Thành phố Hà Nội hỗ trợ người lao động gặp khó khăn bởi dịch COVID-19
TCCS - Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên địa bàn Thủ đô, những tháng đầu năm 2021, nhiều lao động đã phải nghỉ việc, nhiều người thuộc các ngành nghề như du lịch, buôn bán hàng hóa,… phải chuyển đổi hoặc đóng cửa nhằm bảo đảm an toàn trước ảnh hưởng của dịch bệnh. Thành phố Hà Nội triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm hỗ trợ người lao động gặp khó khăn về việc làm do tác động tiêu cực từ đại dịch.
Tác động đến đời sống người lao động
Dịch COVID-19 bùng phát trên diện rộng tác động tiêu cực đến thị trường lao động, việc làm, đời sống của người lao động. Nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng lao động đang hiện hữu. Việc bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, người lao động gặp khó khăn. Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cả nước có khoảng 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng về việc làm do tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19, tăng thêm 3,7 triệu người so với thời điểm cuối quý I-2021. Từ cuối tháng 4-2021 đến nay, cả nước có 1,8 triệu người lao động rơi vào tình trạng không có việc làm. Số lao động bị ảnh hưởng việc làm tăng, khiến tỷ lệ lao động thất nghiệp khu vực thành thị tăng, hiện là 3,7%, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Trước tình hình đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 1-7-2021; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, ngày 7-7-2021 về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Theo tinh thần trên, các tỉnh, thành phố cần xây dựng kế hoạch triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội theo đặc thù của địa phương; chủ động sử dụng nguồn lực của địa phương để thực hiện. Đối với lao động không có hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác, các tỉnh, thành phố căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để ban hành chính sách hỗ trợ cho phù hợp. Ngoài ra, các tỉnh, thành phố cần rà soát, thống kê, tiến hành chi trả kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng bảo đảm an toàn, kịp thời.
Đối với thành phố Hà Nội, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường việc làm, tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp và ảnh hưởng đến đời sống của người lao động. Theo số liệu của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, tháng 7, đơn vị tiếp nhận hơn 6.300 hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp; có hơn 7.800 người được hưởng trợ cấp thất nghiệp với số tiền hơn hơn 180 tỷ đồng. Trung tâm đã tư vấn giới thiệu việc làm cho 6.380 người; hỗ trợ học nghề cho 28 người với số tiền 112,5 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, đã có hơn 34.700 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó có 33.304 người đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trước tác động của dịch COVID-19 tới đời sống người lao động Thủ đô, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký Quyết định số 3642/QĐ-UBND, ngày 21-7-2021 về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Về nguyên tắc, nội dung, điều kiện, đối tượng, mức hỗ trợ và phương thức chi trả theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 1-7-2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, ngày 7-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ đối với người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; người lao động ngừng việc; lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm; hỗ trợ hộ kinh doanh; hỗ trợ các trường hợp F0, F1 đã kết thúc điều trị, hoàn thành cách ly tại nhà; các trường hợp F0, F1 đã kết thúc điều trị, hoàn thành cách ly tại cơ sở y tế, cơ sở cách ly; các trường hợp F0, F1 đang cách ly tại cơ sở được chọn làm nơi cách ly tập trung trên địa bàn (ngoài các cơ sở cách ly tập trung đang giao Sở Y tế, Công an thành phố, Bộ Tư lệnh Thủ đô quản lý).
Nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời, thiết thực
Về nguồn kinh phí hỗ trợ trực tiếp, đối với các nhiệm vụ do sở, ngành thực hiện, kinh phí thực hiện chính sách do ngân sách thành phố bảo đảm theo quy định. Đối với các quận, huyện, thị xã sử dụng ngân sách của quận, huyện, thị xã (50% dự phòng ngân sách các cấp, nguồn cải cách tiền lương còn dư) để kịp thời chi trả cho các đối tượng thụ hưởng, ngân sách thành phố bổ sung kinh phí còn thiếu cho các huyện, thị xã để thực hiện chính sách. Kinh phí hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động được bảo đảm từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Đối tượng người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất đối với người lao động. Nguồn vốn thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 41 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.
Trong các nhóm người lao động, người sử dụng lao động thuộc diện được hỗ trợ, nhóm người lao động không có hợp đồng lao động bị mất việc làm (lao động tự do) là đối tượng khó xác định nhất. Theo Quyết định số 3642/QĐ-UBND, lao động tự do được hỗ trợ là người lao động theo quy định tại khoản 1 điều, 3 của Luật Việc làm (người lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc), làm việc trong các ngành nghề bị mất việc làm do phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu tại các văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố. Nhóm lao động tự do khác được hỗ trợ là người lao động bị cách ly, cư trú trong khu vực bị phong tỏa theo quyết định của cấp có thẩm quyền, trừ trường hợp người lao động đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng. Lao động tự do đủ điều kiện hỗ trợ khi cư trú hợp pháp trên địa bàn thành phố; bị mất việc làm do phải dừng hoạt động trong thời gian từ ngày 1-5-2021 đến ngày 31-12-2021. Phương thức chi trả theo hình thức trực tiếp cho người lao động trên cơ sở danh sách được phê duyệt.
Đối với các trường hợp người lao động bị mất việc làm thuộc các ngành nghề bị tạm dừng hoạt động sau ngày Quyết định số 3642/QĐ-UBND có hiệu lực thi hành, các bên liên quan áp dụng theo văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố hoặc chính quyền địa phương theo từng thời điểm và diễn biến của dịch COVID-19. Cách thức tổ chức thực hiện đối với lao động tự do được hướng dẫn chi tiết tại phụ lục kèm theo Quyết định số 3642/QĐ-UBND, làm cơ sở để các bên liên quan khẩn trương thực hiện. Ngoài ra, người lao động, người sử dụng lao động trên địa bàn Hà Nội được tiếp cận với nhiều chính sách hỗ trợ khác, như: Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (thời gian áp dụng 12 tháng, từ ngày 1-7-2021 đến hết ngày 30-6-2022); tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất (thời gian từ ngày 7-7-2021 đến hết ngày 30-6-2022). Thành phố còn hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động (thời gian nộp hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 30-6-2022). Trong 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kinh phí hỗ trợ, người sử dụng lao động thực hiện việc chuyển kinh phí cho cơ sở thực hiện việc đào tạo theo phương án đã được phê duyệt.
Chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương được áp dụng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc chi đầu tư và chi thường xuyên, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31-1-2022.
Hà Nội thực hiện chính sách hỗ trợ đối với trẻ em và người đang điều trị COVID-19, cách ly y tế theo quy định của Trung ương, phù hợp với đặc thù của địa phương. Đối với viên chức hoạt động nghệ thuật, đối tượng hỗ trợ là viên chức hoạt động tại các đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng biểu diễn nghệ thuật (bao gồm cả đơn vị trực thuộc cơ quan trung ương) bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Hướng dẫn viên du lịch có nhu cầu hỗ trợ gửi hồ sơ đề nghị theo hướng dẫn của Trung ương và gửi đến Sở Du lịch Hà Nội (nơi cấp thẻ cho hướng dẫn viên du lịch). Hộ kinh doanh cần hỗ trợ có thể gửi đề nghị theo hướng dẫn đến ủy ban nhân dân cấp xã nơi có địa điểm kinh doanh. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31-1-2022.
Với chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, thì người sử dụng lao động lập danh sách người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định gửi cơ quan bảo hiểm xã hội nơi đang tham gia bảo hiểm xã hội để xác nhận. Ngoài ra, người sử dụng lao động gửi bộ hồ sơ đề nghị vay vốn đến phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện nơi có trụ sở hoặc chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh hoặc nơi cư trú đối với hộ kinh doanh, cá nhân để thẩm định, phê duyệt. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ đề nghị vay vốn chậm nhất đến hết ngày 25-3-2022.
Ngày 13-8-2021, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Nghị quyết số 15/NQ-HĐND về quy định một số chính sách đặc thù của thành phố Hà Nội hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Đây là những chính sách đặc thù, được ban hành kịp thời để hỗ trợ nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội. Nghị quyết nêu rõ 10 nhóm người được hưởng chính sách đặc thù. Nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách thành phố bảo đảm kinh phí chi trả cho các đối tượng thụ hưởng do các sở, ngành thực hiện. Ngân sách quận, huyện, thị xã sử dụng 50% nguồn dự phòng ngân sách các cấp, nguồn cải cách tiền lương còn dư để kịp thời chi trả cho các đối tượng thụ hưởng; ngân sách thành phố kịp thời bổ sung kinh phí còn thiếu cho các quận, huyện, thị xã để thực hiện chính sách.
Thành phố Hà Nội giao các sở, ngành, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm tổ chức triển khai kịp thời chính sách hỗ trợ theo nhiệm vụ được phân công, bảo đảm công khai, minh bạch và đúng quy định của pháp luật; hướng dẫn các doanh nghiệp, đơn vị, người lao động và các đối tượng có liên quan trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Tổ chức thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý các trường hợp sai phạm, gây khó khăn, phiền hà, chậm trễ trong triển khai thực hiện./.
Hà Nội đẩy nhanh tiêm chủng và xét nghiệm tầm soát diện rộng để sớm trở lại trạng thái bình thường mới  (10/09/2021)
Hà Nội: Hội nhập, phát triển và nâng cao vị thế  (10/09/2021)
Nâng cao chất lượng hệ thống báo chí - góp phần phát triển văn hóa, con người Thủ đô  (10/09/2021)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm