Hà Giang chú trọng đầu tư nguồn lực để phát triển văn hóa, tạo nền tảng tinh thần và động lực phát triển bền vững
TCCS - Tỉnh Hà Giang xác định văn hóa giữ vị trí quan trọng trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng con người mới, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa để giáo dục, kế thừa, giữ gìn truyền thống quý báu về giá trị văn hóa lịch sử, từng bước ngăn chặn, xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nhất là phát triển du lịch, tạo sinh kế ổn định và bền vững cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, xác định: “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc các dân tộc, xây dựng con người Hà Giang phát triển toàn diện; tiếp tục thực hiện Đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông và nhân rộng đối với các dân tộc thiểu số khác; phát triển Hội nghệ nhân dân gian, truyền dạy văn hóa truyền thống trong các trường học; đầu tư, nâng cấp các thiết chế văn hóa cơ sở…”. Xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội được xác định là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của toàn xã hội. Quán triệt nhiệm vụ đó, tỉnh Hà Giang có nhiều chủ trương, chính sách cụ thể hóa đường lối văn hóa của Đảng, như nghị quyết chuyên đề về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; nghị quyết về xóa bỏ các hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh… để chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức thực hiện. Đồng thời, tỉnh cũng tiến hành kiểm kê, nhận diện các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, làm cơ sở xây dựng các kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đến nay, tỉnh Hà Giang có 3 bảo vật quốc gia, 61 di sản văn hóa vật thể, 27 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận cấp quốc gia và cấp tỉnh. Hà Giang có Cao nguyên đá Đồng Văn được gia nhập mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO từ năm 2010 đang được bảo tồn và phát huy tốt hiệu quả trong phát triển kinh tế du lịch, tạo việc làm, giúp đồng bào thoát nghèo.
Để bài trừ các hủ tục lạc hậu, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Giang xây dựng kế hoạch thành lập các tổ khảo sát, thống kê các phong tục, tập quán trong từng xã, từng dân tộc, xác định những phong tục, tập quán lạc hậu cần xóa bỏ; tổ chức tọa đàm và hội thảo để thống nhất triển khai thực hiện trên địa bàn; tổ chức các lớp tập huấn, các hội thi tuyên truyền... Đồng thời dành sự quan tâm, chú trọng đến đội ngũ người có uy tín, già làng, trưởng bản, nghệ nhân dân gian trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống gắn với bài trừ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu. Hà Giang đã chú trọng lồng ghép vào các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, như phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, Chương trình xóa đói giảm nghèo, Chương trình xóa nhà tạm,… tạo sức lan tỏa rộng lớn trong cộng đồng. Những nội dung, tiêu chí xây dựng và công nhận danh hiệu gia đình văn hóa; làng, tổ dân phố văn hóa; xã đạt chuẩn nông thôn mới; phường đạt chuẩn văn minh đô thị cùng với nội dung quy ước, hương ước văn hóa được xây dựng và thực hiện ở Hà Giang tạo thành chuẩn mực về lối sống, đạo đức, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Tính đến hết năm 2022, tỉnh Hà Giang có 139.368 gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, đạt 73,5%; 1.336 làng (thôn, bản), tổ dân phố đạt “Làng (thôn, bản) văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”, đạt 64,5%; 333 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” theo quy định.
Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội trên địa bàn tỉnh Hà Giang có nhiều chuyển biến tích cực, kịp thời đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, hạn chế và đẩy lùi những hiện tượng tiêu cực, hủ tục lạc hậu. Phong trào xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở và phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng được duy trì, phát triển với nhiều hình thức phong phú và đa dạng. Đến nay, toàn tỉnh có 161/193 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa hoặc hội trường đa năng, trong đó 63 nhà văn hóa đạt chuẩn, 1.836/2.071 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa (nhà sinh hoạt cộng đồng); 11/11 huyện, thành phố có thư viện; 193/193 xã, phường có tủ sách pháp luật; 175/193 xã có bưu điện văn hóa xã tạo sân chơi bổ ích cho cộng đồng dân cư, 1.870 đội văn nghệ quần chúng, 11 đoàn nghệ thuật bán chuyên nghiệp...
Công tác xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội còn được thực hiện trên các hoạt động văn học - nghệ thuật. Tỉnh Hà Giang ban hành đề án nhằm nâng cao, phát triển chất lượng hoạt động văn học - nghệ thuật, động viên, khuyến khích các văn nghệ sĩ tích cực sáng tác các tác phẩm có chất lượng, tạo sức lan tỏa trong xã hội. Hằng năm, có nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật được sáng tác, phục vụ kịp thời các sự kiện chính trị và nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân. Những kết quả đạt được góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, thúc đẩy kinh tế phát triển, giữ gìn an ninh, trật tự xã hội, ổn định chính trị, xóa đói, giảm nghèo; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao tinh thần giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư, làng, xóm.
Một số giải pháp trong thời gian tới
Trong bối cảnh tình hình trong nước và địa phương có nhiều thời cơ đan xen thách thức, để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, sức mạnh nội sinh và là động lực phát triển bền vững của Hà Giang, thời gian tới, cần chú ý một số giải pháp sau:
Thứ nhất, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện về xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong thời kỳ mới; đề ra những chính sách phù hợp để khơi dậy sức mạnh nội sinh và phát huy vai trò “soi đường” của văn hóa, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Chú trọng cụ thể hóa chủ trương, quan điểm của Đảng thành chương trình, đề án cụ thể, sát với thực tế. Việc xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật về văn hóa phải dựa trên nguyên tắc khách quan, công bằng, khoa học, phù hợp với tình hình thực tiễn, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ vận dụng và dễ triển khai thực hiện. Đổi mới phương thức lãnh đạo và quản lý đối với sự nghiệp phát triển văn hóa. Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa. Xác định và thực hiện sáng tạo, có hiệu quả những chiến lược và giải pháp lãnh đạo, quản lý phù hợp với từng nhóm đối tượng, lĩnh vực và địa bàn, vùng miền.
Thứ hai, nâng cao nhận thức trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong việc chăm lo sự nghiệp văn hóa; xác định xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong thời kỳ mới hiện nay là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội. Phối hợp giữa các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong thực hiện các nhiệm vụ văn hóa, khơi dậy và huy động tiềm năng sáng tạo của các tổ chức, doanh nghiệp và của toàn dân tham gia xây dựng văn hóa, con người Hà GIang. Phát huy tốt tinh thần nêu gương, tiên phong, gương mẫu của già làng, trưởng bản và những người có uy tín trong cộng đồng cùng tham gia quản lý, tổ chức đời sống văn hóa.
Thứ ba, tiếp tục nâng cao năng lực tham mưu của cơ quan chuyên trách và đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, góp phần triển khai thành công những quan điểm chỉ đạo, nội dung, chương trình hành động thực hiện nghị quyết. Chú trọng công tác tạo nguồn, bồi dưỡng, đào tạo lực lượng cán bộ làm công tác văn hóa đủ chuẩn, đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình hiện nay. Có chính sách ưu tiên, đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực văn hóa, nâng cao trình độ, năng lực và kỹ năng quản lý của đội ngũ cán bộ văn hóa các cấp trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Thực hiện tốt chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, ưu đãi, vinh danh đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân, các nhà khoa học. Tổ chức, hướng dẫn việc sưu tầm, bảo quản, lưu giữ và phát huy những di sản văn hóa của các dân tộc.
Thứ tư, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng và xây dựng mô hình, loại hình mẫu về các hoạt động, phong trào văn hóa, văn nghệ, phục vụ và đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ văn hóa lành mạnh, bổ ích của nhân dân, nhất là ở vùng nông thôn xa, vùng khó khăn. Tăng cường kinh phí đầu tư để bảo tồn, trùng tu, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất và hiệu quả hoạt động của các khu di tích lịch sử, văn hóa của tỉnh. Nâng cấp các thiết chế văn hóa, thể thao hiện có trên địa bàn tỉnh để phục vụ nhu cầu hoạt động vui chơi, giải trí thiết thực của nhân dân, đặc biệt là ở cơ sở. Tiếp tục triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; bảo đảm các công trình/dự án thuộc lĩnh vực văn hóa thực hiện đúng tiến độ, chất lượng và giải ngân hết kế hoạch vốn được giao. Triển khai xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030, trong đó ưu tiên đầu tư nguồn lực cho việc bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống; cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở. Phấn đấu đến năm 2030, có 90% trở lên số xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa - khu thể thao/hội trường đa năng; 95% trở lên số thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa - khu thể thao./.
Hà Giang: Phát triển đô thị theo hướng xanh và bền vững  (15/11/2023)
Dấu ấn chuyển đổi số ở Hà Giang  (05/11/2023)
Công nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn lần thứ ba  (29/10/2023)
Hà Giang chú trọng khai thác giá trị văn hóa nhằm phát triển du lịch  (23/10/2023)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm