TCCS - Là tỉnh vùng cao biên giới cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang có 19 dân tộc sinh sống, mỗi dân tộc có những nét văn hóa truyền thống, phong tục tập quán riêng tạo nên bản sắc vùng, miền độc đáo, phong phú. Để lưu giữ những bản sắc văn hóa độc đáo ấy, những năm qua, đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang luôn đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, gắn việc giữ gìn bản sắc văn hóa với phát triển du lịch, xem đó là thế mạnh để tạo đà cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.  

Nét đẹp lễ rửa làng của đồng bào Lô Lô tỉnh Hà Giang_Ảnh: baodantoc.vn

Triển khai nhiều hoạt động xây dựng đời sống văn hóa

Việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, chuẩn mực đạo đức xã hội, gia đình văn hóa được các cấp ủy, chính quyền địa phương của tỉnh Hà Giang luôn quan tâm, xem đó là nhiệm vụ thường xuyên. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” thực sự đi vào đời sống của nhân dân, nhiều nội dung hoạt động được lồng ghép, kết hợp triển khai sâu rộng trong xã hội. Nhờ đó, diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp, chất lượng cuộc sống cho nhân dân được nâng cao; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Tính đến nay, tỉnh Hà Giang có 1 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 48 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao...

Tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, như các nghị quyết chuyên đề về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; nghị quyết về xóa bỏ các hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh; Đề án về bảo tồn, khôi phục, phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 -2020, định hướng đến năm 2030; Đề án Bảo tồn văn hóa truyền thống và nâng cao chất lượng dịch vụ các làng văn hóa du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; Đề án Giáo dục kỹ năng sống và văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số cho học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Cùng với đó, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền như tổ chức biên soạn tin, bài, tiểu phẩm… bằng nhiều tiếng dân tộc; tập trung tuyên truyền, cổ động trực quan (pa-nô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu), tuyên truyền lưu động, tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh, tuyên truyền miệng tại các buổi sinh hoạt khu dân cư, nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố…

Để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, tỉnh tổ chức các lớp truyền dạy kỹ thuật thêu hoa văn trang phục dân tộc Lô Lô (huyện Mèo Vạc), dân tộc Dao (huyện Bắc Quang), dân tộc Tày (huyện Quang Bình); truyền dạy các làn điệu dân ca và kỹ thuật sử dụng nhạc cụ truyền thống dân tộc Mông (huyện Bắc Mê); dân tộc Tày (thành phố Hà Giang, Vị Xuyên); xây dựng và nhân rộng các mô hình phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với xây dựng nông thôn mới; phát huy vai trò của nghệ nhân dân gian ở các địa phương tham gia giáo dục văn hóa truyền thống, lồng ghép giảng dạy cho học sinh ở các trường học với nhiều hình thức phong phú. Tỉnh cũng chú trọng việc phát huy vai trò người có uy tín, già làng, trưởng bản, nghệ nhân dân gian trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống gắn với bài trừ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu. Từ mô hình Hội nghệ nhân dân gian được thành lập đầu tiên tại xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì vào năm 2003, đến nay, Hà Giang có 188 hội nghệ nhân dân gian với gần 9.000 hội viên. Đây là lực lượng nòng cốt trong việc truyền dạy văn hóa truyền thống và xóa bỏ hủ tục lạc hậu trong cộng đồng, giúp địa phương tuyên truyền, vận động đồng bào giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được triển khai hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh có 3 bảo vật quốc gia, 61 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh được xếp hạng, trong đó có 31 di tích cấp quốc gia, 30 di tích cấp tỉnh. Di sản văn hóa thực hành Then Tày, Nùng, Thái của 11 tỉnh, thành phố (trong đó có Hà Giang) được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhận thức của cộng đồng về di sản văn hóa được nâng lên, các giá trị văn hóa truyền thống như kiến trúc, trang phục, hoạt động sản xuất, ẩm thực, ứng xử cộng đồng, văn nghệ dân gian… được bảo tồn và phát huy, đặc biệt là gắn với phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, góp phần tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân. Đặc biệt, việc kết hợp phát triển làng nghề truyền thống với phát triển du lịch cũng được các địa phương trong tỉnh đặc biệt quan tâm, nhờ đó vừa hỗ trợ khôi phục các làng nghề truyền thống, vừa góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Đến nay, Hà Giang có 35 làng văn hóa du lịch cộng đồng, trong đó có 15 làng văn hóa du lịch tiêu biểu được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận. Một số làng văn hóa du lịch thu hút được lượng lớn khách tham quan như: Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm (huyện Quản Bạ); Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Hạ Thành (thành phố Hà Giang); Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Pả Vi Hạ (huyện Mèo Vạc)… Hà Giang vinh dự được Tổ chức Giải thưởng du lịch Quốc tế WTA trao giải “Ðiểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á năm 2023”.

Trong điều kiện ngân sách còn nhiều khó khăn, tỉnh ưu tiên bố trí 1.810 tỷ đồng và huy động hiệu quả nguồn lực chăm lo đời sống nhân dân. Tỉnh đã hoàn thành chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo với 6.700 căn nhà, tương đương với 1.200 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa. Triển khai hiệu quả chương trình cải tạo vườn tạp, với 1.935 vườn đem lại hiệu quả kinh tế. Song song phát triển kinh tế - xã hội, nhân dân các dân tộc trong tỉnh còn đoàn kết cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn; nâng cao cảnh giác, không tin, không nghe theo các luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu. Đồng bào các dân tộc yên tâm định canh, định cư, bám đất, bám bản; hỗ trợ, giúp đỡ cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng vũ trang làm tốt công tác nắm tình hình, tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ vững biên cương của Tổ quốc; tích cực tham gia xây dựng quan hệ láng giềng hòa bình, hữu nghị, cùng phát triển giữa nhân dân hai bên biên giới, góp phần thắt chặt tinh thần đoàn kết quốc tế.

Các cấp ủy, chính quyền luôn quan tâm phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, thụ hưởng văn hóa của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn; luôn chú trọng bảo tồn sự đa dạng của văn hóa các dân tộc. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành. Nguồn lực đầu tư cho văn hóa từng bước được quan tâm, nhất là đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; đấu tranh phòng, chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại, các quan điểm sai trái trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật được các cấp, các ngành được thực hiện quyết liệt. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, về đạo đức được chú trọng thực hiện; vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu theo tư tưởng, đạo đức, phong cách văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh được phát huy. Môi trường văn hóa số đã và đang được ngành văn hóa triển khai thực hiện, từng bước phát huy hiệu quả.

Một số bài học kinh nghiệm

Từ thực tiễn công tác xây dựng đời sống văn hóa ở tỉnh Hà Giang những năm qua, có thể rút ra một số kinh nghiệm như sau:

Trước hết, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện hiệu quả Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, cong người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Kết luận số 76-KL/TW, ngày 4-6-2020 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV… về xây dựng và phát triển văn hóa, con người; xác định văn hóa, con người không chỉ là nền tảng tinh thần xã hội mà còn là mục tiêu, động lực để xây dựng và phát triển quê hương, đất nước. Khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, đoàn kết, khát vọng xây dựng và phát triển quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong toàn Đảng bộ, toàn dân và toàn quân tỉnh Hà Giang.

Hai là, tiếp tục đổi mới, nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người; thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW gắn với tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Chú trọng xây dựng văn hóa, đạo đức công vụ phục vụ nhân dân trong các cơ quan, đơn vị, xem đây là nhân tố hàng đầu để xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh; trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động có đạo đức, tận tụy, trung thành với Đảng, với Tổ quốc, tôn trọng nhân dân, thượng tôn pháp luật, có kỷ luật, kỷ cương; kiên quyết đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực, ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên.

Ba là, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế. Tổ chức triển khai nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa trong: gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư, các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp,... nhằm hình thành các chuẩn mực về văn hóa đạo đức, hành vi ứng xử.

Bốn là, tiếp tục đầu tư và khai thác, phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cấp thôn, bản. Phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong xây dựng đời sống văn hóa, đặc biệt là đội ngũ người có uy tín, các nghệ nhân dân gian trong cộng đồng đẩy mạnh hơn nữa việc hạn chế, từng bước xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu. Xây dựng nếp sống văn hóa, tiến bộ, văn minh nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội; chấn chỉnh kịp thời việc lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để truyền bá tư tưởng duy tâm thần bí, thực hành mê tín dị đoan, gây mất an ninh xã hội. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua về văn hóa./.