TCCSĐT - Chỉ trong thời gian ngắn, một số nước lớn đã lần lượt công bố bơm thêm tiền với quy mô lớn vào thị trường, nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế vượt qua giai đoạn trì trệ hiện nay.

Ngày 6-9, ECB đã thông qua chương trình mua trái phiếu mới giúp hạ thấp chi phí đi vay của các thành viên Khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone); ngày 8-9 Chính phủ Trung Quốc cũng thông qua một loạt dự án cơ sở hạ tầng với tổng trị giá 1.000 tỷ nhân dân tệ (158 tỷ USD); ngày 13-9, FED đã chính thức công bố chương trình nới lỏng định lượng (QE3) với quy mô 40 tỷ USD/tháng, nhưng không giới hạn; ngày 19-9 Nhật Bản cũng dự kiến tung ra gói kích thích mới thêm 10.000 tỷ yên (127 tỷ USD). Dư luận quốc tế đang quan ngại về sự biến động của thị trường thế giới trong thời gian tới.

1. Khi công cụ lãi suất không còn hiệu lực

Thông thường, trước khi nền kinh tế lâm vào suy thoái hoặc tăng trưởng chậm chạp kéo dài, FED sẽ giảm lãi suất ngắn hạn để có thể đẩy mạnh tốc độ cho vay và kích cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, trong cuộc khủng hoảng hiện nay, FED đã cắt giảm lãi suất xuống mức thấp nhất (gần 0%) nhưng vẫn chưa vực dậy được nền kinh tế.

Ngân hàng châu Âu (ECB), Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ (SNB) và các ngân hàng của Đan Mạch, Đức, Pháp, Hà Lan… cũng đã cho hạ lãi suất xuống ngưỡng 0%, thậm chí âm %. Thực tế trên phản ánh một xu hướng mới đang hình thành trên các thị trường trái phiếu châu Âu là nhà đầu tư sẵn sàng cho một số chính phủ vay tiền nhưng không nhận lãi suất.

Ngân hàng châu Âu là tổ chức mới nhất hạ lãi suất thêm 25 điểm cơ bản xuống 0,75%. Điều này làm dấy lên những gì được gọi là “kỳ quan thứ 8” của khủng hoảng tài chính - viễn cảnh Pháp tăng tiền ngắn hạn với lãi suất âm. Lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 2 năm của Đức cũng giảm xuống dưới ngưỡng 0% khi chạm mức thấp kỷ lục -0,5% trong mấy tháng qua. Ít nhất về mặt lý thuyết thì điều này có nghĩa là nhà đầu tư có thể mất tiền nếu nắm giữ loại trái phiếu này.

Đức là nền kinh tế lớn nhất Eurozone và trái phiếu chính phủ nước này được xem là một trong những tài sản an toàn nhất đối với những nhà đầu tư luôn né tránh điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra.

Thời gian qua, lãi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm của Pháp cũng bắt đầu mang giá trị âm trong khi lãi suất trái phiếu cùng kỳ hạn của Đan Mạch và Thụy Sỹ ngày càng giảm sâu xuống ngưỡng 0%. Tương tự, lãi suất đối với số trái phiếu ngắn hạn có xếp hạng AAA của Phần Lan và Hà Lan xuống mức thấp kỷ lục. Đức và Hà Lan cũng có thể bán nợ với lãi suất âm.

Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ (SNB) đang đấu tranh với cuộc chiến ngăn đồng tiền tăng giá, duy trì một chính sách mạo hiểm và tốn kém khi đặt trần tỷ giá đồng franc của họ với đồng euro. Điều này buộc SNB phải mua vào đồng euro khi tỷ giá hối đoái chạm mức 1,2 franc Thụy Sỹ đổi 1 euro. Động thái này giúp dự trữ ngoại hối của Thụy Sỹ tăng lên 376 tỷ USD, tăng hơn 60 tỷ USD chỉ trong tháng 6. Chiến lược gia tiền tệ của FxPro Michael Derks chỉ ra rằng, lượng lớn tiền mặt có thể được Thụy Sỹ phân bổ lại thành các đồng tiền khác, do đó gây áp lực lên các đồng tiền khác như USD và đồng yên.

Khi công cụ lãi suất không còn hiệu lực, ngân hàng trung ương các nước nghĩ ngay đến việc sử dụng các gói kích thích. Ngày 8-9, Chính phủ Trung Quốc vừa thông qua một loạt dự án cơ sở hạ tầng với tổng trị giá 1.000 tỷ nhân dân tệ (158 tỷ USD), tương đương khoảng 2% tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc, và kéo dài trong thời gian 4 năm. Sau động thái kích thích kinh tế của Mỹ, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) hôm 19-9 cũng quyết định nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ. Theo đó, BOJ quyết định mở rộng chương trình thu mua tài sản thêm 10.000 tỷ yên (127 tỷ USD) lên 80.000 tỷ yên. BOJ cũng duy trì lãi suất vay qua đêm từ 0% - 1%.

Với công cụ này, các nước có thể mua vào các tài sản dài hạn như trái phiếu kho bạc hoặc các chứng khoán có bảo đảm bằng tài sản thế chấp từ các ngân hàng thương mại và các định chế tài chính khác (MBS). Theo lý thuyết, lượng tiền này được bơm vào nền kinh tế và sẽ khiến lãi suất dài hạn giảm xuống trong tương lai. Khi lãi suất dài hạn giảm xuống, nhà đầu tư có nhiều lựa chọn hơn trong việc tiêu tiền.

2. Gói kích thích kinh tế trước nguy cơ bị nhờn

Vào cuối tháng 11-2008, sau cuộc khủng hoảng tài chính, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã tung ra gói kích thích đầu tiên (QE1) nhằm mua vào các MBS và trái phiếu kho bạc để có thể thúc đẩy nền kinh tế. Các nhà nghiên cứu kinh tế cho rằng, QE1 đã tỏ ra hữu hiệu khi ngăn chặn nền kinh tế rơi vào cuộc đại suy thoái. Đây thực sự là “gói kích thích niềm tin” khổng lồ. Nền kinh tế tuy không còn lao dốc, nhưng lạm phát lại dần tăng lên. Hiệu quả của các gói kích thích giảm dần theo thời gian, khiến niềm tin vào công cụ QE cũng bắt đầu suy giảm. Đến tháng 8-2010, khi FED cho rằng số lượng tiền bơm vào thị trường đã đủ và ngừng hành động thì nền kinh tế lại bắt đầu yếu đi. Vì thế, FED lại khởi động lại chương trình tiếp theo với mức mua vào khoảng 600 tỷ USD tài sản được gọi là QE2.

Nhìn lại QE2 (tháng 11-2010) với 600 tỷ USD, trong đó FED đã tiến hành mua các trái phiếu kho bạc dài hạn của Mỹ trong thời hạn 8 tháng, chia đều cho từng tháng. Bơm thêm tiền vào nền kinh tế, đẩy lãi suất cơ bản vốn đã thấp (gần 0%) lại xuống thấp hơn, tạo cơ hội kích cầu. Bằng hình thức này, FED hy vọng khi một lượng tiền nhiều hơn được lưu thông trong nền kinh tế, người dân sẽ mạnh tay hơn trong việc chi tiêu, thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ hàng hóa giúp cho nền kinh tế từng bước phục hồi… nhưng thực tế đã không được như kỳ vọng.

Ngày 9-9-2011, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma đã công bố kế hoạch kích thích nền kinh tế Mỹ trị giá 447 tỷ USD, còn được gọi là “đạo luật việc làm”. Ðây là gói kích thích lớn, có thể gọi là “QE2 rưỡi” được Nhà Trắng đưa ra. Dự luật này chủ trương giảm thuế cho các công ty thuê mới nhân công và giảm 50% thuế tính theo bảng lương cho công nhân, người lao động và các doanh nghiệp nhỏ. Dự luật còn giúp tạo thêm nhiều việc làm cho lao động ngành xây dựng, giáo viên, cựu chiến binh và những người thất nghiệp dài hạn.

Theo đó, mỗi một gia đình công nhân viên chức sẽ được giảm 1.500 USD tiền thuế trong năm 2012; ngân sách dành 65 tỷ USD chi khuyến khích các công ty nhỏ thuê thêm người lao động; 30 tỷ USD chi cho ngành giáo dục, nhằm cải thiện đời sống của giáo viên; năm tỷ USD chi cho việc hỗ trợ hoạt động của cảnh sát và lực lượng cứu hỏa; 50 tỷ USD chi cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng; 49 tỷ USD chi cho bảo hiểm thất nghiệp... Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ vẫn trong tình trạng ảm đạm.  

Lần này, QE3 được FED đưa ra với mục tiêu là hạ thấp lãi suất dài hạn và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Mỹ trở về đúng quỹ đạo. Trong tuyên bố của mình FED cho rằng, nếu không có hành động trên, tăng trưởng kinh tế sẽ không đủ mạnh để cải thiện thị trường việc làm. Vì thế, quyết định đã được thông qua với 11 phiếu thuận và 1 phiếu chống.

3. Hiệu ứng cấp thời của QE3

Ngay sau khi FED quyết định chi 40 tỷ USD mỗi tháng để mua chứng khoán thế chấp nhằm hỗ trợ đà phục hồi của nền kinh tế hàng đầu thế giới, các thị trường hàng hóa đồng loạt tăng vọt, trong đó bao gồm cả chứng khoán Mỹ. Chốt phiên giao dịch này, chỉ số công nghiệp Dow Jones nhảy lên mức 206,51 điểm, tương ứng 1,55%, lên 13.539,86 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 23,43 điểm, tương ứng 1,63%, lên 1.459,99 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 41,52 điểm, tương ứng 1,33%, lên 3.155,83 điểm. Đây đều là mức cao nhất trong vòng 5 năm của cả 3 chỉ số.

Khối lượng giao dịch toàn thị trường bùng nổ với 8,14 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công trên cả ba sàn New York, American và Nasdaq, cao nhất kể từ phiên 22-6. Trên sàn New York, mỗi 4 cổ phiếu tăng giá thì có một cổ phiếu giảm, còn ở sàn Nasdaq tỷ lệ cổ phiếu tăng/giảm là 5/2. Đáng chú ý nhất trong phiên, là cổ phiếu của Apple đóng cửa ở mức cao nhất mọi thời đại, cổ phiếu của Exxon Mobil cũng đứng ở mức cao nhất trong vòng bốn năm.

Trong tình hình kinh tế thế giới vẫn chưa có nhiều dấu hiệu sáng sủa, đặc biệt khi kinh tế châu Âu và Mỹ vẫn còn trì trệ thì hoạt động bơm tiền của ngân hàng trung ương các nước này tiếp tục kích thích đà tăng của giá hàng hóa. Giá vàng tiếp tục tăng lên mức 1.772 USD/oz, mức cao nhất từ cuối tháng 2-2012. Còn giá dầu lên mức 99 USD/thùng, mức cao nhất từ đầu tháng 5-2012. Giá các hàng hóa khác như kim loại, hàng hóa nông sản trên các thị trường giao dịch thế giới hầu hết đều tăng mạnh, đặc biệt nhiều hàng hóa có mức tăng trên 1% trong ngày giao dịch cuối tuần như giá đồng tăng 3,3%, giá bông tăng 3,22%, giá lúa mì tăng 2,74%, giá cà phê trên thị trường New York tăng 1,26%...

4. Câu trả lời về hiệu quả các gói kích thích vẫn ở phía trước

Như vậy, sau nhiều tháng chờ đợi cùng với những đồn đoán khác nhau, FED đã tung ra gói QE3 hôm 13-9. FED đã cam kết sẽ giữ lãi suất ngắn hạn ở mức gần 0% ít nhất là cho đến giữa năm 2015, đồng thời sẽ mua vào 40 tỷ USD tài sản mỗi tháng và việc nới lỏng định lượng mới này sẽ là không giới hạn. Đây là sự thay đổi quan trọng so với hai lần trước.

FED tuyên bố nếu như triển vọng của thị trường lao động không được cải thiện bền vững, Ủy ban thị trường mở (FOMC) sẽ tiếp tục mua vào các MBS và thực hiện thêm các biện pháp phù hợp cho đến khi đạt được mục tiêu. FED còn lưu ý rằng chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ tiếp tục được thực hiện cho đến khi nền kinh tế đã phục hồi mạnh mẽ.

Tuy nhiên, cho đến nay nhiều chuyên gia vẫn cho rằng FED không nên thực hiện QE3 bởi gói nới lỏng định lượng mới sẽ không hiệu quả và có thể còn gây ra những rủi ro cho nền kinh tế. Vì như hai gói QE trước đây hiệu quả đã không được như mong đợi. Một số ý kiến khác lại cho rằng, các gói QE trước được đưa ra khi các mối đe dọa về khả năng suy thoái hoặc giảm phát xuất hiện. Còn hiện nay, nền kinh tế chỉ đang phục hồi chậm chạp, ngay trên thị trường nhà đất cũng đã có những dấu hiệu phục hồi. Mặc dù vậy, FED có thể vẫn tuyên bố “tiếp tục mua tài sản và sẽ không dừng lại cho đến khi lạm phát chạm mốc 3% hoặc tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới 7%” thay vì cách nói trước đây “sẽ mau vào 600 tỷ USD và hi vọng điều đó sẽ giúp ích”.

Như vậy, hiệu quả của các gói QE luôn là đề tài gây tranh cãi từ nhiều tháng nay. Nhưng dù sao QE3 ở Mỹ cũng đã dấy lên sự hy vọng và thêm niềm tin vào tương lai của nền kinh tế hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, sự quan ngại của dư luận quốc tế vì sự xuất hiện một lượng tiền lớn trên thị trường các nước Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản… có thể gây bất ổn cho thị trường toàn cầu trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn đang phục hồi chậm chạp và đang chứa đựng nguy cơ tái khủng hoảng. Hiệu quả thực sự của các gói kích thích kinh tế vẫn chưa có câu trả lời.

5. Những tác động đến Việt Nam

Từ thực tiễn cho thấy, QE1, QE2 và “QE2 rưỡi” của FED đều khiến cho giá hàng hóa thế giới tăng mạnh khi FED mua trái phiếu để bơm tiền hỗ trợ nền kinh tế Mỹ. Giá các hàng hóa trên thế giới trong giai đoạn FED thực hiện các QE1, QE2 đều ở mức cao. Tuy nhiên, đến gói “QE2 rưỡi”, giá hàng hóa thế giới lại quay đầu giảm mạnh. Bởi gói QE này không làm tăng thêm lượng cung tiền trong nền kinh tế Mỹ, khi FED chỉ thực hiện hoán đổi trái phiếu từ kỳ hạn ngắn sang kỳ hạn dài để hạ thấp mức lãi suất.

Khi QE1 được thực hiện, nền kinh tế thế giới đang rơi vào đại suy thoái nên giá cả bị giảm mạnh, tạo thuận lợi cho CPI của Việt Nam cuối năm 2008 giảm mạnh. Nhưng kể từ giữa 2009, giá hàng hóa bắt đầu tăng trở lại và có ảnh hưởng tới CPI của Việt Nam. Giá xăng A92 đã tăng 10 lần từ mức 11.500 đồng/lít lên 16.300 đồng/lít trong khoảng thời gian từ tháng 4-2009 tới tháng 11-2009. Khi lạm phát năm 2010 có dấu hiệu gia tăng, Chính phủ Việt Nam đã có chính sách bảo hộ giá xăng dầu trong gần suốt cả năm. Nhưng khi QE2 được thực hiện vào tháng 11-2010, giá hàng hóa thế giới bắt đầu tăng mạnh, đặc biệt là dầu thô. Hệ quả là vào tháng 2-2011, Chính phủ buộc phải tăng mạnh giá xăng A92 từ mức 16.400 đồng/lít lên 19.300 đồng/lít, và sau đó một tháng thì tăng tiếp lên 21.300 đồng/lít. Đây được xem là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến CPI tăng mạnh trong nửa đầu năm 2011.

Vì vậy, lần này FED đưa ra QE3 thì Việt Nam khó tránh khỏi ảnh hưởng, trước nguy cơ “nhập khẩu lạm phát” khi giá hàng hóa thế giới gia tăng. FED đã không đưa ra thời hạn cụ thể cho QE3, nhưng theo giới phân tích, với tình trạng yếu kém của nền kinh tế Mỹ như hiện nay thì QE3 sẽ phải duy trì cho đến năm 2013 hoặc đầu năm 2014. Điều đó, khiến Việt Nam không thể không cảnh giác với nguy cơ “nhập khẩu lạm phát”.

Để tránh “nhập khẩu lạm phát”, Việt Nam đang tập trung vào các giải pháp:

Sử dụng linh hoạt công cụ lãi suất: Với việc nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng chậm trong sáu tháng đầu năm, chính sách tiền tệ đã có phần nới lỏng. Lãi suất huy động đã giảm về mức 9%/năm. Lãi suất cho vay của nhiều khoản vay sản xuất, kinh doanh đã ở trong khoảng từ 12 - 15%/năm. Không chỉ giảm lãi suất, ngân hàng Nhà nước đã cung thêm một lượng tiền khá lớn vào nền kinh tế để mua ngoại tệ nhưng lượng tiền này gần như chưa có tín hiệu được rút về. Theo những thông tin mới nhất thì dự trữ ngoại tệ hiện nay của Việt Nam đã tăng tới 23 tỉ USD và ngân hàng Nhà nước vẫn đều đặn mua vào ngoại tệ. Hơn nữa, Chính phủ trong tháng bảy vừa rồi đã đưa ra dấu hiệu tăng mạnh chi tiêu công trong sáu tháng cuối năm để hỗ trợ tăng trưởng. Vì thế công cụ lãi suất vẫn cần được sử dụng linh hoạt.

Hạn chế hiệu ứng tiêu cực của QE: Trong tình huống hàng hóa tiếp tục tăng trong thời gian tới do hiệu ứng từ gói QE3 của Mỹ và các gói kích thích kinh tế của một số thị trường lớn thì việc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ có thể khiến cho CPI Việt Nam tăng mạnh trở lại. Với việc điều chỉnh giá xăng và giá điện tăng trong tháng bảy và tháng tám, CPI của tháng tám đã đột ngột tăng mạnh tới 0,63% so với mức âm của hai tháng trước đó. Có nhiều dấu hiệu cho thấy CPI của tháng chín sẽ ở mức cao hơn so với tháng tám. Và với đà tăng của giá dầu thô như hiện tại, khả năng giá xăng dầu trong nước tiếp tục tăng trong tương lai gần là điều có thể dự đoán trước. Vì thế, các cơ quan có chức năng quản lý nhà nước cần phải chủ động để để khỏi bị bất ngờ.

Chủ động điều hành giá vàng: Vàng là một trong những kênh “trú ngụ” nhằm bảo toàn vốn khi lạm phát tăng, khi giá vàng thế giới có xu hướng tăng, nhu cầu đầu tư vào vàng sẽ tăng trở lại trong khi nguồn cung vàng trong nước không đáp ứng được. Đặc biệt, với việc Ngân hàng Nhà nước chưa cho phép nhập khẩu vàng như hiện nay, các ngân hàng thương mại sẽ buộc phải mua lại vàng trong nước để bù đắp lại trạng thái vàng đã bán trước đó. Để xử lý tình trạng này, ngân hàng Nhà nước chỉ có thể cho phép nhập khẩu vàng hoặc gia tăng nguồn cung vàng từ các thương hiệu vàng miếng khác trên thị trường. Dù bằng cách nào thì tỷ giá cũng sẽ bị ảnh hưởng do nhu cầu nhập khẩu vàng tăng cao. Trong trường hợp đó, Việt Nam không quản lý giá tốt thị trường này thì sẽ phải đối mặt với việc “nhập khẩu lạm phát” do điều chỉnh tỷ giá.

Như vậy, để hạn chế mặt tiêu cực của dòng tiền mới đang được bơm vào thị trường thế giới, bảo đảm sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam, tránh nguy cơ “nhập khẩu lạm phát” từ nước ngoài do sự tác động của QE và các gói kích thích kinh tế của các nước thì ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thận trọng thay vì nới lỏng. Việc điều chỉnh giá các mặt hàng, lĩnh vực nhạy cảm như: tỷ giá, lãi suất, giá điện, ga, xăng dầu… nếu có, phải tránh nguy cơ tăng đột biến như những năm trước./.