TCCSĐT - Lễ tôn vinh 100 người hiến máu tình nguyện tiêu biểu Việt Nam năm 2013 đã được tổ chức trang trọng vào ngày 14-6, tại Hà Nội. Đây là một trong những hoạt động nổi bật được Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện tổ chức nhằm hưởng ứng Ngày thế giới tôn vinh người hiến máu.

1. Tiếp tục Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII

 

Ngày 10-6, Quốc hội đã nghe Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng báo cáo một số vấn đề về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Quốc hội đã biểu quyết danh sách 47 người được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII. Quốc hội biểu quyết thông qua danh sách Ban kiểm phiếu.

 

Ngày 11-6, Quốc hội đã nghe: Ông Đỗ Văn Chiến, đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái, Trưởng Ban kiểm tra phiếu báo cáo kết quả kiểm phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Đoàn thư ký kỳ họp Nguyễn Hạnh Phúc đọc dự thảo Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Sau đó, Quốc hội đã thảo luận và biểu quyết thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Quốc hội cũng thảo luận về dự án Luật Tiếp công dân, dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2014...

 

Ngày 12-6, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống khủng bố và thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy và việc đàm phán ký kết thỏa thuận cấp Chính phủ giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam - Lào. Quốc hội cũng nghe chất vấn của đại biểu Quốc hội và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ.

 

Ngày 13-6, Quốc hội tiếp tục nghe chất vấn của đại biểu Quốc hội và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ. Trả lời chất vấn gồm có: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền.

 

Ngày 14-6, Quốc hội tiếp tục nghe chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

 

2. Diễn đàn hợp tác toàn diện kinh tế thương mại Quảng Tây (Trung Quốc) - Việt Nam

 

Ngày 10-6, tại Hà Nội, đã diễn ra Diễn đàn hợp tác toàn diện kinh tế thương mại Quảng Tây (Trung Quốc) - Việt Nam. Diễn đàn nhằm tạo cơ hội thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, thương mại hai nước trong thời gian tới, cũng như tăng cường hợp tác biên giới, tạo điểm sáng phát triển; tăng cường kết nối song phương, thúc đẩy hợp tác kinh tế hai nước lên tầm cao mới.

 

Diễn đàn đã đề cập các chuyên đề gồm: Tăng cường kết nối song phương, thúc đẩy hợp tác kinh tế “Hai hành lang một vành đai”, tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư xây dựng, thúc đẩy hợp tác trong các dự án phát triển cơ sở hạ tầng; Tăng cường hợp tác biên giới, sáng tạo điểm sáng phát triển; Tăng cường hợp tác hội chợ, triển lãm tạo ra cơ hội kinh doanh cùng thắng.

 

Qua diễn đàn này, Việt Nam và Trung Quốc cần làm tốt hơn nữa công tác trên các mặt như phát huy vai trò mặt sàn Hội chợ Trung Quốc - ASEAN, Hội nghị cấp cao thương mại và đầu tư Trung Quốc - ASEAN, mở rộng quy mô mậu dịch đầu tư hợp tác. Đồng thời, phát huy vai trò đầu tàu Quảng Tây trong sự hợp tác kinh tế thương mại giữa Quảng Tây và các tỉnh biên giới Việt Nam. Năm 2012, mức mậu dịch giữa Quảng Tây và Việt Nam đạt tới 9,73 tỷ USD, tăng 12 lần so với năm 2004 và dự kiến tăng trong những năm tới.

 

3. Hội thảo khoa học “Nhìn lại 50 năm phong trào Phật giáo ở miền Nam (1963 - 2013)”

 

Ngày 11-6, gần 300 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý đến từ các học viện, trường đại học trong cả nước đã tham gia Hội thảo khoa học “Nhìn lại 50 năm phong trào Phật giáo ở miền Nam (1963 - 2013)” được tổ chức tại tỉnh Bình Dương.

 

Hội thảo khoa học lần này không chỉ có mục đích là tiếp tục tìm kiếm, làm sáng tỏ hơn cội nguồn, bối cảnh lịch sử, nhân vật, sự kiện, ý nghĩa, vai trò và bài học lịch sử,… mà còn là cuộc hành hương tinh thần đặc biệt để trở về, để lắng nghe, cảm nhận bằng trái tim những âm thanh vang vọng, ngọn lửa hào khí sôi sục, bừng sáng từ phong trào vì quyền sống tự do, bình đẳng của Phật giáo và của dân tộc Việt Nam.

 

Hơn 50 tham luận tại Hội thảo đã đề cập các vấn đề chính như: Phong trào chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ XX đến phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963; Bối cảnh lịch sử, nhân vật, văn học,... trong phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963; Ý nghĩa, vai trò và bài học lịch sử phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963; Đồng hành cùng dân tộc, đạo pháp và chủ nghĩa xã hội của Phật giáo trong sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam hiện nay.

 

Với những tư liệu mới, những cách tiếp cận từ nhiều phương diện khác nhau, các học giả, nhà nghiên cứu, giảng viên trong và ngoài Phật giáo, trong nước và quốc tế đã mang lại cái nhìn tổng quan và những trải nghiệm, cảm xúc mới mẻ về một giai đoạn hào hùng của Phật giáo Việt Nam.

 

4. Trao giải Sáng kiến phòng, chống tham nhũng Việt Nam 2013

 

Ngày 12-6, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Chương trình Sáng kiến phòng, chống tham nhũng Việt Nam (VACI) 2013 đã trao giải cho 24 đề án xuất sắc nhất, nhằm tôn vinh và hỗ trợ những sáng kiến này triển khai tại cộng đồng, góp phần giảm thiểu tham nhũng. Chủ đề lần này của Chương trình VACI 2013 là: “Tăng cường minh bạch, liêm chính và trách nhiệm, giảm tham nhũng”.

 

24 đề án đạt giải trong Chương trình VACI 2013 là những đề án xuất sắc nhất trong tổng số 130 đề án tham gia Chương trình từ nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị khác nhau. Điển hình là các Đề án: “Minh bạch thông tin, lành mạnh hóa bổ nhiệm Hiệu trưởng trường học” của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Long; Đề án “Nâng cao kiến thức và kỹ năng tác nghiệp cho sinh viên báo chí trong điều tra phòng, chống tham nhũng” của Khoa Báo chí - Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Đề án “Tôi đi làm kiểm toán xã hội” của Trung tâm hỗ trợ các chương trình phát triển xã hội (CSDP),...

 

Mỗi đề án đạt giải nhận được khoản tài trợ theo đề xuất của chủ đề án, tối đa là 300 triệu đồng để triển khai, thực hiện ý tưởng đã nêu trong đề án tại các địa phương khác nhau trong cả nước. Tổng giá trị giải thưởng được trao là 6,6 tỷỉ đồng. Các đề án được nhận tài trợ sẽ có 12 tháng để triển khai thực hiện.

 

5. Diễn đàn thương hiệu Việt Nam năm 2013

 

Ngày 12-6, Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam có chủ đề “Xây dựng và phát triển thương hiệu vùng miền vì mục tiêu phát triển kinh tế quốc gia” đã diễn ra tại Hà Nội. Diễn đàn xoay quanh thảo luận việc phát triển thương hiệu vùng miền và thương hiệu biển.

 

Trong nội dung tọa đàm về “Thương hiệu biển Việt Nam”, các diễn giả cũng đã làm rõ khái niệm và nội hàm của thương hiệu biển; việc xây dựng hình ảnh quốc gia và tiếp thị cho ngành kinh tế biển; thương hiệu biển gắn với tiếp thị địa phương.

 

Với mục tiêu xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hóa, dịch vụ đa dạng và phong phú với chất lượng cao; nâng cao sức cạnh tranh cho các thương hiệu, sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế trong quá trình hội nhập,… Chương trình thương hiệu quốc gia với điểm nhấn là việc bình chọn và vinh danh những thương hiệu đạt tiêu chuẩn quốc gia đang tạo một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp và tạo đà cho thương hiệu Việt bước ra thị trường quốc tế. Ngược lại, với vai trò là lực lượng tiên phong và trực tiếp thực hiện nhiệm vụ xây dựng thương hiệu, các doanh nghiệp phải có được những mặt hàng đáp ứng đủ tiêu chuẩn chất lượng của từng thị trường mà doanh nghiệp hướng đến.

 

Diễn đàn tạo cơ hội cho các nhà làm chính sách, chuyên gia thương hiệu, kinh tế và chính quyền địa phương trao đổi chuyên môn và kinh nghiệm trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu vùng miền; giới thiệu kinh nghiệm của các địa phương về gắn tiếp thị vùng miền với xây dựng thương hiệu quốc gia.

 

6. Triển lãm quốc tế vật liệu xây dựng và bất động sản Vietbuild 2013

 

Ngày 13-6, Triển lãm quốc tế vật liệu xây dựng và bất động sản Vietbuild 2013 đợt 1 với chủ đề “Xây dựng - Vật liệu xây dựng - Bất động sản - Trang trí nội ngoại” đã khai mạc tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh.

 

Triển lãm thu hút sự tham gia của hơn 800 doanh nghiệp với 2.200 gian hàng đến từ 18 quốc gia như Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Thụy Sĩ, I-ta-li-a,... Các sản phẩm được trưng bày tại triển lãm bao gồm vật liệu xây dựng, sản phẩm thuộc lĩnh vực xây dựng; hệ thống nhà thông minh - thiết bị điện; bất động sản - kính và các loại cửa; hệ thống máy năng lượng mặt trời, trang trí nội thất,... Năm 2013, mặc dù thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn nhưng Vietbuild 2013 vẫn có sự góp mặt của gần 500 doanh nghiệp trong nước.

 

Trong khuôn khổ triển lãm còn diễn ra một số hội thảo chuyên đề nhằm chia sẻ các công trình nghiên cứu, các sản phẩm mới, công nghệ cao đáp ứng nhu cầu thị trường xây dựng và nhà ở đô thị như “Giải pháp để phát triển bền vững nền công nghiệp vật liệu xây dựng Việt Nam”, “Sản phẩm mới, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường của ngành xây dựng trong hội nhập và phát triển”.

 

7. Tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc

 

Ngày 14-6, Lễ tôn vinh 100 người hiến máu tình nguyện tiêu biểu Việt Nam năm 2013 đã được tổ chức trang trọng tại Hà Nội. Đây là một trong những hoạt động nổi bật được Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện tổ chức nhằm hưởng ứng Ngày thế giới tôn vinh người hiến máu.

 

Trong số 100 tấm gương tiêu biểu được tôn vinh năm nay có 13 người hiến từ 41-51 lần, 4 người hiến từ 31-40 lần, 15 người hiến từ 21-30 lần,… Người có số lần hiến máu tình nguyện cao nhất là anh Phạm Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Đặc biệt, 2 người ít tuổi nhất (21 tuổi) hiến máu nhiều lần và vận động nhiều người khác cùng tham gia hiến máu là anh Trần Văn Vụ (Hà Nội) và anh Trần Văn Tú (Ninh Bình).

 

Năm nay, hưởng ứng Ngày thế giới tôn vinh người hiến máu, cùng với Lễ tôn vinh 100 người hiến máu tình nguyện tiêu biểu, Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện còn tổ chức các chương trình: Hội ngộ ba miền của những tấm gương hiến máu tình nguyện tiêu biểu toàn quốc, hành trình trái tim nhân ái Việt Nam về với cội nguồn dân tộc, báo công dâng Bác.

 

8. Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ VIII năm 2013 khu vực I

 

Ngày 15-6, lễ khai mạc Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ VIII khu vực I năm 2013 đã diễn ra trọng thể tại thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai với sự tham gia của gần 600 cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên.

 

Tham gia Hội thi năm nay có 17 đoàn khu vực miền Bắc, gồm: Hà Nội, Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Cao Bằng, Hòa Bình, Bắc Giang, Lạng Sơn, Nghệ An, Phú Thọ, Sơn La, Vĩnh Phúc và chủ nhà Lào Cai. Các vận động viên sẽ tranh 163 bộ huy chương ở 9 môn thi đấu là: bóng đá nam, bóng chuyền, đẩy gậy, kéo co, tung còn, tu lu, chạy việt dã, cầu lông và bắn nỏ. Năm nay, lần đầu tiên môn cầu lông được đưa vào thi đấu, thể hiện sự phát triển rộng rãi và hội nhập các môn thể thao của đồng bào các dân tộc thiểu số.

 

Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc được tổ chức với mục đích khai thác, bảo tồn và phát triển các trò chơi dân gian, các môn thể thao dân tộc, phát triển rộng rãi phong trào luyện tập và thi đấu thể dục, thể thao nâng cao sức khỏe, đời sống tinh thần, tăng cường tình đoàn kết gắn bó trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.

 

Hội thi diễn ra đến hết ngày 19-6-2013./.