Kinh tế Việt Nam năm 2014: Những cơ hội và nhiệm vụ trọng tâm

TS. Nguyễn Minh Phong Báo Nhân Dân
22:10, ngày 20-05-2014

TCCSĐT- Kinh tế Việt Nam năm 2014 tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, như tín dụng ngân hàng chưa dễ tiếp cận, sức tiêu thụ chung của thị trường và thị trường bất động sản trong nước chậm phục hồi, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp ít đột phá, song cũng đậm dần nhiều cơ hội tích cực và rất cần những động lực mới từ phía Chính phủ, ngân hàng và mỗi doanh nghiệp…

Những cơ hội lớn

Môi trường đầu tư và cơ hội kinh doanh của Việt Nam sẽ tiếp tục được cải thiện nhờ xu hướng hồi phục kinh tế thế giới lại được cộng hưởng hiệu ứng tích cực của một loạt chính sách vĩ mô mới, nhất là từ chính sách giảm thuế (thuế thu nhập doanh nghiệp từ ngày 01-01-2014 là 22%), giảm lãi suất, chính sách nới lỏng linh hoạt tài chính và tín dụng; mở rộng và tăng tốc giải ngân đầu tư công cho các dự án trong kế hoạch; dự trữ ngoại hối tăng và tỷ giá ổn định. Các hoạt động mua bán, sáp nhập ngân hàng và doanh nghiệp, chuyển nhượng dự án, thu hút FDI sẽ tăng mạnh trong năm 2014, nhất là những lĩnh vực giàu tiềm năng của Việt Nam, nhờ lực đẩy của Nghị định số 01/2014/NÐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 20-2-2014) về việc nới tổng mức sở hữu cổ phần tối đa của các nhà đầu tư nước ngoài tại một tổ chức tín dụng Việt Nam từ 15% lên tới mức không vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam (cao hơn 5% so với quy định cũ tại Nghị định số 69, ban hành vào năm 2007). Hơn nữa, Nghị định còn cho phép các nhà đầu tư chiến lược là các tổ chức nước ngoài và các cá nhân được đầu tư mạnh hơn với tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài (bao gồm cả phần vốn ủy thác cho tổ chức, cá nhân khác mua cổ phần tại ngân hàng trong nước) không vượt quá 30% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam. Ðặc biệt, trong trường hợp tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém, mức 30% này có thể được nâng lên không hạn chế, tùy thuộc quyết định của Thủ tướng. Quá trình trên còn đuợc cộng hưởng bởi sự tăng tốc của quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước trong năm, với cam kết mạnh mẽ của Chính phủ về đẩy mạnh tái cơ cấu chung, tăng cường công tác quản lý, giám sát, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, cùng với nỗ lực của các doanh nghiệp.

Bức tranh nợ xấu năm 2014 có thể sẽ được cải thiện không chỉ bởi nỗ lực của mỗi doanh nghiệp, nhờ dự phòng rủi ro của các tổ chức tín dụng và Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), mà còn từ sự cân nhắc thực hiện Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước và triển vọng xóa nợ tiền thuế, tiền phạt không có khả năng thu hồi phát sinh trước ngày 01-7-2007 cho 05 đối tượng doanh nghiệp nhà nước đặc thù và hộ gia đình theo tinh thần Thông tư số 179 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 17-01-2014.

Việt Nam vẫn có không ít lợi thế cạnh tranh về điều kiện tự nhiên và nguồn lao động, nhất là trong ngành thuỷ sản, nông sản, dệt may, điện tử, các sản phẩm chế tác ở mức độ công nghệ trung bình. Chi phí nhân lực trong ngành công nghệ thông tin (IT) ở Việt Nam thấp hơn 40% so với Trung Quốc và Ấn Độ.

Hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt trên 200 nước và vùng lãnh thổ với 20 nhóm xuất khẩu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Năm 2014 Việt Nam có khả năng sẽ lọt vào top 3 nước xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới. Hai nhóm hàng xuất khẩu chủ lực khác là điện tử - máy tính - linh kiện và dệt may - giày dép (chiếm tổng tỷ trọng gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu) vẫn có triển vọng tăng trưởng khả quan vì hầu hết các doanh nghiệp dệt may, giày dép đã nhận được đơn hàng quý I và quý II/2014. Hơn nữa, phần lớn các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn thuộc hàng tiêu dùng thiết yếu, nên ít thuộc diện cắt giảm tại các thị trường xuất khẩu chủ lực (Mỹ, EU...), ngay cả khi người tiêu dùng tại các thị trường này tiết giảm chi tiêu. Hiệu ứng lan tỏa từ các cam kết hội nhập mới và sự hồi phục rõ rệt của những thị trường quốc tế lớn và quan trọng của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản và Trung Quốc sẽ trực tiếp và gián tiếp mang lại những thuận lợi về lòng tin thị trường, đầu tư và tiêu dùng chung cho tất cả các nước, trong đó có Việt Nam, nhất là kỳ vọng cải thiện chung về xuất khẩu, thu hút FDI, ODA, kiều hối, cũng như duy trì sự ổn định của giá cả lương thực, năng lượng, giá vàng và tỷ giá. Đồng thời, việc ký kết những hiệp định thương mại khu vực và liên khu vực mà Việt Nam đang tham gia đàm phán như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng Kinh tế chung Đông Nam Á (AEC), Hiệp định Thương mại tự do với châu Âu hay Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… sẽ tạo cơ hội giảm thuế cho hàng xuất khẩu, cải thiện môi trường đầu tư, mở rộng thị trường xuất khẩu và tăng khả năng dịch chuyển lao động, hàng hoá, cũng như dòng vốn qua biên giới giữa các quốc gia thành viên…. Từ đó mang lại nhiều việc làm và thu nhập hơn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Những cơ hội, lòng tin phục hồi kinh tế Việt Nam được ghi nhận không chỉ bởi giới quan sát quốc tế mà còn từ bản thân cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Cả hoạt động logicstic và thực tế bối cảnh trong nước cũng như thế giới đều cho thấy, kinh tế Việt Nam đang và sẽ dần đi vào ổn định, hướng tới đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, cải thiện cung cầu, nâng cao năng suất và hiệu quả của nền kinh tế. Năm 2014 và những năm tiếp theo, Việt Nam chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội để tiếp tục ổn định và chuyển biến tích cực, vượt mức tăng trưởng khoảng 5,5%, lạm phát khoảng 7% như kế hoạch đã đề ra. Thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng với những điểm nhấn về phát huy dân chủ, hoàn thiện thể chế thị trường, tăng cường tái cấu trúc nền kinh tế càng củng cố lòng tin đó.

Những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2014

Năm 2014, Chính phủ đã sớm thông qua Nghị quyết 01/NQ-CP/2014 tập trung vào việc tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô; cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh, tăng cường hỗ trợ thị trường, giải quyết hàng tồn kho, xử lý nợ xấu và tăng khả năng tiếp cận tín dụng; đẩy nhanh tiến độ triển khai gói hỗ trợ tín dụng nhà ở xã hội; tiếp tục giãn, hoãn, miễn, giảm thuế, tạo mọi thuận lợi cho các doanh nghiệp có khả năng phát triển được vay vốn, phát huy hiệu quả Quỹ Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; đẩy mạnh và thực thi quyết liệt lộ trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm phát triển thị trường; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận và chuyển giao công nghệ phù hợp.

Song, Chính phủ và các cơ quan hữu quan cũng cần quan tâm đến việc hoàn thiện khung pháp lý đối với các hoạt động mua bán nợ, mua bán tài sản; bảo đảm triển khai đồng bộ các chính sách kích cầu tiêu dùng trợ giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị kinh doanh.

Đặc biệt, theo tinh thần thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2014, phải tập trung xây dựng, sửa đổi các luật để thực hiện Hiến pháp; đẩy mạnh xây dựng nhà nước pháp quyền, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật, kỷ luật kỷ cương, xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh. Đề cao trách nhiệm của tập thể Chính phủ và từng thành viên Chính phủ trong việc xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tiến độ và chất lượng. Tôn trọng đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường, kiên định thực hiện cơ chế giá thị trường đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ theo lộ trình phù hợp; đồng thời có công cụ điều tiết và chính sách phân phối để bảo đảm công bằng và tiến bộ xã hội, hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Xóa bỏ tình trạng độc quyền doanh nghiệp và những cơ chế chính sách tạo ra bất bình đẳng trong kinh doanh, nhất là trong tiếp cận các nguồn lực. Kiên quyết thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là cổ phần hóa, kể cả các tập đoàn kinh tế; thoái vốn đầu tư ngoài ngành và bán phần vốn mà Nhà nước không cần nắm giữ theo nguyên tắc thị trường, bao gồm cả doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả. Doanh nghiệp nhà nước chỉ nên tập trung vào lĩnh vực then chốt, thiết yếu, các địa bàn quan trọng và quốc phòng an ninh. Tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ chính trị, công ích. Hoàn thiện cơ chế thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước và đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp. Tăng cường sự quản lý, giám sát, kiểm tra của chủ sở hữu nhà nước. Kiện toàn cán bộ quản lý và nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp. Thực hiện công khai minh bạch kết quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước theo quy định của pháp luật. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật và không nghiêm túc thực hiện đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt. Đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới bằng nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung vào việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp. Đặt người nông dân vào vị trí trung tâm và vai trò chủ thể để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Nhà nước có cơ chế, chính sách thúc đẩy ứng dụng sâu rộng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý nông nghiệp và đẩy nhanh công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn. Khuyến khích phát triển các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng, nhất là giữa người nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất, dịch vụ với quy mô phù hợp. Hình thành chuỗi giá trị, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Tập trung phát triển các sản phẩm có lợi thế so sánh, có khả năng cạnh tranh và thị trường tiêu thụ. Từng bước hình thành những tổ hợp nông - công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao, gắn kết chặt chẽ với người nông dân và hướng tới xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp đa chức năng, phát triển bền vững. Thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn, phát triển sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; chú trọng công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp sử dụng nhiều lao động để thúc đẩy tập trung ruộng đất, chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn. Đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả đào tạo nghề. Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững. Quan tâm bảo vệ môi trường; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống, tập quán tốt đẹp của làng quê Việt Nam.

Thực tế cho thấy, thông tin thị trường nước ngoài cho các cơ quan quản lý và doanh nghiệp địa phương là rất cần, nhưng lại rất thiếu và đắt đỏ, không thuận lợi trong khai thác, sử dụng; đặc biệt là các thông tin cơ bản nhất về các chỉ số kinh tế, tình hình chính trị, tập quán và thói quen tiêu dùng; các tài liệu, báo cáo, hiệp định, chính sách, biểu thuế; các địa chỉ và email, điện thoại hoặc website của các tổ chức hỗ trợ kinh tế và các đối tác thị trường xuất, nhập khẩu; cũng như loại thông tin thường ngày, cụ thể liên quan đến tình hình xuất, nhập khẩu, quy mô, cơ cấu nhu cầu, thị hiếu, mẫu mã, giá cả, tiêu chuẩn chất lượng, các quy định chính sách thuế, thủ tục hải quan, vận tải, hệ thống phân phối và các thông tin theo yêu cầu “đặt hàng” cụ thể khác.

Vì thế, việc “xoá đói” thông tin kinh tế nói chung, thông tin thị trường nước ngoài nói riêng, trên cơ sở đa dạng hóa các kênh cung cấp, trao đổi thông tin tổng hợp và chuyên sâu và việc xây dựng quy chế phối hợp và hoạt động chuyên nghiệp, chặt chẽ, hiệu quả để hỗ trợ địa phương và doanh nghiệp phải trở thành nhận thức và hành động chung của cả Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời, đây cũng phải trở thành nhiệm vụ cụ thể thường xuyên theo sự phân công và phối hợp thực hiện chặt chẽ hằng ngày của Bộ Công Thương và các bộ chức năng, các cơ quan thương vụ, đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài. Sự kiện Bộ Công Thương ngày 09-9-2013 khai truơng Cổng Thông tin thị trường nước ngoài (http://thitruongnuocngoai.vn và www.ttnn.com.vn.) chính là một phương thức mới và là cầu nối trực tiếp giữa cơ quan thương vụ Việt Nam tại các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới với cộng đồng doanh nghiệp trong nước. Có thể nói đây là một trong số các nỗ lực mới đáng ghi nhận và hoan nghênh theo tinh thần hỗ trợ, phục vụ cho cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, để đón nhận được cơ hội và vượt qua thách thức, các doanh nghiệp vẫn cần tập trung nâng cao năng lực tiếp cận và mở rộng thị trường; tiếp tục thực hiện tái cấu trúc theo chiến lược kinh doanh phù hợp và có chương trình hành động rõ ràng; tập trung vào những phương án kinh doanh hiệu quả, các mảng sản xuất kinh doanh chủ chốt, có thế mạnh, có khả năng tạo ra dòng tiền bền vững, không nên đầu tư dàn trải, đầu tư mạo hiểm, mạnh dạn cắt bỏ những dự án đầu tư, những hoạt động kinh doanh không cấp thiết, chưa hiệu quả, nhằm củng cố nguồn lực tài chính và tăng cường quản trị cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính. Đặc biệt, cần duy trì cơ cấu tài chính cân đối, lành mạnh, quản lý chặt chẽ dòng tiền kinh doanh, minh bạch về báo cáo tài chính; xây dựng, rà soát và giám sát chặt chẽ các định mức chi phí; chú trọng cân đối dòng tiền, nâng cao tính thanh khoản; tăng cường liên kết trong kinh doanh; tăng cường năng lực hấp thụ vốn; nâng cao năng lực quản trị rủi ro và quản trị sự bất định để phân tán rủi ro. Mở rộng thị trường ngoài nước là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng trong năm 2014, chứ không nên phân biệt thị trường lớn, thị trường truyền thống hoặc tiềm năng. Đồng thời, tăng cường kiểm soát nhập khẩu, theo hướng chỉ nhập khẩu những mặt hàng thiết yếu phục vụ cho sản xuất, cho đời sống nhân dân, hạn chế tối đa những mặt hàng không cần thiết để thực hiện cân bằng cán cân thương mại, tiến tới xuất siêu trong những năm sau.

Các ngân hàng cần chủ động tiếp xúc với khách hàng, tìm kiếm khách hàng tốt thông qua chính sách khách hàng hợp lý, bao gồm cả việc giảm lãi suất và hy sinh lợi nhuận trong ngắn hạn; tiếp tục có chính sách cơ cấu lại nợ, tính toán lại vòng quay vốn lưu động, miễn và giảm lãi vốn vay đối với doanh nghiệp có khả năng phục hồi trên cơ sở khả năng tài chính của tổ chức tín dụng; hình thành các sản phẩm dịch vụ phù hợp với doanh nghiệp; tăng dư nợ tín dụng theo kế hoạch, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; đơn giản hóa các thủ tục vay vốn. Sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, cũng như vai trò, thực quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước cần đậm nét và linh hoạt hơn trong quyết định tái cấu trúc và buộc các tổ chức tín dụng yếu kém phải nỗ lực lành mạnh hóa theo hướng cổ phần hóa vốn và quốc tế hóa tiêu chuẩn, chất lượng hoạt động…

Hy vọng, với sự năng động và chủ động nắm bắt cơ hội của các doanh nghiệp, đồng thời lại nhận được các cơ chế, chính sách phù hợp của Nhà nước, năm 2014 sẽ là thời điểm các cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung sẽ bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới với chất lượng cao và bền vững hơn./.