TCCS - Kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp, những năm qua, cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã tích cực xây dựng, phát triển văn hóa và con người Quảng Ninh.

Ngày hội Kiêng gió là một trong những hoạt động văn hóa tinh thần đặc sắc của đồng bào dân tộc Dao Thanh Phán huyện Bình Liêu, được tổ chức hằng năm_Nguồn: baoquangninh.com.vn

Quảng Ninh là vùng đất được ví như hình ảnh đất nước Việt Nam thu nhỏ, là nơi hội tụ, giao thoa, thống nhất trong đa dạng của nền văn minh sông Hồng. Một địa phương giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, cùng di sản tinh thần quý báu “kỷ luật và đồng tâm” của giai cấp công nhân mỏ, đã hình thành nên cốt cách người Quảng Ninh rất đặc biệt.

Các cấp ủy, chính quyền đã ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển văn hóa, con người. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử được quan tâm. Hệ thống thiết chế văn hóa được tăng cường đầu tư, nâng cao chất lượng, nhiều công trình đạt tiêu chuẩn quốc tế, như Thư viện - Bảo tàng Quảng Ninh, Cung Quy hoạch, Hội chợ và triển lãm tỉnh… Hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật phát triển tích cực; phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong quần chúng nhân dân phát triển mạnh mẽ; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Đặc trưng của con người Quảng Ninh từng bước được định hình rõ nét.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và mở rộng hội nhập quốc tế, công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh cần được đẩy mạnh với những nhiệm vụ cấp bách đặt ra trong tình hình hiện nay về xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Với quan điểm đó, ngày 9-3-2018, Tỉnh uỷ đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”. Trong đó, đặt mục tiêu là giữ gìn và phát huy bền vững bản sắc văn hóa; các giá trị di sản thiên nhiên, di sản văn hóa; sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; xây dựng con người Quảng Ninh với các đặc trưng “Năng động - Sáng tạo - Hào sảng - Lành mạnh - Văn minh - Thân thiện”. Đặc biệt là phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực quan trọng để xây dựng và phát triển Quảng Ninh với các đặc trưng Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Nhân dân hạnh phúc.

Đây cũng là Nghị quyết nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ thứ 6 (trong 6 nhiệm vụ), Nghị quyết XII của Đảng. Để việc triển khai Nghị quyết đảm bảo thống nhất và đạt hiệu quả cao, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện các giải pháp bảo tồn và phát triển văn hóa mang bản sắc của tỉnh Quảng Ninh gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh; xây dựng con người Quảng Ninh; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, các cấp ủy đảng, địa phương trong tỉnh đã nhanh chóng triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU phù hợp với đặc thù của địa phương, đơn vị. Cụ thể, các sở, ngành, địa phương đều ban hành và triển khai các bộ quy tắc ứng xử, qua đó xây dựng chuẩn mực giá trị văn hóa, con người Quảng Ninh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; quan tâm đầu tư các thiết chế văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trên tất cả các lĩnh vực; nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao.

Điển hình, huyện Đầm Hà đã ban hành Nghị quyết 23-NQ/HU về xây dựng và phát triển văn hóa con người Đầm Hà “Đoàn kết, sáng tạo, tự tin, thân thiện” đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Qua một thời gian triển khai đã tạo sự chuyển biến tích cực và có hiệu quả rõ nét trong đời sống nhân dân các dân tộc trong huyện. Thành phố Móng Cái xây dựng và triển khai Bộ quy tắc ứng xử “Người Móng Cái thân thiện”; trong đó đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục đạo đức công dân, giáo dục truyền thống lịch sử trong cán bộ, đảng viên, hội viên các đoàn thể quần chúng. Thành phố cũng duy trì thường niên các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao với thành phố Đông Hưng (Quảng Tây, Trung Quốc), như giao lưu hát đối trên sông; bóng đá Tết Nguyên tiêu; thực hiện tốt các giải pháp hội nhập, giao lưu quốc tế trên lĩnh vực văn hóa. Nhờ đó, nhiều giá trị tốt đẹp về văn hóa và con người ở mảnh đất địa đầu Tổ quốc được nâng cao, ngày càng thấm sâu vào đời sống, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân.

Sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU, đến nay toàn tỉnh có 94% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá; 90% số thôn, bản, khu phố đạt chuẩn văn hóa; thu hẹp dần khoảng cách về mức hưởng thụ văn hóa giữa đô thị và nông thôn. Hoạt động thể dục, thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao có nhiều tiến bộ; tỷ lệ dân số tập luyện thể dục thể thao thường xuyên tăng từ 29% năm 2015 lên 36,6% năm 2020. Nhiều vận động viên tham gia đội tuyển quốc gia đoạt huy chương tại các giải khu vực và quốc tế; các môn thể thao mũi nhọn của tỉnh phát triển mạnh, như bóng đá, bóng chuyền, điền kinh, bơi, đua thuyền, pencak silat, cờ vua...

Đặc biệt tỉnh Quảng Ninh có bước đột phá trong việc huy động các nguồn lực đầu tư thiết chế văn hóa, thể thao đồng bộ, hiện đại với các công trình nổi bật; đầu tư, tôn tạo, bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, các khu di tích đặc biệt quốc gia, góp phần thúc đẩy kinh tế du lịch phát triển. Công nghiệp văn hóa bước đầu được hình thành, xây dựng một số sản phẩm văn hóa đặc trưng, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.

Mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên so với những thành tựu trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thành tựu trong lĩnh vực văn hóa vẫn chưa tương xứng; chưa đủ để tác động có hiệu quả xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh, chưa đáp ứng yêu cầu của sự phát triển bền vững. Để xác lập, định vị đặc trưng văn hóa, con người Quảng Ninh đòi hỏi tỉnh cần tiếp tục quan tâm hơn nữa. Trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng một môi trường văn hóa đặc trưng, đa dạng trong thống nhất của một vùng văn hóa giàu có và hội tụ nhiều giá trị cao đẹp; một môi trường sống an toàn, lành mạnh, hạnh phúc; xây dựng con người Quảng Ninh kết tinh những phẩm chất tốt đẹp về trí tuệ, kỷ luật và đồng tâm, văn minh và thân thiện...

Để đáp ứng được các mục tiêu đặt ra, tỉnh đang quyết liệt tập trung chỉ đạo thực hiện 5 nhóm giải pháp cơ bản. Trong đó đặc biệt quan tâm bảo tồn và phát triển văn hóa mang bản sắc của tỉnh Quảng Ninh gắn với phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh; xây dựng con người Quảng Ninh phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Cùng với đó là tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nhà nước và xã hội để xây dựng, phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội./.