TCCS - Trong những năm qua, nhờ có mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu ở Hà Nội đã được triển khai có hiệu quả, sâu rộng, như tiêm chủng mở rộng, phòng, chống suy dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, dân số - kế hoạch hóa gia đình, khám, chữa bệnh thông thường, truyền thông giáo dục sức khỏe... Có được những kết quả đó là nỗ lực rất lớn của Thủ đô, cụ thể là ngành y tế Hà Nội, góp phần giảm tình trạng vượt tuyến, gây quá tải ở các bệnh viện tuyến Trung ương.

Hiện nay, tình trạng nằm ghép tại các bệnh viện tại Hà Nội đã được cải thiện rõ rệt _ Ảnh: TTXVN

Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế

Kinh nghiệm ở nhiều nước trên thế giới cho thấy, việc đầu tư chăm sóc sức khỏe ban đầu có hiệu quả hơn nhiều lần so với việc đầu tư cho kỹ thuật cao ở tuyến trên. Với việc coi y tế cơ sở là “người gác cổng” trong hệ thống y tế, các nước trên thế giới đã sử dụng các nguồn tài chính khác nhau, trong đó có nguồn tài chính từ bảo hiểm y tế cho chăm sóc sức khỏe ban đầu tại y tế cơ sở. Tại Việt Nam, Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25-10-2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "Về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc ​và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới" xác định y tế cơ sở là nền tảng, phương châm của xây dựng hệ thống y tế công bằng, hiệu quả và phát triển.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng y tế cơ sở vẫn còn tồn tại những hạn chế, đó là việc người dân chưa tin tưởng vào y tế cơ sở vì chất lượng chưa cao, thiếu cán bộ y tế giỏi, thiếu trang thiết bị vật tư y tế, kể cả các thiết bị tối thiểu, như dụng cụ khám bệnh, máy đo huyết áp, máy khí dung, xét nghiệm đường huyết máu mao mạch, chi trả bảo hiểm y tế cho người bệnh còn thấp, danh mục thuốc và kỹ thuật ít ỏi…

Nhận thức được thực trạng này, nhiều năm qua, Sở Y tế thành phố Hà Nội đã có nhiều cố gắng để từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Việc đầu tiên là đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế. Bệnh viện Tim Hà Nội đã được trang bị thiết bị y tế cho hệ thống mổ tim. Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn được đầu tư trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh, hồi sức cấp cứu, mổ và cấp cứu nhi. Bệnh viện Mắt Hà Nội được trang bị hệ thống mổ phaco và hệ thống chụp huỳnh quang võng mạc. Nhiều dự án đầu tư trang thiết bị y tế được đưa vào sử dụng hiệu quả, như dự án nâng cấp Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Dự án đầu tư trang thiết bị y tế của Bệnh viện Hà Đông, Sơn Tây…

Nhiều đơn vị đã chủ động hợp tác huy động vốn và đầu tư kinh phí từ nhiều nguồn để đầu tư trang thiết bị phục vụ yêu cầu chuyên môn của đơn vị, như Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Thanh Nhàn… Bệnh viện tuyến thành phố còn được đầu tư hệ thống chụp cắt lớp vi tính CT-Scanner 64 lát, hệ thống X-quang chụp mạch số hóa xóa nền, hệ thống định vị trong phẫu thuật thần kinh và cột sống, hệ thống máy X-quang kỹ thuật số, máy nội soi…

Tại nhiều bệnh viện tuyến huyện, trên địa bàn thành phố đã coi việc nâng cấp trang thiết bị cho các bệnh viện là chủ trương được chú trọng để có thể triển khai tốt các kỹ thuật trong tuyến và một số kỹ thuật tuyến cao hơn. Ngoài ra, các bệnh viện khu vực nội đô, bệnh viện hạng I cũng được hiện đại hóa để triển khai các kỹ thuật cao mang tầm cỡ khu vực và quốc tế. Một trong những khâu được đầu tư nhiều trong thời gian qua là về trang thiết bị y tế cho mạng lưới cấp cứu trước viện. Theo đó, trên toàn địa bàn thành phố Hà Nội đã xây dựng thêm 9 trạm cấp cứu vệ tinh gắn với các trung tâm đô thị, nông thôn tại khu vực Mỹ Đình, khu đô thị mới Bắc Thăng Long, khu đô thị Hòa Lạc, khu vực Thường Tín hoặc Phú Xuyên, đô thị Sơn Tây, khu vực Vân Đình…

Chuyên nghiệp hóa quy trình khám, chữa bệnh

Không chỉ chú trọng đầu tư vào cơ sở vật chất, trang thiết bị, ngành y tế thành phố còn thực hiện lộ trình nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các bệnh viện. Điều đầu tiên giúp người bệnh có tâm lý thoải mái, gây ấn tượng là các bệnh viện phải làm tốt công tác tiếp đón, hướng dẫn đầy đủ cho người bệnh các thủ tục đến khám bệnh; những thông tin về các khoa, phòng, phí dịch vụ,… được công khai rộng rãi cùng với đội ngũ nhân viên y tế mặc trang phục sạch đẹp, thái độ niềm nở, hòa nhã với bệnh nhân trong mọi trường hợp.

Cùng với đó, các bệnh viện cơ sở đã bố trí, sắp xếp bệnh viện như một mô hình khép kín, khoa học có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Ngoài ra, quy trình khám, chữa bệnh hợp lý tại các bệnh viện cũng luôn được đặt ra, đòi hỏi các bệnh viện phải cải tiến quy trình khám, chữa bệnh phù hợp với điều kiện hiện có, bước đầu phải bố trí các phòng, bộ phận, như khám bệnh, xét nghiệm, thanh toán viện phí, cấp thuốc phải bảo đảm sự liên hoàn, thuận tiện cho người bệnh. Từ đòi hỏi này, nhu cầu sử dụng công nghệ thông tin trong các quy trình khám bệnh cũng được áp dụng triệt để, góp phần rút ngắn thời gian chờ khám của người bệnh, đồng thời quản lý được các thông tin, dữ liệu khám bệnh, nâng cao chất lượng và đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.

Nâng cao chất lượng nhân lực y tế

Trong nhiều năm qua, y tế tuyến cơ sở luôn thiếu đội ngũ y, bác sĩ có tay nghề cao vì rất nhiều lý do như chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng, môi trường làm việc chưa hấp dẫn,… nên vẫn còn hiện tượng một số cán bộ y tế chưa thật sự chuyên tâm với công tác khám, chữa bệnh. Để thực sự tạo một môi trường làm việc chuyên nghiệp cho người lao động, ngành y tế Hà Nội đã thực hiện kế hoạch luân phiên có thời hạn đối với bác sĩ của tuyến trên về hỗ trợ tuyến dưới.

Trong năm 2019, toàn ngành y tế Hà Nội có 17 bệnh viện (7 bệnh viện hạng I, 9 bệnh viện hạng II, 1 bệnh viện hạng III) xây dựng kế hoạch hỗ trợ 43 đơn vị trong ngành (17 bệnh viện và 26 trung tâm y tế). Tổng số người hành nghề đi luân phiên là 96 bác sĩ và 3 điều dưỡng, kỹ thuật viên. Các đơn vị đã ký hợp đồng trách nhiệm trước khi thực hiện luân phiên. Đa số các đơn vị tuyến trên ban hành quyết định cử người hành nghề của đơn vị đi luân phiên xuống tuyến dưới theo từng đợt: 1-2 tháng/đợt hoặc 1 tuần/đợt, hình thức đi liên tục hoặc 2 ngày/tuần,… tùy theo đặc thù của đơn vị. Các cán bộ đi luân phiên căn cứ quyết định cử đi sẽ thay nhau thực hiện nhiệm vụ tại tuyến dưới cho đến hết thời gian theo hợp đồng đã ký kết giữa 2 đơn vị.

Các đơn vị tuyến dưới có tiếp nhận bác sĩ tuyến trên về luân phiên hỗ trợ chuyên môn tuyên truyền cho người bệnh và nhân dân địa phương biết để đến khám và điều trị thông qua website của bệnh viện, mạng xã hội, qua họp hội đồng người bệnh; phối hợp với ủy ban nhân dân huyện, xã thông báo các kỹ thuật cao sẽ thực hiện tại đơn vị, danh sách thầy thuốc trên loa, đài truyền thanh huyện, xã…

Người hành nghề được cử đi hỗ trợ chuyên môn tuyến dưới đa số là bác sĩ có trình độ sau đại học, nhiều bác sĩ là trưởng, phó các khoa lâm sàng của bệnh viện. Các bác sĩ đi luân phiên trực tiếp tham gia khám, chữa bệnh tại khoa, hướng dẫn thực hành cho cán bộ nhân viên của tuyến dưới; hội chẩn, đi buồng, chuyển giao kỹ thuật. Đặc biệt, các đơn vị tuyến trên đã tổ chức 392 lớp tập huấn, cập nhật kiến thức chuyên môn cho 5.122 lượt nhân viên y tế tuyến dưới và trực tiếp phẫu thuật cho 958 bệnh nhân của tuyến dưới. Việc thực hiện chế độ đối với người hành nghề đi luân phiên cũng được các đơn vị thực hiện nghiêm túc, bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Nhiều bệnh viện đã hỗ trợ cùng một lúc nhiều đơn vị ở nhiều chuyên ngành khác nhau, như Bệnh viện Thanh Nhàn hỗ trợ 9 đơn vị với 8 chuyên ngành; Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn hỗ trợ 5 đơn vị với 4 chuyên ngành, Bệnh viện Mắt Hà Đông hỗ trợ 9 đơn vị, Bệnh viện Mắt Hà Nội hỗ trợ 8 đơn vị, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội hỗ trợ 8 đơn vị… Nhờ các đơn vị tuyến trên hỗ trợ, nhiều đơn vị đã tiếp nhận và thực hiện được các kỹ thuật mới, như Bệnh viện đa khoa Đông Anh đã thực hiện phẫu thuật máu tụ ngoài màng cứng, phẫu thuật Phaco, cấp cứu ngừng tuần hoàn trẻ sơ sinh; Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Xuyên đã thực hiện kỹ thuật phẫu thuật nội soi khớp gối, phẫu thuật nội soi niệu quản bằng Laser hoặc bằng xung hơi…; Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất đã thực hiện phẫu thuật máu tụ ngoài màng cứng; Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ đã thực hiện các kỹ thuật phẫu thuật kết hợp xương phức tạp…

Việc thực hiện kế hoạch đã góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn tại các đơn vị tuyến dưới, giúp người dân địa phương được khám, chữa bệnh ở cơ sở với chất lượng tốt hơn và có thể được thực hiện một số dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại tuyến cơ sở. Từ những kết quả đó đã tạo lòng tin cho người dân khi đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện huyện, hạn chế bệnh nhân phải chuyển tuyến hoặc tự đi vượt tuyến, giảm tải cho các bệnh viện tuyến thành phố, tuyến trung ương, nâng cao tính công bằng trong tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là khám, chữa bệnh cho người nghèo, đối tượng chính sách…

Hiệu quả của hoạt động này giúp Sở Y tế thành phố Hà Nội định hình rõ hơn công tác đầu tư về nguồn lực, con người và kỹ thuật để dần từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh phục vụ người bệnh theo Quyết định số 4858/QĐ-BYT, ngày 3-12-2013 về việc ban hành Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện, đẩy mạnh các mũi nhọn chuyên môn, như ghép tạng, mổ tim hở, đưa kỹ thuật mổ nội soi đến các bệnh viện tuyến huyện… Về kế hoạch lâu dài, Sở Y tế thành phố tiếp tục xây dựng kế hoạch luân phiên cán bộ giai đoạn tiếp theo để chuyển giao công nghệ cũng như thực hiện giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên dựa trên cơ sở đào tạo con người, đầu tư trang thiết bị, cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất và nhu cầu nâng cao năng lực chuyên môn của các cơ sở khám, chữa bệnh. Sở Y tế đã phối hợp với các trường đại học y khoa đào tạo các khóa dài hạn; cử cán bộ đi học nâng cao tay nghề và một số được cử đi đào tạo tại nước ngoài. Từ đầu năm 2014 đến nay, đã có hàng chục bác sĩ, điều dưỡng được cử đi tập huấn kỹ thuật ghép gan tại Hàn Quốc, Đài Loan, Italia…

Với mục tiêu phát triển đồng bộ hệ thống y tế chuyên sâu và phổ cập trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2016 - 2020 thành phố đã đầu tư xây dựng các tổ hợp công trình y tế chất lượng cao tầm cỡ quốc gia ở 5 cửa ngõ Thủ đô, đồng thời củng cố và hoàn thiện y tế cơ sở. Triển khai hiệu quả quy hoạch nhân lực y tế, bảo đảm đủ bác sĩ, dược sĩ, cán bộ y tế có trình độ làm việc tại các bệnh viện, trung tâm chuyên khoa, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Cùng với đó, giai đoạn 2016 - 2020 ngành y tế Hà Nội cũng đã triển khai các dự án đầu tư, bao gồm 6 dự án nâng cấp, mở rộng bệnh viện, 15 dự án xây mới bệnh viện, 6 đề án phát triển đào tạo y tế, 5 đề án phát triển lĩnh vực sản xuất thuốc, trang thiết bị y tế và 11 đề án phát triển khối y tế dự phòng, y tế cơ sở,…; thực hiện Quyết định của Bộ Y tế về việc phê duyệt danh sách 26 xã, phường, thị trấn tham gia mô hình trạm y tế điểm, tính đến tháng 9-2020, thành phố Hà Nội đã triển khai được 456 trạm y tế điểm, đạt 95,19%. Kết quả đánh giá bước đầu cho thấy, các trạm y tế điểm hoạt động rất hiệu quả, thu hút được các nguồn lực, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ban đầu và đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn thành phố./.