh nghiệp vào nguồn ngân sách tỉnh chiếm gần 79%; hoạt động du lịch, dịch vụ từng bước phục hồi mạnh mẽ; sản xuất nông nghiệp ổn định; xuất khẩu đạt hơn 1,3 tỷ USD, nhập khẩu đạt 3 tỷ USD; giải quyết việc làm cho gần 19.000 lao động. Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực duy trì tăng trưởng tốt, như sản xuất bia đạt gần 48 triệu lít, tăng 21%; sản xuất sợi đạt gần 5.200 tấn, tăng 5%; sản xuất điện thương phẩm đạt hơn 1,1 tỷ kWh, tăng 23%...
Không chủ quan, tự mãn với những thành tích đã đạt được, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh luôn nhìn thẳng vào những hạn chế, yếu kém làm cản trở việc phát huy đầy đủ tiềm năng, lợi thế, sức mạnh của cộng đồng doanh nghiệp để lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sâu sát, nhất là tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn, khai thông và giải phóng các nguồn lực phát triển. Một số hạn chế chính được xác định là: Hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ và siêu nhỏ (chiếm khoảng 95% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động); doanh nghiệp phát sinh thuế còn thấp; năng lực quản trị, tiếp cận thông tin, công nghệ, nguồn vốn và thị trường còn hạn chế; thiếu chiến lược kinh doanh dài hạn; phương án kinh doanh chưa khả thi; hoạt động sản xuất, kinh doanh nhìn chung còn nhiều khó khăn...
Đồng hành với doanh nghiệp, nhiều cuộc gặp gỡ, tọa đàm, đối thoại hai chiều được chính quyền các cấp tổ chức, với tinh thần cầu thị lắng nghe, chia sẻ và tìm phương cách tốt nhất để đáp ứng những đề xuất, kiến nghị từ phía doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, các cấp, các ngành đã có những biện pháp đúng đắn, linh hoạt, kịp thời tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn, thường xuyên theo dõi sát chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh, chỉ số hài lòng của doanh nghiệp… để điều chỉnh phương pháp quản lý, điều hành, hướng vào khắc phục những bất cập, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp.
Lấy tinh thần phục vụ người dân và doanh nghiệp làm phương châm hành động, trên cơ sở các nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành nhiều nghị quyết, đề án về phát triển doanh nghiệp, kinh tế tập thể, phát triển Khu kinh tế Vũng Áng, đẩy mạnh xuất nhập khẩu gắn với phát triển logistics, cải cách hành chính, chuyển đổi số...; đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch triển khai hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với định hướng quy hoạch phát triển rõ các ngành, mang tính chiến lược, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư… Đây là cơ sở quan trọng cho sự khơi thông, huy động, phân bổ nguồn lực, ban hành chính sách hỗ trợ, làm cho chính quyền thật sự là đối tác đồng hành cùng doanh nghiệp vì sự phát triển chung của tỉnh.
Với tinh thần cầu thị học hỏi kinh nghiệm các tỉnh bạn trong trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, mới đây, Đoàn công tác của Hà Tĩnh do lãnh đạo chủ chốt tỉnh dẫn đầu đã có chuyến công tác dài ngày trực tiếp làm việc, trao đổi và thị sát thực địa một số địa phương “đầu tàu kinh tế” phía Bắc, như Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên. Qua đó thu hoạch được những kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả, mở ra những tầm nhìn mới góp phần giúp Hà Tĩnh vận dụng vào điều kiện cụ thể của tỉnh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khai thông, giải phóng và huy động các nguồn lực, nhất là trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư, kinh doanh…, phục vụ sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh.
Tỉnh tiếp tục tích cực mời gọi, kết nối, làm việc, xúc tiến dự án đầu tư từ các nhà đầu tư chiến lược hàng đầu trong sản xuất linh kiện ô tô, đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng đô thị, du lịch, dịch vụ tại khu kinh tế và các khu du lịch biển, phát triển nông nghiệp hữu cơ, như Vingroup đề xuất dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Vinhomes Vũng Áng, khảo sát đầu tư dự án Khu đô thị Vinhomes Kỳ Anh tại phường Kỳ Trinh; Công ty cổ phần Crystal Bay đề xuất dự án Công viên trung tâm và Khu đô thị Lam Hồng Garden Park City tại thành phố Hà Tĩnh; Công ty cổ phần Tập đoàn Mặt trời (Tập đoàn Sun Group), Công ty cổ phần Tập đoàn Ecopark khảo sát, nghiên cứu đầu tư các dự án đô thị sinh thái và các dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí; Tập đoàn Quế Lâm nghiên cứu, hợp tác đầu tư, phát triển các mô hình nông nghiệp hữu cơ... Việc xúc tiến triển khai các dự án này sẽ tạo động lực tăng trưởng mới, tạo thêm nhiều cơ hội hợp tác đầu tư cho cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh, gia tăng nội lực nền kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hà Tĩnh luôn xác định doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp phát triển của tỉnh và phải làm cho cộng đồng doanh nghiệp vững tin vào một chính quyền thân thiện, trách nhiệm, nêu cao tinh thần phục vụ. Tỉnh Hà Tĩnh cam kết là đối tác đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Hà Tĩnh và cả nước phát triển, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, cùng đồng tâm, đồng chí, đồng lòng, chung sức vì mục tiêu xây dựng Hà Tĩnh trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ./.
--------------------------
(1) Bao gồm 2 dự án: Dự án đầu tư sản xuất và thương mại công nghệ pin Lithium của Công ty cổ phần Giải pháp năng lượng Vines và Công ty Gotion Hoa Kỳ với tổng mức đầu tư 275 triệu USD; dự án Nhà máy may mặc xuất khẩu Sunny Apparel Vina của Công ty TNHH Sunny Apparel Vina (Hàn Quốc) với tổng mức đầu tư 3 triệu USD.
Phát huy giá trị các di sản văn hóa trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Hà Nội  (10/10/2022)
Đối ngoại Hà Nội: Đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tạo nguồn lực và thúc đẩy Thủ đô phát triển  (02/10/2022)
Huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh thực hiện có hiệu quả về công tác quản lý đất đai  (14/09/2022)
Vĩnh Phúc hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025  (10/09/2022)
Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Cõi thiêng Đồng Lộc”  (23/07/2022)
Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Cõi thiêng Đồng Lộc”  (23/07/2022)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển