Phát triển nguồn nhân lực du lịch Thủ đô trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế
TCCS - Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 26-6-2016, của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo” xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm để đưa du lịch Thủ đô trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là đẩy mạnh công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch, nhất là nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.
Chú trọng phát triển nguồn nhân lực du lịch
Phát triển nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi thực tiễn hiện nay được Hà Nội xác định là một trong những yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh cũng như thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững du lịch. Là một ngành có tính đặc thù cao, đòi hỏi sự chuyên nghiệp, ngành du lịch đòi hỏi nguồn nhân lực phải đáp ứng đầy đủ các kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ, sử dụng thành thạo công nghệ thông tin… (bên cạnh trình độ học vấn cơ bản). Nhận thức rõ điều đó, thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều hoạt động đẩy mạnh đầu tư cho lực lượng lao động trong ngành du lịch.
Ngày 17-4-2017, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2315/QĐ-UBND phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020, trong đó có đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức quản lý du lịch. Với sự chung sức và vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan quản lý du lịch các cấp, các doanh nghiệp du lịch, cơ sở đào tạo du lịch, những năm qua tỷ lệ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước, quản lý nghề, bồi dưỡng kiến thức du lịch cho nhân lực trực tiếp làm việc trong các cơ sở dịch vụ, điểm du lịch và cán bộ quản lý du lịch trên địa bàn Thủ đô liên tục được nâng lên. Hằng năm, Sở Du lịch Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với các cơ sở đào tạo có uy tín mở hàng chục khóa học dưới nhiều hình thức cho hàng nghìn người, gồm các cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về du lịch, hướng dẫn viên du lịch, cộng đồng dân cư tại điểm đến… Riêng năm 2019, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức gần 40 lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, kiến thức cho hơn 5.000 học viên là nhân lực trực tiếp tham gia quản lý nhà nước về du lịch các cấp và nhân lực đang phục vụ khách du lịch trên địa bàn Thủ đô. Các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội cũng chủ động mở các lớp bồi dưỡng kiến thức làm du lịch cho nhân viên các cơ sở phục vụ khách du lịch và người dân tại các điểm đến trên địa bàn. Các hoạt động bồi dưỡng kiến thức cho cộng đồng dân cư giúp người dân nâng cao nhận thức về lợi ích du lịch, tự tin hơn trong giao tiếp, tạo môi trường thân thiện, chuyên nghiệp để phục vụ tốt hơn nhu cầu của du khách khi đến thăm quan, trải nghiệm.
Bên cạnh đó, Sở Du lịch Hà Nội cũng chú trọng việc kết nối giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp, công ty du lịch để gắn đào tạo với thực tiễn. Những năm gần đây, các doanh nghiệp lữ hành của Hà Nội đẩy mạnh các hoạt động cập nhật, nâng cao kiến thức du lịch cho nhân viên. Hội Lữ hành Hà Nội phối hợp với trang mạng tìm kiếm Google tổ chức các lớp đào tạo cho hội viên về kỹ năng quảng bá trên mạng xã hội.
Nhờ đó, Hà Nội được đánh giá là một trung tâm du lịch lớn của cả nước với đội ngũ nhân lực du lịch khá đông. Thống kê của Sở Du lịch Hà Nội cho thấy trong giai đoạn 2016 - 2019, số lượng lao động trực tiếp ngành du lịch Hà Nội khoảng 90.500 người, chiếm 11% lực lượng lao động toàn ngành du lịch Việt Nam. Số lượng lao động trực tiếp đã qua đào tạo của năm 2016 đạt tỷ lệ 62%, ước năm 2019 đạt tỷ lệ 90%. Chất lượng nguồn nhân lực du lịch Hà Nội đang dần đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tế, khoảng 80% nhân viên các doanh nghiệp lữ hành quốc tế, các khách sạn từ 3 đến 5 sao đều có trình độ đại học trở lên, sử dụng được ngoại ngữ và các thiết bị thông tin hiện đại, như máy tính kết nối in-tơ-nét, trao đổi thư điện tử, sử dụng website… Một số doanh nghiệp liên doanh nước ngoài có đội ngũ cán bộ trình độ cao, chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản. Hiện Hà Nội có hơn 2.600 hướng dẫn viên du lịch quốc tế được cấp thẻ, có thể sử dụng được ít nhất một ngoại ngữ khi tham gia hướng dẫn cho du khách.
Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, có thể thấy hiện nay số lượng và chất lượng nguồn nhân lực du lịch của Hà Nội vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của ngành du lịch trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Đến năm 2020, với sự phát triển mạnh của các cơ sở lưu trú, trong đó có nhiều khách sạn 5 sao thì dự kiến Hà Nội cần khoảng 30.000 lao động trong khi hiện mới chỉ có khoảng 11.000 lao động. Không chỉ về số lượng mà chất lượng lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch Hà Nội còn không ít hạn chế, một số cán bộ quản lý du lịch còn chậm đổi mới, đội ngũ lao động trực tiếp thường làm theo mùa vụ, thiếu trình độ ngoại ngữ, thiếu kĩ năng giao tiếp, thiếu tính chuyên nghiệp trong công việc, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dịch vụ cũng như hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn Thủ đô. Nhiều doanh nghiệp lữ hành thường phải đào tạo thêm cho các sinh viên ngành du lịch mới ra trường về ngoại ngữ, cũng như tổ chức các lớp nâng cao kỹ năng nghề và tính chuyên nghiệp trong dịch vụ du lịch.
Hiện nay, bối cảnh nền kinh tế số và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển như vũ bão của khoa học - công nghệ đang đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với lực lượng lao động nói chung và lao động trong ngành du lịch Thủ đô nói riêng. Đó là yêu cầu về kiến thức công nghệ thông tin và truyền thông, về khả năng ứng dụng công nghệ vào ngành du lịch, về năng lực tiếp cận và thích ứng nhanh với sự phát triển của công nghệ số, về một số xu hướng du lịch mới, như du lịch công nghệ cao (high-technical tourism), du lịch thông minh (smart tourism), du lịch ảo (virtual reality tourism).
Là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, du lịch Hà Nội hiện nay liên hệ rất chặt chẽ với các ngành, lĩnh vực khác. Sự xuất hiện loại hình kinh tế chia sẻ đã tạo nên sự dịch chuyển lao động từ các ngành, lĩnh vực khác sang ngành du lịch, như các loại hình kinh doanh vận tải công nghệ (taxi công nghệ, xe ôm công nghệ) tham gia phục vụ, vận chuyển khách du lịch, các loại hình kinh doanh du lịch trực tuyến (như airbnb, booking.com, agoda.com) chia sẻ khách du lịch cho các cơ sở kinh doanh lưu trú, ăn uống, người nông dân tham gia làm du lịch (du lịch cộng đồng); người công nhân tham gia làm du lịch (du lịch công nghiệp, du lịch công nghệ cao)... tạo cơ hội cho sự phát triển nguồn nhân lực du lịch “mở”, bổ sung nhân lực cho ngành du lịch Thủ đô để đáp ứng yêu cầu phát triển.
Giải pháp nâng cao chất lượng nhân lực ngành du lịch Thủ đô thời gian tới
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, trước yêu cầu mới, nhất là trước những thách thức đặt ra hiện nay khi ngành du lịch cả nước cũng như du lịch Thủ đô gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngoài giải pháp khắc phục khó khăn, chung tay ngăn chặn dịch bệnh, từng bước tính toán cơ cấu lại thị trường du khách thì việc phát triển nguồn nhân lực du lịch càng cần được chú trọng để phục hồi và phát triển bền vững du lịch.
Hướng tới mục tiêu đến năm 2020, Hà Nội đón 30 triệu lượt khách, trong đó có 5,7 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trung bình từ 8% - 10%/năm; tổng thu từ khách du lịch đạt 120.000 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân từ 15% - 17%/năm; công suất phòng đạt 60% - 65%; đào tạo, bồi dưỡng nghề, bồi dưỡng kiến thức du lịch cho 100% nhân viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ và cán bộ quản lý du lịch, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thông tin và truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò của du lịch và nguồn nhân lực ngành du lịch đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Hai là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về phát triển nhân lực du lịch, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực du lịch Thủ đô, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập. Cải thiện điều kiện lao động và nâng cao chất lượng hoạt động doanh nghiệp du lịch. Hoàn thiện hệ thống nội quy, quy định về đạo đức người hoạt động du lịch, tăng cường kỷ luật lao động trong ngành du lịch, bố trí và phân công lao động hợp lý. Hoàn thiện chế độ đãi ngộ, đánh giá và khen thưởng người lao động. Có chính sách hỗ trợ, nâng cao năng lực đào tạo của các cơ sở đào tạo nghề du lịch trong cả nước gắn với việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong công tác đào tạo. Bảo đảm hài hòa giữa chính sách tinh giản biên chế với chính sách tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao cho các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch các cấp. Hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ quốc gia, hạ tầng công nghệ trong ngành du lịch, tạo thuận lợi về điều kiện và môi trường làm việc cho người lao động; tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng công nghệ của người lao động trong công việc. Tích cực triển khai thương mại điện tử, đẩy mạnh các loại hình kinh doanh trực tuyến, hình thành và thu hút sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp đối với hệ thống các sàn giao dịch du lịch điện tử; khuyến khích khách du lịch sử dụng các dịch vụ trực tuyến, các phần mềm, tiện ích thông minh trong hoạt động du lịch.
Ba là, tiếp tục đổi mới công tác đào tạo nhân lực du lịch theo hướng đào tạo gắn liền với thực tế và nhu cầu của người sử dụng lao động; đề cao việc học lý thuyết đi đôi với thực hành đối với sinh viên ngành du lịch. Đổi mới chương trình, phương pháp và nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở đào tạo du lịch nhằm trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết về du lịch trong bối cảnh mới, nhất là kiến thức về cách mạng công nghệ số. Tăng cường ứng dụng công nghệ vào ngành du lịch, những nội dung về nghề du lịch mới xuất hiện do tác động của cách mạng công nghệ số; đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ yêu cầu đổi mới đào tạo. Xây dựng cơ sở đào tạo một cách hệ thống gồm dạy nghề, đào tạo các cấp từ trung cấp đến đại học về du lịch. Thực hiện chuẩn hóa nhân lực du lịch theo bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam.
Bốn là, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành du lịch. Hoạt động đào tạo bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho các lao động đã được tuyển dụng trong các đơn vị sử dụng lao động cần được thực hiện thường xuyên để củng cố và không ngừng nâng cao nghiệp vụ, kiến thức, ý thức nghề nghiệp, kỹ năng, tính chuyên nghiệp cho người lao động. Tăng cường hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước, quản lý nghề, bồi dưỡng kiến thức du lịch cho cán bộ quản lý du lịch, nhân lực trực tiếp làm việc trong các cơ sở dịch vụ, điểm du lịch, nhất là đội ngũ hướng dẫn viên, lễ tân khách sạn… thông qua việc kết hợp với các cơ sở đào tạo trong nước và quốc tế để mở các lớp đào tạo theo hình thức phù hợp. Đẩy mạnh đào tạo nhân sự phục vụ công tác xúc tiến và tư vấn hỗ trợ khách du lịch. Tổ chức định kỳ ngày hội việc làm du lịch để giúp thị trường nhân sự du lịch phát triển lành mạnh, đúng hướng. Thành lập các diễn đàn dành cho đơn vị đào tạo và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch để đối thoại và trao đổi các vấn đề về nhân lực du lịch trước yêu cầu thực tế hiện nay.
Năm là, tiếp tục tổ chức bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức văn hóa - du lịch các địa phương trên địa bàn Hà Nội; tổ chức các khóa bồi dưỡng về du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch có trách nhiệm dành cho người dân tham gia làm du lịch tại một số quận, huyện, thị xã nhằm nâng cao trình độ nhận thức, khả năng giao tiếp, thái độ văn minh của cộng đồng dân cư tại các điểm đến du lịch, các làng nghề truyền thống… Có cơ chế bồi dưỡng, đào tạo các nghệ nhân trẻ có tay nghề bảo tồn, duy trì, phát triển các sản phẩm làng nghề truyền thống phục vụ phát triển du lịch.
Năm là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác đào tạo nhân lực du lịch nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch Thủ đô đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Tham khảo học tập kinh nghiệm phát triển du lịch của một số quốc gia trên thế giới, trong đó có kinh nghiệm về xã hội hóa việc đào tạo nhân lực ngành du lịch, cách quản lý, triển khai các chương trình, dự án trong du lịch, cách quản lý chất lượng nhân lực, cách thức đào tạo và tuyển sinh lao động trong ngành du lịch.../.
Đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch Hà Nội trong bối cảnh mới  (28/11/2020)
Truyền thông đối ngoại: Nhân tố quan trọng góp phần vào sự phát triển của Hà Nội  (27/11/2020)
Phát huy giá trị các di sản văn hóa trong phát triển du lịch Thủ đô  (27/11/2020)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển