Hà Nội khai thác cảnh quan thiên nhiên vùng nông thôn kết hợp với phát triển du lịch xanh
TCCS - Thành phố Hà Nội có vùng nông nghiệp, nông thôn rộng lớn với rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Khai thác cảnh quan thiên nhiên vùng nông thôn nhằm phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng tăng trưởng xanh được thành phố Hà Nội xác định là một trong những giải pháp động lực góp phần thực hiện đồng thời hai mục tiêu quan trọng là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đạt mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bền vững.
Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn và những vấn đề đặt ra đối với thành phố Hà Nội
Việt Nam là một quốc gia có bề dày lịch sử phát triển nông nghiệp dựa trên hệ sinh thái thiên nhiên có tài nguyên đa dạng sinh học thuộc 16 nước cao nhất thế giới. Đa dạng sinh học, đa dạng địa hình, đa dạng tài nguyên là điều kiện cho việc phát triển và tồn tại bền vững của hệ sinh thái nông nghiệp với các sản vật thiên nhiên độc đáo. Đó chính là điều cốt lõi để đặt nền móng cho việc phát triển các sản phẩm du lịch ở một nước nông nghiệp như Việt Nam, trong đó có Thủ đô Hà Nội.
Phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân đang tiến hành sâu rộng theo chủ trương xây dựng nông thôn mới sẽ tạo một môi trường thuận lợi cho việc phát triển du lịch nông nghiệp. Các làng nghề nông-lâm-ngư nghiệp truyền thống ở nước ta sẽ là động lực thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp, đồng thời cũng là thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới với tốc độ vừa nhanh vừa bền vững. Điều này, không những tham gia tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mở rộng đầu ra của sản phẩm mà còn bảo tồn được các giá trị văn hóa truyền thống của nông thôn hoặc giá trị về thương hiệu hàng hóa đặc thù. Hầu như địa phương nào ở nước ta cũng có các làng nông nghiệp truyền thống với không gian làng xã sinh động và các cảnh quan đồng quê đẹp trữ tình có tiềm năng trở thành điểm du lịch nông nghiệp hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Chúng ta có thể học hỏi rất nhiều kinh nghiệm từ các nước đã trải qua 30, 40 năm và đã thành công trong việc đặt nền móng và phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn với điểm xuất phát ban đầu như Việt Nam.
Hiện nay, lượng khách quan tâm tới du lịch nông nghiệp, nông thôn ngày càng lớn vì đa số rất quan tâm tới thực phẩm ngon, sạch và không gian sinh hoạt của các nông hộ, các trang trại, các cộng đồng nông nghiệp gắn với làng xã, thôn bản. Một không gian sống thực sự thoáng đạt, hòa mình với thiên nhiên, mang tính đồng quê luôn có sức lôi cuốn đặc biệt với du khách trong và ngoài nước ở mọi lứa tuổi khác nhau. Nội dung của sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn rất phong phú, làm nguồn gốc để phát triển các sản phẩm khác, như du lịch ẩm thực đồng quê, du lịch nâng cao sức khỏe không chỉ cho người lớn mà còn cho trẻ em, du lịch học đường, du lịch chuyên đề, du lịch trải nghiệm… Du lịch nông nghiệp, nông thôn luôn đem lại cho du khách những cảm xúc mới lạ mà gần gũi, không bao giờ nhàm chán.
Bên cạnh tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, Việt Nam nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng sẽ phải đối mặt với một số vấn đề khó khăn, bất cập như:
Vấn đề xung đột, mâu thuẫn lợi ích trong việc lựa chọn mô hình, chiến lược phát triển công nghiệp hay nông nghiệp của nhiều địa phương. Điều này cần phải được nghiên cứu một cách thấu đáo trong việc xây dựng, ban hành chính sách sâu sát thực tiễn nhằm phát triển du lịch nông nghiệp truyền thống theo hướng bền vững gắn với sinh kế của người dân.
Vấn đề quy hoạch, bảo tồn các làng nghề truyền thống nông nghiệp gắn với du lịch nông nghiệp là một việc khó khăn, đòi hỏi tầm nhìn lâu dài. Điều này cần một quyết sách rất mạnh mẽ từ các cấp lãnh đạo vì liên quan trực tiếp tới chiến lược phát triển kinh tế hàng hóa và cộng đồng cư dân nông nghiệp (nông hộ, trang trại, các trung tâm khuyến nông-lâm-ngư nghiệp, các hợp tác xã).
Xây dựng bộ tiêu chuẩn hóa về sản phẩm du lịch nông nghiệp bắt đầu từ tên gọi và nội dung hoạt động chuẩn xác là du lich nông nghiệp để từ đó không lúng túng trong quản lý và quảng bá sản phẩm.
Kinh phí đào tạo kỹ năng tiếp đón du khách và tiếp thị các sản phẩm cho các nông hộ vì hàng ngày họ vẫn phải trực tiếp sản xuất nên sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu không có sự trợ giúp.
Về truyền thông, quảng bá, xúc tiến của địa phương, của quốc gia đối với việc phát triển du lịch nông nghiệp gắn với chương trình nông thôn mới theo hướng bền vững. Điều này bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên để cân bằng giữa bảo tồn, giữ gìn và phát triển.
Một số khuyến nghị phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn thành phố Hà Nội theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững
Những năm gần đây, tăng trưởng xanh là xu hướng phát triển được nhiều quốc gia quan tâm. Tăng trưởng xanh được hiểu là mô hình tăng trưởng nhằm biến những hạn chế về nguồn lực và ảnh hưởng của thảm họa thiên nhiên thành những cơ hội kinh tế giúp nâng cao tăng trưởng và giảm tác động xấu tới môi trường thông qua sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và tăng đầu tư vào vốn tự nhiên. Rất nhiều quốc gia định hướng sử dụng mô hình tăng trưởng xanh để đồng thời đạt các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội và đặc biệt là bảo vệ môi trường, thích ứng với điều kiện của biến đổi khí hậu.
Đại dịch COVID-19 và sự biến đổi khí hậu nhanh chóng gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến thế giới trên nhiều lĩnh vực và tác động nặng nề đến lĩnh vực du lịch. Đây cũng là cơ hội để thế giới đánh giá lại mô hình tăng trưởng gắn với xu thế tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đang trở thành mục tiêu của nhiều quốc gia đang hướng tới. Hành vi tiêu dùng của du khách trong đại dịch COVID-19 và thời gian tới đang có những thay đổi, quan tâm hơn đến vấn đề an toàn, sức khoẻ và sản phẩm du lịch xanh, thân thiện môi trường. Cùng với đó, nhu cầu hướng nội, hướng tới những chương trình du lịch sinh thái có sự tham gia của cộng đồng đã và đang được nhiều du khách ưa chuộng. Ngày nay, du khách thường chọn những khu vực có tiềm năng đặc sắc về thiên nhiên và văn hóa, trải nghiệm du lịch tới những bản làng xa xôi, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, gắn với cảnh quan hoang sơ, những phong tục, tập quán lâu đời được lưu truyền, chưa mai một trong cuộc sống hiện đại.
Phát triển du lịch nông nghiệp được xác định là một giải pháp động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững, đồng thời nông thôn mới là nền tảng hỗ trợ cho sự phát triển đa dạng, chất lượng, ổn định của điểm đến du lịch. Phát triển du lịch nông nghiệp hiệu quả sẽ góp phần thực hiện đồng thời hai mục tiêu là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đạt mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bền vững. Trước bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng đe dọa trực tiếp đến sinh kế của người dân, định hướng phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh đang được nhiều quốc gia áp dụng. Trong đó, việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo xu hướng này cũng không phải là ngoại lệ. Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo xu hướng tăng trưởng xanh sẽ giúp cho người dân bảo đảm cuộc sống gắn với sinh kế vốn có trên chính vùng đất của họ, nền kinh tế sẽ phát triển có tính ổn định và bền vững. Đây có thể xem là định hướng giải quyết được bài toán phát triển kinh tế phù hợp với thực tế thích ứng với biến đổi khí hậu ở Việt Nam.
Hiện cả nước có khá nhiều mô hình phát triển du lịch nông nghiệp. Tuy nhiên, du lịch nông nghiệp vẫn còn một số hạn chế, bất cập, như chưa có tầm nhìn dài hạn, kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều nơi phát triển mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún; sản phẩm trùng lắp, phần lớn sản phẩm nông nghiệp mới chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, ăn uống, trải nghiệm của du khách ở mức đơn giản, chưa tận dụng được hết lợi thế để thu hút khách, cũng như tăng khả năng chi tiêu từ khách qua khai thác các dịch vụ bổ trợ; vấn đề tiếp thị, quảng cáo sản phẩm nông nghiệp chưa được chú trọng; nhiều nông hộ chủ yếu chú ý việc tạo ra sản phẩm, ít quan tâm đến vấn đề tiếp cận thị trường, cũng như kỹ năng phục vụ du lịch nông nghiệp; nguồn nhân lực còn thiếu và yếu… Đặc biệt, việc liên kết phát triển du lịch nông nghiệp giữa các địa phương còn hạn chế.
Để du lịch nông nghiệp phát triển cần phải đánh giá đúng tầm quan trọng của việc phát triển du lịch nông nghiệp, từ đó có các chính sách phát triển hợp lý, dài hạn đối với loại hình du lịch này. Có quy hoạch để phát triển các cơ sở du lịch nông nghiệp, bảo đảm sự đa dạng về loại hình, đồng thời cũng sẽ giúp cho công tác quản lý tốt hơn. Cùng với đó, xây dựng được mô hình và sản phẩm du lịch đặc thù, gắn với những tiềm năng, lợi thế tự nhiên, cũng như nét đặc sắc, riêng có về văn hóa, con người của từng địa phương, từng vùng miền, không để trùng lắp, gây nhàm chán; phát huy vai trò chủ thể của các chủ trang trại, doanh nghiệp, hộ nông dân trong tổ chức thực hiện mô hình du lịch nông nghiệp; có chính sách xúc tiến, quảng bá du lịch nông nghiệp hiệu quả; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ phục vụ du lịch…
Để phát triển du lịch nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững, thành phố Hà Nội cần chú trọng thực hiện các giải pháp sau:
Một là, tổ chức rà soát quy hoạch, xác định rõ thế mạnh để phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn riêng của từng địa phương. Trong đó, quy hoạch phát triển du lịch nông nghiệp phải gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới; xây dựng bản đồ du lịch nông nghiệp trong đó chỉ ra các khu vực có khả năng phát triển sản phẩm du lịch nông thôn đặc trưng trên cơ sở liên kết hình thành tuyến du lịch. Ngành du lịch và nông nghiệp cần phối hợp điều tra, khảo sát hoạt động du lịch nông nghiệp tại địa phương để đánh giá toàn diện thực trạng phát triển cũng như khuyến nghị mô hình phát triển du lịch nông nghiệp phù hợp và các chính sách hỗ trợ tương xứng...
Hai là, đẩy mạnh tính liên kết vùng để phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc trưng. Việc xác định các sản phẩm chủ đạo, đặc trưng, có tính khác biệt, điểm nhấn của mỗi địa phương là điều hết sức quan trọng. Để phát huy thế mạnh của vùng, cần có sự điều phối chung của vùng trong việc nghiên cứu sản phẩm và khai thác thị trường.
Ba là, thực hiện một số chính sách nhằm thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân để phát triển du lịch nông nghiệp của từng vùng, đặc biệt là các sản phẩm du lịch chất lượng cao, khai thác đồng thời giá trị nông nghiệp và phát triển du lịch; sử dụng lao động là người địa phương; các hoạt động du lịch có tính chất cộng đồng; các dự án sản xuất hàng hóa và dịch vụ của khu vực nông thôn vào tiêu dùng du lịch.
Bốn là, phát triển nguồn nhân lực cho phát triển du lịch nông nghiệp. Cán bộ ngành du lịch, đặc biệt là cấp cơ sở cần được nâng cao trình độ, kỹ năng, nhất là năng lực trong tham mưu xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, được tiếp cận tri thức, công nghệ mới trong xúc tiến, quảng bá, truyền thông. Đối với các hộ dân làm du lịch cộng đồng, cần bổ sung vốn kiến thức về văn hóa địa phương, tăng cường đào tạo kỹ năng phục vụ du lịch...
Năm là, đổi mới và xây dựng kế hoạch quảng bá cho du lịch nông nghiệp trên cơ sở giá trị đặc trưng, nổi bật của từng địa phương gắn với nhu cầu thị trường. Sản phẩm du lịch nông nghiệp phải gắn với các sản vật được sản xuất tại địa phương, gắn với chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) mang thương hiệu của địa phương. Tăng cường các hoạt động liên kết để xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm có tính cạnh tranh với thế mạnh nông nghiệp. Các doanh nghiệp lữ hành cần phối hợp với các địa phương có điểm đến để nghiên cứu thị trường, định hướng nhu cầu, thúc đẩy đầu tư, phát triển sản phẩm, tiếp thị, quảng bá thu hút khách…
Sáu là, điều phối và quản lý điểm đến nhằm phát triển du lịch nông nghiệp bền vững. Quản lý chất lượng dịch vụ lồng ghép những yếu tố về bảo tồn văn hóa và cam kết bảo đảm chất lượng dịch vụ giữa các nhà cung ứng dịch vụ với các doanh nghiệp lữ hành. Xây dựng tiêu chí đánh giá và hỗ trợ hình thành các mô hình trang trại du lịch kiểu mẫu (Farmstay) trên cơ sở xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp - du lịch.
Bảy là, xây dựng kế hoạch và triển khai chương trình hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP vào tiêu dùng du lịch. Sản phẩm nông nghiệp phải được hướng dẫn sản xuất và công nhận tiêu chuẩn chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ; công nghệ chế biến; mẫu mã, bao bì đẹp được kiểm định và bảo đảm. Nghiên cứu nhu cầu thị trường, đẩy mạnh tiêu dùng du lịch thông qua các sản phẩm dược liệu, thực phẩm chức năng, chăm sóc sức khỏe; hàng tiêu dùng đặc sản địa phương làm quà tặng, đồ lưu niệm...
Du lịch nông nghiệp là lĩnh vực khá mới ở nước ta, do đó thành phố Hà Nội cần xây dựng tầm nhìn, chiến lược để có lộ trình thực hiện. Từ đó, xây dựng những chính sách, động lực để tạo ra sự năng động của các mô hình du lịch, đặc biệt cần chú trọng đến du lịch xanh, du lịch sạch, du lịch có trách nhiệm bảo vệ môi trường sinh thái.
Có thể khẳng định, du lịch nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực có tiềm năng phát triển rất lớn, phù hợp với điều kiện, định hướng phát triển kinh tế của nhiều địa phương, vùng miền và định hướng phát triển kinh tế của đất nước. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả du lịch gắn với nông nghiệp bền vững, các cấp, các ngành và địa phương cần sớm xây dựng chiến lược phát triển du lịch nông nghiệp phù hợp với mô hình “tăng trưởng xanh”, gắn với đặc thù, khả năng của từng địa phương. Vấn đề là cần có cơ chế chính sách cụ thể từ phía chính quyền để khơi dậy sức dân, để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng phát triển bền vững của du lịch Hà Nội.
Việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững trên địa bàn thành phố Hà Nội là phù hợp với xu thế thời đại, đáp ứng nhu cầu khám phá, trải nghiệm, thưởng thức của đông đảo du khách. Tuy nhiên, muốn du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển cần giữ nguyên gốc, nguyên sơ, chất phác chân thực của văn hóa bản địa, đó là giá trị cốt lõi của cộng đồng, không để đánh mất nó. Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn phải có trách nhiệm với chính cộng đồng đó để phát triển kinh tế địa phương, tôn trọng những giá trị văn hóa đại phương. Chỉ khi nào người nông dân thực sự được hưởng lợi từ sự phát triển, từ chính hoạt động sản xuất nông nghiệp của địa phương, lúc đó du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững, góp phần tích cực vào việc xóa đói, giảm nghèo của người nông dân./.
Phát triển Thủ đô gắn với bảo vệ môi trường sinh thái  (30/11/2024)
Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội xây dựng đô thị thông minh  (29/11/2024)
Khơi nguồn sức mạnh nội sinh của văn hóa xứ Đoài nhằm khơi dậy khát vọng xây dựng huyện Phúc Thọ (thành phố Hà Nội) giàu mạnh, phát triển  (29/11/2024)
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay