TCCS - Công tác xây dựng, phát triển văn hóa của Thủ đô được triển khai có trọng tâm, trọng điểm; hoạt động văn hóa xã hội ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân. Nhiều sự kiện văn hóa lớn mang tầm quốc gia và quốc tế được tổ chức thành công. Thành tích thể thao luôn được duy trì, giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước. Các thiết chế văn hóa, quy tắc ứng xử được xây dựng, ban hành và triển khai có hiệu quả.

Phố Bích họa Phùng Hưng -  sản phẩm văn hóa - du lịch nổi bật của Thủ đô trong những năm gần đây_Ảnh: Tư liệu 

Xây dựng đời sống văn hóa cho người dân - những điểm sáng

Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đạt được kết quả tốt. Hà Nội là địa phương đầu tiên hoàn thành tổng kiểm kê, đánh giá, phân loại di tích và bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể với 5.922 di tích (trong đó 431 di tích được tu bổ, tôn tạo trong giai đoạn 2016 - 2020), 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Chú trọng khai thác tiềm năng, thế mạnh văn hóa, nhất là gắn với phát triển du lịch. Nhiều di sản văn hóa trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn. Các di tích danh lam thắng cảnh do Sở Văn hóa Thể thao trực tiếp quản lý đã đón tiếp, phục vụ hơn 12 triệu lượt khách tham quan, du lịch, doanh thu đạt gần 350 tỷ đồng. Chiến lược, tầm nhìn phát triển, sáng tạo các giá trị văn hóa mới nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội được quan tâm, xây dựng phù hợp với xu thế của thời đại. Hà Nội là địa phương đầu tiên của Việt Nam chính thức trở thành thành viên mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” của UNESCO - một động lực quan trọng cho đổi mới sáng tạo, xây dựng thành phố thông minh, năng động và bền vững, nâng cao vị thế, tạo dựng hình ảnh hấp dẫn mới cho Thủ đô. Tổ chức phố sách Hà Nội, phát triển văn hóa đọc; khai thác có hiệu quả các không gian văn hóa sáng tạo cộng đồng (phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, phố Bích họa Phùng Hưng,…) được dư luận xã hội và nhân dân đánh giá cao, trở thành sản phẩm văn hóa - du lịch nổi bật của Thủ đô trong những năm gần đây.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được thực hiện bằng nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của mỗi địa phương, đơn vị. Từ khi phong trào hình thành tới nay, nhiều hoạt động tôn vinh danh hiệu “Gia đình văn hóa”, từ thành phố đến cơ sở diễn ra phong phú, sôi nổi và trang trọng, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng bộ, chính quyền thành phố các cấp đối với công tác này, đồng thời là nguồn động viên thiết thực đối với các gia đình. Tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” trung bình hằng năm đạt trên 85%. Tính đến nay, trên toàn thành phố đã có 87,5%  số hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, 71,5% số tổ dân phố đạt danh hiệu “Tổ dân phố văn hóa”. Cùng với đó, phong trào xây dựng “Làng văn hóa” cũng là nội dung chính trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở khu vực ngoại thành Hà Nội. Trong công tác xây dựng mô hình “Làng văn hóa”, có 60,5% số thôn, làng đạt danh hiệu “Làng văn hóa”. Là một trong những địa phương có nhiều thành tích tốt trong công tác xây dựng mô hình “Làng văn hóa kiểu mẫu”, huyện Thanh Oai trở thành huyện tiêu biểu của thành phố Hà Nội trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Để xây dựng các “Làng văn hóa kiểu mẫu”, huyện Thanh Oai đặt ra tiêu chí cao hơn so với “Làng văn hóa thông thường”, như 100% đường làng được đổ bê tông, trải nhựa hoặc lát gạch,… Từ sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo sát sao của cấp ủy và chính quyền, tính đến đầu năm 2020, huyện Thanh Oai đã có 2/4 thôn được công nhận là “Làng văn hóa kiểu mẫu”, đó là thôn Minh Kha (xã Bình Minh) và thôn Hưng Giáo (xã Tam Hưng); 2/4 thôn, tổ dân phố còn lại là thôn Thị Nguyên (xã Cao Dương) và tổ dân phố Kim Bài (thị trấn Kim Bài) tiếp tục phấn đấu hoàn thành xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” trong năm 2020. Các huyện Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Mỹ Đức,… cũng rất chú trọng trong công tác xây dựng, triển khai thực hiện phong trào xây dựng “Làng văn hóa” và đạt được nhiều kết quả tốt.

Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh

Việc xây dựng nếp sống văn hóa của người dân cũng được cấp ủy và chính quyền thành phố quan tâm, chú trọng, đặc biệt là công tác thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và các hoạt động tín ngưỡng. Thực hiện theo định hướng cưới “trang trọng - vui tươi - lành mạnh - tiết kiệm” là tâm nguyện của đại đa số các tầng lớp nhân dân, nhằm tránh các hiện tượng tiêu cực trong tổ chức lễ cưới. Trong những năm qua, Quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới đang từng bước phát huy tác dụng, góp phần làm lành mạnh trong tổ chức cưới ở nhiều nơi, trong đó, khu vực ngoại thành Hà Nội có những tiến bộ rõ rệt. Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã ban hành công văn số 746/BCĐ-VPTT, ngày 23-3-2020, về việc triển khai một số nội dung “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” thực hiện phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, gửi các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Ban chỉ đạo về phong trào này ở các xã, phường, thị trấn tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện việc cưới theo nếp sống văn minh, tạm dừng việc tổ chức đám cưới trong thời gian có dịch; trường hợp không thể dừng được thì tổ chức trong một ngày theo hình thức báo hỷ, tiệc trà trong nội bộ gia đình, không nên tổ chức cưới tại các khách sạn, nhà hàng, hạn chế tối đa việc ăn uống tập trung đông người. Khi tổ chức gia đình cần phối hợp với cơ quan y tế tại địa phương để tiến hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của ngành y tế.

Việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội và các hoạt động tín ngưỡng cũng được thành phố hết sức quan tâm. Hà Nội là địa phương có nhiều di tích văn hóa lịch sử nhất cả nước, song được quản lý, tổ chức khá chặt chẽ, nền nếp. Hằng năm, Đoàn kiểm tra thành phố đều tiến hành kiểm tra công tác quản lý, tổ chức lễ hội ở tất cả các quận, huyện để chấn chỉnh kịp thời mọi vi phạm. Nhờ đó, những hạn chế trong việc tổ chức lễ hội phần lớn được khắc phục, như việc thắp hương nhiều, bán các ấn phẩm mê tín dị đoan, các hình thức cờ bạc, bói toán và hạn chế sự bùng phát các điện thờ tư nhân. Việc tuyên truyền, định hướng cho các hoạt động tín ngưỡng hoặc mang dạng thức tín ngưỡng cũng được quan tâm, nhằm bảo tồn và phát triển những nét đẹp trong sinh hoạt tín ngưỡng dân tộc.

Nâng cao ý thức của cán bộ và nhân dân Thủ đô trong việc xây dựng đời sống và nếp sống văn hóa

Con người vừa là chủ thể, vừa là đối tượng của mọi hoạt động văn hóa. Ý thức của mỗi một thành viên trong cộng đồng được nâng cao sẽ hình thành môi trường văn hóa lành mạnh và hoàn thiện môi trường văn hóa. Hiểu được tầm quan trọng của việc nâng cao ý thức của người dân trong việc xây dựng con người và môi trường văn hóa, trong những năm qua, thành phố nỗ lực thực hiện bài bản, quyết liệt, sáng tạo Chương trình số 04-CTr/TU, ngày 26-4-2016, của Thành ủy Hà Nội, về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 - 2020”, đạt được nhiều kết quả tích cực. Tiếp nối thực hiện Chương trình 04 khóa 15, 16 của Thành ủy Hà Nội, năm 2017, Ủy ban nhân dân thành phố đã ký ban hành 2 quy tắc ứng xử là Quy tắc ứng xử nơi công cộng và Quy tắc ứng xử cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố. Sau 3 năm triển khai thực hiện, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ thành phố đến các quận, huyện, thị xã; các xã, phường, thị trấn; các thôn, làng, tổ dân phố; và đến từng gia đình, được tổ chức bằng nhiều hình thức tuyên truyền, vận động phong phú, đa dạng, đã tạo sự chuyển biến trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và đông đảo quần chúng nhân dân Thủ đô. Điều đó được thể hiện rõ nét ở một số mặt, như việc tuân thủ, chấp hành các quy định của pháp luật, nội quy, quy tắc nơi công cộng; tôn trọng không gian chung của cộng đồng; ứng xử lịch thiệp, thân thiện nơi công cộng; quan tâm, nhường nhịn, giúp đỡ người khuyết tật, người già, trẻ em; tôn trọng, bảo vệ cảnh quan môi trường.

Cùng với đó, công tác xây dựng nét đẹp văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh được triển khai có trọng tâm, trọng điểm và chuyển biến rõ nét. Nhiều giải pháp cụ thể bước đầu đạt hiệu quả với nhiều mô hình, sáng kiến hay, như đưa vào giảng dạy bộ tài liệu giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh, giáo dục an toàn giao thông, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương trong nhà trường. Trong lĩnh vực y tế thực hiện phương châm “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng người bệnh”. Đặc biệt, trong thời điểm bùng phát dịch COVID-19, những nét đẹp trong văn hóa ứng xử của người Hà Nội lại được phát huy và trở thành những ấn tượng đẹp trong mắt bạn bè quốc tế./.