Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ chính trị nội bộ đối với cán bộ, đảng viên học tập, làm việc ở nước ngoài hiện nay
TCCS - Bảo vệ chính trị nội bộ đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên học tập, làm việc ở nước ngoài là công việc hệ trọng của Đảng ta, có ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống còn của Đảng, của chế độ và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Những năm qua, công tác bảo vệ chính trị nội bộ đối với cán bộ, đảng viên học tập, làm việc ở nước ngoài đạt được một số kết quả quan trọng; tuy nhiên, trên thực tiễn còn bộc lộ không ít khó khăn, thách thức, cần có giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này thời gian tới.
Những kết quả đạt được
Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế của Đảng, Nhà nước ta, đội ngũ cán bộ, đảng viên ra nước ngoài học tập, công tác ngày càng tăng cả về số lượng và lĩnh vực. Số lượng cán bộ, đảng viên ra nước ngoài ngày càng đông và đa dạng về thành phần, trong đó, tập trung vào hai đối tượng chính là đảng viên làm việc trong hệ thống chính trị (các cơ quan đảng, ban, bộ, ngành, địa phương) được cử đi công tác, tham dự hội nghị, hội thảo…; đảng viên ra nước ngoài vì việc riêng (như đi du lịch, học tập, lao động, thăm thân, chữa bệnh…). Nhìn chung, số cán bộ, đảng viên được cử đi học tập, làm việc ở nước ngoài luôn giữ vững lập trường chính trị, tư tưởng, thực hiện tốt các quy định, Điều lệ Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước Việt Nam, pháp luật của nước sở tại, có nhiều đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các quốc gia, vùng lãnh thổ, quảng bá văn hóa, hình ảnh tốt đẹp của Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Thời gian qua, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị đã tiến hành triển khai đồng bộ, thường xuyên công tác bảo vệ chính trị nội bộ đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên học tập, làm việc ở nước ngoài và đạt được một số kết quả quan trọng.
Thứ nhất, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ chính trị nội bộ và quản lý cán bộ, đảng viên được thực hiện tương đối đồng bộ, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới. Trên cơ sở Nghị quyết số 04/NQ-TW, ngày 30-10-2016, của Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” và Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị các cấp đẩy mạnh công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình mới bằng các chỉ thị, nghị quyết, như: Kết luận số 72-KL/TW, ngày 19-5-2020, của Bộ Chính trị, về “Tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình hiện nay”; Quy định số 58-QĐ/TW, của Bộ Chính trị, ngày 8-2-2022, về “Một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng”; Quy định số 86-QĐ/TW, của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII, ngày 28-10-2022, về “Nhiệm vụ của đảng viên và công tác quản lý đảng viên ở nước ngoài”; Chỉ thị số 24-CT/TW, của Bộ Chính trị, ngày 13-7-2023, về “Bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng”... Việc ban hành, thực hiện các văn bản chỉ đạo trên đã tiếp tục cụ thể hóa Cương lĩnh, nghị quyết của Đảng, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, trước hết là của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị về công tác bảo vệ chính trị nội bộ, trong đó có bảo vệ chính trị nội bộ đối với cán bộ, đảng viên đang học tập, công tác ở nước ngoài.
Thứ hai, công tác phổ biến, quán triệt nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên học tập, công tác ở nước ngoài về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo vệ chính trị nội bộ được quan tâm thực hiện. Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị thường xuyên tổ chức các hội nghị nghiên cứu, quán triệt, triển khai các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Đảng, lồng ghép các nội dung về bảo vệ chính trị nội bộ trong các hội nghị tập huấn; tích cực mở các đợt sinh hoạt tư tưởng chính trị sâu rộng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. 100% số cán bộ, đảng viên trước khi ra nước ngoài học tập, công tác đều được phổ biến, quán triệt các quy định trong quan hệ, tiếp xúc với người nước ngoài, qua đó góp phần nâng cao ý thức cảnh giác, tự bảo vệ, sức đề kháng trước các âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch.
Thứ ba, công tác nắm tình hình chính trị nội bộ được thực hiện thường xuyên, có hiệu quả. Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị định kỳ tổ chức gặp gỡ, trao đổi, nắm tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên; các đảng viên trong thời gian ở nước ngoài đều được bố trí sinh hoạt đảng, quản lý và giao nhiệm vụ cụ thể. Qua đó, chủ động nắm bắt và phản ánh kịp thời với các cơ quan chức năng về tình hình chính trị nội bộ, đồng thời nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với các âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch.
Thứ tư, công tác thẩm tra, xác minh, thẩm định tiêu chuẩn chính trị, chế độ thông tin, báo cáo của cán bộ, đảng viên học tập, công tác ở nước ngoài được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định. Công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ được tiến hành thường xuyên, hiệu quả. Cán bộ, đảng viên đều được xem xét kỹ lưỡng trước khi đi học tập, công tác nước ngoài và được cấp ủy có thẩm quyền cho phép, sau khi kết thúc học tập, công tác phải báo cáo đầy đủ các nội dung theo quy định. Quá trình học tập, công tác, làm việc ở nước ngoài, các cấp ủy, tổ chức đảng thường xuyên giữ mối quan hệ phối hợp với các cơ quan liên quan trong tổ chức các hoạt động nắm tình hình, chủ động xây dựng các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với các âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch.
Tuy nhiên, công tác bảo vệ chính trị nội bộ đối với cán bộ, đảng viên học tập, làm việc ở nước ngoài vẫn còn bộc lộ không ít khó khăn, bất cập, như việc phổ biến, quán triệt các quy định về bảo vệ chính trị nội bộ đối với số đảng viên sinh hoạt tại các chi bộ ngoài cơ quan đại diện khó triển khai, thiếu quy chế, biện pháp cụ thể. Hệ thống văn bản về công tác bảo vệ chính trị nội bộ hiện nay chưa cụ thể hóa các quy định đối với cán bộ, đảng viên học tập, công tác ở nước ngoài. Việc bồi dưỡng kiến thức về bảo vệ chính trị nội bộ cho cán bộ, đảng viên khi ra nước ngoài của một số cấp ủy thực hiện chưa nghiêm. Kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn của cán bộ làm công tác bảo vệ chính trị nội bộ chưa đáp ứng yêu cầu; điều kiện và phương tiện đấu tranh chống hoạt động móc nối, lôi kéo của cán bộ, đảng viên đối với các thế lực thù địch còn hạn chế.
Một số địa bàn hiện nay chưa quan tâm đúng mức, thậm chí buông lỏng công tác bảo vệ chính trị nội bộ, các thế lực thù địch lợi dụng đẩy mạnh móc nối, mua chuộc, lôi kéo, tác động vào lập trường chính trị, tư tưởng, khống chế với các thủ đoạn tinh vi… Do chịu tác động của nhiều yếu tố, như điều kiện, môi trường sinh sống, làm việc, phong tục, tập quán, văn hóa, pháp luật nước sở tại, đặc biệt là các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, khiến tình hình chính trị nội bộ trong cán bộ, đảng viên học tập, làm việc ở nước ngoài nảy sinh một số vấn đề phức tạp, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình nhận diện, đấu tranh, xử lý...
Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới
Thời gian tới, quá trình hội nhập quốc tế sẽ diễn ra ngày càng mạnh mẽ, toàn diện, sâu rộng, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi cơ bản để phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, thì đây cũng là điều kiện để các thế lực thù địch lợi dụng đẩy mạnh hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước ta, nhất là tìm cách tác động tới đối tượng là đội ngũ cán bộ, đảng viên học tập, công tác, lao động ở nước ngoài. Do đó, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo vệ chính trị nội bộ, quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên ra nước ngoài học tập, công tác, tham quan, du lịch…; quản lý chặt chẽ hoạt động hợp tác quốc tế; thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và có biện pháp ngăn chặn ý đồ tác động của các thế lực thù địch thông qua các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, gây ảnh hưởng đến vị thế, uy tín, vai trò của Đảng.
Để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ chính trị nội bộ đối với cán bộ, đảng viên học tập, công tác ở nước ngoài, thời gian tới, cần tập trung thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Một là, tập trung rà soát, thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định, quy chế hiện có; tham mưu xây dựng, ban hành các quy định về bảo vệ chính trị nội bộ, quản lý cán bộ, đảng viên ra nước ngoài công tác, học tập. Trên cơ sở các quy định của Đảng về bảo vệ chính trị nội bộ, như Chỉ thị số 39-CT/TW, ngày 18-8-2014, của Bộ Chính trị, về “Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình hiện nay”; Quy định số 58-QĐ/TW, ngày 8-2-2022..., các cơ quan, ban, ngành tập trung rà soát, nghiên cứu, tham mưu Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định về quản lý cán bộ, đảng viên đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài, kịp thời phát hiện, khắc phục những vướng mắc, hạn chế nảy sinh trong thực tiễn. Trong đó, cần cụ thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước có liên quan đến hợp tác quốc tế, giáo dục - đào tạo phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. Hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ của mô hình tổ chức đảng ở ngoài nước; trách nhiệm của Đảng ủy Bộ Ngoại giao (Quyết định số 209-QĐ/TW, ngày 26-11-2019, của Bộ Chính trị, về hợp nhất Đảng bộ ngoài nước với Đảng bộ Bộ Ngoại giao) trong bảo vệ chính trị nội bộ đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên công tác, học tập ở nước ngoài; quy định trong quan hệ, tiếp xúc với người nước ngoài; thực hiện kỷ luật phát ngôn; chấp hành kỷ luật đảng, nhiệm vụ đảng viên ở nước ngoài.
Hai là, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp, nhất là người đứng đầu cần nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo vệ chính trị nội bộ gắn với công tác bảo vệ, quản lý cán bộ, đảng viên học tập, công tác ở nước ngoài trong tình hình hiện nay. Phải xác định đây là một công việc hệ trọng, có ý nghĩa sống còn, liên quan trực tiếp đến uy tín, vị thế của Đảng, Nhà nước và sinh mệnh chính trị của cán bộ, đảng viên; nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ, đảng viên. Trên cơ sở đó, phải hết sức coi trọng công tác quán triệt, phổ biến các quy định hiện hành về công tác bảo vệ chính trị nội bộ, nhất là Chỉ thị số 39-CT/TW, ngày 18-8-2014; Kết luận số 72-KL/TW, ngày 19-5-2020; Quy định số 58-QĐ/TW, ngày 8-2-2022; Quy định số 86-QĐ/TW, ngày 28-10-2022… Tăng cường công tác thông tin đối ngoại về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là về hội nhập quốc tế; khẳng định Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; tích cực đấu tranh với luận điệu sai trái của các thế lực thù địch. Đồng thời, phải thường xuyên quan tâm công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục cán bộ, đảng viên chấp hành nghiêm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước Việt Nam, pháp luật nước sở tại khi đi công tác, học tập ở nước ngoài. Nâng cao ý thức trách nhiệm, cảnh giác trước các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, nhất là trong việc bảo vệ bí mật nhà nước, quan hệ, tiếp xúc với người nước ngoài; thực hiện nghiêm chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên; chế độ thông tin, báo cáo, sinh hoạt đảng.
Ba là, thực hiện hiệu quả, thực chất các cơ chế phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ hiện có, đặc biệt là Quyết định số 140-QĐ/TW, ngày 8-8-2018, của Ban Bí thư, về “Quy chế phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ” giữa Ban Tổ chức Trung ương với Ủy ban kiểm tra Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương, Ban Cán sự đảng Bộ Ngoại giao, Ban Cán sự đảng Thanh tra Chính phủ. Đẩy mạnh mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan bảo vệ chính trị nội bộ với các cơ quan, ban, ngành, đặc biệt là với lực lượng công an nhân dân các cấp trong bảo vệ cán bộ, đảng viên ra nước ngoài công tác, học tập nhằm kịp thời thẩm tra, xác minh, thẩm định tiêu chuẩn chính trị của cán bộ, đảng viên; chủ động nắm bắt thông tin về âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch và tội phạm khác hoạt động thâm nhập, cài cắm nội gián, tác động, chuyển hóa, phá hoại nội bộ ta; thông tin về cán bộ, đảng viên có hành vi nói, viết, phát tán tài liệu, trả lời phỏng vấn báo chí ngoài nước trái quy định; cung cấp, tiết lộ bí mật của Đảng, bí mật nội bộ cho nước ngoài; nhận tài trợ, quan hệ với cá nhân, tổ chức trái quy định… để phối hợp phòng ngừa, xử lý, đấu tranh hiệu quả.
Bốn là, rà soát, thẩm tra, xác minh, thẩm định chặt chẽ, kết luận tiêu chuẩn chính trị cho đối tượng cán bộ, đảng viên học tập, công tác nước ngoài theo đúng quy định. Trước khi cán bộ, đảng viên ra nước ngoài công tác, học tập, cần phải ban hành kết luận tiêu chuẩn chính trị; tiến hành thẩm tra, xác minh, kết luận rõ những nội dung chưa rõ; bảo đảm khách quan, toàn diện trong xem xét từng trường hợp, không để các trường hợp không bảo đảm tiêu chuẩn chính trị hoặc có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, vi phạm những điều đảng viên không được làm ra nước ngoài học tập, công tác. Đồng thời, tổ chức tập huấn, học tập nắm vững nội quy, quy định về bảo vệ chính trị nội bộ, quản lý cán bộ, đảng viên đi nước ngoài, trang bị nhận thức cơ bản về âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch để nâng cao cảnh giác, phổ biến kinh nghiệm, kỹ năng phòng, chống các hoạt động lôi kéo, móc nối của các thế lực thù địch; thường xuyên cập nhật tình hình chính trị, kinh tế, xã hội trong nước để cán bộ, đảng viên nắm bắt, yên tâm học tập, công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Năm là, nâng cao chất lượng công tác nắm tình hình chính trị nội bộ, nhất là nắm tình hình chính trị hiện nay đối với cán bộ, đảng viên công tác, học tập tại nước ngoài. Trong đó chú trọng nắm bắt diễn biến tư tưởng, tình cảm, lập trường, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên; những mối quan hệ mới phát sinh mà cán bộ, đảng viên thường xuyên tiếp xúc, gặp gỡ; những khó khăn, vướng mắc của cán bộ, đảng viên phải đối mặt trong quá trình học tập, lao động tại nước ngoài; âm mưu, phương thức, thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm móc nối, lôi kéo cán bộ, đảng viên để thu thập bí mật nhà nước và tham gia các hoạt động chống Đảng, Nhà nước Việt Nam. Trên cơ sở đó, phân tích, đánh giá, dự báo chính xác hướng hoạt động, thâm nhập nội bộ để chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả, vô hiệu hóa hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.
Sáu là, tăng cường công tác bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác bảo vệ chính trị nội bộ tại các cơ quan, đơn vị; bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác bảo vệ chính trị nội bộ cho Đảng ủy Bộ Ngoại giao nhằm kịp thời nắm bắt, phối hợp xử lý các vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế công tác và các chế độ, chính sách phù hợp cho cán bộ chuyên trách để tạo điều kiện, động lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Bảy là, định kỳ sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm công tác bảo vệ cán bộ, đảng viên ra nước ngoài công tác, học tập để đánh giá tình hình, kết quả, hạn chế, nguyên nhân của công tác bảo vệ cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ đối ngoại, hợp tác quốc tế. Tổ chức rút kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để cán bộ, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đối với cán bộ, đảng viên học tập, làm việc ở nước ngoài cần phải nhận thức đúng, kiên định lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng, khả năng “tự miễn dịch”, “tự đề kháng” cao, tránh để các thế lực thù địch, phản động lôi kéo, tác động./.
Phát huy hiệu quả nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng  (30/12/2023)
Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới  (05/11/2023)
Đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài: Những dấu ấn và vấn đề đặt ra trong tình hình mới  (02/05/2023)
Gắn đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với bảo vệ chính trị nội bộ - Những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu  (20/11/2022)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên