TCCS - Phát huy truyền thống lịch sử ngàn năm văn hiến, giữ vững vị trí, vai trò là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, thành phố Hà Nội đẩy mạnh hội nhập quốc tế, phấn đấu trở thành Thủ đô hiện đại tầm cỡ khu vực với mục tiêu đến năm 2025, đạt tỷ lệ đô thị hóa dự kiến khoảng 60 - 62%, năm 2030 là khoảng 65 - 75%.  

Ngày 24-1-2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW, “Về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Thành ủy Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW trên địa bàn Hà Nội. Kế hoạch được đưa ra nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quy hoạch, quản lý địa bàn thành phố để triển khai hiệu quả phát triển bền vững đô thị. Đây là mục tiêu phấn đấu của thành phố trên cơ sở quán triệt thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW, của Bộ Chính trị, “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó nhấn mạnh sự thống nhất cao trong nhận thức về vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt của Thủ đô. Nghị quyết số 15-NQ/TW đặt ra yêu cầu tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, kết hợp với nguồn lực của cả nước và nguồn lực quốc tế, xây dựng và phát triển Thủ đô thực sự xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn. Đồng thời, phát triển Thủ đô toàn diện, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế; kết hợp hài hòa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; giữa giữ gìn bản sắc văn hóa với phát triển kinh tế, trong đó văn hóa, con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực để phát triển Thủ đô.

Giữ gìn bản sắc văn hóa ngàn năm văn hiến

Thủ đô Hà Nội được biết đến với truyền thống văn hiến địa linh nhân kiệt, nơi lắng đọng hào khí Thăng Long, hồn thiêng sông núi, nơi kết tinh và tỏa sáng trí tuệ Việt Nam, tỏa sáng lương tri và phẩm giá con người. Văn hiến là nền tảng hình thành tinh thần độc lập, tự chủ và chủ quyền bất khả xâm phạm của Tổ quốc, là khởi đầu cho mọi sức mạnh và sự thông minh, sáng tạo của dân tộc Việt Nam.

Trong dòng chảy của thời đại, trong tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng, Thủ đô Hà Nội đã vinh dự được bạn bè quốc tế trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Suốt chiều dài lịch sử, Thăng Long - Hà Nội luôn tiêu biểu cho khát vọng hòa bình, chủ nghĩa nhân văn, tinh thần nhân đạo và hòa hiếu của dân tộc Việt Nam. Hồ Hoàn Kiếm gắn với huyền thoại Đức Thái Tổ Lê Lợi trả lại gươm thần sau khi đại thắng quân xâm lược, mãi mãi là hình tượng sống động về tinh thần yêu chuộng hòa bình của người Thăng Long - Hà Nội - Việt Nam. Giải thưởng “Thành phố vì hòa bình” là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về những đóng góp tích cực của Thủ đô Hà Nội trong công cuộc đấu tranh vì hòa bình, cũng như trong sự nghiệp phát triển, xây dựng một thành phố hòa bình. Một thành phố năng động nhưng vẫn giữ những nét truyền thống, vươn lên với sức bật mạnh mẽ xứng đáng là đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trở thành trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. Một thành phố lan tỏa sự bình đẳng trong cộng đồng, điểm sáng trong xây dựng đô thị, thúc đẩy phát triển văn hóa - giáo dục, bồi dưỡng nhân tài và thế hệ trẻ cùng với những chính sách hướng tới sự phát triển bền vững, cân bằng hài hòa giữa tăng trưởng và bảo vệ môi trường. Tiếp nối truyền thống, Hà Nội luôn khẳng định là bạn, là đối tác tin cậy của các nước, các thủ đô, các thành phố, góp sức xây dựng cộng đồng khu vực và quốc tế hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Ngày nay, thành phố Hà Nội đã trở thành đô thị có diện tích lớn thứ 17 trên thế giới, một đầu tàu kinh tế của đất nước và định hướng trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa của Ðông Nam Á trong tương lai. Chính vì vậy, những năm gần đây, thành phố tập trung phát triển đồng bộ, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng đô thị, xây dựng Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại. Mạng lưới đường giao thông ở khu vực trung tâm thành phố cùng với các tuyến đường giao thông liên vùng, kết nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh lân cận được hoàn thành, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía bắc. Thành phố đã thu hút đầu tư phát triển các dự án khu đô thị, khu nhà ở mới đồng bộ hạ tầng; đồng thời phát triển các loại hình nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp, nhằm cải thiện điều kiện ăn ở cho người dân. Diện mạo đô thị ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp.

Xây dựng Thủ đô hiện đại, hội nhập

Tại Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội tháng 10-2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc lại lời căn dặn của Bác Hồ: Đảng bộ Hà Nội phải làm gương cho các Đảng bộ khác, cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải cố gắng làm sao cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong Đảng bộ và nhân dân Hà Nội thấm nhuần sâu sắc và làm cho bằng được điều đó, đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa, xứng đáng với sự tin yêu, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, nhân dân (1).

Theo đó, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã xác định tầm nhìn dài hạn trong khoảng 25 năm tới. Trong đó, đến năm 2025, Đảng bộ thành phố có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh, bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa; GRDP/người đạt 8.300 USD - 8.500 USD. Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô; GRDP/người đạt 12.000 USD - 13.000 USD. Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD (2).

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Hà Nội tập trung triển khai hiệu quả các khâu đột phá chiến lược, trong đó đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, đạt tỷ lệ đô thị hóa dự kiến khoảng 60 - 62%, năm 2030 là khoảng 65 - 75%.  Theo đó, Hà Nội xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Thành ủy Hà Nội, đề ra các mục tiêu(3): 1- Tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 30% vào năm 2025, phấn đấu đến năm 2030 đạt khoảng 33 -36%; 2- Đến năm 2025, Hà Nội phấn đấu hoàn thành 100% các quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh, quy hoạch phân khu xây dựng các khu chức năng, quy hoạch chi tiết các khu vực cải tạo, tái thiết các khu chung cư cũ, chương trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị trên địa bàn thành phố; hệ thống các quy định, quy chế liên quan quản lý quy hoạch, kiến trúc; hoàn thành điều chỉnh các quy hoạch bảo đảm điều kiện phát triển các huyện thành quận; 3- Phấn đấu tỷ lệ đất giao thông đô thị (bao gồm giao thông tĩnh) trên đất xây dựng đô thị đến năm 2025 đạt từ 12 - 15%, đến năm 2030 đạt tỷ lệ 15 - 20%; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt khoảng 30 - 35% đến năm 2025, đến năm 2030 đạt khoảng 45-50%; diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đến năm 2025 đạt khoảng 7,8 - 8,1 m2/người, đến năm 2030 đạt khoảng 12 - 14 m2/người; diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt 31 m2/người vào năm 2025, đến năm 2030 đạt 33 m2/người; 4- Cải tạo, nâng cấp và đầu tư xây dựng mới các bệnh viện; trong đó, ưu tiên hoàn thành sớm 4 bệnh viện đa khoa lớn tại các cửa ngõ Thủ đô, hoàn thành chỉ tiêu 30 - 35 giường bệnh/vạn dân vào năm 2025. Phấn đấu tăng tổng số lượng giường bệnh của các cơ sở y tế (tại các trung tâm y tế chuyên sâu, bệnh viện đa khoa các cấp) đến năm 2025 dự kiến đạt khoảng 21.880 giường bệnh, đến năm 2030 khoảng 24.380 giường bệnh. Phấn đấu tỷ lệ số giường bệnh của các cơ sở y tế cấp đô thị trên 1.000 dân đến năm 2025 là 2,8 đến năm 2030 là 3,2 và tối thiểu 15 bác sĩ/10.000 dân; đồng thời gắn với việc phát triển nguồn nhân lực  bảo đảm việc vận hành khi hoàn thành đầu tư; 5-  Phấn đấu hoàn thành đường Vành đai 4 trước năm 2027 và chuẩn bị đầu tư, xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2030.

Thực tế, thời gian qua, theo nhiều chuyên gia, mặc dù tốc độ đô thị hóa ở Hà Nội đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, một số định hướng lớn của quy hoạch vẫn còn chưa được thực hiện. Quá trình phát triển đô thị diễn ra chậm, tỷ lệ đô thị hóa thấp so với mục tiêu quy hoạch. Việc tổ chức không gian đô thị và quy mô đô thị chưa hợp lý, không chỉ ảnh hưởng đến lộ trình phát triển đô thị, mà còn khiến kinh tế đô thị Hà Nội chưa phát huy được lợi thế. Ngoài những nguyên nhân khách quan do vướng mắc về cơ chế, chính sách thì tại Hà Nội cũng có những nguyên nhân chủ quan từ phía doanh nghiệp, địa phương đã không thực hiện nghiêm quy hoạch, cản trở quá trình phát triển đô thị, gây lãng phí nguồn lực đất đai. Chưa kể, việc phát triển nhanh tốc độ đô thị hóa, trong khi chưa có kế hoạch cụ thể đã tạo ra một số hệ lụy như: phát triển mất cân đối, thiếu đồng bộ, đầu tư dàn trải, không tập trung,…

Do vậy, để đạt mục tiêu đề ra, Ủy ban Nhân dân thành phố giao các sở, ngành tập trung tổ chức quán triệt và thực hiện tuyên truyền, giáo dục, vận động sâu rộng trong toàn xã hội, người dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị; triển khai và cụ thể hóa những chủ trương và giải pháp, huy động sức mạnh của hệ thống chính trị để triển khai hiệu quả các nội dung đề ra. Theo đó, thành phố tập trung vào một số giải pháp cụ thể sau:  

Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững; tăng cường công tác tổ chức thực thi pháp luật, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý đô thị; đồng thời, đẩy mạnh phát triển đô thị, phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng nhằm tạo động lực phát triển Thủ đô Hà Nội. Trong đó, xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để sớm hình thành các đô thị mới hấp dẫn, có điều kiện cạnh tranh, thu hút dân cư và lao động trẻ tới sinh sống và làm việc, góp phần giải nén, giảm tải cho đô thị trung tâm.

Ba là, tập trung nguồn lực phát triển, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của Thủ đô một cách tổng thể, hiện đại và hiệu quả. Trong đó, tập trung xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên, tạo động lực mới để phát triển đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh, mở rộng không gian phát triển, tạo sức hút ngoài khu vực trung tâm đô thị.

Bốn là, tập trung tổ chức quán triệt và thực hiện tuyên truyền, giáo dục, vận động sâu rộng trong toàn xã hội, người dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị; triển khai và cụ thể hóa những chủ trương và giải pháp, huy động sức mạnh của hệ thống chính trị để triển khai hiệu quả các nội dung đề ra.

Năm là, xây dựng và hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị và chất lượng cuộc sống đô thị, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh, an toàn và trật tự đô thị.

Sáu là, xem xét các yếu tố phát sinh, những bất cập trong quá trình thực hiện quy hoạch đô thị, kết hợp với nghiên cứu quy hoạch phù hợp với xu thế phát triển chung, xác định các khu vực phát triển mới và các khu vực cần cải tạo tái thiết đô thị, đồng thời gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế đô thị, để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả khi triển khai thực hiện theo quy hoạch./.

-------------------

(1), (2) Tuấn Sơn: “Thủ đô ngàn năm văn hiến, chuyển mình theo thời đại”, báo Quân đội nhân dân online, ngày 9-10-2022, https://media.qdnd.vn/long-form/thu-do-ngan-nam-van-hien-chuyen-minh-theo-thoi-dai-55596
(3) Nguyễn Văn Cảnh: “Thành phố Hà Nội phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa đạt 75% vào năm 2030”, Thông tấn xã Việt Nam online, ngày 22-8-2023, https://www.vietnamplus.vn/thanh-pho-ha-noi-phan-dau-ty-le-do-thi-hoa-dat-75-vao-nam-2030-post890345.vnp