Phát triển du lịch sinh thái miệt vườn tỉnh Trà Vinh
TCCSĐT - Trong mấy năm gần đây, Trà Vinh đã hình thành một số vùng tập trung cây ăn trái ở huyện Cầu Kè, Càng Long. Bước đầu, các nhà vườn đã phát triển mô hình du lịch sinh thái miệt vườn nhằm thu hút được nhiều du khách và tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, việc phát triển mô hình du lịch này còn mang tính tự phát, vì vậy, cần có giải pháp phù hợp hơn trong thời gian tới để phát huy lợi thế mô hình du lịch miệt vườn đầy tiềm năng này.
Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái miệt vườn
Trà Vinh là tỉnh ven biển, nằm giữa 2 sông Tiền và sông Hậu. Tỉnh có tiềm năng phát triển cây ăn trái. Tỉnh Trà Vinh hiện có hơn 6.800 ha vườn cây ăn trái; trong đó diện tích cây xoài trên 1.150 ha, cây cam sành 1.830 ha, cây bưởi 880 ha, cây nhãn gần 1.650 ha và cây chuối trên 1630 ha. Diện tích vườn cây ăn trái tỉnh Trà Vinh tập trung nhiều ở huyện Cầu Kè, Càng Long và Châu Thành. Bên cạnh đó, Trà Vinh có vườn dừa ở hầu hết các huyện, thị, tập trung nhiều ở huyện Trà Cú, Càng Long và Cầu Kè, đặc biệt ở Cầu Kè có dừa sáp nổi tiếng cả vùng.
Trong quá trình cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, trong đó có cơ cấu lại các nhà vườn. Mô hình du lịch sinh thái miệt vườn ở Trà Vinh phát triển và đã đạt được những kết quả như sau:
Một là, tỉnh Trà Vinh ban hành Quyết định số 2693/QĐ-UBND ngày 22-12-2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh phê duyệt quy hoạch vùng cây ăn trái chủ lực trồng tập trung trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025; Đây là cơ sở quan trọng để tỉnh có kế hoạch cụ thể phát triển cây ăn trái, góp phần thu hút khách du lịch trong và ngoài nước tham gia loại hình du lịch sinh thái miệt vườn của Trà Vinh.
Hai là, các nhà vườn ở Trà Vinh đều có thâm niên trong nghề, chịu khó đi học hỏi nhiều nơi nên có tay nghề vững, nhiều nhà vườn đã áp dụng được công nghệ cao trong sản xuất, nên có khả năng bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn VietGap và GlobalGap, vừa đạt năng suất cao, bước đầu đã thu hút được nhiều du khách trong và ngoài nước, góp phần tăng thu nhập.
Ba là, những năm gần đây, nông dân tỉnh Trà Vinh không ngừng thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi một cách có hiệu quả, với nhiều biện pháp, mô hình đưa các cây, con giống có chất lượng, phù hợp với điều kiện vùng đất từng địa phương và kết hợp áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất tạo nên một hướng đi mới cho người nông dân trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Bốn là, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở huyện phối hợp với Hội làm vườn thường xuyên tổ chức Hội thảo đầu bờ và tập huấn cho các nhà vườn, kết quả là các nhà vườn được học tập những phương pháp kỹ thuật mới.
Năm là, dựa vào điều kiện tự nhiên về đất đai và thổ nhưỡng, được sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước, người dân Cù lao Tân Qui đã đầu tư thâm canh và xây dựng mô hình du lịch gắn với phát triển nhà vườn cây ăn trái. Cù lao Tân Qui có diện tích 929 ha nằm giữa dòng sông Hậu. Cù lao nổi tiếng với những miệt vườn cây trái trĩu cành, với nhiều loại trái cây như: măng cụt, sầu riêng, chôm chôm, cam sành, bưởi năm roi, dâu…và được đánh giá là chất lượng cao trong vùng… Hằng năm, vào dịp Tết Đoan Ngọ (05-5 âm lịch) là thời điểm du khách tập trung về cù lao đông nhất bởi đây là dịp Lễ hội Vu Lan tại chùa Vạn Niên Phong Cung, thị trấn Cầu Kè cũng là lúc vào vụ thu hoạch chính cây trái ở cù lao.
Sáu là, nhờ được đi tham quan, học hỏi ở các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Cần Thơ nên ở Trà Vinh bắt đầu thưc hiện mô hình liên kết giữa các nhà vườn trên cùng địa bàn, thông qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hình thành các tour du lịch liên kết giữa các huyện, thị.
Bảy là, Hội Làm vườn phối hợp với Viện cây ăn quả miền Nam xây dựng 03 mô hình trồng quýt đường (600 cây), 01 mô hình trồng bưởi năm roi (50 cây) và một mô hình trồng cam soàn (50 cây) ở xã Bình Phú huyện Càng Long. Phối hợp với Hội Làm vườn huyện Cầu Kè đi khảo sát và hướng dẫn cách xử lý bệnh sì mủ trên thân cây cam sành và cây bưởi cho thành viên tổ Hợp tác sản xuất Bưởi da xanh ấp Rạch Đùi xã Ninh Thới và tổ Hợp tác sản xuất Cam sành ấp Kinh Xuôi xã Thông Hòa huyện Cầu Kè, kết quả đạt trên 40%.
Những hạn chế và vấn đề đặt ra
Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái miệt vườn đã được khai thác và phát huy. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế và nhiều vấn đề đặt ra, đó là: (i) Mới triển khai công tác quy hoạch vùng cây ăn trái của tỉnh nên đầu tư trực tiếp cho các nhà vườn chưa nhiều, đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng cây ăn trái cũng chưa tương xứng. (2) Cán bộ ngành nông nghiệp; ngành văn hóa, thể thao, du lịch và các nhà vườn mới quan tâm đến phát triển vườn cây ăn trái, chưa có ý thức cần phát triển vườn cây ăn trái gắn với du lịch. (3) Hiện trạng vườn cây ăn trái của tỉnh chủ yếu do người dân tự trồng, thiếu sự đầu tư về cơ sở vật chất kỹ thuật, ứng dụng khoa học kỹ thuật và thiếu tính liên kết. (4) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các công ty du lịch chưa xây dựng được các tour du lịch sinh thái miệt vườn như tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre và Tiền Giang. (5) Tuy nhiều nhà vườn có trình độ tay nghề cao về kỹ thuật trồng cây, nhưng hiểu biết về lĩnh vực du lịch còn hạn chế nên chưa phát huy được lợi thế của loại hình du lịch. (6) Công tác quảng bá du lịch nói chung của tỉnh và loại hình du lịch sinh thái miệt vườn nói riêng chưa được quan tâm đúng mức. (7) Với lợi thế có nhiều sông, rạch và là địa phương có nhiều đồng bào dân tộc Khmer và người Hoa sinh sống nhưng ngành du lịch và các công ty du lịch chưa phối hợp được nhiều loại hình du lịch, như du lịch sông nước gắn với du lịch sinh thái miệt vườn; du lịch văn hóa gắn với du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái miệt vườn. (8) Là tỉnh bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; vì vậy, sản lượng và chất lượng trái cây của tỉnh trong những năm vừa qua thường không ổn định, nhất là trong điều kiện bị ảnh hưởng biến đổi khí hậu, triều cường, xâm nhập mặn, gây thiệt hại nặng đến vườn cây ăn trái. Giá trị sản lượng cây ăn trái của tỉnh trong 5 năm qua mới đạt bình quân 100 - 120 triệu đồng/ha/năm. Trong những năm gần đây dịch bệnh chổi rồng trên cây nhãn, bệnh vàng lá thối rễ, vàng lá gân xanh trên cây có múi, bệnh xì mủ trên măng cụt.. làm ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng, sản lượng và giảm thu nhập từ kinh tế vườn.
Cần có những giải pháp phù hợp hơn
Để khai thác tiềm năng và phát triển mô hình du lịch sinh thái miệt vườn nhằm tăng giá trị sản lượng cây ăn trái đặc sản của tỉnh đạt mức thu nhập bình quân 170 triệu đồng/ha/năm trong thời gian tới, Trà Vinh cần triển khai các giải pháp thiết thực, phù hợp hơn nữa, trong đó có những giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, tiếp tục triển khai quy hoạch phát triển 20.000 ha vườn cây ăn trái của tỉnh đến năm 2020. Theo đó, vùng cây ăn trái đặc sản được tỉnh quy hoạch tại các huyện: Cầu Kè, Càng Long, Châu Thành, Tiểu Cần, với 5 loại cây trồng tập trung là cam, xoài, bưởi, nhãn và chuối. Đối với huyện Cầu Kè, nơi có điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng ven sông Hậu giàu phù sa và nước ngọt quanh năm được tỉnh quy hoạch phát triển vùng cây ăn trái chủ lực gắn với du lịch, với tổng diện tích vườn cây ăn trái đặc sản khoảng 4.000 ha.
Thứ hai, tăng cường đầu tư sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất cây ăn trái đặc sản tập trung cho các huyện Càng Long, Cầu Kè, Châu Thành và thành phố Trà Vinh, giai đoạn 2017 - 2020, với vốn đầu tư gần 460 tỷ đồng. Dự án gồm có 3 công trình chính, đó là xây dựng mới tuyến đường dài trên 9km, điểm đầu giao với Quốc lộ 60 thuộc xã Bình Phú, huyện Càng Long và điểm cuối giao với đường Võ Văn Kiệt thuộc địa phận thành phố Trà Vinh, chiều rộng mặt đường 8m, kết cấu mặt đường đá dăm láng nhựa; xây dựng hệ thống thoát nước dài khoảng 700m; xây dựng 4 cây cầu bê tông cốt thép trên tuyến đường, quy mô đường cấp IV đồng bằng. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, mục tiêu của dự án xây dựng hạ tầng thiết yếu phục vụ vùng sản xuất cây ăn trái nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế vườn, đảm bảo thực hiện tốt chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, ổn định vùng nguyên liệu cung cấp cho chế biến và xuất khẩu cây ăn trái, đồng thời góp phần kết nối giao thông giữa các địa phương trong tỉnh.
Thứ ba, cần huy động nhiều nguồn vốn đầu tư từ nhiều thành phần kinh tế để thực hiện hiệu quả chương trình phát triển vườn cây ăn trái đặc sản. Từ nay đến năm 2020, tỉnh Trà Vinh sẽ huy động nguồn vốn đầu tư khoảng trên 620 tỷ đồng; trong đó, vốn từ ngân sách và các nguồn hợp pháp khoảng 322 tỷ đồng, vốn tín dụng trên 150 tỷ đồng và nguồn vốn đầu tư của người dân 148 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh cần thực hiện các chính sách hỗ trợ để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư sản xuất về cây giống chất lượng cao, xây dựng cơ sở thu mua, chế biến và xuất khẩu…
Thứ tư, phát triển vườn cây ăn trái, đặc biệt là vườn cây đặc sản theo hướng ứng dụng công nghệ cao và công nghệ sạch để đảm bảo đạt chuẩn VietGap và GlobalGap để thu hút thêm du khách trong và ngoài nước; đồng thời tăng cường xuất khẩu nhằm đạt 70 % sản phẩm đạt tiêu chuẩn GAP để xuất khẩu. Để nâng cao hiệu quả kinh tế vườn, khuyến cáo người dân chuyển đổi một số diện tích vườn tạp và đất trồng lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng chuyên canh các loại cây ăn trái đặc sản có giá trị kinh tế cao như: Dừa sáp, cam sành, chôm chôm, măng cụt, sầu riêng, bưởi…Tuy nhiên, phải trồng trong vùng qui hoạch chuyên canh cây ăn trái của tỉnh. Đồng thời, chú ý đến chất lượng giống cây trồng đảm bảo sạch bệnh, xây dựng các vùng sản xuất tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP và an toàn sinh học để từng bước nâng cao chất lượng sản xuất hàng hoá cây ăn trái của huyện trên thị trường nhằm phục vụ tốt cho nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
Thứ năm, cần phối hợp tốt hơn giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch với Hội làm vườn để tập huấn cho các nhà vườn, tăng cường công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân; đồng thời, tổ chức tham quan, học hỏi các mô hình du lịch miệt vườn, du lịch sinh thái, du lịch canh nông. Trên cơ sở đó, xây dựng mô hình du lịch sinh thái miệt vườn điển hình, đi từ mô hình ở Cù lao Tân Qui rồi nhân rộng mô hình này cho các địa phương khác trong vùng quy hoạch.
Thứ sáu, hình thành các tour du lịch gắn kết với du lịch miệt vườn. Phối hợp các ngành liên quan khảo sát lại toàn bộ tuyến điểm du lịch trên địa bàn tỉnh để đánh giá thực trạng hiện nay của du lịch Trà Vinh. Trên cơ sở đó hình thành các tour du lịch nhằm phát triển du lịch đặc thù của tỉnh gồm du lịch sinh thái miệt vườn. Nâng cấp các Lễ hội Nghinh Ông, Vu Lan Thắng hội; phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện Cầu Kè tổ chức thí điểm sự kiện lễ hội trái cây với quy mô cấp tỉnh hằng năm để bước đầu thu hút khách.
Thứ bảy, tăng cường công tác quảng bá cho du lịch sinh thái miệt vườn. Tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu tài nguyên, sản phẩm du lịch nói chung và du lịch sinh thái miệt vườn nói riêng của tỉnh Trà Vinh thông qua các phương tiện thông tin, báo chí, các hội chợ triển lãm, website…với các hãng lữ hành, du khách trong và ngoài nước. Tổ chức các đoàn Famtrip, hội thảo, tọa đàm giới thiệu tuyến điểm du lịch đến các doanh nghiệp lữ hành tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh trong cụm phía Đông đồng bằng sông Cửu Long. Kịp thời cung cấp thông tin, làm đầu mối cho các doanh nghiệp gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm, hợp tác phát triển du lịch.
Thứ tám, đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch nói chung và cho các chủ vườn cây ăn trái nói riêng. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển du lịch: đào tạo nâng cao về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học cho cán bộ quản lý nhà nước, doanh nghiệp, đội ngũ lao động kỹ thuật, nghề trong ngành du lịch, hướng dẫn viên du lịch, thuyết minh viên ở các điểm du lịch. Hướng dẫn, tập huấn, đào tạo các nhà vườn về trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giới thiệu sản phẩm miệt vườn nhằm tăng doanh thu cho các nhà vườn.
Thứ chín, đa dạng hóa mô hình tham gia du lịch sinh thái miệt vườn. Hiện nay ở Trà Vinh mới phát triển nhà vườn riêng lẻ nên chưa hình thành được vùng du lịch sinh thái miệt vườn và chưa liên kết được với các địa phương hình thành các tour du lịch. Chính vì vậy, trong thời gian tới cần xây dựng thêm mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất, chế biến và tiêu thụ cây ăn trái đặc sản trong vùng quy hoạch. Từ đó ký kết hợp tác với các công ty du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hình thành các tour du lịch giữa các nhà vườn trong hợp tác và hợp tác xã./.
-------------------------------------
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo Tình hình thực hiện công tác phát triển du lịch năm 2016, kế hoạch năm 2017 của sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch Trà Vinh.
2. Báo cáo Tình hình thực hiện công tác phát triển du lịch năm 2017, kế hoạch năm 2018 của sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch Trà Vinh.
3. Báo cáo tình hình hoạt động năm 2017 và phương hướng nhiệm vụ năm 2018 của Hội làm vườn Trà Vinh.
4. Báo cáo tình hình hoạt động 06 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 06 tháng cuối năm 2018 của Hội làm vườn Trà Vinh.
Hội nghị cán bộ toàn quốc học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các nội dung Hội nghị Trung ương 8 khóa XII của Đảng  (23/11/2018)
Kỷ luật hơn 490 tổ chức đảng và hàng ngàn đảng viên trong 2 năm qua  (23/11/2018)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc cử tri tại Hải Phòng  (23/11/2018)
Quốc hội ban hành hai Nghị quyết  (23/11/2018)
Các hoạt động của Phó Chủ tịch nước  (23/11/2018)
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở công đoàn cơ sở  (23/11/2018)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên