TCCS - Nông nghiệp được coi là trụ đỡ của nền kinh tế thông qua việc bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, tạo sinh kế, việc làm và thu nhập ổn định cho người nông dân, góp phần ổn định kinh tế - xã hội và phát triển đất nước. Trong thời gian tới, phát triển nông nghiệp xanh trở thành xu hướng chung của thế giới, đứng trước những yêu cầu mới, ngành nông nghiệp quốc gia nói chung và nông nghiệp Hà Nội cần tận dụng tốt các thuận lợi cũng như tháo gỡ các nút thắt nhằm phát triển nông nghiệp theo đúng định hướng đã đề ra.
Thuận lợi và thách thức trong phát triển nông nghiệp xanh
Thuận lợi
Thời gian qua, nông nghiệp Việt Nam liên tục tăng trưởng và đạt được những thành tựu to lớn; sản lượng lương thực, thực phẩm tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng, bảo đảm nguồn cung, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Giai đoạn 2016 - 2020, ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển trên 3 trụ cột về kinh tế - xã hội - môi trường; phát triển toàn diện cả về nông nghiệp, nông dân và nông thôn theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh; cải thiện đời sống của nông dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái và bảo đảm quốc phòng an ninh.
Đến hết năm 2020 và cả 5 năm 2016 - 2020, 15/15 chỉ tiêu chủ yếu của ngành nông nghiệp đều đạt và vượt mục tiêu đề ra; nổi bật như 5 chỉ tiêu: 1- Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn ngành 5 năm ước đạt 2,71%/năm, vượt mục tiêu; 2- Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 5 năm khoảng 190,32 tỷ USD, năm 2020 ước đạt 41 tỷ USD, vượt mục tiêu (39 tỷ - 40 tỷ USD); 3- Tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 ước đạt 42%; 4- Hết năm 2020 ước có trên 63% xã đạt chuẩn nông thôn mới; 5- Thu nhập của cư dân nông thôn năm 2020 ước đạt 43 triệu đồng/người.
Đóng góp vào những thành tựu chung của ngành nông nghiệp, giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội đã nỗ lực hoàn thành mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Theo đó, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội tiếp tục phát triển, tăng trưởng ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 đạt 2,53%. Trong đó, cơ cấu giá trị sản xuất năm 2020, là: trồng trọt, lâm nghiệp 38,76%; chăn nuôi, thủy sản 58,11%; dịch vụ nông nghiệp 3,13%. Thành phố thực hiện hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, cơ bản cấp xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân (đạt 99,21%), có 141 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm, 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm 32% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, có triển khai một số kế hoạch điển hình, như:
Kế hoạch phát triển sản xuất lúa Japonica: Hiệu quả kinh tế sản xuất lúa Japonica đạt hơn 30 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn so với sản xuất lúa Bắc thơm số 7 từ 14 - 16 triệu đồng/ha/vụ, lúa thường 20 triệu đồng/ha/vụ (vượt 25% so với kế hoạch đề ra). Từ hiệu quả kinh tế của kế hoạch, đến nay đã lan tỏa sản xuất lúa Japonica trên toàn thành phố.
Kế hoạch phát triển sản xuất giống bưởi đỏ Tân Lạc và một số giống bưởi đặc sản Hà Nội: Giai đoạn 2019 - 2020, kế hoạch phát triển sản xuất giống bưởi đỏ Tân Lạc và một số giống bưởi đặc sản Hà Nội so với năm 2018, diện tích cây bưởi năm 2020 của thành phố đạt 7.693ha, tăng 25,3%, năng suất quả tăng 13,5% (25 tạ/ha), sản lượng tăng 42,1% (45.384 tấn). Hiệu quả kinh tế đạt 589 triệu đồng/ha.
Kế hoạch phát triển bò thịt chất lượng cao: Hằng năm cung cấp cho thị trường trên 3.000 tấn thịt bò chất lượng cao. Sau khi kế hoạch kết thúc sẽ tạo ra có 5.500 con bê lai chất lượng cao, bê sinh ra có ngoại hình đẹp, sinh trưởng nhanh, bê 4 - 6 tháng tuổi trọng lượng đạt 140 - 180kg, bán được giá cao hơn so với các giống bò khác từ 3 - 5 triệu đồng/con. Giá tăng giá trị sản phẩm bê từ 10 - 20% so với các bê thông thường khác. Giá trị tăng thêm ước đạt 27,5 tỷ đồng.
Thách thức
Giai đoạn 2016 - 2020 ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tuy nhiên, tăng trưởng nông nghiệp đang có dấu hiệu chậm lại, chưa bền vững, chủ yếu dựa trên thâm dụng tài nguyên, nhiều đầu vào sản xuất phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu. Bước sang giai đoạn mới, tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ. Thiên tai, dịch bệnh ngày càng phức tạp đặc biệt là biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh và tác động nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống, môi trường trên toàn cầu. Cùng với đó, thị trường tiêu dùng trong nước và thế giới thay đổi mạnh với những yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng ngày càng cao, những yêu cầu mới trách nhiệm xã hội, môi trường, tiêu dùng xanh ngày càng phổ biến đặt ra những thách thức không nhỏ tới ngành nông nghiệp nói chung và nông nghiệp Hà Nội nói riêng.
Định hướng thời gian tới
Mục tiêu cụ thể trong kế hoạch hành động của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 được chỉ rõ qua các chỉ tiêu, bao gồm: Tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp 2,5 - 3%/năm; nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo vệ tài nguyên đất nước, thủy sản, rừng, bảo tồn đa dạng sinh học; tỉ lệ che phủ rừng duy trì ở mức 42%, diện tích có chứng chỉ quản lý rừng bền vững trên 1 triệu ha; giảm thâm dụng đầu vào hóa chất nông nghiệp, tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực tự nhiên trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ trong tổng sản phẩm phân bón được sản xuất và tiêu thụ đạt trên 30%; tăng số lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng lên trên 30%; có ít nhất 30% tổng diện tích cây trồng cạn có tưới được áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.
Đặc biệt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định sẽ chuyển đổi 300 nghìn ha đất lúa sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả cao hơn cả về kinh tế và môi trường; diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng trên 2% tổng diện tích đất trồng trọt. Tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 2 - 3% tính trên tổng sản phẩm chăn nuôi sản xuất trong nước.
Cùng với đó mở rộng quy mô áp dụng các thực hành sản xuất nông nghiệp tốt nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng năng lực cạnh tranh và giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực nông nghiệp theo kế hoạch của quốc gia.
Xây dựng nông thôn mới bảo đảm đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững; hình thành lối sống hòa hợp với môi trường và thiên nhiên, bảo vệ và phát triển cảnh quan môi trường xanh, sạch đẹp văn minh.
Dự thảo Chiến lược Phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, bền vững kinh tế - xã hội - môi trường; đưa Việt Nam trở thành nhà sản xuất và cung cấp lương thực, thực phẩm “minh bạch - trách nhiệm - bền vững”.
Trong dự thảo Chiến lược Phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng đã gắn những cam kết của Việt Nam với Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc về lương thực thực phẩm cũng như những cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26) về ứng phó biến đổi khí hậu.
Một vài khuyến nghị
Xu hướng phát triển nông nghiệp xanh, thân thiện môi trường đang là hướng đi được nhiều nước trên thế giới lựa chọn. Tại Việt Nam, nhiều địa phương, nhiều mô hình cũng đã và đang trong quá trình chuyển đổi phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái theo xu hướng thị trường thế giới cũng như giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Với vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước, Hà Nội cũng xác định mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng xanh nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững, vì vậy cần tập trung các vấn đề sau:
Thứ nhất, chú trọng phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao. Khuyến khích và phát triển liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; phù hợp với lợi thế và nhu cầu của thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của nông dân.
Thứ hai, phát triển nông nghiệp phải gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Theo đó, cần rà soát điều kiện các vùng, các xã trọng điểm chuyên canh gắn với chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, lấy doanh nghiệp là đầu tàu từ đó xây dựng và phát triển các nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm. Tiếp tục xác định các cây trồng, vật nuôi, thủy sản là chủ lực của thành phố gắn với sản xuất theo mô hình hữu cơ, an toàn sinh học và bảo vệ môi trường.
Thứ ba, nâng cao nhận thức và kiến thức cho người nông dân trong quá trình tham gia sản xuất. Khi nông dân không nắm được kiến thức thì sẽ dễ lạm dụng các hóa chất trong trồng trọt, chăn nuôi. Do đó, nông dân cần ý thức được việc sử dụng hóa chất để tăng năng suất, sản lượng cây trồng trong giai đoạn đầu sẽ cho kết quả cao, nhưng càng sau này kết quả sẽ không như mong đợi, thậm chí gây tác hại lên cây trồng, môi trường đất, nước… Vì vậy, việc nâng cao trình độ cho nông dân là yếu tố quan trọng quyết định tới sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp. Muốn vậy, cần tập trung nâng cao kiến thức, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho người nông dân qua hệ thống khuyến nông đi đôi với việc nâng cao vai trò của các tổ chức xã hội, như Hội Nông dân, Hiệp hội người tiêu dùng Việt Nam trong khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh và nhân rộng các điển hình, cũng như thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân trong chuỗi sản xuất, chăn nuôi và tiêu thụ.
Thứ tư, ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp xanh trở thành yêu cầu bắt buộc. Theo đó, cần có cơ chế đặc thù khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân tiếp cận và ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất. Xây dựng mối liên kết giữa nông dân với các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước và nước ngoài thông qua cầu nối là doanh nghiệp, hợp tác xã…
Thứ năm, việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh nói chung và nông nghiệp xanh nói riêng đòi hỏi nguồn vốn huy động lớn. Vì vậy, cần thông qua nhiều kênh huy động trong đó ưu tiên quan hệ đối tác công - tư, tín dụng xanh, trái phiếu xanh… Bên cạnh đó, nâng cao khả năng tiếp cận các nguồn tài chính quốc tế, sửa đổi quy định quản lý, vốn vay ưu đãi… nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân thuận lợi trong tiếp cận nguồn vốn./.
Hà Nội đẩy mạnh xây dựng nền quốc phòng - an ninh toàn dân, toàn diện trong điều kiện mới  (10/09/2022)
Hà Nội phát triển kinh tế nông nghiệp theo chuỗi giá trị  (05/09/2022)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên