Phát triển kinh tế tập thể và hợp tác xã: Con đường của thế giới và nhu cầu tất yếu với Việt Nam
TCCS - Sau hơn 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 18-3-2002, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX “Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã của nước ta có sự thay đổi nhanh chóng. Đến nay, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục xác định, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là tất yếu khách quan, có ý nghĩa chiến lược và lâu dài. Đây cũng là nhu cầu, cơ hội và thách thức trên con đường phát triển của kinh tế tập thể, hợp tác xã Việt Nam.
Kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã, là những cơ sở kinh tế do các thành viên tự nguyện góp vốn, tài sản, tư liệu sản xuất và góp sức; cùng sản xuất, kinh doanh; cùng quản lý theo nguyên tắc dân chủ, bình đẳng; phân phối theo vốn góp, lao động hoặc theo mức độ tham gia dịch vụ; thành viên kinh tế tập thể khi tự nguyện chấm dứt tư cách thành viên thì được tổ chức kinh tế tập thể trả lại phần vốn, tài sản, tư liệu sản xuất đã đóng góp.
Kinh tế tập thể tồn tại dưới nhiều hình thức, phổ biến hơn cả là tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã,...; trong đó, hợp tác xã được coi là loại hình nòng cốt của kinh tế tập thể. Đây là một loại hình kinh tế tập thể khá phổ biến, hoạt động trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội và hiện diện ở các nền kinh tế có trình độ phát triển khác nhau, trên khắp thế giới. Nó mang tính xã hội và nhân văn sâu sắc. Cùng với việc lấy lợi ích kinh tế làm mục tiêu chính, kinh tế tập thể còn coi trọng lợi ích xã hội của thành viên; coi trọng sự hợp tác mang tính liên kết, bổ trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên; góp phần xóa đói, giảm nghèo, tiến tới làm giàu cho các thành viên, phát triển cộng đồng.
Kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác mà nòng cốt là các hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp gắn liền với ngành sản xuất vật chất chủ yếu nuôi sống đất nước và đóng góp kim ngạch xuất khẩu quan trọng. Với gần 63 triệu người, chiếm 65,4% tổng dân số sống ở nông thôn và 40% lực lượng lao động làm nông nghiệp, nông dân là thành viên nòng cốt, kinh tế tập thể, hợp tác xã, có vị trí hết sức quan trọng về phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, an ninh - quốc phòng và tham gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 18-3-2002, của Hội nghị Trung ương 5 khóa IX, “Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể” và hai năm thực hiện Kết luận số 70-KL/TW, ngày 9-3-2020, của Bộ Chính trị khóa XII, “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”, đòi hỏi phải giải quyết cấp bách một cách tổng thể và căn cơ kinh tế tập thể, hợp tác xã trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thực tiễn, kinh nghiệm ở nước ta và trên thế giới ngày càng khẳng định, kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn đang chứng thực là mô hình hoạt động hiệu quả, phù hợp với điều kiện cạnh tranh ngày càng gay gắt. Và quan trọng hơn nữa, thông qua hợp tác xã, các hộ nông dân, các doanh nghiệp nhỏ hợp tác với nhau, tăng sức mạnh để đối phó với khó khăn trên con đường mưu cầu no ấm và hạnh phúc của mình, trên quy mô toàn cầu.
Sự phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên thế giới - thực tiễn, ưu thế và xu hướng
Với những đặc điểm ưu việt, kinh tế tập thể, mà rường cột là hợp tác xã, là mô hình được nhiều nước trên thế giới áp dụng.
1- Châu Á là nơi hình thức này phát triển rộng khắp và mạnh mẽ.
- Ở Nhật Bản, hợp tác xã là nhân tố tích cực, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế. Các loại hình tổ chức hợp tác xã bao gồm: hợp tác xã nông nghiệp và hợp tác xã tiêu dùng. Hợp tác xã tiêu dùng (JCCU) là tổ chức cấp cao của khu vực hợp tác xã ở Nhật Bản. JCCU có các chức năng và nhiệm vụ như: tăng cường hướng dẫn quản lý và hỗ trợ hoạt động kinh doanh cho các hợp tác xã thành viên; lập kế hoạch; phát triển và cung cấp sản phẩm, các chương trình bảo hiểm và mạng lưới thông tin đáp ứng nhu cầu của các xã viên; tổ chức các khóa học và hội thảo về công tác quản lý và đào tạo cho các hợp tác xã thành viên; xuất - nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng... Các hợp tác xã thành viên của JCCU sản xuất trên 10.000 sản phẩm khác nhau mang nhãn hiệu “Co-op”, bao gồm lương thực, thực phẩm và hàng hóa tiêu dùng.
Với hợp tác xã nông nghiệp, năm 1972, Liên hiệp các hợp tác xã quốc gia Nhật Bản (BEN-NOH) chính thức thành lập và được Chính phủ giao thực hiện các mục tiêu về phát triển nông nghiệp, nông thôn. Các hợp tác xã nông nghiệp Nhật Bản có mặt ở hầu hết các làng mạc, thành phố, thị trấn. Một trong những đặc điểm nổi bật nhất của loại hình này là hợp tác trong phân phối chứ không hợp tác trong sản xuất. Hợp tác xã nông nghiệp thực hiện hai nhiệm vụ chính: một là, cung cấp cho nông dân các yếu tố “đầu vào” phục vụ sản xuất nông nghiệp, như phân bón, hóa chất nông nghiệp, trang thiết bị, kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi gia súc...; hai là, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm bằng cách thu gom, bảo quản, dự trữ, bán các nông sản, vật tư dựa vào mạng lưới tiêu thụ sản phẩm quốc gia và quốc tế. Hợp tác xã nông nghiệp là kênh tiêu thụ nông sản chính: 90% lúa gạo; trên 50% rau, hoa quả, sữa tươi... Nông dân Nhật Bản chủ yếu mua hàng qua hợp tác xã.
Mô hình hợp tác xã nông nghiệp Nhật Bản được tổ chức 3 cấp: hợp tác xã cơ sở, các liên hiệp và các liên đoàn quốc gia. Hợp tác xã nông nghiệp cơ sở có hai loại: một là hợp tác xã nông nghiệp đa chức năng, tham gia hầu hết các hoạt động và dịch vụ, từ tiếp thị sản phẩm nông nghiệp, cung cấp nguyên liệu sản xuất và vật dụng thiết yếu hằng ngày, nhận gửi tiền và cho vay, đầu tư vốn, cung cấp bảo hiểm đến hướng dẫn kinh doanh cho nông dân...; hai là hợp tác xã nông nghiệp đơn chức năng hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất cụ thể như chế biến sữa, nuôi gia cầm và các nghề truyền thống khác, tiếp thị sản phẩm của các xã viên và cung cấp nguyên liệu sản xuất... Để giúp các hợp tác xã hoạt động, Chính phủ Nhật Bản tăng cường xây dựng hệ thống phục vụ xã hội hóa nông nghiệp, coi hợp tác xã nông nghiệp là một trong những hình thức phục vụ xã hội hóa tốt nhất và yêu cầu các cấp, các ngành phải giúp đỡ và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tổ chức này.
- Ấn Độ là nước công nghiệp, tuy nhiên sự phát triển kinh tế của quốc gia này phụ thuộc rất lớn vào phát triển nông nghiệp. Hợp tác xã ra đời từ rất lâu và trở thành lực lượng vững mạnh, tham gia hầu hết các hoạt động kinh tế của đất nước. Người nông dân coi hợp tác xã là phương tiện để tiếp nhận tín dụng, các yếu tố “đầu vào” và các dịch vụ cần thiết cho sản xuất nông nghiệp. Khu vực hợp tác xã có phạm vi hoạt động rất rộng, trong các lĩnh vực tín dụng, chế biến nông sản, hàng tiêu dùng, hàng thủ công mỹ nghệ và xây dựng nhà ở với tổng vốn hoạt động khoảng 18,33 tỷ USD. Nổi bật nhất là các hợp tác xã tín dụng nông nghiệp, chiếm tới 43% tổng số tín dụng trong cả nước; các hợp tác xã sản xuất đường chiếm tới 62,4% tổng sản lượng đường trên cả nước; hợp tác xã sản xuất phân bón chiếm 34% tổng sản lượng phân bón được sản xuất trong nước. Một trong những liên hiệp hợp tác xã hoạt động kinh doanh có hiệu quả nhất là Liên hiệp hợp tác xã sản xuất sữa Amul (bang Gujaza) thành lập từ năm 1953. Đây là một liên hiệp sản xuất sữa lớn nhất của Ấn Độ, chiếm khoảng 42,6% thị trường sữa trong cả nước.
Liên minh hợp tác xã quốc gia Ấn Độ (NCUI) là tổ chức cao nhất, đại diện cho toàn bộ hợp tác xã ở Ấn Độ. Mục tiêu chính của NCUI là hỗ trợ và phát triển phong trào hợp tác xã ở Ấn Độ, đào tạo và hướng dẫn nông dân xây dựng và phát triển hợp tác xã.
Nhận rõ vai trò của các hợp tác xã trong nền kinh tế quốc dân, Chính phủ Ấn Độ thành lập Công ty quốc gia phát triển hợp tác xã, thực hiện nhiều dự án khác nhau trong lĩnh vực chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản, hàng tiêu dùng, lâm sản và các mặt hàng khác, đồng thời thực hiện các dự án về phát triển những vùng nông thôn còn lạc hậu. Ngoài ra, Chính phủ còn khuyến khích sự phát triển của khu vực hợp tác xã thông qua xúc tiến xuất khẩu; sửa đổi Luật Hợp tác xã; tạo điều kiện cho các hợp tác xã tự chủ và năng động hơn; chấn chỉnh hệ thống tín dụng hợp tác xã; thiết lập mạng lưới thông tin hai chiều giữa những người nghèo nông thôn với các tổ chức hợp tác xã; bảo đảm trách nhiệm của các liên đoàn hợp tác xã đối với các hợp tác xã thành viên.
- Ở Thái Lan, mô hình hợp tác xã tiêu biểu là hợp tác xã nông nghiệp và hợp tác xã tín dụng. Hợp tác xã nông nghiệp được thành lập nhằm đáp ứng nhu cầu của xã viên trong các lĩnh vực vay vốn, gửi tiết kiệm và tiền ký quỹ, tiêu thụ sản phẩm, tiếp thu, hỗ trợ phát triển nông nghiệp và các dịch vụ khác. Thông qua sự trợ giúp của Chính phủ Thái Lan, ngân hàng nông nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp, xã viên được vay vốn với lãi suất thấp, thời hạn ưu đãi, thích hợp cho việc kinh doanh hoặc sản xuất của họ. Hiện nay, số hợp tác xã tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh này chiếm khoảng 39%. Hợp tác xã tín dụng nông thôn được thành lập từ lâu nhằm đáp ứng nhu cầu xã viên về các lĩnh vực: khuyến khích gửi tiền tiết kiệm của các xã viên; góp cổ phần; cung cấp các dịch vụ vay cho xã viên.... Do hoạt động của hợp tác xã trong lĩnh vực này có hiệu quả, nên hàng loạt hợp tác xã tín dụng đã ra đời trên khắp đất nước. Bên cạnh đó, sự phát triển của hợp tác xã tiêu dùng, các loại hợp tác xã công nghiệp cũng phát triển mạnh và trở thành một trong những yếu tố quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Thái Lan.
Liên đoàn hợp tác xã Thái Lan (CLT) là tổ chức hợp tác xã cấp cao quốc gia, thực hiện chức năng đại diện, hỗ trợ, giáo dục và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các hợp tác xã và xã viên theo luật định. Để tạo điều kiện cho khu vực hợp tác xã phát triển và khuyến khích xuất khẩu, Chính phủ thành lập Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã, trong đó có hai vụ chuyên trách về hợp tác xã là Vụ Phát triển hợp tác xã (để giúp hợp tác xã thực hiện các hoạt động kinh doanh, nhằm đạt được các mục tiêu đề ra) và Vụ Kiểm toán hợp tác xã (thực hiện chức năng kiểm toán hợp tác xã và hướng dẫn nghiệp vụ kế toán trong công tác quản lý tài chính, kế toán hợp tác xã). Chính phủ cũng ban hành nhiều chính sách, như chính sách giá, tín dụng với mục tiêu bảo đảm chi phí “đầu vào” hợp lý để có giá bán ổn định cho người tiêu dùng, góp phần ổn định giá nông sản tại thị trường trong nước thấp hơn giá thị trường thế giới, khuyến khích xuất khẩu.
- Ở Hàn Quốc, từ khi thành lập vào năm 1961, Liên đoàn quốc gia hợp tác xã nông nghiệp Hàn Quốc (NACF) lập mạng lưới hợp tác xã từ trung ương đến cơ sở. Trải qua nhiều thăng trầm, cho đến nay, hệ thống hợp tác xã phát triển nhanh, đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của nông dân về hỗ trợ dịch vụ, chiếm lĩnh toàn bộ thị trường và kinh tế nông thôn, lan ra, đan xen vào kinh tế đô thị và từng bước hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Với gần 1.400 hợp tác xã thành viên, hoạt động của NACF rất đa dạng, bao gồm từ tiếp thị sản phẩm, chế biến, cung cấp vật tư và hàng tiêu dùng, tín dụng và ngân hàng, bảo hiểm, kho tàng, vận tải, khuyến nông, xuất bản và các dịch vụ hỗ trợ cho 5 triệu nông dân và cộng đồng nông thôn. NACF nắm giữ 40% thị phần nông sản trong nước và là một ngân hàng có số tiền gửi lớn nhất Hàn Quốc.
Nhằm mở rộng thị trường nông sản, NACF quản lý một mạng lưới dịch vụ vận chuyển nông sản từ cửa nông trại đến người tiêu dùng, giúp người nông dân sản xuất theo đúng yêu cầu của thị trường, giảm tối thiểu chi phí lưu thông, hao hụt, thất thoát. NACF cũng điều hành một hệ thống doanh nghiệp kinh doanh nông sản lớn nhất và có sức cạnh tranh mạnh nhất. NACF chịu trách nhiệm cung cấp các vật tư nông nghiệp bảo đảm cho nông dân có đủ vật tư thiết yếu đúng thời gian, giá rẻ, chất lượng. Trong khâu chế biến, NACF sở hữu một hệ thống hạ tầng và trang thiết bị giúp tăng thêm giá trị cho hàng nông sản. Trong hoạt động tín dụng ngân hàng, NACF điều hành cả hệ thống ngân hàng nông nghiệp và các quỹ tín dụng của hợp tác xã, cung cấp nhiều loại dịch vụ: giao dịch ngân hàng, dịch vụ thẻ tín dụng, tín dụng cho vay, đầu tư, bảo hiểm, giao dịch quốc tế... Hệ thống bảo hiểm của NACF chiếm lĩnh toàn bộ thị trường nông thôn.
- Ở Ma-lai-xi-a, các tổ chức hợp tác xã được thành lập từ những năm đầu của thế kỷ XX. Sự phát triển vững chắc của kinh tế hợp tác là một trong những động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế của nước này. Tổ chức hợp tác xã Ma-lai-xi-a (ANGKASA) là tổ chức cấp cao của các hợp tác xã, có nhiệm vụ hỗ trợ các hợp tác xã thành viên về phương thức điều hành và quản lý các hoạt động của hợp tác xã qua việc tư vấn, giáo dục hoặc tổ chức những dịch vụ cần thiết. Các nguyên tắc của hợp tác xã được ANGKASA nêu cụ thể như sau: quản lý dân chủ; thành viên tự nguyện; thu nhập bình đẳng; phân phối lợi nhuận kinh doanh theo mức độ sử dụng các dịch vụ của các xã viên và mức đóng góp cổ phần của xã viên; hoàn trả vốn theo mức đầu tư; xúc tiến công tác đào tạo phổ cập kiến thức quản lý và khoa học, kỹ thuật nông nghiệp cho các xã viên.
Năm 1993, Luật Hợp tác xã của Ma-lai-xi-a được ban hành, tạo khung pháp lý để các hợp tác xã hoạt động, xây dựng kế hoạch phát triển và đào tạo cán bộ quản lý hợp tác xã, củng cố quyền của xã viên cũng như công tác đào tạo xã viên. Luật cũng quy định về luật kiểm toán nội bộ và xây dựng báo cáo tổng hợp của ban chủ nhiệm hợp tác xã trong đại hội xã viên thường kỳ hằng năm. Chính phủ thành lập Cục Phát triển hợp tác xã với một số hoạt động chính, như quản lý và giám sát các hoạt động của hợp tác xã; giúp đỡ tài chính và phát triển kết cấu hạ tầng; xây dựng kế hoạch phát triển, đào tạo cán bộ quản lý...
Qua các hoạt động của hệ thống hợp tác xã ở một số nước nêu trên, có thể nhận thấy một nét chung nhất là, hoạt động của hợp tác xã không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế mà còn mang lại sản phẩm, dịch vụ tốt nhất, để người nông dân có được giá tốt nhất. Dịch vụ chính là sản phẩm chủ yếu của hợp tác xã.
2- Châu Âu có gần 290.000 hợp tác xã với 140 triệu thành viên và khoảng 4,9 triệu người làm thuê, cho thấy mô hình kinh tế này phát triển không chỉ về quy mô mà còn đạt tốc độ mạnh mẽ và sự tăng trưởng chiều sâu. Liên minh châu Âu (EU) có khoảng 30.000 hợp tác xã nông nghiệp với doanh số khoảng 210 tỷ ơ-rô. Các hợp tác xã nông nghiệp lớn nhất hoạt động trong các ngành chế biến bơ, sữa, thịt và thương mại nông nghiệp. Lĩnh vực ngân hàng cũng là nơi hợp tác xã các có thị phần lớn (chẳng hạn Rahobank của Hà Lan, Credit Agricole của Pháp và các ngân hàng Raiffsisen của các nước nói tiếng Đức). Các hợp tác xã bán lẻ rất mạnh ở các nước Bắc Âu (S Group và Scandinavian Coop Norden của Phần Lan) và Thụy Sỹ.
- Một trong những chiếc nôi đầu tiên của mô hình kinh tế này ở châu Âu là Cộng hòa Liên bang Đức. Hiện nay, đất nước này vẫn duy trì một hệ thống hợp tác xã mạnh, kinh tế hợp tác có những đóng góp quan trọng vào kinh tế nông thôn nói riêng và kinh tế quốc dân nói chung. Với nguyên tắc kinh doanh “Lợi thế nhờ quy mô, mua bán sỉ tốt hơn mua bán lẻ”, thành viên hợp tác xã là những khách hàng quan trọng của hợp tác xã. Bất cứ nhu cầu phát sinh nào của thành viên là hợp tác xã có thể thiết kế sản phẩm nhằm đáp ứng, phục vụ. Hợp tác xã nông nghiệp chủ yếu cung cấp các dịch vụ mang tính hỗ trợ cho các thành viên của mình, thường đảm nhận các dịch vụ “đầu vào” của sản phẩm nông nghiệp, như thủy lợi, điện, hạt giống, cây giống, con giống, phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn gia súc...; tư vấn, hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ mới (cây, con giống mới, kỹ thuật chăm bón, nuôi dưỡng, sử dụng máy móc, thiết bị hiện đại...), nhà kho, bảo quản đông lạnh, hỗ trợ cung cấp các dịch vụ tài chính (vay vốn, bảo hiểm)... Bên cạnh đó, còn có các hợp tác xã cung cấp các dịch vụ khác, như làm đất, cung cấp máy nông nghiệp, dụng cụ lao động, vật tư chuồng trại, xăng dầu, chất đốt,...
Hiện nay, Đức có các loại hợp tác xã nông nghiệp chính như: dịch vụ nông nghiệp tổng hợp, mua bán nông sản; sữa và sản phẩm sữa; trồng và bảo quản nho; cung cấp nước sạch; chăn nuôi và chế biến sản phẩm thịt; chế biến rau, quả; trồng cỏ và chế biến thức ăn gia súc; cung cấp điện; dịch vụ máy nông nghiệp; thủy hải sản; hoa, cây cảnh; bánh mỳ, bánh ngọt; dịch vụ nhà kho, nhà đông lạnh; chế biến nho... Các hợp tác xã nông nghiệp đang nắm thị phần cao đối với rất nhiều sản phẩm nông nghiệp quan trọng: 70% thị phần sản phẩm thịt chế biến, hơn 60% thị phần của các sản phẩm sữa, hơn 30% thị phần rượu nho. Các hợp tác xã nông nghiệp rất nhạy bén trong việc nắm bắt xu thế chung của người tiêu dùng là ưa chuộng các nông phẩm sinh thái, các nông sản “sạch” để định hướng, tư vấn hỗ trợ các thành viên của mình trong việc trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, chế biến theo đúng tiêu chuẩn, quy định. Các sản phẩm thịt sạch, sữa sạch, rau quả sạch mang thương hiệu hợp tác xã... đang là những sản phẩm rất có lợi thế trên thị trường tiêu dùng. Sự trợ giúp đó của hợp tác xã giúp cho người nông dân tiêu thụ được sản phẩm và tăng thêm thu nhập trong điều kiện cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt hơn.
Ngoài dịch vụ cung cấp cho thành viên, các hợp tác xã nông nghiệp tạo ra khoảng 150.000 việc làm trực tiếp. Tính trung bình, mỗi hợp tác xã nông nghiệp sử dụng 46 lao động. Theo quy định của Luật Hợp tác xã Đức, hằng năm, các hợp tác xã đều được kiểm toán định kỳ và do Hiệp hội hợp tác xã thực hiện.
- Với hơn 146 năm phát triển hợp tác xã, Hà Lan được đánh giá là quốc gia phát triển hợp tác xã hàng đầu thế giới. Với khoảng 17 triệu dân nhưng Hà Lan có đến hơn 30 triệu thành viên các hợp tác xã. Nghĩa là 1 cá nhân có thể tham gia 2 - 3 hợp tác xã, thậm chí tới 10 hợp tác xã. Hiện Hà Lan có 2.500 hợp tác xã, doanh thu bình quân hằng năm của các hợp tác xã đạt 111 triệu ơ-rô, đóng góp 18% GDP quốc gia, thu nhập bình quân của thành viên đạt 600.000 ơ-rô/năm. Tại đây, hợp tác xã là một thực thể kinh tế, có nghĩa vụ xã hội là tạo việc làm cho người lao động. Đặc biệt, hợp tác xã phấn đấu đạt được lợi nhuận, coi như một phương tiện để bảo đảm sự liên tục và phát triển bền vững. Mô hình hợp tác xã ở Hà Lan được tổ chức từ dưới lên trên, được thành lập dựa trên sự mở rộng từ trang trại và xuất phát từ nhu cầu của các thành viên và trở thành cánh tay nối dài của nông trại. Lợi ích kinh tế của thành viên là kết nối kinh doanh với hợp tác xã, không liên quan đến vốn cổ phần. Hợp tác xã tăng vốn chủ yếu thông qua tích lũy từ lợi nhuận chứ không phải từ vốn góp của thành viên.
Với việc tổ chức như một doanh nghiệp, hợp tác xã có người đứng đầu là hội đồng thành viên, nắm toàn bộ cổ phần và định hướng hoạt động cũng như đưa ra quyết định về hợp tác xã. Trong quá trình hoạt động, thành viên hội đồng quản trị phải có trách nhiệm trau dồi kiến thức, nắm bắt cơ hội tốt nhất để phát triển hợp tác xã. Trong chuỗi giá trị, hợp tác xã đóng vai trò là trung gian đầu mối, giúp cho các hộ sản xuất nhỏ tham gia vào chuỗi giá trị và có thể kiểm soát rủi ro trong hoạt động sản xuất, kinh doanh bằng liên kết với ngân hàng. Các hợp tác xã có sự phát triển tốt và bền vững nhất tại Hà Lan là các hợp tác xã về ngân hàng, nông nghiệp và bảo hiểm. Thị phần của các hợp tác xã nông nghiệp của Hà Lan đứng thứ hai (sau Phần Lan) tại các quốc gia châu Âu. Yếu tố tạo nên sự thành công trong mô hình quản lý phát triển hợp tác xã tại Hà Lan dựa trên 3 nguyên tắc hoạt động của hợp tác xã. Theo đó, thành viên hợp tác xã là người kiểm soát, bỏ phiếu một cách dân chủ hoặc theo tỷ lệ và quản trị hợp tác xã, người nông dân là thành viên kiểm soát hợp tác xã; đồng thời, là người sử dụng dịch vụ của hợp tác xã; thành viên hợp tác xã là người sở hữu, góp vốn cho hợp tác xã với lãi suất thấp, người sở hữu và góp vốn cho hợp tác xã cũng chính là những người sử dụng; thành viên là người hưởng lợi, hợp tác xã cung cấp các dịch vụ cần thiết và thu nhập ròng được phân phối cho các thành viên dựa trên cơ sở chi phí sử dụng dịch vụ của thành viên. Do vậy, mục đích duy nhất của hợp tác xã là tối ưu hóa lợi nhuận và phân phối cho thành viên dựa trên mức độ sử dụng dịch vụ của các thành viên...
