TCCSĐT - Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I-2018 ước tính tăng 7,38% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất của quý I trong 10 năm gần đây. Trong mức tăng 7,38% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,05%, đóng góp 0,46 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,70%, đóng góp 3,39 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,70%, đóng góp 2,75 điểm phần trăm.

Đây là nhận định của Tổng cục Thống kê trong đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội nước ta trong quý I-2018.

Trong khu vực vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành nông nghiệp tăng 3,76% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng của quý I các năm 2011-2017, đóng góp 0,31 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung, cho thấy xu hướng chuyển đổi cơ cấu sản phẩm trong nội bộ ngành theo hướng đầu tư vào những sản phẩm có giá trị kinh tế cao đã mang lại hiệu quả; ngành lâm nghiệp tăng 5,03%, do chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 4,76%, đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 8 năm trở lại đây, đóng góp 0,12 điểm phần trăm.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 10,08% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 3,01 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Điểm sáng của khu vực này là sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 13,56% (mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây, đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng chung với 2,46 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng quý I năm nay đã đạt mức tăng trưởng dương với 0,40% sau hai năm liên tục giảm, đóng góp 0,03 điểm phần trăm do khai thác than, kim loại và khí đốt tăng so với cùng năm trước. Ngành xây dựng 3 tháng đầu năm tăng 7,46%, thấp hơn so với tốc độ tăng 8,60% của cùng kỳ năm 2016 và 7,60% của cùng kỳ năm 2017, đóng góp 0,38 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng trưởng chung như sau: Bán buôn và bán lẻ tăng 7,45% so với cùng kỳ năm trước, là ngành có đóng góp cao nhất vào mức tăng trưởng chung với 0,79 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống có mức tăng trưởng khá cao 7,60% so với mức tăng 6,03% của quý I/2017, đóng góp 0,32 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,72%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm; hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 3,56%, đóng góp 0,22 điểm phần trăm.

Về cơ cấu nền kinh tế quý I năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 10,34%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,26%; khu vực dịch vụ chiếm 43,77%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,63% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2017 là: 11,19%; 34,14%; 43,92%; 10,75%).

Xét về góc độ sử dụng GDP quý I, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,13% so với cùng kỳ năm 2017, đóng góp 5,04 điểm phần trăm vào mức tăng chung (trong đó tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư tăng 7,15%, đóng góp 4,65 điểm phần trăm); tích lũy tài sản tăng 6,46%, đóng góp 1,15 điểm phần trăm; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ ở tình trạng xuất siêu làm tăng 1,19 điểm phần trăm của mức tăng trưởng chung.

Về hoạt động của doanh nghiệp, trong quý I năm nay, cả nước có 26.785 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 278,5 nghìn tỷ đồng, tăng 1,2% về số doanh nghiệp và tăng 2,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10,4 tỷ đồng, tăng 1,5%. Nếu tính cả 485,5 nghìn tỷ đồng của gần 7,9 nghìn lượt doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn bổ sung vào nền kinh tế trong quý I-2018 là 764 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 8.449 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 8,9% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong quý I lên hơn 35,2 nghìn doanh nghiệp. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong quý I là 225,4 nghìn người, giảm 22,7% so với cùng kỳ năm 2017.

Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong quý I năm nay là 20.337 doanh nghiệp, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 12.222 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,9% và 8.115 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, giảm 24,1%. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong quý I năm 2018 là 3.321 doanh nghiệp, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó 3.038 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, chiếm 91,5%.

Khách quốc tế đến nước ta trong quý I-2018 ước tính đạt 4.205,4 nghìn lượt người, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 3.365,7 nghìn lượt người, tăng 27,9%; đến bằng đường bộ đạt 719,9 nghìn lượt người, tăng 53,6%; đến bằng đường biển đạt 119,8 nghìn lượt người, tăng 6,9%. Trong 3 tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến nước ta từ châu Á đạt 3.153,3 nghìn lượt người, tăng 37,6% so với cùng kỳ năm trước (trong đó khách đến từ Trung Quốc đạt 1.356,4 nghìn lượt người, tăng 42,9%; Hàn Quốc 892,5 nghìn lượt người, tăng 69,2%); khách đến từ châu Âu ước tính đạt 645,8 nghìn lượt người, tăng 15,4%; khách đến từ châu Mỹ đạt 276,2 nghìn lượt người, tăng 11,5%; khách đến từ châu Úc đạt 119,1 nghìn lượt người, tăng 13,5%; khách đến từ châu Phi đạt 11,1 nghìn lượt người, tăng 25,7%.

Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20-3-2018 thu hút 618 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 2.121,6 triệu USD, tăng 25,4% về số dự án và giảm 27,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Bên cạnh đó, có 199 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 1.789,9 triệu USD, giảm 54,6% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 3 tháng đạt 3.911,5 triệu USD, giảm 43% so với cùng kỳ năm 2017. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 3 tháng ước tính đạt 3.888 triệu USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2017. Trong 3 tháng năm 2018 còn có 1.285 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp là 1.890,1 triệu USD, tăng 121,6% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó có 732 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 1,34 tỷ USD và 553 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 547,8 triệu USD.

Về đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, trong quý I-2018 cả nước có 23 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đầu tư của phía Việt Nam là 123,6 triệu USD, bên cạnh đó có 5 dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm là 25,9 triệu USD. Tính chung vốn cấp mới và tăng thêm, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài trong quý I năm nay đạt 149,5 triệu USD, trong đó lĩnh vực tài chính, ngân hàng đạt 105 triệu USD, chiếm 70,2% tổng vốn đầu tư; lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 19,9 triệu USD, chiếm 13,3%; lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 12 triệu USD, chiếm 8%; lĩnh vực bán buôn, bán lẻ đạt 8,5 triệu USD, chiếm 5,7%.

Về xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu quý I năm 2018 ước tính đạt 54,31 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 14,97 tỷ USD, tăng 18,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 39,34 tỷ USD, tăng 23,2%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu quý I tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2017.

Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực quý I năm nay vẫn duy trì tốc độ tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Điện thoại và linh kiện đạt 12,3 tỷ USD, tăng 58,8%; hàng dệt may đạt 6,3 tỷ USD, tăng 12,9%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 6,3 tỷ USD, tăng 13,2%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 3,5 tỷ USD, tăng 22,3%; giày dép đạt 3,5 tỷ USD, tăng 10,9%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 2,1 tỷ USD, tăng 20,1%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,9 tỷ USD, tăng 8%; thủy sản đạt 1,7 tỷ USD, tăng 11,2%; rau quả đạt 950 triệu USD, tăng 35,6%; sắt thép đạt 949 triệu USD, tăng 43,3%. Một số mặt hàng kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước: Dầu thô đạt 509 triệu USD, giảm 21,1% (lượng giảm 36,5%); cao su đạt 408 triệu USD, giảm 19,8% (lượng tăng 10,5%); sắn và sản phẩm của sắn đạt 277 triệu USD, giảm 5,3% (lượng giảm 27,7%); hạt tiêu đạt 190 triệu USD, giảm 41,3% (lượng giảm 2%). Tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng chủ lực vẫn thuộc về khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, chiếm 99,7% kim ngạch hàng điện thoại và linh kiện; chiếm 90% kim ngạch máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; chiếm 61% kim ngạch hàng dệt may.

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu quý I năm 2018 ước tính đạt 53,01 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 21,26 tỷ USD, tăng 13,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 31,75 tỷ USD, tăng 13,7%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu quý I-2018 tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2017.

Cán cân thương mại hàng hóa tính chung quý I-2018 xuất siêu 1,3 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 6,3 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 7,6 tỷ USD.

CPI bình quân quý I năm 2018 tăng 2,82% so với bình quân cùng kỳ năm 2017. CPI tháng 3-2018 tăng 0,97% so với tháng 12-2017 và tăng 2,66% so với cùng kỳ năm trước.

Lạm phát cơ bản tháng 3-2018 giảm 0,09% so với tháng trước và tăng 1,38% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân quý I-2018 tăng 1,34% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.

Lao động 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý I-2018 ước tính là 54,0 triệu người, bao gồm 20,9 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 38,6% tổng số; khu vực công nghiệp và xây dựng 14,4 triệu người, chiếm 26,7%; khu vực dịch vụ 18,7 triệu người, chiếm 34,7%.

Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi quý I-2018 ước tính là 2,2%, trong đó khu vực thành thị là 3,13%; khu vực nông thôn là 1,73%. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) quý I-2018 ước tính là 7,25%, trong đó khu vực thành thị là 11,47%; khu vực nông thôn là 5,63%.

Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý I năm nay ước tính là 1,48%, trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 0,55%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 1,94%. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản quý I-2018 ước tính là 56,8%, trong đó khu vực thành thị là 48,3%; khu vực nông thôn là 63,8%./.