Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh: Nêu cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ công tác
TCCS - Nêu cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ công tác là một trong những nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng ở Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh. Nhờ nâng cao ý thức, trách nhiệm, tiên phong, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ, đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã góp phần to lớn vào những thành tựu mà tỉnh nhà đã đạt được trong thời gian qua.
Tiên phong, gương mẫu trong học tập và làm theo Bác
Thực hiện các nghị quyết, kết luận của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII, XIII), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã chỉ đạo việc thực hiện trách nhiệm nêu gương trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp đã nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu, phát huy vai trò, trách nhiệm trong công tác và cuộc sống; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống; thực hiện tự phê bình và phê bình; thường xuyên “tự soi, tự sửa” để không ngừng hoàn thiện bản thân...
Cấp ủy viên các cấp, cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu cũng coi trọng tính gương mẫu, đề cao trách nhiệm trong công tác xây dựng Đảng, trong đó có công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách vì lợi ích chung. Đặc biệt, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo...
Các đơn vị, cá nhân duy trì nghiêm việc chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ, tăng cường công tác quản lý cán bộ và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương; coi trọng xây dựng kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu, trong đó đăng ký việc làm cụ thể, rõ nhiệm vụ, giải pháp, gắn với chức trách, nhiệm vụ được giao.
Đối với cán bộ, đảng viên là lãnh đạo, quản lý thuộc diện ban thường vụ cấp ủy cấp huyện quản lý, yêu cầu viết bài thu hoạch học nghị quyết và xây dựng kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu gửi về chi bộ nơi sinh hoạt và ban thường vụ cấp ủy cấp huyện. Đối với các đảng viên, viết bài thu hoạch học nghị quyết và xây dựng kế hoạch cam kết tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu nộp tại chi bộ nơi sinh hoạt đảng để theo dõi, đánh giá và quản lý.
Song song với đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh cũng chỉ đạo xây dựng, thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ sát với điều kiện, tình hình của cơ quan, đơn vị với phương châm “Sát chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện”, tập trung trong 5 mối quan hệ: Đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị; đối với đồng chí, đồng nghiệp; đối với việc nêu gương và thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và đối với bản thân. Đến nay, có 945 cơ quan, đơn vị đã rà soát, bổ sung, xây dựng chuẩn mực đạo đức bảo đảm yêu cầu ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện và phù hợp với đặc điểm của cơ quan, đơn vị. Trong đó có 912 cơ quan, đơn vị đánh giá việc thực hiện chuẩn mực đạo đức đã đề ra.
Cùng với trách nhiệm nêu gương, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chỉ thị, kết luận về học và làm theo Bác được triển khai nghiêm túc, bài bản. Trong năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh tổ chức 1 cuộc kiểm tra đối với một số cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị gắn với Quy định số 04-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; không suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đối với cán bộ, đảng viên tại 17 đảng bộ trực thuộc Đảng bộ tỉnh, 5 đảng đoàn và Ban Thường vụ Tỉnh đoàn.
Năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh ban hành quyết định kiểm tra đối với một số cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII); một số quy định, kế hoạch, kết luận của Trung ương và của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trong đó, có nội dung kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên và công tác kiểm tra của các tổ chức đảng trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên tại 20 đảng bộ trực thuộc tỉnh, 5 đảng đoàn, ban cán sự đảng.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh cũng tiến hành các cuộc giám sát về công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị tại 4 đảng bộ và giám sát gián tiếp tại 4 đảng bộ... Sau các đợt kiểm tra, giám sát đã kịp thời ban hành các kết luận yêu cầu các cấp ủy nghiêm túc kiểm điểm, khắc phục tồn tại, hạn chế và tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI, XII) gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Trách nhiệm nêu gương được đề cao đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Kỷ cương, kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước được tăng cường, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đảng viên ngày càng được nâng lên.
Phát huy vai trò của người đứng đầu trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo, các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan chức năng liên quan tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động một cách đồng bộ, chặt chẽ; phát huy hiệu quả cơ chế làm việc tập thể, duy trì họp, thảo luận, thống nhất, cho ý kiến chỉ đạo, xử lý đối với các vụ án, vụ việc tham nhũng tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm theo các quy định của Đảng.
Quan tâm chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về tham nhũng, tiêu cực; trong đó, tập trung kiểm tra, xử lý các tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm; thanh tra các lĩnh vực, địa bàn nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong xã hội, nhất là tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra chuyên đề theo chỉ đạo của ban chỉ đạo Trung ương.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, đã có 99 cuộc thanh tra kinh tế - xã hội được triển khai, tăng 10 cuộc so với cùng kỳ; 11 cuộc thanh tra trách nhiệm, tăng 5 cuộc so với cùng kỳ; triển khai 272 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, tăng 82 cuộc so với cùng kỳ. Qua đó, kịp thời phát hiện, chỉ đạo, xử lý nghiêm các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên vi phạm. Một số vụ việc được phát hiện qua các hoạt động của các cơ quan chức năng được đưa vào diện ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo có tác động răn đe, cảnh tỉnh rất lớn.
Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng quyết liệt đấu tranh, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ việc, vụ án về tham nhũng, chức vụ, kinh tế, tiêu cực trên địa bàn tỉnh, thể hiện rõ sự kiên quyết, không nể nang, né tránh, thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Trung ương “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai”. Cơ quan tiến hành tố tụng 2 cấp của tỉnh đã khởi tố điều tra 22 vụ với 103 bị can về tham nhũng, chức vụ, kinh tế, tiêu cực. Chú trọng thực hiện các biện pháp về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, tiêu cực. Những kết quả trên có được là do sự tích cực vào cuộc, nêu cao tinh thần, trách nhiệm công tác của các thành viên ban chỉ đạo của tỉnh.
Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo của tỉnh Quảng Ninh sẽ phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các thành viên ban chỉ đạo gắn với vai trò người đứng đầu, trong đó có người đứng đầu các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan công an, thanh tra, kiểm tra trong thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện, kiến nghị phòng ngừa từ sớm, từ xa, từ cơ sở đối với các dấu hiệu vi phạm pháp luật; tập trung hoàn thành các cuộc kiểm tra, giám sát bảo đảm thực sự có chất lượng và hiệu quả; tiếp tục rà soát kỹ việc khắc phục hậu quả về kinh tế, thu hồi tài sản, đất đai gắn với xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan; tăng cường trách nhiệm ban thường vụ huyện ủy, thị ủy, thành ủy, bí thư, phó bí thư, chủ tịch ủy ban nhân dân (UBND) cấp huyện đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và phải tạo được sự chuyển biến thực sự rõ nét trong phạm vi địa bàn chịu trách nhiệm. Đồng thờic báo cáo việc củng cố cơ quan thanh tra cấp huyện sau khi sắp xếp lại theo kết luận của Bộ Chính trị.
Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với nhân dân và xử lý phản ánh, kiến nghị của nhân dân
Những năm qua, công tác tiếp công dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được các cấp, các ngành tỉnh Quảng Ninh quan tâm, chú trọng. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, sở, ngành, địa phương đã nghiêm túc chấp hành chế độ tiếp công dân định kỳ theo Quy định số 11-QĐi/TW, ngày 18-2-2019, của Bộ Chính trị, “Về trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân”; theo Luật Tiếp công dân năm 2013. Các đồng chí bí thư cấp huyện, cấp xã đã chủ động dành thời gian trực tiếp tiếp công dân, lắng nghe dân, đối thoại với dân; nghe và chỉ đạo xử lý, giải quyết kịp thời, dứt điểm các kiến nghị, khiếu nại của công dân. Đặc biệt ở những địa phương thực hiện nhất thể hóa chức danh bí thư cấp ủy kiêm chủ tịch UBND cùng cấp, việc tiếp công dân của bí thư cấp ủy được thực hiện trực tiếp, đều đặn, hiệu quả.
Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các quyết định thành lập Hội đồng Tiếp công dân của tỉnh, Hội đồng Tư vấn giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị tỉnh Quảng Ninh. Đây là mô hình mới, nhằm phát huy tối đa hiệu quả trong hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tham gia tố tụng các vụ án hành chính của tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, như: Nội quy tại trụ sở tiếp công dân tỉnh Quảng Ninh, quy chế hoạt động của Ban Tiếp công dân tỉnh; duy trì việc kiểm tra định kỳ, đột xuất việc thực hiện công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo… Các cấp, các ngành đều quan tâm, thực hiện tiếp công dân thường xuyên và đột xuất khi có công dân đến thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; nhất là trong những vụ việc nổi cộm, phức tạp, kéo dài, có nhiều người tham gia, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị, hoặc ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn khác nhau; vụ việc có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, ảnh hướng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dântỉnh và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đã nêu gương thực hiện tiếp công dân định kỳ. Từ năm 2015 - 2022, người đứng đầu cấp ủy 3 cấp trên địa bàn tỉnh đã thực hiện 16.983 cuộc tiếp công dân định kỳ với 8.012 lượt công dân của 5.732 vụ việc; tổ chức 106 cuộc đối thoại trực tiếp với dân, trong đó có 101 đoàn đông người; tiếp dân đột xuất 97 cuộc với 242 công dân ở 104 vụ việc. Chủ tịch UBND tỉnh và cấp phó được ủy quyền, chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã đã thực hiện hơn 50.000 buổi tiếp công dân định kỳ.
Tại các buổi tiếp công dân đã có sự tham gia của các cơ quan hữu quan, các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội, Đoàn Luật sư, Hội Luật gia tỉnh; đồng thời Hội đồng Tiếp công dân tỉnh đều thực hiện kết nối trực tuyến với các địa phương có công dân kiến nghị, khiếu nại để nghe thấu đáo vụ việc và có hướng chỉ đạo giải quyết phù hợp, bảo đảm công khai, minh bạch…
Cùng với đó, việc tổ chức đối thoại đã giúp các cơ quan tham mưu và người giải quyết khiếu nại tìm hiểu rõ sự việc, có định hướng và biện pháp chỉ đạo đúng đắn, kết quả giải quyết tạo được sự đồng thuận nhất trí cao. Đồng thời, qua đối thoại cũng là dịp để người khiếu nại hiểu rõ các quy định của pháp luật, hiểu rõ chủ trương và chính sách; qua đối thoại nhiều trường hợp công dân tự nguyện rút đơn khiếu nại, đơn tố cáo. Trong trường hợp cần có sự tham gia của các sở, ngành chuyên môn của tỉnh, các địa phương đã chủ động mời phối hợp làm việc để bảo đảm các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân đều được xem xét, giải quyết thấu đáo, đúng pháp luật, hạn chế tối đa việc công dân khiếu kiện vượt cấp; từ đó, tạo sự ổn định về an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh./.
Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, góp phần xây dựng Đảng bộ thành phố Hà Nội trong sạch, vững mạnh  (24/10/2023)
Để sớm hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa ở Quảng Ninh  (19/10/2023)
Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu xây dựng Đảng bộ thành phố Hà Nội trong sạch, vững mạnh  (08/10/2023)
Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Binh chủng Tăng thiết giáp theo tinh thần “7 dám” đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới  (04/10/2023)
Bộ Chính trị, Ban Bí thư đề nghị kỷ luật một số cán bộ, đảng viên  (08/09/2023)
Năng lực “nhận sai”  (10/07/2023)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam