Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công để phục hồi và phát triển kinh tế Hà Nội sau đại dịch COVID-19
TCCS - Hà Nội là một trong các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Các biện pháp phòng, chống dịch đã làm gián đoạn các hoạt động kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, đứt gãy các chuỗi cung ứng hàng hóa cho sản xuất và tiêu dùng. Người lao động mất việc làm, không có thu nhập, đời sống hết sức khó khăn. Ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, thành phố tiến hành đồng bộ các giải pháp để phục hồi sự phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, một giải pháp hết sức quan trọng là thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, qua đó, tạo tác động lan tỏa, kích thích sự phục hồi của doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
Tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 và vai trò của đầu tư công đối với sự phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội
Đại dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện từ cuối năm 2019, năm 2020 bắt đầu tác động ảnh hưởng đến nước ta. Tuy nhiên, năm 2020, kinh tế thành phố Hà Nội do chưa bị ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch nên vẫn duy trì khá tốt các động lực tăng trưởng từ giai đoạn trước, với sản xuất nông nghiệp là khu vực ghi nhận tốc độ tăng cao hơn mức tăng chung và cao hơn mức tăng của nhiều năm qua. Năng suất cây trồng đạt khá và chuyển đổi cơ cấu theo hướng chuyên canh, tăng diện tích cây ăn quả đặc sản, cây cảnh có giá trị cao phù hợp với điều kiện canh tác trên địa bàn. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp toàn thành phố tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2019. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ là 3,29%... Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 16,0 tỷ USD, tăng 1,8% so với năm 2019. Kim ngạch nhập khẩu đạt 28,8 tỷ USD, giảm 9,1% so với năm 2019. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 3,724 tỷ USD. Lũy kế đến cuối năm 2020, thành phố có 6.376 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt 47,7 tỷ USD; vốn giải ngân khoảng 29,1 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn Hà Nội tăng đều cả 3 khu vực (vốn nhà nước tăng 4,6%; vốn ngoài nhà nước tăng 12,7% và vốn FDI tăng 5,6%). Số doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng; doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm 2% và doanh nghiệp giải thể tăng 15%; doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng 57% so với năm 2019. GRDP tăng 4,18% so với mức bình quân cả nước là 2,58%.
Năm 2021, đại dịch COVID -19 bùng phát với biến chủng Delta nguy hiểm, lây lan rất nhanh. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh của Hà Nội bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là các lĩnh vực du lịch, vận tải, thương mại, dịch vụ, vui chơi giải trí. Trong 9 tháng đầu năm 2021, tác động tiêu cực của dịch COVID -19 đã khiến các chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, giá cả một số nguyên, nhiên, vật liệu - đầu vào cho sản xuất, kinh doanh tăng; doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ và nguồn vốn... Vì vậy, hầu hết các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Hà Nội suy giảm so với cùng kỳ năm 2020: Khách du lịch quốc tế giảm 82,7%; khách du lịch trong nước giảm 42,1%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giảm 10,4%; kim ngạch xuất khẩu hàng giảm 4,4%. Hoạt động công nghiệp, xây dựng tháng 9-2021 giảm 7,82% so với cùng kỳ, số doanh nghiệp thành lập mới giảm cả về số lượng và vốn đăng ký, trong khi số doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động tăng mạnh. GRDP cả năm chỉ tăng 2,92%, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu kế hoạch (7,5%), tuy nhiên, đạt mức kịch bản cao nhất trong bối cảnh đại dịch lan rộng (từ 2,35% đến 3%).
Ngay trong những tháng cuối năm 2021, khi dịch bệnh bước đầu được kiểm soát, Hà Nội cùng cả nước chuyển sang thực hiện mục tiêu “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID -19”. Nhiều hoạt động thương mại, dịch vụ, nhà hàng dần mở cửa trở lại sau thời gian dài hạn chế và tạm ngừng hoạt động để phòng, chống dịch. Sau khi đại dịch cơ bản được kiểm soát, thành phố bước vào giai đoạn phục hồi phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch với hệ thống các giải pháp đồng bộ, trong đó, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, qua đó, tạo tác động lan tỏa, kích thích sự phục hồi của doanh nghiệp và cả nền kinh tế được xác định là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Trong điều kiện nguồn vốn có hạn, thành phố xác định tập trung vốn cho các dự án quan trọng, cấp thiết, có tác động lan tỏa lớn, có khả năng giải ngân nhanh và hấp thụ ngay vào nền kinh tế, phù hợp với quy hoạch, sử dụng nguồn vốn hiệu quả, bảo đảm khả năng cân đối vốn để hoàn thành dự án trong giai đoạn 2022 - 2025; ưu tiên hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với một số dự án mới có ý nghĩa quan trọng với phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công
Nguồn vốn đầu tư công của Hà Nội năm 2022 khoảng hơn 51.000 tỷ đồng, trong đó, kế hoạch đầu tư công ngân sách cấp thành phố là hơn 34.000 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện gần 17.000 tỷ đồng. Ngay từ đầu năm 2022, Hà Nội đã triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng để phục hồi kinh tế sau COVID -19. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch cụ thể, chi tiết để triển khai theo kế hoạch vốn giao, đặc biệt là các công trình, dự án trọng điểm của thành phố. Thành phố tổ chức nhiều cuộc họp, đối thoại để chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, 6 tổ công tác đặc biệt cũng được thành lập và vào cuộc tích cực để đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các “điểm nghẽn” trong giải ngân vốn đầu tư công.
Tuy nhiên, đến ngày 30-6-2022, thành phố mới giải ngân được 10.777 tỷ đồng, chỉ đạt 21,1% kế hoạch. Đây là mức rất thấp, nhiều đơn vị, lĩnh vực chưa giải ngân hoặc giải ngân dưới 10%. Công tác triển khai thủ tục đầu tư các dự án rất chậm. Còn nhiều dự án chuyển tiếp (khởi công những năm trước), trong đó nhiều dự án thuộc danh mục công trình trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020, 2021 - 2025, nhưng cũng ở trong tình trạng triển khai chậm, vốn giải ngân thấp. Ví dụ như Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội có chiều dài 12,5km với tổng mức đầu tư 32.900 tỷ đồng. Đến nay, tiến độ thi công đoạn ngầm (dài 4km) mới đạt 33% khối lượng, tiến độ toàn dự án mới đạt 74,7% và vẫn đang gặp nhiều vướng mắc trong triển khai thi công đoạn đi ngầm.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công. Trước hết là khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Đây là khó khăn không mới, tuy nhiên, vẫn chưa có những giải pháp căn cơ để khắc phục. Nhiều công trình có tổng giá trị đầu tư lớn, tuy nhiên, chỉ vì vướng mắc trong giải phóng mặt bằng của một vài hộ dân mà phải chậm tiến độ, gây lãng phí nguồn lực và làm giảm hiệu quả đầu tư. Việc chậm phân bổ và sử dụng các nguồn vốn đầu tư công do các khó khăn trong các khâu quy trình, thủ tục hành chính cũng tác động đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Giá nhiên liệu, nguyên vật liệu tăng cao thời gia qua cũng tác động không nhỏ đến tiến độ triển khai hoạt động xây dựng của các dự án. Trong quá trình triển khai thực hiện, một số dự án phát sinh các hạng mục, chi phí, dẫn đến phải điều chỉnh dự án, một số trường hợp vượt tổng mức đầu tư phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, cho nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và kết quả giải ngân của dự án. Ngoài ra, còn một số vướng mắc liên quan đến phê duyệt chỉ giới đường đỏ; phê duyệt, điều chỉnh giá đất bồi thường giải phóng mặt bằng; phê duyệt chủ trương đầu tư; thẩm định phê duyệt dự án lĩnh vực giao thông…
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan do dịch bệnh, giá vật tư nguyên liệu đầu vào…, còn có nguyên nhân chủ quan từ công tác tham mưu chỉ đạo, điều hành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các đơn vị chức năng thành phố; không bảo đảm tiến độ liên quan phê duyệt kế hoạch đấu thầu,…
Để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, góp phần tích cực vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội sau đại dịch COVID-19, trong thời gian tới, thành phố cần quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó, chú trọng các giải pháp sau:
Trước hết là tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công, xem công tác giải ngân vốn đầu tư công là cơ sở, thước đo đánh giá kết quả công tác của mỗi đơn vị, địa phương gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Cần xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp của từng cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư; phân công rõ trách nhiệm chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, thực hiện; kịp thời điều chỉnh, bổ sung vốn hợp lý. Mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi chủ đầu tư phải nhận thức rõ về yêu cầu, nhiệm vụ, trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện các quy định, các chỉ đạo về đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Thực hiện chế độ báo cáo công khai kết quả giải ngân vốn đầu tư công hằng tháng, hằng quý trên Cổng Thông tin điện tử thành phố và tại cuộc họp giao ban hằng tháng của Ủy ban nhân dân thành phố để theo dõi, giám sát. Kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu và tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố xử lý nghiêm các đơn vị giải ngân chậm do nguyên nhân chủ quan, do chưa nỗ lực cố gắng. Ủy ban nhân dân thành phố cần xem xét, kiên quyết điều chuyển vốn đối với các trường hợp giải ngân không đạt tiến độ theo cam kết, dành nguồn vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để sớm hoàn thành đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả đầu tư công.
Thứ hai, bên cạnh việc đôn đốc nhắc nhở về bảo đảm tiến độ các dự án đầu tư công, cần rà soát quy trình chỉ đạo điều hành, quy trình vận hành và giải ngân vốn đầu tư công, bởi nguyên nhân chậm tiến độ không phải chỉ do một đơn vị, một chủ đầu tư, mà còn do cả quá trình tổ chức thực hiện dự án từ thủ tục hành chính đến quá trình triển khai thi công. Tăng cường công tác thanh tra công vụ nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục hành chính, kiên quyết loại bỏ các thủ tục rườm rà, không cần thiết, phát hiện, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm những hạn chế, tồn tại trong quá trình thụ lý hồ sơ và tổ chức thực hiện, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Qua đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công, nhất là các công trình, dự án trọng điểm, đã xác định mục tiêu hoàn thành trong giai đoạn 2022 - 2025.
Thứ ba, thành phố cần phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư triển khai thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư công thuộc nhiệm vụ chi ngân sách cấp thành phố trên địa bàn, cùng với đó là tập trung cho công tác chuẩn bị đầu tư để khởi công những công trình mới…; tháo gỡ vướng mắc các thủ tục hành chính trong giải ngân, giải ngân ngay theo từng gói thầu; yêu cầu các nhà thầu làm đến đâu thanh toán dứt điểm đến đó. Tăng cường kiểm tra công vụ, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân vi phạm và cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ giải ngân; gắn tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công với đánh giá về vai trò người đứng đầu, các cá nhân có liên quan ở các địa phương, đơn vị...
Thứ tư, cần tiến hành rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong triển khai đầu tư công để có giải pháp tháo gỡ đồng bộ, triệt để, thực chất, từng bước khơi thông nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đây là nhiệm vụ cần thực hiện thường xuyên, liên tục, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành và nhiều lĩnh vực. Do vậy, phải tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, ủy quyền, kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư, chú trọng đến các công trình lớn, trọng điểm, có tính đột phá và giá trị lan tỏa cao.
Thứ năm, nâng cao trách nhiệm, quyết tâm của các chủ đầu tư, nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư dự án, chủ động dự báo các khó khăn, vướng mắc khi lập, thẩm định và phê duyệt dự án… Từng chủ đầu tư xây dựng kế hoạch giải ngân và cam kết tiến độ giải ngân của từng dự án; thực hiện chế độ báo cáo tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch đần tư công định kỳ hằng tháng, hằng quý và đột xuất về công tác giải ngân kế hoạch đầu tư công./.
Hà Nội cơ cấu lại đầu tư công theo hướng tập trung, hiệu quả, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư  (02/12/2022)
Thành ủy Hà Nội quyết tâm lãnh đạo xây dựng hệ thống y tế Thủ đô tiên tiến hướng tới mục tiêu nâng cao sức khỏe và đời sống nhân dân  (26/11/2022)
Xây dựng và phát triển Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"  (26/11/2022)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay