Hoàn thiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
TCCS - Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 9-11-2022, của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” đề ra nhiệm vụ đẩy mạnh cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Yêu cầu cải cách tư pháp được nhấn mạnh: “Phân định rõ nhiệm vụ xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm, xét lại bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm”(1). Đây là nội dung quan trọng góp phần nâng cao chất lượng hoạt động xét xử, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong tình hình hiện nay.
Những vấn đề chung về giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm vụ việc dân sự
Giám đốc thẩm, tái thẩm trong tố tụng dân sự là thủ tục đặc biệt, rất quan trọng để tòa án cấp trên có thẩm quyền xem xét lại bản án, quyết định giải quyết vụ việc dân sự đã có hiệu lực pháp luật của tòa án cấp dưới khi có đơn đề nghị của đương sự hoặc văn bản, thông báo đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, nhằm đánh giá chất lượng hoạt động xét xử, giải quyết vụ việc dân sự và khắc phục những vi phạm, thiếu sót (nếu có), bảo đảm công lý được thực thi. Thủ tục này được quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, có nhiều sửa đổi, bổ sung so với Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, tạo hành lang pháp lý khá vững chắc cho việc giải quyết vụ việc dân sự. Trải qua hơn 8 năm thực hiện, thủ tục này bộc lộ nhiều vướng mắc, hạn chế, cần được xem xét, đánh giá để đưa ra những kiến nghị, giải pháp hoàn thiện, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động xét xử, nâng cao hiệu lực, hiệu quả nền tư pháp theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm được quy định tập trung tại phần thứ Năm của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, đây là thủ tục xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, từ Điều 325 đến Điều 360, được hướng dẫn thi hành tại Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC, ngày 31-8-2016, quy định việc phối hợp giữa viện kiểm sát nhân dân và tòa án nhân dân trong việc thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự (gọi tắt là Thông tư 02/2016).
Ngoài ra, trên thực tiễn còn vận dụng những nội dung hợp lý của Thông tư liên tịch số 03/2013/TTLT-TANDTC-VKSNDTC, ngày 15-10-2013, của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định về thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm và thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (Thông tư 03/2013). Thông tư này hướng dẫn Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 đã hết hiệu lực áp dụng, tuy nhiên, những nội dung của Thông tư này hướng dẫn các điều của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 tương ứng với các điều Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 không thay đổi, thì những nội dung hướng dẫn tại Thông tư 03/2013 vẫn được tham khảo vận dụng.
Những năm gần đây, tình trạng đơn của đương sự, văn bản, thông báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm ngày một gia tăng ở cả hai cấp: Cấp cao và tối cao. Theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, giai đoạn 2018 - 2022, các tòa án có thẩm quyền phải giải quyết hơn 46.000 đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; hằng năm, phải giải quyết từ 12.000 đến 14.000 đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm và có nguy cơ biến cấp giám đốc thẩm thành cấp xét xử thứ ba, trong khi đó chưa có những quy định hạn chế tình trạng này. Qua giải quyết, cấp giám đốc thẩm, tái thẩm đã hủy, sửa các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án cấp dưới, khắc phục những hạn chế, thiếu sót, vi phạm pháp luật của Nhà nước, lợi ích công, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.
Tuy nhiên, do đây là thủ tục đặc biệt, không phải là cấp xét xử như cấp sơ thẩm, phúc thẩm, nên phải xem xét đúng bản chất, tránh tình trạng lạm dụng “đơn thư” như hiện nay. Trong thời gian dài và liên tục, tồn tại tình trạng rất nhiều đơn của đương sự đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm không có căn cứ, nhưng kéo các cơ quan có thẩm quyền thuộc hệ thống tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân vẫn phải xem xét, giải quyết. Việc không kháng nghị chiếm đến trên 90% kết quả giải quyết đơn của đương sự. Điều này khiến việc thi hành án phải hoãn, tạm đình chỉ, từ đó dẫn đến nhiều tồn đọng, nảy sinh nhiều vấn đề pháp lý phức tạp, nhất là vấn đề liên quan đến đất đai, tài sản gắn liền với đất, thừa kế, hôn nhân và gia đình, nợ xấu của các tổ chức tín dụng...
Nghị quyết số 96/2019/QH14, ngày 27-11-2019, của Quốc hội, về “Công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật” đề ra nhiệm vụ: “Đẩy nhanh tiến độ và nâng chất lượng giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm và đạt tỷ lệ từ 60% trở lên; bảo đảm việc trả lời đơn có căn cứ, đúng quy định của pháp luật” và “tỷ lệ các kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm được tòa án chấp nhận đạt trên 75%”. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng của các cơ quan thẩm quyền. Ý thức được nhiệm vụ chính trị quan trọng này, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao đều có nhiều nỗ lực, cố gắng phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, bảo đảm chất lượng giải quyết. Tuy nhiên, quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự trong giai đoạn giám đốc thẩm, tái thẩm vẫn còn những bất cập, khó khăn, vướng mắc, gây áp lực ngày càng lớn đối với các cơ quan thẩm quyền, ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng trong cải cách tư pháp.
Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định về thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm vụ việc dân sự
Nhằm góp phần khắc phục những bất cập, tồn tại, hạn chế nêu trên, để nâng cao chất lượng giải quyết vụ việc dân sự theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, phục vụ yêu cầu cải cách tư pháp, cần chú ý một nội dung sau:
Một là, sửa đổi, bổ sung một số quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Bổ sung mức độ “gây thiệt hại nghiêm trọng” tại điểm a và c khoản 1 Điều 326 Bộ luật Tố tụng dân sự như sau: Tại điểm a: Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự; tại điểm c: Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra bản án, quyết định không đúng, gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, xâm phạm nghiêm trọng đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba. Song song với việc này, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cần thống nhất hướng dẫn xác định như thế nào là “gây thiệt hại nghiêm trọng” và “xâm phạm nghiêm trọng”.
Đề nghị rút ngắn thời hạn viện kiểm sát, tòa án có thẩm quyền xem xét kháng nghị giám đốc thẩm xuống còn 1 năm và 3 năm, thay vì thời hạn 3 năm và 5 năm theo Điều 334 Bộ luật Tố tụng dân sự; bổ sung quy định trường hợp không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm thì ban hành thông báo không kháng nghị giám đốc thẩm.
Hai là, sớm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự trong giai đoạn giám đốc thẩm, tái thẩm, thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm giải quyết vụ việc dân sự. Không nhất thiết ban hành nghị quyết hướng dẫn thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm giải quyết cả ba loại án hình sự, hành chính, dân sự (dự thảo nghị quyết này được xây dựng từ năm 2020 đến nay vẫn chưa ban hành), liên ngành Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao cần thống nhất ban hành thông tư mới hướng dẫn thi hành một số quy định về thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thay thế Thông tư 03/2013, bổ sung hướng dẫn mới để bảo đảm tính thống nhất và giá trị pháp lý cao hơn, phục vụ công tác pháp điển hóa hệ thống văn bản dưới luật.
Trong đó, tập trung một số nội dung sau:
(i) Hướng dẫn những đối tượng của việc xem xét, kháng nghị giám đốc thẩm bao gồm những bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, gồm: Bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật, bản án phúc thẩm, quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, quyết định đình chỉ, quyết định tạm đình chỉ sơ thẩm có hiệu lực pháp luật, quyết định đình chỉ, quyết định tạm đình chỉ phúc thẩm, quyết định không chấp nhận kháng cáo quá hạn; quyết định công nhận và cho thi hành hoặc không công nhận bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài; công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài và những quyết định khác khi thuộc một trong những căn cứ quy định tại Điều 326 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
(ii) Quy định chi tiết những trường hợp tòa án kháng nghị. Chỉ nên kháng nghị trong trường hợp thật sự cần thiết, như những vụ việc mà dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, có kiến nghị của cơ quan có thẩm quyền như đại biểu Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc hoặc trường hợp viện kiểm sát đã thông báo không kháng nghị, song chánh án tòa án có thẩm quyền thấy có căn cứ kháng nghị. Những trường hợp khác nên dành quyền ưu tiên cho viện kiểm sát xem xét việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, sau đó tòa án sẽ xét xử để bảo đảm tính khách quan;
(iii) Quy định cụ thể đối tượng đề cập trong nội dung “cơ quan, tổ chức, cá nhân khác”, tại khoản 2 Điều 327 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có quyền thông báo đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm;
(iv) Đối với trường hợp đã có thông báo không kháng nghị của một trong hai cơ quan (tòa án hoặc viện kiểm sát cùng cấp) ban hành trước: Cần hướng dẫn theo hướng thống nhất về một cơ quan ban hành thông báo giải quyết. Trường hợp sau khi đương sự có ý kiến không đồng ý đối với thông báo không kháng nghị của cơ này, thì cơ quan kia (viện kiểm sát, tòa án có thẩm quyền còn lại) mới xem xét, giải quyết. Còn trường hợp đương sự không có đơn mới sau khi có thông báo không kháng nghị hoặc đơn mới không đề cập đến nội dung thông báo không kháng nghị của tòa án hoặc viện kiểm sát có thẩm quyền đã giải quyết thì được xem như trường hợp đã được giải quyết và khi hết thời hạn kháng nghị sẽ khép lại chấm dứt việc xem xét giải quyết đơn này. Bên cạnh đó, cần ban hành mẫu riêng về trường hợp đơn đề nghị này, nội dung tương tự mẫu số 1 ban hành kèm theo thông tư và bổ sung thêm nội dung ý kiến của đương sự đối với thông báo không kháng nghị để phân biệt rõ hai trường hợp./.
------------------
(1) Xem: Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 9-11-2022, của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/nghi-quyet-so-27-nqtw-ngay-09112022-hoi-nghi-lan-thu-sau-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xiii-ve-tiep-tuc-xay-dung-va-9016
Hoàn thiện mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị ở Việt Nam trong tình hình hiện nay  (11/02/2024)
Một số nhận thức lý luận về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa qua các tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng  (30/01/2023)
Một số nhận thức lý luận về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa qua các tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng  (30/01/2023)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên