Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 17 đến ngày 23-10-2016)

Gia Bảo (tổng hợp từ TTXVN, chinhphu.vn)
16:23, ngày 24-10-2016

TCCSĐT - Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ bố trí nguồn để tăng lương cơ sở thêm 7% trong năm 2017.

Hơn 5.000 dòng thuế về 0% khi FTA Việt Nam - EAEU có hiệu lực

Theo Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU), sẽ có gần 5.000 dòng thuế cắt giảm về 0% theo Nghị định số 137/2016/NĐ-CP của Chính phủ và và Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2018. Lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu được thực hiện theo 3 giai đoạn: từ nay đến cuối năm (hết ngày 31-12); từ 01-01-2017 đến hết 31-12-2017; từ 01-01-2018 đến hết 31-12-2018.

Cụ thể, từ nay tới hết năm 2017, thuế suất nhập khẩu của 4.959 dòng thuế sẽ được cắt giảm về 0% ngay khi FTA Việt Nam - EAEU có hiệu lực, chiếm 52,4% tổng biểu. Các nhóm hàng được giảm gồm nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất như nguyên phụ liệu dệt may - da giày, chất dẻo nguyên liệu...; cùng với một số nhóm hàng là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như: giày dép, quần áo, thủy sản, linh kiện và sản phẩm điện tử, chè, càphê, rau quả..., sản phẩm cao su, sữa, một số loại sắt thép và sản phẩm sắt thép, hóa chất, máy móc thiết bị...

Sang năm 2018, có thêm 144 dòng thuế được cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu về 0%, tăng tổng số dòng thuế có mức thuế suất thuế nhập khẩu 0% lên 5.103 dòng, chiếm khoảng 54% tổng biểu thuế.

Quy hoạch xây dựng vùng Thành phố Hồ Chí Minh theo mô hình tập trung đa cực


Chiều 19-10, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị thẩm định điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, Chủ tịch Hội đồng thẩm định, đánh giá, sau 6 năm thực hiện Quy hoạch vùng Thành phố Hồ Chí Minh theo Quyết định 589/QĐ-TTg ngày 20-5-2008, đến nay đã xuất hiện những nhân tố, tư duy, thách thức và cơ hội mới cần có sự điều chỉnh kịp thời.

Đặc biệt vùng Thành phố Hồ Chí Minh nằm ở vị trí chiến lược, có cơ hội hình thành siêu đô thị và là cực tăng trưởng của khu vực kinh tế phía Nam nên việc điều chỉnh quy hoạch càng phải bám sát nhu cầu phát triển thực tiễn của khu vực này; đáp ứng đồng bộ các yếu tố để phát triển toàn diện.

Quy hoạch xây dựng vùng Thành phố Hồ Chí Minh đã góp phần cụ thể hóa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đông Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; hoạch định và thúc đẩy phát triển kinh tế vùng và quốc gia; nâng cao chất lượng sống của người dân trong vùng và phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.

Dự kiến, các đóng góp Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2016.

Đề xuất tăng lương cơ sở thêm 7%, lên mức 1,3 triệu đồng mỗi tháng

Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ bố trí nguồn để tăng lương cơ sở thêm 7% trong năm 2017. Chính phủ dự toán bội chi ngân sách Nhà nước năm 2017 là khoảng 3,5% GDP. Đây là mức dự toán theo Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015.

Theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, bội chi năm 2017 bao gồm cả bội chi ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, bao gồm cả trái phiếu Chính phủ nhưng không bao gồm chi trả nợ gốc.

Trong điều kiện giá cả tăng cao, đời sống cán bộ, công chức gặp không ít khó khăn, một số thành viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề xuất tăng lương cơ sở thêm 7% trong năm 2017, đạt mức 1,3 triệu đồng/tháng. Các thành viên này đề nghị Chính phủ cân nhắc bố trí nguồn để thực hiện đề án cải cách tiền lương. Tuy nhiên, việc điều chỉnh tiền lương phải đi đôi với tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy hành chính Nhà nước, nâng cao hiệu quả công việc, đồng thời phải cân nhắc, tính toán kỹ, xác định rõ nguồn thực hiện điều chỉnh lương và tính khả thi khi yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tự sắp xếp, tiết kiệm trong dự toán được giao để tạo nguồn điều chỉnh tiền lương.

Hội nghị thượng đỉnh EU: Tập trung chính sách thương mại

Ngày 21-10, tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) các nhà lãnh đạo châu Âu tái khẳng định sự ủng hộ đối với tự do thương mại toàn cầu đồng thời tuyên bố việc bảo vệ các tiêu chuẩn về môi trường và xã hội ở châu Âu là một phần của lợi ích thương mại của EU.

Hội nghị nhấn mạnh sự cần thiết đấu tranh "một cách hiệu quả và mạnh mẽ" chống gian lận thương mại và dự kiến dự thảo luật hiện đại hóa các công cụ phòng vệ thương mại của EU sẽ được thông qua vào cuối năm 2016.

Tại cuộc họp báo kết thúc hội nghị, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã thông báo kết quả các cuộc thảo luận liên quan đến các chính sách thương mại của EU và những cản trở khiến thỏa thuận kinh tế thương mại EU - Canada (CETA) chưa được thông qua.

Liên quan đến lĩnh vực đối ngoại, giới lãnh đạo EU đã dành một buổi thảo luận về phương hướng chiến lược quan hệ với nước Nga. Dù ba nước lớn nhất châu Âu là Anh, Pháp và Đức chủ trương đưa ra những biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga liên quan đến cuộc xung đột Syria, song cuối cùng thông cáo chung của hội nghị chỉ tuyên bố EU sẽ xem xét mọi khả năng, bao gồm đưa ra biện pháp trừng phạt bổ sung, trong trường hợp chiến dịch không kích hiện nay của Nga ở thành phố Aleppo tiếp diễn.

Về vấn đề người di cư, các lãnh đạo Liên minh châu Âu nhất trí cho rằng EU cần nỗ lực giảm số lượng người di cư trái phép đến châu Âu đồng thời đẩy mạnh việc hồi hương người nhập cư trái phép về nước.

Lần đầu tham dự Hội nghị thượng đỉnh EU, Thủ tướng Anh, bà Theresa May đã trấn an các lãnh đạo EU rằng sẽ không có một Brexit "cứng" mà quá trình nước Anh tách khỏi EU sẽ được tiến hành thận trọng để giảm thiểu các hệ quả tiêu cực. Thủ tướng Anh cũng cam kết trong tương lai hậu Brexit nước Anh sẽ vẫn là một "đối tác tin cậy và thân thiết" của EU.

WB cảnh báo tốc độ giảm nghèo của Mỹ Latinh đang chậm lại

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố cho biết tốc độ giảm nghèo của Mỹ Latinh và Caribe đã chậm lại kể từ năm 2012 và khu vực này tiếp tục tụt hậu trong việc tiếp cận các dịch vụ cơ bản của các nhóm dễ bị tổn thương như trẻ em.

Tại khu vực Mỹ Latinh, trong giai đoạn 2000 - 2014, tỷ lệ người cực nghèo (những người sống với thu nhập thấp hơn 2,5 USD/ngày) tại khu vực đã giảm từ 25,5% xuống 10,8%. Tuy nhiên, tốc độ giảm nghèo từ năm 2012 tới nay đã chậm lại do tác động của suy giảm kinh tế. Ngoài ra, Mỹ Latinh là một trong những khu vực có tỷ lệ bất bình đẳng nhất cao nhất thế giới.

Báo cáo của WB cũng chỉ ra rằng các chỉ số về tiếp cận Internet, nước sạch, vệ sinh của Mỹ Latinh vẫn ở mức rất thấp và phân phối không đồng đều, có sự khác biệt lớn giữa các vùng trong một quốc gia và giữa các quốc gia trong khu vực. Mặc dù đã đạt thành quả trong việc phổ cập giáo dục tiểu học và dịch vụ điện, nhưng khu vực vẫn tụt hậu trong việc tiếp cận các dịch vụ cơ bản như vệ sinh môi trường và nước sinh hoạt, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em. Những thành tựu giảm nghèo của khu vực hiện đang bị đe dọa bởi tình trạng suy thoái kinh tế.

Mới đây, Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe của Liên hợp quốc (CEPAL) đã dự báo kinh tế của khu vực sẽ giảm 0,9% trong năm nay. Bên cạnh đó, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đưa ra cảnh báo mức tăng trưởng kinh tế và tăng thu nhập bình quân đầu người của các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe là chưa đủ để giảm bất bình đẳng xã hội và đói nghèo.

Theo Báo cáo Phát triển Con người ở Mỹ Latinh và Caribe của UNDP, trong vòng 15 năm qua, hơn 72 triệu người tại khu vực đã thoát khỏi tình trạng đói nghèo và 94 triệu người đã gia nhập tầng lớp trung lưu với tăng trưởng kinh tế và hội nhập xã hội cao. Tuy nhiên, gần 30 triệu người đang đối diện nguy cơ tái nghèo và phần lớn là thanh niên và phụ nữ có việc làm bấp bênh trong ngành dịch vụ./.