- Nơi được xem là “quê hương” của hợp tác xã, mô hình kinh tế này tại Phần Lan đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối người dân nông thôn và nghề nghiệp của họ với kinh tế thị trường và quá trình công nghiệp hóa được diễn ra nhanh chóng. Phạm vi hoạt động của hợp tác xã rất rộng, gần như trên các lĩnh vực của đời sống xã hội đến mức hiện nay hầu như mỗi người dân đều có quan hệ với hợp tác xã trong một hay nhiều lĩnh vực của đời sống. Các hợp tác xã thường giữ thị phần cao trong các lĩnh vực như lương thực, ngân hàng - bảo hiểm, thương mại nông nghiệp và bán lẻ. Thí dụ, hợp tác xã của những người sở hữu rừng Metsaliitto không chỉ lớn về quy mô và mức độ liên kết trong nội bộ mà còn là một trong những hợp tác xã sản xuất lớn nhất ở châu Âu. Hợp tác xã cũng đi tiên phong trong lĩnh vực giáo dục người tiêu dùng, thí dụ như đưa ra các khái niệm bán lẻ mới, chuỗi cửa hàng, quyền của người tiêu dùng, xây dựng các tiêu chuẩn, các phương thức hoạt động mới và thúc đẩy nghiên cứu khoa học.
3- Ở châu Mỹ, nước Mỹ có gần 50.000 hợp tác xã với khoảng 150 triệu thành viên. Các hợp tác xã nông nghiệp (3.500 hợp tác xã) đóng vai trò quan trọng, đảm nhận gần 1/3 công việc thu hoạch, chế biến và thương mại nông nghiệp. Tổng doanh thu của các hợp tác xã này vào khoảng 105 tỷ USD, trong đó 1/3 thuộc về 100 hợp tác xã lớn nhất. Hợp tác xã rất mạnh trong ngành công nghiệp sản xuất bơ sữa, ví dụ như Dairy Farmers of America (DFA) với doanh số khoảng 10,5 tỷ USD. Trong những năm gần đây, vị trí của DFA đang bị đe dọa bởi sự nổi lên của khối hợp tác xã Farmland Industry và Agway. Một điểm đặc biệt của hợp tác xã là sự thành công của các hợp tác xã sản xuất chuyên ngành. Chẳng hạn, Blue Diamond (hợp tác xã của những người trồng hạnh nhân, chiếm khoảng 1/3 thị phần thế giới về sản phẩm này), Sunmaid (hợp tác xã chế biến nho khô, một trong những nhãn hiệu uy tín), và Ocean Spray (hợp tác xã của những người trồng việt quất, một liên minh chiến lược có sức sống mạnh mẽ). Trong vòng 20 năm qua, ở Mỹ nổi lên một thế hệ các hợp tác xã nông nghiệp mới dựa trên việc đánh giá lại các nguyên tắc hợp tác xã. Các hợp tác xã thế hệ mới ở các bang đều là những công ty lớn với tổng đầu tư khoảng 2,1 tỷ USD. Sự ra đời của thế hệ hợp tác xã mới này xuất phát từ nhu cầu tạo thêm nguồn sinh lực mới cho các hợp tác xã nông nghiệp để nâng cao sức cạnh tranh...
Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã ở Việt Nam
Ở Việt Nam, kinh tế tập thể với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, mà nòng cốt là hợp tác xã, dựa trên sở hữu của các thành viên và sở hữu tập thể, liên kết rộng rãi những người lao động, các hộ sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc các thành phần kinh tế, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong quá trình kiến tạo và xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Do đó, phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã là một thành phần kinh tế quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
1- Thực tiễn và những vấn đề cấp bách.
Theo số liệu của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, giai đoạn 2016 - 2020, kinh tế tập thể, hợp tác xã tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng. Cả nước thành lập mới 10.749 hợp tác xã, bình quân 2.150 hợp tác xã/năm (tăng 2,6 lần so với giai đoạn 2011 - 2015), trong đó, lĩnh vực nông nghiệp là 7.632 hợp tác xã, chiếm tỷ lệ 71%; phi nông nghiệp là 3.117 hợp tác xã, chiếm tỷ lệ 29%; thành lập mới 81 liên hiệp hợp tác xã; 15.849 tổ hợp tác, trong đó có 9.984 tổ hợp tác nông nghiệp, 5.865 tổ hợp tác phi nông nghiệp. Cuối năm 2020, cả nước có 26.040 hợp tác xã (tăng 5.625 hợp tác xã so với năm 2015, tăng bình quân 3,6%/năm), phân theo các lĩnh vực hoạt động gồm: 16.953 hợp tác xã nông nghiệp, 1.188 quỹ tín dụng nhân dân, 2.079 hợp tác xã thương mại và dịch vụ, 1.496 hợp tác xã vận tải, 2.474 hợp tác xã công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, 1.026 hợp tác xã xây dựng, 521 hợp tác xã môi trường, 303 hợp tác xã khác... Đặc biệt, cả nước có 1.700 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, 3.219 hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi giá trị, tăng 6,8 lần so với năm 2015. Số lượng hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có quy mô vừa và lớn ngày càng tăng; đến cuối năm 2020, cả nước có hơn 500 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có quy mô hơn 300 thành viên, tổng nguồn vốn từ 5 tỷ đồng trở lên (tăng 4 lần so với giai đoạn 2011 - 2015). Nhìn chung, số lượng hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của quốc gia, vùng, địa phương ngày càng tăng; liên kết sản xuất giữa các hợp tác xã với tổ hợp tác và với doanh nghiệp ngày càng mở rộng và phát triển.
