TCCSĐT - Ngày 10-5, các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc đã không đạt được một thỏa thuận cuối cùng sau vòng đàm phán thương mại thứ 11 diễn ra trong hai ngày tại Washington (Mỹ), trong nỗ lực nhằm ngăn chặn việc áp mức thuế quan mới của Mỹ đối với hàng hóa của Trung Quốc.

Tạo cơ chế đặc thù cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Ngày 06-5, tại Đồng Nai, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao vai trò và vị thế quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đối với nền kinh tế, xã hội của cả nước.

Thủ tướng cho rằng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là vùng phát triển năng động nhất của cả nước. Những con số như đóng góp như GDP, thu ngân sách, giải quyết công ăn việc làm, thu nhập bình quân đầu người… cho thấy vị trí quan trọng của vùng kinh tế động lực của cả nước.

Thủ tướng nhấn mạnh cả nước có 4 vùng kinh tế trọng điểm với 24 tỉnh, thành phố, chiếm 27,3% diện tích tự nhiên, 27% dân số nhưng đóng góp 89% GDP của cả nước. Trong đó, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có vị trí đặc biệt quan trọng, là động lực phát triển kinh tế-xã hội của cả nước.

Đối với 8 tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các nhà nghiên cứu, các học giả đều nhận thấy, đây là vùng có lợi thế phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đặc biệt là khoa học, công nghệ cao, công nghệ thông tin, đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao.

Cơ sở hạ tầng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được xây dựng đồng bộ hơn so với các vùng kinh tế trọng điểm khác; là vùng duy nhất của cả nước có lợi thế phát triển công nghiệp, dịch vụ của cả nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng sự năng động của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn thể hiện ở đội ngũ cán bộ giàu sáng tạo, năng động, nhiệt tình. Đây cũng là nơi khởi nguồn cho những đột phá trong phát triển, trong thực hiện chính quyền điện tử, xây dựng trung tâm hành chính công…

Thủ tướng lưu ý vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã xuất hiện dấu hiệu tăng trưởng chậm lại; cơ chế chính sách phát triển vùng chưa hoàn thiện, chưa có tính đột phá, thậm chí còn nhiều khó khăn; liên kết giữa các địa phương, liên kết vùng vẫn còn manh mún, mạnh ai nấy làm. Các chỉ số PAPI, PCI của các địa phương trong vùng chưa cao, mặc dù đây là vùng kinh tế động lực của cả nước. Cơ chế tổ chức điều hành vùng vẫn còn nhiều bất cập, chưa khoa học hợp lý.

Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tiếp tục giữ vai trò là đầu tàu dẫn dắt, phát triển mạnh và bền vững; tiếp tục đổi mới sáng tạo, cần có tầm nhìn xa hơn, tận dụng cơ hội cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đồng thời, phải có cơ chế chính sách đặc thù để tạo bước phát triển mạnh mẽ cho toàn vùng; phối hợp tốt hơn nữa hoạt động điều phối vùng giữa các bộ, ngành và địa phương. Cùng với đó, cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; chú ý đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, nâng cao giá trị gia tăng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lưu ý tỉnh Đồng Nai và Bộ Giao thông Vận tải về thực hiện Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành; tập trung giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư cho người dân để đến năm 2020 có thể khởi công xây dựng sân bay.

Tăng trưởng GDP quý I ước đạt 6,79%

Sáng 08-5, tại Nhà Quốc hội, sau phiên khai mạc Phiên họp thứ 34, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung cho ý kiến về các Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2018; đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2019.

Báo cáo tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tốc độ tăng GDP quý I năm 2019 ước đạt 6,79%, vẫn là mức tăng khá trong bối cảnh kinh tế thế giới không thuận và cao hơn tăng trưởng quý I các năm 2011 - 2017 nhưng đang có dấu hiệu tăng chậm lại.

