TCCSĐT - Khi diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, năng suất lúa cũng không thể tăng cao hơn được nữa, tỉnh Vĩnh Phúc buộc phải cơ cấu lại ngành nông nghiệp, để có thể từng bước nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Sau hơn 5 năm thực hiện chủ trương này, kết quả là rất đáng khích lệ, nhưng sự chuyển dịch cần tiếp tục, thậm chí nó còn là yếu tố quyết định sự thành - bại của nông nghiệp Vĩnh Phúc.

Cơ chế, chính sách đúng đắn, phù hợp

Ông Lê Văn Dũng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc - cho rằng, kể từ khi tái lập tỉnh (ngày 01-01-1997), xuất phát điểm của Vĩnh Phúc “cực kỳ thấp, nông nghiệp cũng vậy. Nông nghiệp chiếm tỷ trọng chính trong các ngành kinh tế, trong đó trồng trọt chiếm 70% tỷ trọng trong nông nghiệp, còn lại chăn nuôi. Nhưng năng suất lúa cũng thấp, bình quân chỉ đạt 53 tạ/ha. Chính vì thế, việc cơ cấu lại là hết sức cần thiết. Hiện nay, trong nội bộ ngành, chăn nuôi chiếm hơn 52%, là ngành chính, động lực phát triển ngành nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi bò sữa, gia cầm… Trong khi đó, ngành rau quả không chỉ trụ vững mà còn tạo ra bước đột phá, tạo ra chuỗi giá trị nông nghiệp, thu hút nhiều doanh nghiệp lớn vào đầu tư, như rau các loại, thanh long ruột đỏ, cây dược liệu là trà hoa vàng, ba kích…”.

Trở lại với thời điểm bắt đầu thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Quyết định số 899/QĐ-TTg, ngày 10-6-2013, của Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Kế hoạch hành động số 6718/KHHĐ-UBND, ngày 19-11-2013. Đến ngày 10-11-2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Quyết định số 3216/QĐ-UBND phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Tính chung, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành 01 Chỉ thị, 07 Nghị quyết, 18 Quyết định, 6 Quy hoạch và các Kế hoạch triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cụ thể là các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển trồng trọt, chăn nuôi…

Ngoài tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các website, hệ thống truyền thanh cơ sở, tỉnh Vĩnh Phúc còn biên soạn, in ấn và cấp phát 18.400 sách hỏi đáp, 38.300 tờ ảnh, 103.670 tờ gấp tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về các nội dung liên quan đến phát triển sản xuất thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tỉnh đã tổ chức thực hiện 314 lớp tập huấn tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật cho trên 31.800 người dân nông thôn; 145 lớp tập huấn kết hợp tuyên truyền về cơ chế, chính sách cho cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới cấp tỉnh, huyện, xã với hơn 14.500 lượt người tham gia; 04 lớp tập huấn cho cán bộ cấp huyện, xã trên toàn tỉnh để hướng dẫn cho người sản xuất triển khai các nội dung thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng đối tượng, điều kiện theo quy định.

Nhờ đó, nhận thức của các cấp, các ngành, các địa phương và người dân về cơ cấu lại nông nghiệp được rõ ràng hơn, về vị trí, vai trò, tầm quan trọng và tác động tích cực của nó. Đó chính là việc tổ chức lại sản xuất nông nghiệp nhằm điều chỉnh những vướng mắc, bất cập trong sản xuất, đáp ứng những đòi hỏi mới về kinh tế - xã hội và thị trường theo mục tiêu đề ra: (1) Bảo đảm tốc độ tăng trưởng nông nghiệp, tăng tính cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp; (2) Tăng thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống của người nông dân; (3) Sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Ông Bùi Như Ý - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc - cho rằng: “Để đạt mục tiêu cơ cấu lại nông nghiệp, việc đầu tư, hỗ trợ phải hợp lý; lựa chọn ngành hàng chủ lực của địa phương để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm phát triển nông nghiệp bền vững, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân, ổn định xã hội, bảo vệ môi trường và cảnh quan. Cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng phát triển các ngành sản xuất nông nghiệp hàng hóa đạt quy mô lớn, sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường, có tính cạnh tranh cao, bảo đảm an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường”.

Kết quả đáng khích lệ nhưng hạn chế vẫn còn

Thực hiện Kế hoạch và Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Vĩnh Phúc xác định các đối tượng, sản phẩm và ngành hàng chủ lực trong phát triển sản xuất nông nghiệp là rau, quả, chăn nuôi (lợn giống, lợn thịt), chăn nuôi bò (bò sữa, bò thịt). Để phù hợp với định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp và tình hình phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt 06 quy hoạch, điển hình là: Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn đến năm 2020 trên diện tích 3.127ha; Quy hoạch phát triển chăn nuôi theo vùng và xã trọng điểm của 7/9 huyện, thành phố, bao gồm 34 xã chăn nuôi lợn, 38 xã chăn nuôi gia cầm, 21 xã chăn nuôi bò thịt và 22 xã chăn nuôi bò sữa…

Đến nay, Vĩnh Phúc đã thực hiện được 1.641,6ha canh tác rau an toàn, chiếm 52,5% diện tích được quy hoạch tại 71/84 xã theo quy hoạch được duyệt; các xã trong quy hoạch có 1.021 trang trại chăn nuôi lợn, gia cầm, bò thịt, bò sữa, tăng gấp 1,92 lần so với năm 2013; hình thành các xã chăn nuôi trọng điểm về lợn, bò sữa, gà, các trang trại chăn nuôi công nghiệp, có quy mô lớn với phương thức nuôi tiên tiến, hiện đại…

Ông Bùi Như Ý cho rằng, kết quả thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp hơn 5 năm qua đã góp phần chuyển dịch cơ cấu theo hướng giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi (năm 2017, tỷ trọng trồng trọt chiếm 39%, chăn nuôi là 51,5%); duy trì tăng trưởng sản xuất toàn ngành, giai đoạn 2013 - 2017, giá trị tăng thêm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,53%/năm, cao hơn so với khi chưa thực hiện cơ cấu lại giai đoạn 2009 - 2013 là 3,74%/năm. Trong 9 tháng đầu năm 2018, giá trị tăng thêm của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 3.959 tỷ đồng, tăng 3,85% so với cùng kỳ năm 2017…

Về chính sách đất đai, tỉnh Vĩnh Phúc hoàn thành kế hoạch thí điểm dồn thửa, đổi ruộng tại 02 xã Ngũ Kiên và Cao Đại (huyện Vĩnh Tường), và đã giao đến các hộ 1.141 thửa, giảm 11.893 thửa (giảm 74% tổng số thửa) so với trước đây; mỗi hộ sau dồn thửa, đổi ruộng còn 1,7 thửa, giảm 4,7 thửa so với trước. Qua đó, bà con nông dân có động lực trong sử dụng ruộng đất, lao động, đầu tư, tư duy phát triển kinh tế hộ và thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hóa sản xuất.

Trong lĩnh vực trồng trọt, giai đoạn 2013 - 2017, tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng hằng năm khác được 6.342,52ha. Nhìn chung, diện tích các loại cây trồng được chuyển đổi đều cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất lúa; hiệu quả kinh tế trung bình tăng khoảng 3 - 5 triệu đồng/ha, có nơi tăng 15 - 20 triệu đồng/ha.

Lĩnh vực chăn nuôi, nhiều giống vật nuôi mới có chất lượng tốt được đưa vào sản xuất; chăn nuôi từng bước gắn với an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm; các tiến bộ kỹ thuật được áp dụng rộng rãi, nhiều vùng chăn nuôi tập trung được hình thành, có quy mô lớn… Giai đoạn 2013 - 2017, giá trị sản xuất chăn nuôi (giá so sánh năm 2010) tăng bình quân 5,97%/năm, năm 2017 đạt 5.104,7 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2013; tỷ trọng giá trị sản xuất chăn nuôi (theo giá thực tế) chiếm 51,5% trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp, góp phần quan trọng trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng chung của ngành…

Nhìn chung, qua hơn 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh Vĩnh Phúc có bước phát triển nhanh và chuyển dịch theo hướng tích cực, được nông dân đón nhận, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng còn những hạn chế, cụ thể là: (1) Quy mô sản xuất nhỏ, phân tán, khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp còn thấp. Công tác dồn thửa, đổi ruộng mới triển khai làm điểm, tích tụ ruộng đất còn gặp nhiều khó khăn; doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn hạn chế; (2) Còn một số sản phẩm nông nghiệp bảo đảm về số lượng và chất lượng nhưng chưa xây dựng được thương hiệu, như: thịt lợn, thịt gà, trứng gà…; (3) Hạ tầng cho sản xuất nông nghiệp chưa bảo đảm, đặc biệt là hạ tầng công trình tiêu thoát nước, công trình thủy lợi cho nuôi trồng thủy sản; (4) Việc hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng sản xuất nông nghiệp còn khó khăn trong đáp ứng các điều kiện về đất đai, kinh phí đối ứng…; (5) Hoạt động của nhiều hợp tác xã nông nghiệp còn yếu. Các hình thức tổ chức sản xuất như tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, hợp tác xã chuyên cây chuyên con chậm hình thành và chưa phát triển. Các cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản còn nhỏ lẻ, kém phát triển; (6) Thị trường tiêu thụ nông sản không ổn định, còn gặp nhiều khó khăn…

Để phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững

Sơ kết hơn 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, tỉnh Vĩnh Phúc đưa ra định hướng, mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2018-2020. Mục tiêu chung là phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh; cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân, góp phần giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái và góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng. Các chỉ tiêu chủ yếu là: Tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 3,5% - 4%/năm; tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm xuống còn 30%; tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2020 đạt 25%; hết năm 2019 có 100% số xã đạt chuẩn, hết năm 2020 có 100% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới…

Để đạt mục tiêu đã đề ra, tỉnh Vĩnh Phúc đưa ra một số giải pháp chung và cụ thể liên quan đến các vấn đề: Công tác thông tin, tuyên truyền; tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất; đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ; đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển thị trường; tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính.

Có thể thấy rằng, trước sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp - xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc, nông nghiệp từ chỗ chiếm tỷ trọng chính khi tái lập tỉnh đến nay chỉ đóng góp khiêm tốn khoảng 10%. Nhưng diện tích đất sẽ còn bị thu hẹp tiếp, vì vậy, theo ông Lê Văn Dũng, cần đưa công nghệ vào, phải làm khác để độ roãng giữa nông nghiệp và các ngành khác không cách nhau quá xa, để việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp thực sự đem lại hiệu quả tích cực, vững bền. “Phải áp dụng công nghệ triệt để, phải khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; phải tập trung ruộng đất vào tay người có vốn liếng, người trẻ, có sức khỏe; phải trồng trọt, chăn nuôi theo quy trình, theo chuỗi,… mới có thể tạo ra giá trị thặng dư cao hơn, chứ nông hộ thì không thể. Đó chính là quyết định thành - bại của nông nghiệp Vĩnh Phúc trong thời gian tới”, ông Dũng nói./.