Việc thực thi Luật Hợp tác xã năm 2012 đã tác động nhiều đến sự phát triển kinh tế tập thể. Theo đó, kể từ khi Luật được ban hành, quy định về thủ tục hành chính từng bước được hoàn thiện. Các hợp tác xã từng bước nâng cao chất lượng thành viên, thu hút số lượng lớn các hộ gia đình, cá nhân tham gia thành viên hợp tác xã. Hiện nay, doanh thu các hợp tác xã ước đạt 74.669 tỷ đồng (tăng 16.173 tỷ đồng so với năm 2013), bình quân doanh thu đạt 8 tỷ đồng/hợp tác xã.
Nhìn khái lược, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là xu thế chung của nền sản xuất hàng hóa. Đây là một thành phần kinh tế có vai trò to lớn, ý nghĩa toàn diện về mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước. Kinh tế hợp tác, hợp tác xã là một bộ phận không thể thiếu trong nền kinh tế nước ta, có vai trò và đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt, kể từ khi Luật Hợp tác xã đầu tiên ra đời (tháng 3-1996) và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-1997, tiếp đó là Luật Hợp tác xã năm 2003 và Luật Hợp tác xã năm 2012 đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển. Các hợp tác xã từng bước chuyển đổi, đăng ký lại cho phù hợp và thích ứng ngày càng tốt hơn với sự biến động của cơ chế thị trường; quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất trong các hợp tác xã được tăng cường; vai trò tự chủ của hợp tác xã được đề cao, thành viên tham gia hợp tác xã một cách tự nguyện, nhiều hợp tác xã đã xây dựng được phương án hoạt động phù hợp, huy động sự tham gia đóng góp của thành viên. Mô hình hợp tác xã mới, hợp tác xã phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị được hình thành, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị cơ sở và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã từng bước thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài, có bước phát triển tích cực cả về số lượng và chất lượng; xuất hiện nhiều loại hình hợp tác xã, mô hình kinh tế tập thể có hiệu quả. Mô hình hợp tác được xây dựng và phát triển nhằm phát huy tri thức, kinh nghiệm và nguồn lực của các thành viên để trở thành sức mạnh cộng đồng, thích ứng với điều kiện cạnh tranh thị trường, khắc phục được những hạn chế sản xuất cá thể, nông hộ nhỏ lẻ của người dân.
Loại hình này đã đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, góp phần ổn định giá cả và kiềm chế lạm phát, tăng kim ngạch xuất khẩu, cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp, nông thôn; tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường hệ thống chính trị ở cơ sở; xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, nhất là địa bàn dân tộc thiểu số và miền núi; góp phần phát triển kinh tế bền vững; qua đó, từng bước khẳng định vị trí, vai trò của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nền kinh tế quốc dân, nâng cao nhận thức của xã hội và hệ thống chính trị đối với hợp tác xã kiểu mới.
Đồng thời, mô hình này đang dần trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững, cùng với kinh tế nhà nước dần trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân; đóng góp trực tiếp khoảng 4,8%, gián tiếp trên 30% GDP cả nước trên cơ sở giá trị gia tăng của kinh tế hộ thành viên; thu hút hơn 3 triệu lao động, tạo hơn 40 nghìn việc làm mới hằng năm. Việc sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm, ký kết hoạt động tiêu thụ sản phẩm dài hạn với doanh nghiệp, thu nhập của thành viên tăng 36%; tích lũy khoảng 18.600 tỷ đồng lợi nhuận để tái đầu tư, mở rộng sản xuất; là “hạt nhân” quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.
Hệ thống liên minh hợp tác xã ngày càng thể hiện rõ hơn vai trò kết nối, hướng dẫn, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hợp tác xã và các thành viên, làm cầu nối để đề xuất với Đảng, Nhà nước về chủ trương, chính sách, khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể và hợp tác xã.
Tuy nhiên, kinh tế tập thể, hợp tác xã đang hiện tồn không ít hạn chế, khiếm khuyết và thách thức phát triển:
Số lượng hợp tác xã tuy tăng, nhưng số lượng thành viên có xu hướng giảm; sự gắn kết lợi ích giữa thành viên và hợp tác xã chưa cao, thiếu tính bền vững... Sự liên kết, hợp tác giữa các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã với các loại hình kinh tế khác còn yếu. Phát triển hợp tác xã không đồng đều giữa các vùng, miền, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Một số hợp tác xã chưa tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật, còn có biểu hiện hình thức, xa rời bản chất các nguyên tắc và giá trị. Phần lớn tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh yếu, hạn chế về khả năng huy động nguồn lực từ thị trường để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Năng lực nội tại, trong đó có năng lực tài chính của các hợp tác xã còn hạn chế, chủ yếu dựa vào vốn tự có, chưa tiếp cận được vốn vay từ các tổ chức tín dụng.
Tốc độ tăng trưởng còn thấp so với các khu vực kinh tế khác, tỷ lệ đóng góp vào GDP chưa được như kỳ vọng.
Công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã còn nhiều bất cập; sự phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã còn thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả.
Niềm tin của các thành viên với sự hoạt động và phát triển của hợp tác xã chưa cao. Các hợp tác xã thường gặp khó khăn trong việc kết nối đầu ra cho sản phẩm. Việc quản trị kinh doanh còn nhiều hạn chế, khó tiếp cận với các nguồn vốn hỗ trợ. Đa số thành viên quản trị hợp tác xã đã nhiều tuổi, khó tiếp cận công nghệ thông tin trong xu thế cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Ngoài ra, kỹ năng quản lý của hội đồng quản trị trong các hợp tác xã của Việt Nam còn khá yếu.
Việc thực thi Luật Hợp tác xã năm 2012 đã và đang bộc lộ không ít vấn đề cần tháo gỡ. Chẳng hạn, Luật quyết định cơ cấu tổ chức hợp tác xã, trong đó thành viên hội đồng quản trị có thể kiêm cả vai trò giám đốc; thành viên có thể không giao dịch với hợp tác xã và mỗi thành viên góp không quá 20% vốn pháp định. Hợp tác xã kinh doanh thuộc một tập thể (mô hình 1 cấp). Có thể nói, điều đó đã bó hẹp phạm vi hoạt động, hạn chế ưu thế của các thành viên khi muốn tham gia nhiều hợp tác xã và các hợp tác xã bị khuôn cứng trong phạm vi hoạt động riêng lẻ và độc lập, khó có cơ hội liên kết và độ mở trong hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ.
2- Để tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa kinh tế tập thể, hợp tác xã ở Việt Nam trong giai đoạn tới.
Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là xu thế chung của nền sản xuất hàng hóa, là đòi hỏi khách quan trong thực tiễn của đời sống xã hội. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX, các kết luận của Bộ Chính trị, Luật Hợp tác xã xác định kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Và, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã gắn với phát huy vai trò làm chủ, tăng cường lợi ích của các thành viên, nâng cao khả năng huy động nguồn lực”.
Bối cảnh mới đang tạo nhiều cơ hội, đồng thời đặt ra không ít thách thức trên đường phát triển đối với khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã. Để hoàn thành được các mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2030, thời gian tới tiếp tục triển khai các nhóm giải pháp sau:
Một là, về tầm nhìn.
Xác định kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã, là một trong những thành phần kinh tế quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2030. Đây được coi là chiến lược phát triển đầu tiên của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, trong đó đặt mục tiêu phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác trên cơ sở tôn trọng bản chất, các giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể, thu hút nông dân, hộ kinh tế cá thể, cá nhân và nhiều tổ chức tham gia kinh tế tập thể, hợp tác xã; không ngừng nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước. Phát triển kinh tế tập thể nhanh và bền vững, bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, xuất phát từ nhu cầu, lợi ích của người dân và tổ chức tham gia với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng, phát huy tối đa lợi thế các vùng, miền; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; phù hợp với điều kiện, đặc điểm, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và của cả nước.
Định hướng chung của Chiến lược là khuyến khích phát triển kinh tế tập thể trong các ngành, nghề, lĩnh vực, vùng, miền của đất nước, ưu tiên xây dựng các mô hình hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị, gắn với sản phẩm chủ lực của quốc gia, địa phương, chương trình OCOP...; mở rộng quy mô thành viên. Hợp tác xã tập trung phát triển và cung ứng các dịch vụ phục vụ thành viên, hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ; bảo đảm lợi ích hợp pháp của các thành viên. Phấn đấu đến năm 2030, cả nước có khoảng 140 nghìn tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên, 45 nghìn hợp tác xã với 8 triệu thành viên, 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên.
Để thực hiện mục tiêu đó, cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã nhằm phát triển kinh tế tập thể nhanh và bền vững, bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, xuất phát từ nhu cầu, lợi ích của người dân và tổ chức tham gia với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng, phát huy tối đa lợi thế của các vùng, miền. Rà soát, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển bền vững phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam trong mỗi giai đoạn phát triển. Có chính sách khuyến khích phát triển mô hình hợp tác xã tại các tỉnh miền núi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Nghiên cứu, đề xuất giải pháp hoàn thiện các quy định còn bất cập tại Luật Hợp tác xã năm 2012 theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong thành lập, đăng ký và giải thể hợp tác xã...
Trước mắt, trong giai đoạn 2020 - 2025, hằng năm, xây dựng từ 300 - 500 mô hình hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực quốc gia, vùng, địa phương; tỷ lệ hợp tác xã hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp đạt 70%, trong lĩnh vực phi nông nghiệp đạt 80%; tỷ trọng đóng góp vào GRDP của các địa phương và GDP của cả nước từ 5% trở lên;... Kết thúc năm 2025, thành lập mới 10.000 tổ chức kinh tế tập thể, bao gồm hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác; thu hút khoảng 8 triệu thành viên tham gia vào các tổ chức kinh tế tập thể. Trong đó, xây dựng 3.000 mô hình tổ chức kinh tế tập thể ứng dụng công nghệ cao, có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, phát triển bền vững.
Hai là, về nguồn lực đầu tư và phát triển.
Sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp cho Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã; nghiên cứu, đề xuất đổi mới mô hình Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam để tăng khả năng huy động nguồn lực từ thị trường. Các địa phương xem xét bố trí cấp bổ sung vốn cho Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã địa phương, tạo điều kiện hỗ trợ hợp tác xã vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh theo quy định. Huy động mọi nguồn lực cho phát triển hợp tác xã. Ưu tiên bố trí các nguồn lực để hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho các hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; gắn kết chặt chẽ hơn việc liên kết giữa doanh nghiệp và hợp tác xã theo hợp đồng.
Ưu tiên đầu tư cho hoạt động chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch để nâng cao chất lượng sản phẩm. Xây dựng một số mô hình điểm, mang tính đột phá để nhân rộng. Đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản hàng hóa theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao ở những vùng sản xuất hàng hóa tập trung; các xã có sản phẩm chủ lực mang lợi thế cạnh tranh theo chương trình OCOP. Hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi trong nông nghiệp và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất là một giải pháp quan trọng của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã thực sự xứng đáng là sự lựa chọn thích hợp để các hộ cá thể thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi, gia tăng giá trị và phát triển bền vững.
Ba là, về tổ chức hệ thống và cơ chế vận hành.
Đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, hợp tác xã. Phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bảo vệ lợi ích của thành viên trong hợp tác xã; vận động hợp tác xã thu hút thêm thành viên mới; quan tâm phát triển cả hợp tác xã nông nghiệp và phi nông nghiệp; tháo gỡ những rào cản, vướng mắc nhằm nâng cao khả năng huy động và tiếp cận nguồn lực cho các hợp tác xã. Tiếp tục tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển hợp tác xã nông nghiệp theo kế hoạch đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp. Hỗ trợ thành lập mới các hợp tác xã nông nghiệp, trong đó chú trọng phát triển hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh của địa phương để hình thành liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đẩy nhanh tiến độ phát triển các hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tiếp tục đa dạng hóa về loại hình, hình thức hợp tác trong các ngành nghề, lĩnh vực, thành phần kinh tế và địa bàn, nhất là khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn, phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi nhất về cơ chế nhằm thúc đẩy sản xuất gắn với chuỗi giá trị; củng cố, tổ chức lại hoạt động của các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác hiện có; phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước thực hiện giải thể các hợp tác xã ngừng hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả kéo dài không có khả năng củng cố, tổ chức lại. Khuyến khích mở rộng quy mô, số lượng thành viên, tỷ lệ vốn góp của thành viên, tài sản chung không chia.
Phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bảo vệ lợi ích của thành viên trong hợp tác xã; quan tâm phát triển cả hợp tác xã nông nghiệp và phi nông nghiệp; tháo gỡ rào cản, quy định nhằm nâng cao khả năng huy động và tiếp cận nguồn lực cho các hợp tác xã. Tạo điều kiện cho hợp tác xã tham gia thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Xây dựng mô hình hợp tác xã và tổng kết mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, chương trình OCOP; mô hình hợp tác xã quy mô cấp tỉnh, cấp vùng, miền, cấp quốc gia theo ngành hàng.
Xây dựng và tổng kết mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị nhằm bảo vệ môi trường, tạo việc làm và nâng cao đời sống, thu nhập cho các thành viên. Khuyến khích các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từng bước thực hiện chuyển đổi số nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường; cùng với đó chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm để xây dựng thương hiệu có uy tín trên thị trường... Đặc biệt, phải phát triển kinh tế tập thể phù hợp với quy luật khách quan, dựa chủ yếu vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, xu hướng phát triển và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cần tăng cường liên kết giữa các hợp tác xã, hình thành các hiệp hội, liên hiệp hợp tác xã. Phát triển kinh tế tập thể theo hướng gắn sản xuất, kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm và đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, xây dựng cộng đồng thân thiện, văn minh, nhất là ở khu vực nông thôn.
Bốn là, phát triển nguồn lực nhân lực và quản lý.
Cần xác định rõ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là nội hàm của cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Hợp tác xã chính là liên kết của các hộ nông dân, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã không làm mất đi vai trò của kinh tế hộ mà còn nâng đỡ, phát huy sức mạnh cho kinh tế hộ phát triển, là nội hàm của cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Theo đó, tăng cường năng lực quản trị hợp tác xã theo hướng công khai, minh bạch thông qua các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước; bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực quản lý, kinh tế, thương mại, công nghệ cho thành viên, những người tham gia kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Đồng thời, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên và người lao động trong hợp tác xã, nhất là cán bộ quản lý hợp tác xã trên cơ sở đổi mới phương thức hoạt động. Phối hợp liên kết, hợp tác đào tạo với các trường trực thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam để đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý hợp tác xã và đào tạo nghề cho thành viên phù hợp với tình hình mới. Tiếp tục thực hiện chính sách đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại hợp tác xã nông nghiệp, trên các địa bàn; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tham quan học tập kinh nghiệm cho cán bộ hợp tác xã và cán bộ quản lý nhà nước về hợp tác xã. Đổi mới và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực hoạt động để tham gia thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, dịch vụ công và một số nhiệm vụ khác do Chính phủ, bộ, ngành, địa phương giao theo quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tiễn.
Năm là, về công tác tuyên truyền và tham mưu.
Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể, hợp tác xã. Để làm tốt nội dung này cần tiếp tục vận động, tuyên truyền về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của hợp tác xã trong bối cảnh mới; xác định rõ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là xu thế tất yếu và coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của các bộ, ngành, địa phương. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với kinh tế hợp tác xã. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kinh tế tập thể.
Liên minh hợp tác xã các cấp chủ động nghiên cứu, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tham mưu, đề xuất và triển khai có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; đẩy mạnh tuyên truyền, đào tạo, cung ứng dịch vụ; tư vấn hỗ trợ tổ chức lại, thành lập mới hợp tác xã, xây dựng nhiều hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi giá trị, nhất là chuỗi giá trị nông sản. Với phương châm “Hợp tác - Đổi mới - Phát triển - Hiệu quả” và mục tiêu phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã nhanh, hiệu quả và bền vững, liên minh hợp tác xã các cấp với vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên.
Sáu là, hợp tác quốc tế và hội nhập thế giới.
Hơn bao giờ hết, thực tiễn đòi hỏi khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phải tự thay đổi cách thức hoạt động để phù hợp với yêu cầu và tận dụng được những cơ hội phát triển trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Hội nhập kinh tế quốc tế là cơ hội, đồng thời cũng là thách thức, buộc khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phải năng động, sáng tạo, nắm bắt thông tin, tiếp cận khoa học, công nghệ tiên tiến để áp dụng vào sản xuất, phù hợp với thực tế Việt Nam. Do đó, không ngừng đẩy mạnh các hình thức hợp tác quốc tế trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, để học tập kinh nghiệm quản lý, mô hình phát triển hợp tác xã bền vững của các nước. Chủ động tiếp thu kinh nghiệm tốt của các nước, vùng lãnh thổ có phong trào hợp tác xã mạnh. Trong đó, chú ý tập trung tiếp thu các hỗ trợ kỹ thuật phát triển trong việc thành lập và nâng cao năng lực hợp tác xã, thành lập và nâng cao năng lực cơ cấu trợ giúp tổ chức kinh tế tập thể.
Liên minh Hợp tác xã Việt Nam chủ động tiếp thu kinh nghiệm, phổ biến việc ứng dụng linh hoạt, hiệu quả những mô hình thành công trong nước và quốc tế. Tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế như: Liên minh Hợp tác xã quốc tế, các tổ chức hợp tác xã các nước, các tổ chức đại diện và hỗ trợ hợp tác xã các nước để tranh thủ sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật, thiết bị, máy móc, liên kết và mở rộng thị trường.../.
Đổi mới mô hình tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị dựa trên liên kết nhiều chủ thể - một số kinh nghiệm bước đầu từ thực tiễn tỉnh Quảng Ngãi  (22/05/2022)
Phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới: Nhìn từ thực tiễn tỉnh Thái Bình  (09/04/2022)
Tỉnh An Giang phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới  (01/04/2022)
Xây dựng hợp tác xã kiểu mới trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn - Hướng đi tất yếu cho phát triển hài hòa, lấy con người làm trung tâm  (02/10/2021)
Phát triển hợp tác xã nông nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh  (15/12/2020)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển