Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 18 đến ngày 24-7-2016)

Gia Bảo (tổng hợp từ TTXVN, vtv, chinh phu.vn)
21:06, ngày 26-07-2016

TCCSĐT - Theo một nghiên cứu mới công bố ngày 19-7 của Liên hợp quốc, nhiệt độ ngày càng tăng lên do tình trạng biến đổi khí hậu gây ra có thể khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại hơn 2.000 tỷ USD vào năm 2030 vì năng suất giảm tại những nơi nóng bức.

Sử dụng sai kinh phí, 21/50 tỉnh thành bị đòi hơn 1.600 tỷ đồng

Tình trạng sử dụng sai nguồn kinh phí xảy ra ở nhiều địa phương khi có tới 21/50 tỉnh, thành phố được kiểm toán bị cơ quan chức năng kiến nghị bố trí hoàn trả hơn 1.600 tỷ đồng. Theo kết quả kiểm toán năm 2015 về lĩnh vực chi thường xuyên vừa được Kiểm toán Nhà nước cho biết, thực tế có tình trạng một số địa phương hụt thu ngân sách cấp tỉnh hoặc ngân sách cấp huyện nhưng không thực hiện rà soát, cắt giảm nhiệm vụ chi. Đơn cử cho tình trạng này là thành phố Cần Thơ, tỉnh Quảng Nam, Hậu Giang, Đắk Lắk, Quảng Ngãi, Kiên Giang, Phú Yên.

Đặc biệt, theo đánh giá, tình trạng sử dụng sai nguồn kinh phí xảy ra ở nhiều địa phương được kiểm toán. Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị 21/50 tỉnh, thành phố được kiểm toán bố trí hoàn trả nguồn 1.608 tỷ đồng. Trong số này, một số địa phương phải bố trí nguồn hoàn trả lớn như: Tỉnh An Giang 563 tỷ đồng, Vĩnh Long 297 tỷ đồng, Thanh Hóa 289 tỷ đồng, Hưng Yên 109 tỷ đồng,... Thậm chí, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra việc trong điều hành ngân sách còn sử dụng 107,8 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, nguồn cải cách tiền lương, nguồn bổ sung có mục tiêu... để bổ sung chi thường xuyên sai quy định hoặc để bù hụt thu không đúng quy định.

Đặc biệt, tại tỉnh Quảng Nam, huyện Phước Sơn được Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép sử dụng 36,5 tỷ đồng nguồn cải cách tiền lương để bù hụt thu năm 2014; Đắk Lắk sử dụng nguồn cải cách tiền lương để bù hụt thu cân đối 32,4 tỷ đồng; Hậu Giang sử dụng nguồn thu sử dụng đất bù hụt thu 9,2 tỷ đồng.

Báo cáo của ngành kiểm toán cũng nhắc tới việc: Ngân sách Trung ương còn cấp bổ sung có mục tiêu cho một số địa phương nhưng thực tế không có mục tiêu, nội dung chi cụ thể, địa phương đã hòa chung để bổ sung cân đối 715 tỷ đồng. Những địa phương bị điểm tên là: tỉnh Đắk Lắk 225 tỷ đồng, Gia Lai 148 tỷ đồng, Quảng Nam 139 tỷ đồng, Lai Châu 128 tỷ đồng, Kon Tum 75 tỷ đồng.

Theo đại diện Kiểm toán Nhà nước, hầu hết các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương được kiểm toán đều còn tình trạng chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức. Phía Kiểm toán Nhà nước qua đó đã kiến nghị thu hồi nộp ngân sách 183 tỷ đồng.

Việt Nam và Hoa Kỳ ký thỏa thuận về chống bán phá giá tôm nhập khẩu

Ngày 18-7 (sáng 19-7 theo giờ Việt Nam), tại Washington, Hoa Kỳ, Bộ Công Thương Việt Nam đã ký Thỏa thuận với Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) và Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) liên quan đến việc áp thuế chống bán phá giá của Hoa Kỳ đối với sản phẩm tôm nhập khẩu từ Việt Nam. Theo đó, hai bên đã đạt được giải pháp song phương để giải quyết các vấn đề tranh chấp trong 2 vụ việc giải quyết tranh chấp tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là vụ DS404 và DS429 (Việt Nam kiện Hoa Kỳ vi phạm các quy định của WTO khi áp dụng thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm tôm của Việt Nam).

Trước đó, ngày 20-5, theo yêu cầu của Việt Nam, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã triển khai các bước thủ tục để thực thi các phán quyết của WTO. Theo đó, DOC đã ban hành kết luận sơ bộ để sửa lại biên độ phá giá của Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Minh Phú) và xem xét dỡ bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá cho Minh Phú.

Biên độ phá giá của Minh Phú, theo kết luận sơ bộ của DOC là 0%, có nghĩa là Minh Phú không bán phá giá sản phẩm tôm vào Hoa Kỳ. Đồng thời, DOC cũng đề xuất dỡ bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá tôm cho Minh Phú vì Minh Phú đã thỏa mãn các tiêu chí về việc dỡ bỏ lệnh áp thuế riêng cho từng công ty. Cụ thể là, với kết luận mới nhất của DOC, Minh Phú đã đạt được biên độ phá giá bằng 0% (hoặc ở mức không đáng kể) trong 3 đợt rà soát hành chính liên tiếp.

Với kết luận và đề xuất này của DOC thì Minh Phú, với tư cách là nhà xuất khẩu tôm hàng đầu của Việt Nam, đã được đưa ra khỏi diện áp thuế chống bán phá giá khi xuất khẩu tôm vào thị trường Hoa Kỳ. Không những thế, một phần thuế chống bán phá giá mà Minh Phú đã tạm nộp trong những năm trước đây sẽ được hoàn lại cho Minh Phú, dự kiến lên tới nhiều triệu USD.

Việc Việt Nam và Hoa Kỳ đạt được giải pháp song phương để giải quyết vụ kiện tôm là kết quả của thiện chí và nỗ lực đàm phán từ cả 2 phía. Phía Việt Nam hoan nghênh tinh thần xây dựng, thái độ thiện chí và nỗ lực tìm kiếm giải pháp của phía Hoa Kỳ, đặc biệt là của DOC và USTR. Phía Việt Nam cho rằng việc Hoa Kỳ thực thi phán quyết của WTO là việc làm đúng đắn và có lợi cho Hoa Kỳ, cho thấy Hoa Kỳ tôn trọng các nghĩa vụ của mình tại WTO và luôn nỗ lực để củng cố hệ thống thương mại đa phương như Hoa Kỳ nhiều lần tuyên bố.

Việc Hoa Kỳ thực thi phán quyết của WTO cũng góp phần quan trọng trong việc thể hiện thiện chí tăng cường mối quan hệ nhiều mặt giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, nhất là trong bối cảnh 2 nước cùng là bên ký kết và cùng hướng đến việc phê chuẩn và thực thi có hiệu quả một hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao là Hiệp định TPP.

Về phía Việt Nam, đây là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ, bền bỉ và tích cực trong nhiều năm qua giữa Chính phủ, các luật sư tư vấn cho Chính phủ với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và các doanh nghiệp ngành tôm, đặc biệt là Minh Phú.

Giải pháp song phương này cho thấy Chính phủ Việt Nam luôn sẵn sàng sử dụng các diễn đàn phù hợp, bao gồm cả cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO, để bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế.

Kinh tế toàn cầu có thể “bốc hơi” 2.000 tỷ USD vì Trái Đất ấm lên

Theo một nghiên cứu mới công bố ngày 19-7 của Liên hợp quốc, nhiệt độ ngày càng tăng lên do tình trạng biến đổi khí hậu gây ra có thể khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại hơn 2.000 tỷ USD vào năm 2030 vì năng suất giảm tại những nơi nóng bức.

Nghiên cứu trên cho thấy riêng tại khu vực Đông Nam Á, thời gian làm việc hằng năm của các lao động trong điều kiện nhiệt độ cực cao có thể đã giảm 20%, và con số này sẽ tăng gấp hai lần vào năm 2050 do ảnh hưởng gia tăng của biến đổi khí hậu.

Nhà nghiên cứu Tord Kjellstrom cho hay có khoảng 43 quốc gia trên thế giới sẽ chứng kiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sụt giảm do năng suất lao động giảm. Phần lớn các nước này là ở châu Á như Indonesia, Malaysia, Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh.

GDP của Indonesia và Thái Lan có thể giảm khoảng 6% vào năm 2030, trong khi GDP của Trung Quốc sẽ giảm khoảng 0,8% và tại Ấn Độ sụt giảm khoảng 3,2%.

Ông Kjellstrom nhận định điều kiện khí hậu hiện nay ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới trên thế giới đã rất nóng trong mùa khô nóng, ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng làm việc của nhiều người lao động. Do đó nhu cầu cần nghỉ ngơi ngày càng tăng lên "có khả năng sẽ trở thành một vấn đề đáng lưu ý”.

Một báo cáo khác cho thấy khoảng 2,1 triệu người trên toàn thế giới đã chết trong thời gian từ năm 1980 đến năm 2012 bởi gần 21.000 thảm họa thiên nhiên như lũ lụt, lở đất, nhiệt độ nóng cực đoan, hạn hán, bão gió hoặc hỏa hoạn. Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, 1,2 tỷ người đã bị tác động bởi 1.215 thảm họa, chủ yếu là lũ lụt, lốc xoáy và sạt lở đất kể từ năm 2000. Hồi tháng Tư, 175 nước đã chính thức ký kết Thỏa thuận khí hậu Paris nhằm kiềm chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức "dưới 2 độ C” so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tiếp tục bơm tiền vào thị trường

Ngày 21-7, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC - Ngân hàng Trung ương) tiếp tục bơm tiền vào thị trường ngày thứ tư liên tiếp. PBOC đã đưa 30 tỷ nhân dân tệ (khoảng 4,9 tỷ USD) vào thị trường thông qua các thỏa thuận repo (theo đó các ngân hàng Trung ương mua cổ phiếu của các ngân hàng thương mại và khi đáo hạn sẽ bán lại cho các ngân hàng này).

Thời hạn của các thỏa thuận repo nói trên là 7 ngày với lãi suất 2,25%. Các repo với tổng giá trị 20 tỷ nhân dân tệ đáo hạn ngày 21-7, như vậy trên thực tế PBOC đã bơm 10 tỷ nhân dân tệ vào thị trường tài chính. Trong tuần này, PBOC đã bơm tổng cộng 105 tỷ nhân dân tệ vào thị trường thông qua các thỏa thuận repo.

Trước đó, ngày 18-7 PBOC cũng đã "bơm" tiền vào thị trường liên ngân hàng nhằm tăng tính thanh khoản. PBOC đã đưa 50 tỷ nhân dân tệ (7,6 tỷ USD) vào thị trường thông qua các thỏa thuận bán và mua lại cổ phiếu (repo) với thời hạn 7 ngày.

Trong năm nay, PBOC đã thường xuyên áp dụng hình thức repo và các giao dịch tiền mặt khác nhằm giảm bớt tình trạng khan hiếm tiền mặt trên thị trường, thay vì cắt giảm lãi suất hoặc tỷ lệ dự trữ bắt buộc.

Indonesia mời nước ngoài đầu tư vào vùng biển giàu có Natuna

Chính phủ Indonesia đang xem xét mời các nhà đầu tư nước ngoài để thành lập một liên doanh trong lĩnh vực thủy sản ở huyện đảo Natuna, thuộc tỉnh Riau. Bộ trưởng Điều phối về chính trị, pháp lý và vấn đề an ninh, Luhut Binsar Pandjaitan, cho biết với việc kêu gọi đầu tư, cơ hội hợp tác và phát triển sẽ được mở rộng đối với ngành công nghiệp thủy sản ở Natuna, khu vực ước tính đạt năng suất 1 triệu tấn cá mỗi năm.

Indonesia đã mời Trung Quốc và Nhật Bản hỗ trợ trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế và tạo việc làm cho người dân địa phương. Hiện khu vực này có hàng ngàn ngư dân truyền thống hoạt động với lượng tàu thuyền chủ yếu có trọng tải khoảng 30GWT và được phép đánh bắt cá ở vùng biển Natuna. Chính phủ cũng sẽ thiết lập một lộ trình cho các giai đoạn khai thác hải sản trong vùng biển Natuna để bảo đảm tính bền vững của nghề cá ở khu vực.

Theo ước tính, nếu khai thác thường xuyên, Natuna có thể sẽ thu được khoảng 100.000 tỷ rupiah (khoảng 80 triệu USD) và đóng góp cho doanh thu nhà nước mỗi năm. Tổng thống Joko Widodo đã ra lệnh xây dựng kết cấu hạ tầng và một kho lạnh ở Natuna để phát triển ngành thủy sản. Dự kiến, Natuna sẽ được phát triển thành một trung tâm bán đấu giá cá của khu vực, tương tự như ở Nhật Bản. Tổng thống Widodo nhấn mạnh rằng ngành công nghiệp thủy sản ở Natuna cần được đẩy mạnh và tăng tốc phát triển bởi khu vực này hiện mới được khai thác khoảng 9% tiềm năng của mình.

G20 cam kết dùng mọi công cụ chính sách để thúc đẩy tăng trưởng

Sau hai ngày làm việc, chiều 24-7, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã bế mạc tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Tây Nam Trung Quốc, với việc ra tuyên bố chung trong đó nhắc lại cam kết sử dụng mọi công cụ chính sách để hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu.

Trong tuyên bố chung, các nước thành viên G20, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Anh và Đức, thừa nhận tiến trình phục hồi của nền kinh tế toàn cầu vẫn tiếp diễn, song yếu hơn kỳ vọng. G20 cam kết sẽ sử dụng "tất cả các công cụ chính sách", trong đó có các biện pháp tiền tệ, tài chính và cơ cấu, nhằm tăng cường lòng tin và thúc đẩy tăng trưởng, qua đó hướng đến việc đạt được "các mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và toàn diện".

Đại diện các nước cũng phản đối mọi hình thức bảo hộ thương mại, đồng thời cam kết không phá giá tiền tệ để thúc đẩy xuất khẩu. Ngoài ra, tuyên bố cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm thiểu dư thừa năng lực sản xuất công nghiệp trong ngành thép và các ngành công nghiệp khác, vốn dẫn đến tình trạng thừa cung và giá cả hàng hóa sụt giảm.

Tuyên bố cũng nhận định việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, đặt ra nhiều nguy cơ đối với kinh tế thế giới, trước hết là tạo thêm bất ổn cho nền kinh tế, song các nước thành viên G20 đã sẵn sàng chủ động ứng phó với những tác động tài chính và kinh tế tiềm tàng do "cú sốc" này mang lại. Các bộ trưởng cũng bày tỏ hy vọng trong tương lai, nước Anh sẽ là "một đối tác thân cận" của EU.

Liên quan đến vấn đề khủng bố, tuyên bố cảnh báo các cuộc tấn công khủng bố thường xuyên diễn ra với mức độ ngày càng tăng đang trở thành một mối đe dọa đối với nền kinh tế toàn cầu. Bộ trưởng các nước cũng "lên án các vụ tấn công khủng bố gần đây bằng những từ ngữ mạnh mẽ nhất", đồng thời nhấn mạnh rằng khủng bố là một trong những vấn đề làm "phức tạp" môi trường kinh tế toàn cầu. G20 cam kết sẽ ngăn chặn mọi hình thức tài trợ cho khủng bố./.