TCCSĐT - Nhằm nhìn nhận, đánh giá bức tranh tổng quan về thị trường bất động sản trong những năm vừa qua, đặc biệt là năm 2017, đưa ra dự báo về xu hướng phát triển thị trường bất động sản năm 2018 và những năm tiếp theo, dưới sự bảo trợ của Bộ Xây dựng, Diễn đàn bất động sản Việt Nam thường niên lần thứ nhất năm 2017 được tổ chức tại Hà Nội, ngày 15-11-2017.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Trần Nam, những năm gần đây, đặc biệt là từ đầu năm 2017, cùng với đà tăng trưởng mạnh của nền kinh tế, thị trường bất động sản có bước tăng trưởng mới. Lượng tồn kho bất động sản giảm triệt để. Nhiều phân khúc thị trường phát triển. Hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản có sự thay đổi tích cực. Sự hồi phục của thị trường bất động sản góp phần vào việc thực hiện Chiến lược quốc gia về nhà ở, tạo đà cho sự phát triển của các ngành liên quan.

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết: từ năm 2013 đến nay, thị trường bất động sản từng bước được hồi phục; tính thanh khoản của thị trường bất động sản tăng ở hầu hết các phân khúc, sản phẩm; giao dịch tăng trở lại và duy trì mức khá; cơ cấu hàng hóa bất động sản được điều chỉnh hợp lý, hướng tới nhu cầu thực và khả năng thanh toán của thị trường. Mặt bằng giá cả bất động sản ngày càng ổn định, phù hợp hơn với khả năng chi trả của đa số người dân; lượng tồn kho bất động sản giảm; lĩnh vực đầu tư bất động sản vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhiều dự án nhà ở, khu đô thị mới, khu du lịch nghỉ dưỡng, kinh doanh dịch vụ thương mại,… với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội đồng bộ, hiện đại được hình thành có tầm cỡ quốc tế, làm thay đổi diện mạo bộ mặt các đô thị.

Dự báo trong năm 2018, thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu biến động lớn. Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản vẫn còn một số biểu hiện, như: nguồn vốn đầu tư kinh doanh bất động sản chưa đa dạng; cơ cấu hàng hóa bất động sản tuy đã được điều chỉnh từng bước, nhưng chưa hợp lý và chưa được kiểm soát chặt chẽ, có biểu hiện dư cung ở một số bất động sản cao cấp nhưng lại thiếu ở phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp; một số doanh nghiệp tập trung phát triển bất động sản cao cấp, nghỉ dưỡng mà chưa thực sự quan tâm đầu tư phân khúc nhà ở bình dân, nhà ở thương mại giá rẻ, nhà cho thuê, nhà ở xã hội… để đáp ứng nhu cầu cho đại bộ phận người dân, đặc biệt là người nghèo, người thu nhập thấp, công nhân tại các khu công nghiệp. Tính minh bạch, công khai thị trường bất động sản còn yếu. Năng lực một số chủ thể tham gia vào thị trường bất động sản còn hạn chế. Một số doanh nghiệp triển khai dự án chưa phù hợp, chậm tiến độ, lãng phí đất đai làm cản trở sự phát triển. Bộ Xây dựng đang xây dựng đề án đánh giá thị trường, dự báo xu hướng trung hạn và đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh để trình Chính phủ. Đề án sẽ có đổi mới về một số vấn đề quan trọng, như: công cụ thuế, phương pháp lý luận mới hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn mới; sử dụng đất nguồn lực thấp gây lãng phí; về phát triển nhà ở xã hội theo xu thế, công nghệ mới phù hợp Việt Nam hiện nay….

“Diễn đàn Bất động sản Việt Nam thường niên lần thứ nhất góp phần nhìn nhận khách quan, đánh giá đúng thực trạng thị trường bất động sản hiện nay; giúp cơ quan quản lý nhà nước có những giải pháp hiệu quả phù hợp thiết thực, nhằm tăng cường công tác quản lý, điều tiết thị trường, bảo đảm thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, hiệu quả, thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ, phát triển đô thị xanh, công trình xanh nhiều hơn”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà khẳng định.

Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Nguyễn Trọng Ninh đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, bền vững, trong đó cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp lý liên quan đến thị trường bất động sản, như: cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội theo hướng giảm sự phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước; gắn kết giữa dự án nhà ở xã hội và nhà ở thương mại để bảo đảm sự đồng bộ về mục tiêu và khai thác sử dụng chung về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội. Hoàn thiện hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản theo nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 117/2015/NĐ-CP, ngày 17-11-2015… Đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách thuế để điều tiết hợp lý nguồn thu, khắc phục tình trạng đầu cơ bất động sản…

Về phía các địa phương, cần tạo điều kiện để doanh nghiệp triển khai các dự án có cơ cấu căn hộ vừa và nhỏ, giá cả hợp lý; cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thủ tục đầu tư để đẩy nhanh việc triển khai các dự án bất động sản; kiểm tra, rà soát các dự án chậm triển khai để thực hiện điều chỉnh tiến độ, quy hoạch, cơ cấu căn hộ phù hợp với thị trường…; nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường, kịp thời có các biện pháp ổn định thị trường, phòng ngừa, ngăn chặn hiện tượng đầu cơ, mua bán, chuyển nhượng bất động sản trái pháp luật.

Chiều cùng ngày, các đại biểu tập trung thảo luận, trao đổi về các chuyên đề “Nhà ở thương mại giá rẻ và Nhà ở xã hội”, “Cải tạo chung cư cũ”, “Công trình xanh”, “Bất động sản nghỉ dưỡng”. Các chủ đầu tư, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản có nhiều đề xuất, kiến nghị đến cơ quan quản lý nhà nước về các vấn đề đang tồn tại, vướng mắc cần giải quyết./.