TCCS - Cuối năm 2015, Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” chính thức được Vĩnh Phúc triển khai trong toàn tỉnh nhằm tổ chức lại sản xuất để tăng năng suất, sản lượng, nâng cao thu nhập cho người nông dân, qua đó thu hẹp khoảng cách về thu nhập giữa nông thôn và thành thị. Theo đó, tỉnh đặc biệt chú trọng ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.




Từ những quyết sách mang tính đột phá

Trong những năm qua, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa ở Vĩnh Phúc diễn ra rất nhanh. Cơ cấu kinh tế Vĩnh Phúc có sự thay đổi theo hướng tăng tỷ trọng của công nghiệp và giảm tỷ trọng nông nghiệp. Năm 2015, tỷ trọng GDP từ nông - lâm - thủy sản chỉ chiếm 9,77% trong cơ cấu GDP của tỉnh và có xu hướng giảm nhanh trong những năm tới. Dù vậy, nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngành sử dụng đến 37,02% lực lượng lao động trong tỉnh, là nguồn sinh kế của 58% hộ gia đình và đóng góp khoảng 20% thu nhập của hộ. Tỷ lệ dân cư sống ở khu vực nông thôn chiếm 76,9% tổng dân số toàn tỉnh. Nông nghiệp không chỉ giữ vai trò quan trọng trong việc bảo đảm sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội mà còn tạo thành vùng đệm, giữ gìn cảnh quan môi trường cho địa phương.

Nội bộ ngành nông nghiệp có sự dịch chuyển mạnh về cơ cấu. Tuy nhiên sản xuất dàn trải trên nhiều lĩnh vực, không dựa trên lợi thế thị trường; phát triển không đồng bộ, liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi sản phẩm yếu; phát triển thị trường hạn chế; chế biến kém phát triển; các biện pháp hỗ trợ chưa tập trung vào các ngành hàng chủ lực. Sự bất hợp lý đó dẫn đến sản xuất nông nghiệp bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Công nghiệp phát triển mạnh, đô thị hóa nhanh nhưng ít đầu tư, hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là chưa có giải pháp đủ mạnh để tạo sự đột phá cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; chưa hỗ trợ cho việc nâng cao hiệu quả, tính cạnh tranh của nông sản và quá trình chuyển đổi lao động nông nghiệp, nông thôn sang khu vực khác.

Với sự phát triển mạnh của công nghiệp và đô thị hóa, nông - lâm - thủy sản Vĩnh Phúc không còn là thế mạnh và bộc lộ một số bất hợp lý về cơ cấu, hạn chế về tổ chức sản xuất, hiệu quả sản xuất chưa cao, tính cạnh tranh của nông sản thấp, sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Thu nhập của người dân nông thôn có khoảng cách ngày càng lớn so với khu vực đô thị. Nông dân gặp khó khăn cả trong sản xuất nông nghiệp và trong các hoạt động phi nông nghiệp. Để giải bài toán đó, không chỉ phải tiến hành tái cơ cấu ngành nông nghiệp mà phải tái cơ cấu phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị hóa. Tái cơ cấu nông nghiệp phải gắn với tái cơ cấu công nghiệp, dịch vụ để chuyển đổi lao động - việc làm nông thôn.

Nhằm giải quyết những mâu thuẫn nội tại gắn liền với thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Kế hoạch số 6718/KHHĐ-UBND, ngày 19-11-2013, về Kế hoạch hành động thực hiện Quyết định số 899/QĐ-TTg, ngày 10-6-2013, của Thủ tướng Chính phủ, về phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Quyết định số 3216/QĐ-UBND, ngày 10-11-2015, về phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với chuyển đổi lao động nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Hội đồng nhân nhân tỉnh ban hành Nghị quyết số 201/2015/NQ-HĐND, ngày 22-12-2015, về một số cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016 - 2020. Trên cơ sở phân tích, đánh giá về thực trạng sản xuất nông nghiệp và lao động nông thôn những năm qua, những thay đổi về cơ chế, chính sách của Nhà nước đối với sản xuất nông nghiệp và đào tạo ngành nghề trong nông nghiệp, các nghị quyết, quyết định của Vĩnh Phúc hướng đến những mục tiêu cụ thể: Khuyến khích tích tụ đất đai; đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sản xuất nông nghiệp; xây dựng các mô hình điểm trong sản xuất nông nghiệp; tiếp tục tạo cơ chế khuyến khích, hỗ trợ nông dân trong sản xuất, tiêu thụ... Những nỗ lực trên đây từ các cấp, các ngành của tỉnh nhằm tập trung giải quyết “bài toán” tái cơ cấu ngành nông nghiệp Vĩnh Phúc giai đoạn 2016 - 2020.

Đến những giải pháp cụ thể, sát thực

Để thực hiện tốt những chủ trương đã đề ra, Vĩnh Phúc xác định, trước hết cần đổi mới về thể chế, đưa ra những giải pháp nhằm hoàn thiện và đồng bộ các cơ chế, chính sách về phát triển nông nghiệp. Từ đó, nâng cao năng lực tổ chức, tăng tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường, chú trọng vào chất lượng và năng suất, tăng khả năng tiêu thụ và sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường; tăng thu nhập cho nông dân; đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới.

Trước hết, về đất cho sản xuất nông nghiệp. Hỗ trợ cho các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh để rà soát điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sản xuất nông nghiệp; tiến hành dồn thửa, đổi ruộng để sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch. Trước mắt, làm thí điểm về dồn thửa, đổi ruộng tại một số huyện, sau đó tiến hành tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để triển khai thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh. Thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang trồng rau, quả, trồng cây thức ăn gia súc và đất nông nghiệp khác ở những địa phương đã rà soát điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp để phát triển chăn nuôi bò, lợn, chuyên canh rau, quả. Khuyến khích thuê ruộng đất để sản xuất trồng trọt quy mô lớn. Hiện nay, có 663 tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp mua, thuê gom ruộng đất để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp; trong đó, 28 tổ chức, cá nhân mua, thuê gom ruộng đất đầu tư trồng trọt, mức thuê dao động từ 10 - 30 triệu đồng/ha/năm; 485 trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản sử dụng diện tích đất khoảng 2.200ha; 47 trang trại tổng hợp sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, gom, thuê đất từ 0,5ha trở lên với diện tích 200ha. Đây được xem là bước đột phá thứ nhất nhằm khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư tích tụ đất đai.

Thứ hai, về đào tạo nông dân, lao động nông thôn chuyên nghiệp và nâng cao năng lực chủ các cơ sở sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Ưu tiên tập trung hỗ trợ đào tạo nông dân của các ngành hàng chủ lực, nông dân của các vùng sản xuất trọng điểm theo quy hoạch; lao động trong trang trại, gia trại; lao động trong doanh nghiệp nông nghiệp, thành viên hợp tác xã. Đào tạo nghề nông nghiệp gắn liền với các chuỗi ngành hàng, chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Gắn mức độ chuyên môn hóa trong lao động nông nghiệp theo sự hỗ trợ của Nhà nước và sử dụng đất nông nghiệp. Đối với các chủ trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ phục vụ nông nghiệp, cần được bổ túc, nâng cao về kỹ thuật, kỹ năng quản trị cơ sở sản xuất (tài chính, lao động, quy trình kỹ thuật...).

Thứ ba, phát triển kinh tế trang trại, hợp tác xã, thúc đẩy hợp tác, liên kết. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền để củng cố và phát triển kinh tế tập thể. Hỗ trợ chuyển đổi các hợp tác xã cũ theo đúng Luật Hợp tác xã 2012; phát triển các hợp tác xã chuyên canh; tạo điều kiện cho hợp tác xã tiếp cận tín dụng, quỹ phát triển hợp tác xã... theo hướng phục vụ sản xuất quy mô lớn. Tập trung hỗ trợ các gia trại, hộ sản xuất quy mô lớn phát triển thành trang trại bằng việc: tạo điều kiện cho hộ thuê đất; hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ về vốn, bảo hiểm, quỹ khoa học - công nghệ... Cùng với đó, tạo điều kiện cho các trang trại, gia trại liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã, khuyến khích họ áp dụng các quy trình thực hành sản xuất đáp ứng vệ sinh an toàn thực phẩm; hỗ trợ quảng bá, thương mại sản phẩm.

Thứ tư, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Thực hiện các chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp như: Quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung; hỗ trợ thực hiện quy hoạch. Bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu. Thực hiện các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp theo quy định Chính phủ. Tỉnh ban hành chính sách ưu đãi, hỗ trợ đặc thù để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp thực hiện tái cơ cấu. Ưu đãi cho doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm lâu dài cho nông dân, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp định hướng xuất khẩu sản phẩm, doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, phôi giống có năng suất, chất lượng cao, doanh nghiệp kinh doanh, dịch vụ, chế biến nông sản, thương mại nông sản. Theo đó, đến nay trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có hàng trăm doanh nghiệp, nhà đầu tư tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp. Cùng với triển khai thực hiện tốt Nghị định số 210 của Chính phủ về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Vĩnh Phúc ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi; tổ chức nhiều cuộc họp, thảo luận và sẵn sàng hỗ trợ, tìm cách tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Thứ năm, tăng quy mô và sử dụng hiệu quả đầu tư công cho nông nghiệp, nông thôn. Sửa đổi và ban hành một số cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ tập trung vào các ngành hàng chủ lực (bò, lợn, rau quả), các vùng sản xuất trọng điểm, các cơ sở sản xuất an toàn, chuỗi ngành hàng có liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Tăng đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, ưu tiên đầu tư vào việc tăng chất lượng giống, công nghệ kỹ thuật cao, công nghệ sạch, công nghệ mới, bảo vệ môi trường, nâng cao kỹ năng người sản xuất; cho nghiên cứu khoa học về chính sách, thể chế phục vụ tái cơ cấu của tỉnh. Mở rộng đối tượng tiếp cận hỗ trợ nghiên cứu, phát triển khoa học - công nghệ cho khu vực tư nhân. Do đó, nhiều đề tài, dự án khoa học và công nghệ thuộc lĩnh vực nông - lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới, các đề tài được ứng dụng rộng rãi vào thực tế đời sống góp phần quan trọng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Thứ sáu, đổi mới phương thức cung cấp dịch vụ công về nông nghiệp. Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về nông nghiệp, nông thôn ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã); nghiên cứu đổi mới mô hình tổ chức cung cấp dịch vụ công đối với các đơn vị sự nghiệp thuộc ngành nông nghiệp. Nâng cao năng lực cho cán bộ nông nghiệp cơ sở. Nghiên cứu tổ chức lại bộ máy hỗ trợ phát triển nông nghiệp cấp xã (khuyến nông, bảo vệ thực vật, thú y,...). Xã hội hóa dịch vụ công nông nghiệp. Ưu tiên cung cấp dịch vụ công cho các ngành hàng chủ lực, vùng sản xuất hàng hóa trọng điểm. Nhà nước tập trung vào những dịch vụ công mới để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, quản lý chất lượng, phòng chống rủi ro, bảo vệ môi trường...

Và một số kết quả bước đầu, khả quan

Sau hơn 2 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp (2015 - 2017), với nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực đã mở ra hướng mới cho phát triển nông nghiệp - nông thôn, cơ bản giải quyết được những “vùng lõm” còn tồn tại trong nông nghiệp, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, kinh tế nông nghiệp liên tục tăng trưởng và chuyển dịch tích cực; tỷ trọng trồng trọt giảm, chăn nuôi tăng dần; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông nghiệp, nông thôn được đầu tư nâng cấp; diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc; đời sống nông dân ngày càng được nâng cao.

Giá trị sản xuất toàn ngành năm 2016 (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 9.539,64 tỷ đồng. Tỷ trọng trồng trọt giảm còn 34,8%, tỷ trọng chăn nuôi tăng lên 55,56% và trở thành ngành sản xuất chính trong nông nghiệp. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông nghiệp, nông thôn được đầu tư nâng cấp. Kinh tế trang trại phát triển cả về số lượng và quy mô, trên địa bàn toàn tỉnh có 1.103 trang trại chăn nuôi lợn, gia cầm đủ tiêu chí; kinh tế hộ có sự chuyển dịch mạnh và rõ nét. Đời sống nông dân không ngừng được cải thiện; thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 2,5%; tỷ lệ lao động nông nghiệp giảm còn 37,2%.

Nhìn khái quát, nông nghiệp phát triển theo hướng CNH, HĐH, tổ chức sản xuất theo hướng thâm canh hóa, tập trung hóa và chuyên môn hóa; lấy năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh làm mục tiêu phát triển. Các chỉ tiêu chính về nông nghiệp trong từng giai đoạn đều đạt và vượt mục tiêu do Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra. Sản xuất phát triển toàn diện, cơ cấu cây trồng - vật nuôi chuyển dịch tích cực, người nông dân đã chuyển hẳn sang tư duy sản xuất hàng hóa. Sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng lương thực, thực phẩm và có sản phẩm hàng hóa.

Về trồng trọt, chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng và mùa vụ theo hướng sản xuất hàng hóa, phù hợp với điều kiện tự nhiên - xã hội của tỉnh, từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm và thu nhập cho nông dân. Năm 2016, giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác đạt 135 triệu đồng/ha. Vĩnh Phúc được cả nước biết đến là một trong những tỉnh dẫn đầu miền Bắc về sản xuất 3 vụ ổn định trong năm, trong đó vụ Đông là vụ sản xuất hàng hóa cho năng suất và giá trị kinh tế cao. Hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, các cây trồng có giá trị kinh tế cao như: Lúa chất lượng, rau, hoa, cây cảnh và ngô biến đổi gen được mở rộng diện tích. Một số sản phẩm đặc trưng đã xây dựng được thương hiệu sản phẩm như: dưa chuột An Hòa (Tam Dương), su su Tam Đảo, Thanh Long ruột đỏ Lập Thạch...

Riêng sản phẩm rau quả của Vĩnh Phúc có cơ hội và tiềm năng phát triển thành ngành hàng chủ lực bởi các lợi thế về năng suất, khí hậu, đất đai, hệ thống giao thông và đặc biệt là hệ thống phân phối. Đến nay, tỉnh hỗ trợ sản xuất rau quả hàng hóa an toàn theo VietGAP ước thực hiện được 1.098,5 ha; hỗ trợ sản xuất rau ăn lá theo quy trình VietGAP được 100 ha. Các tiến bộ kỹ thuật mới được áp dụng rộng rãi, cơ giới hóa được đưa vào hầu hết các khâu của quá trình sản xuất đã tạo ra năng suất lao động cao, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn.

Thực hiện các cơ chế đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất và tái cơ cấu ngành nông nghiệp, năng suất các loại cây trồng không ngừng tăng, đặc biệt là năng suất lúa hiện nay đạt trên 5 tấn/ha/năm. Sản phẩm nông nghiệp bảo đảm về nhu cầu lương thực, thực phẩm trong tỉnh, góp phần phát triển chăn nuôi và cung cấp lượng hàng hóa lớn cho các tỉnh, thành phố lân cận và các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó một số sản phẩm hàng hóa được xuất khẩu sang các thị trường thế giới.

Về chăn nuôi, những năm gần đây, Vĩnh phúc được đánh giá là một trong những tỉnh có bước tiến nổi bật trong chăn nuôi. Để đáp ứng về số lượng, chất lượng và các điều kiện về y tế, môi trường, Vĩnh Phúc có những cơ chế, chính sách hỗ trợ, đầu tư để đưa chăn nuôi thành ngành hàng chủ lực. Trong đó đặc biệt chú trọng tới công tác nâng cao phẩm chất giống, xử lý chất thải chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi và quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung. Đến nay, sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh cả về chất và lượng, giá trị sản xuất chăn nuôi chiếm 55,56% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi được áp dụng rộng rãi, nhiều giống gia súc, gia cầm có chất lượng tốt được đưa vào sản xuất. Thực hiện thay đổi từ phương thức chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi công nghiệp và bán công nghiệp, đưa chăn nuôi trở thành mũi đột phá trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp. Xuất hiện ngày càng nhiều điển hình thâm canh thủy sản. Sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2016 đạt khoảng 17,175 ngàn tấn. Hình thức và đối tượng nuôi trồng thủy sản được cải tiến và đa dạng hóa từ hình thức quảng canh, quảng canh cải tiến, nuôi ghép. Đến nay, đã chuyển sang nuôi trồng thủy sản theo hình thức bán thâm canh và thâm canh, với nhiều giống cá cho năng suất cao.

Để phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Vĩnh Phúc tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, trước hết là triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, tiếp tục rà soát, nghiên cứu bổ sung chính sách để thúc đẩy tạo sự chuyển biến rõ rệt về năng suất, chất lượng và hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững, cải thiện thu nhập cho nông dân. Phát triển sản xuất theo hướng liên kết chặt chẽ giữa hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả, từng bước đưa nông nghiệp lên sản xuất quy mô lớn, giá trị gia tăng cao. Khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị quyết số 202/2015/NQ-HĐND, của Hội đồng nhân dân tỉnh. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ trọng ngành chăn nuôi trong cơ cấu giá trị toàn ngành đạt 56%; diện tích các giống lúa chất lượng và chất lượng cao đạt 75% - 80%; tỷ lệ dân nông thôn được cấp nước hợp vệ sinh đạt 100%, tỷ lệ che phủ rừng đạt 25% và sớm hoàn thành tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới./.