Nổi bật trong khu vực nông, lâm, thủy sản là dịch tả lợn châu Phi - khó khăn lớn nhất của ngành chăn nuôi, ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng của ngành, thu nhập và đời sống của người nuôi. Sản lượng tiêu thụ và giá thịt lợn giảm trong những tháng đầu năm…

Trên cơ sở đánh giá tình hình thế giới, khu vực và kinh tế - xã hội trong nước trong bốn tháng đầu năm, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương xác định tinh thần kiên định mục tiêu đề ra đầu năm, nỗ lực tận dụng mọi cơ hội tập trung thực hiện các biện pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh; quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành và phối hợp tốt với các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đề ra, nhất là bốn trọng tâm và tám nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

Cụ thể như tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và bảo đảm mục tiêu tăng trưởng sáu tháng và cả năm 2019; đẩy mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế tạo môi trường thông thoáng cho sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thực chất các điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ nút thắt trong sản xuất kinh doanh, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển; quyết liệt thực hiện các giải pháp kiểm soát dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, ổn định sản xuất; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản phục vụ xuất khẩu, bảo đảm hoàn thành kế hoạch xuất khẩu đề ra...

Mỹ - Trung Quốc không đạt được thỏa thuận sau vòng đàm phán thứ 11

Ngày 10-5, các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc đã không đạt được một thỏa thuận cuối cùng sau vòng đàm phán thương mại thứ 11 diễn ra trong hai ngày tại Washington (Mỹ), trong nỗ lực nhằm ngăn chặn việc áp mức thuế quan mới của Mỹ đối với hàng hóa của Trung Quốc.

Việc hai bên không đạt được thỏa hiệp trong ngày đàm phán đầu tiên đã khiến quyết định tăng thuế từ 10% lên 25% của Mỹ đối với lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc chính thức có hiệu lực vào nửa đêm 09-5, và làm tiêu tan hy vọng về khả năng hai bên sẽ đạt được một bước đột phá, tiến tới một thỏa thuận thương mại cuối cùng trong ngày đàm phán thứ hai.

Trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố việc áp mức thuế quan mới sẽ đem lại lợi ích cho nước Mỹ, giúp Mỹ trở lên vững mạnh hơn chứ không phải yếu đi, bất chấp những cảnh báo của giới chuyên gia cũng như các đồng minh trong đảng Cộng hòa rằng mức thuế mới có thể đe dọa đến sự tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ, thứ “vũ khí” quan trọng mà ông Trump sẽ sử dụng nhằm tái vận động tranh cử trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020.

Tổng thống Trump còn cho biết ông sẵn sàng tiến xa hơn, đe dọa việc áp thuế mới đối với lượng hàng hóa trị giá 325 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc.

Kết quả của vòng đàm phán mới nhất giữa Mỹ và Trung Quốc làm dấy lên lo ngại rằng căng thẳng thương mại leo thang trở lại giữa hai cường quốc thế giới này khi hai bên lại tiếp tục các màn trả đũa theo kiểu “ăn miếng trả miếng", gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu.

Trong một diễn biến khác, sau khi tăng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể hướng đến đối tượng tiếp theo là Liên minh châu Âu (EU), khi ông dự kiến đưa ra quyết định đối với mặt hàng ôtô của khối này.

Trước đó, hồi tháng Hai vừa qua, Tổng thống Trump đã nhận được báo cáo điều tra cho rằng mặt hàng ôtô và linh kiện ôtô nhập khẩu đang đe dọa an ninh quốc gia. Thời gian cân nhắc kéo dài 90 ngày của Tổng thống Donald Trump sẽ kết thúc vào ngày 18-5.

Các nhà sản xuất ôtô dự đoán Tổng thống Trump sẽ gia hạn thời gian này thêm đến 6 tháng, dù ông vẫn có thể sẽ ấn định một thời điểm đánh thuế mới nếu Mỹ không đạt được thỏa thuận nào với EU và Nhật Bản.

Hồi tháng trước, EU đã nhất trí khởi động các cuộc đàm phán chính thức với Mỹ, nhất là về vấn đề giảm thuế đối với các hàng hóa công nghiệp. Nhưng nếu Washington áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại mới, các cuộc đàm phán này sẽ bị đình lại và Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đánh thuế đối với 20 tỷ euro (khoảng 22,46 tỷ USD) hàng hóa của Mỹ.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) lâu này vẫn cho rằng bảo hộ thương mại là mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), khi niềm tin sụt giảm sẽ lấn át lực đẩy từ xuất khẩu sang các thị trường khác ngoài Mỹ.

Châu Âu cũng đang tham gia đàm phán với Mỹ và Nhật Bản để tái lập những quy định thương mại toàn cầu nhằm hạn chế trợ cấp và tình trạng ép buộc chuyển giao công nghệ, với mục tiêu rõ ràng là hướng đến Trung Quốc.

Bảy ngân hàng đối mặt với án phạt từ cơ quan chống độc quyền EU

Theo các nguồn tin ngân hàng, Barclays, Citigroup, HSBC, JPMorgan và ba ngân hàng khác đang đối mặt với các án phạt từ phía các cơ quan chống độc quyền của Liên minh châu Âu (EU) trong những tuần tới, do đã thao túng thị trường ngoại hối trị giá hàng nghìn tỷ USD.

Ba ngân hàng khác là Royal Bank of Scotland, UBS và một ngân hàng nhỏ của Nhật Bản. Các ngân hàng này sẽ được giảm 10% tiền phạt vì đã thừa nhận sai phạm.

Trong khi đó, Credit Suisse, ngân hàng trước đó đã nói không phát hiện bất kỳ bằng chứng sai phạm nào, đang phản đối án phạt của EU. Không rõ Ủy ban châu Âu có kịp hoàn tất vụ kiện để có thể phạt ngân hàng Thụy Sĩ này trong những tuần tới hay không.

Cơ quan chống độc quyền của EU đã tiến hành cuộc điều tra trong sáu năm qua và có thể đưa ra mức phạt 10% doanh thu toàn cầu của một công ty nếu vi phạm quy định của khối.

EU có thể sẽ ra các phán quyết đối với các ngân hàng trên trong vài tuần, thay vì công bố trong một ngày. Barclays, BNP Paribas, Citigroup, JPMorgan, Royal Bank of Scotland và UBS đã thừa nhận sai phạm trong một vụ kiện có liên quan tại Mỹ và bị phạt tổng cộng hơn 2,8 tỷ USD.

Tổng thống Venezuela tuyên bố chấm dứt sử dụng đồng USD

Ngày 08-5, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tuyên bố nước này đã chấm dứt việc sử dụng đồng USD, mặc dù Caracas gần đây thực hiện chính sách tự do hóa thị trường ngoại tệ.

Hãng tin Sputniknews đưa tin trong bài phát biểu trực tiếp trên truyền hình nhà nước, Tổng thống Maduro nhấn mạnh Venezuela đã thoát khỏi "vòng vây" của đồng USD như là một cơ chế tài chính.

Theo ông, một tiến trình lịch sử lớn đang diễn ra, trong đó người dân Venezuela có thể sản xuất, sinh sống và hoạt động mà không cần đồng USD và không có hệ thống tài chính của nước ngoài. Tổng thống Venezuela gọi những thay đổi đang diễn ra là một quá trình thoát khỏi sự phong tỏa của Mỹ.

Kể từ năm 2003, Chính phủ Venezuela đã có các biện pháp kiểm soát tiền tệ khi trên thị trường "chợ đen," đồng USD được mua bán ra với giá cao gấp hàng chục lần so với tỷ giá chính thức.

Kể từ tháng 8-2018, Caracas đã thực thi chính sách tự do hóa thị trường tiền tệ, theo đó áp dụng việc mua bán ngoại tệ hoàn toàn tự do, trong đó có cả USD, trong các ngân hàng thương mại.

Theo các quy định mới, những ngân hàng này được phép bán và mua ngoại tệ dựa theo tỷ giá riêng của mình. Hồi tháng 10 năm ngoái, Venezuela đã quyết định loại đồng USD khỏi rổ tiền tệ trên thị trường hối đoái của nước này nhằm đáp trả lại các hành động thù địch của Mỹ.

Theo quyết định này, người dân Venezuela và các doanh nghiệp tư nhân được phép tham gia hoạt động đấu giá trên Hệ thống Ngoại tệ hối đoái bổ sung (DICOM) bằng đồng euro, nhân dân tệ (NDT) và bất kỳ đồng tiền chuyển đổi nào, ngoại trừ đồng USD. Trong khi đó, các giao dịch ngân hàng sẽ dựa trên cơ sở đồng euro.

Cũng trong năm 2018, Venezuela đã cho ra mắt đồng tiền điện tử có tên "Petro" nhằm thúc đẩy nền kinh tế quốc gia và đối phó với các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Đồng Petro điện tử của Venezuela được trợ giá bởi dầu mỏ, và theo giá vàng, khí đốt, dầu mỏ và kim cương quốc tế./.