Xây dựng đô thị thông minh ở Thủ đô Hà Nội trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Nguyễn Đức Chung TS, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội
22:42, ngày 05-03-2019

TCCS - Xây dựng đô thị thông minh ở Thủ đô Hà Nội trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cần đặc biệt chú trọng nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin, từ việc tăng cường đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, quản lý có tư duy công nghệ, sử dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ thông tin để hình thành một thế hệ công chức điện tử, đến việc kết nối với mạng lưới các nhà khoa học, trí thức trẻ để tập hợp trí tuệ xây dựng thành phố thông minh. Thành phố Hà Nội khuyến khích nghiên cứu các ứng dụng thông minh, giải pháp thông minh trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội và dự định trình Chính phủ cho phép triển khai các lớp học về công nghệ 3D, trí tuệ nhân tạo,... ngay tại các cấp học phổ thông để trong khoảng từ 10 đến 15 năm tới, Hà Nội sẽ có một đội ngũ nhân lực đáp ứng yêu cầu về những công nghệ quan trọng này.

Xây dựng thành phố thông minh là yêu cầu cấp thiết

Với sự bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xu hướng xây dựng thành phố thông minh đã trở thành phương thức phát triển tất yếu đối với các đô thị, nhất là những thành phố lớn trên thế giới cũng như tại Việt Nam, đặc biệt là với những thành phố có tốc độ đô thị hóa đang diễn ra rất nhanh như Hà Nội. Ngày 1-8-2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025, trong đó đến năm 2020 tại Việt Nam, ít nhất 3 đô thị được phê duyệt Đề án tổng thể về phát triển đô thị thông minh và tổ chức thực hiện đầu tư hạ tầng và phát triển ứng dụng các tiện ích đô thị thông minh. Đề án chính là cơ sở để thành phố Hà Nội nghiên cứu, lập kế hoạch, lộ trình thực hiện phát triển đô thị thông minh.

Thủ đô Hà Nội hiện được coi là một siêu đô thị về diện tích và quy mô dân số. Với tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số cơ học nhanh chóng dẫn đến nhiều vấn đề về quy hoạch, giao thông, an ninh, y tế, giáo dục, năng lượng, phát triển nhà ở, xử lý ô nhiễm môi trường... Nhu cầu xây dựng một thành phố thông minh bảo đảm các yếu tố phát triển bền vững, mang lại tiện ích, an toàn, thân thiện cho người dân đang ngày một trở nên cấp thiết. Những ứng dụng công nghệ mới, chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang được kỳ vọng là giải pháp hữu hiệu giúp đáp ứng nhu cầu này.

Thành phố thông minh có các đặc điểm chính là thành phố hiện đại, có nền kinh tế số, môi trường thông minh, quản trị thông minh, giao thông thông minh, năng lượng thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh, và nhiều yếu tố thông minh khác. Ở đó, công nghệ thông tin và truyền thông (hệ thống IoT trong các ứng dụng, mạng viễn thông (Wifi, 4G/5G), điện thoại thông minh, Big data và hệ thống phân tích sử dụng trí tuệ nhân tạo) được ứng dụng và làm cho công việc xây dựng, quản lý và phát triển thành phố trở lên hiệu quả hơn, thông minh hơn, cung cấp dịch vụ, tiện ích tới người dân và doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Xây dựng thành phố thông minh nhằm hướng tới cuộc sống tốt đẹp cho người dân, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ là quan điểm nhất quán của chính quyền thành phố Hà Nội trong quá trình triển khai xây dựng thành phố Hà Nội thông minh.

Những mục tiêu đặt ra trong xây dựng thành phố Hà Nội thông minh

- Phát triển chính quyền điện tử làm nòng cốt để xây dựng thành phố thông minh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp khi giao tiếp với cơ quan chính quyền, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên cơ sở lựa chọn những lĩnh vực thiết yếu nhất cần cải thiện: môi trường, y tế, giáo dục, giao thông, an ninh an toàn, du lịch, quản lý đô thị....

- Xây dựng nền móng kết cấu hạ tầng cho thành phố thông minh với trung tâm giám sát và điều hành tập trung kết nối đến hạ tầng viễn thông, IoT, tiếp nhận và xử lý các luồng thông tin các lĩnh vực đời sống xã hội của thành phố, hình thành hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu lớn, tích hợp, khai thác và cung cấp thông tin trực quan hỗ trợ các cấp lãnh đạo ra quyết định kịp thời, chính xác.

- Hình thành khu chuyển giao khoa học công nghệ tập trung và xây dựng vườn ươm doanh nghiệp khởi nghiệp để tham gia tích cực vào quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa và xây dựng thành phố Hà Nội thông minh.

- Tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao cho phát triển thành phố thông minh. Tăng cường công tác truyền thông, quảng bá để nâng cao nhận thức của cộng đồng về lợi ích của thành phố thông minh và tích cực tham gia các quá trình xây dựng, vận hành thành phố thông minh.

Lộ trình phát triển thành phố Hà Nội thông minh được chia thành 3 giai đoạn phát triển:

Giai đoạn 1, đến năm 2020: Hình thành một phần cơ bản các thành phần cốt lõi của thành phố thông minh, bao gồm: Nền tảng kết cấu hạ tầng (mạng viễn thông băng rộng, hệ thống các cảm biến, camera giám sát, hạ tầng an ninh, an toàn thông tin, trung tâm dữ liệu...); các cơ sở dữ liệu cốt lõi (dân cư, đất đai, doanh nghiệp...); hoàn thành một phần cơ bản xây dựng chính quyền điện tử Hà Nội; xây dựng các hệ thống thông minh trong các lĩnh vực thiết yếu, như giáo dục, y tế, giao thông, du lịch, an toàn xã hội và môi trường.

Giai đoạn 2, từ năm 2021 đến 2025: Hoàn thành cơ bản các hệ thống thông minh trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội; người dân chủ động tham gia quản lý và xây dựng chính sách phát triển xã hội; thông tin, cơ sở dữ liệu trở thành nguồn lực cơ bản trong phát triển xã hội, hình thành nền kinh tế số.

Giai đoạn 3, sau năm 2025: Thành phố Hà Nội phát triển ở trình độ cao với đặc trưng của nền kinh tế tri thức.

Hà Nội xây dựng thành phố thông minh trên nền tảng công nghệ số

Từ những kinh nghiệm quốc tế, những đặc thù riêng, thành phố Hà Nội cũng xác định nguyên tắc: xây dựng đô thị thông minh là một nội dung quan trọng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Sử dụng các phương tiện hỗ trợ công nghệ thông tin truyền thông (ICT) và các phương tiện khác góp phần thúc đẩy nâng cao sức cạnh tranh, đổi mới, sáng tạo, minh bạch, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các đô thị, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, năng lượng và các nguồn lực phát triển, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống đô thị, kích thích tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, xây dựng đô thị thông minh dựa trên thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, ứng dụng các công nghệ hiện đại, đồng bộ, bảo đảm tính trung lập về công nghệ, có khả năng tương thích với nhiều nền tảng, bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng và bảo vệ thông tin cá nhân của người dân, bảo đảm sự đồng bộ giữa các giải pháp công nghệ và phi công nghệ.

Hà Nội đã xây dựng chiến lược, lộ trình xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và “Kiến trúc ICT thành phố thông minh của thành phố Hà Nội”, trong đó xác định xây dựng hạ tầng thông tin số an toàn, khuyến khích cung cấp dữ liệu mở để thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giúp doanh nghiệp giảm chi phí, mở rộng cơ hội hợp tác kinh doanh trong nền kinh tế số. Bảo đảm mọi người dân được hưởng thụ các dịch vụ công một cách nhanh chóng, thuận tiện trên kết cấu hạ tầng thông tin số rộng khắp. Tăng cường việc bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm.

Các hệ thống thông tin quản lý những lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật - dịch vụ chủ yếu của đô thị cũng được số hóa, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các ngành; tăng cường sự tham gia của người dân nhằm nâng cao năng lực dự báo, hiệu quả và hiệu lực quản lý của chính quyền địa phương. Xây dựng các hệ thống giám sát, cảnh báo trực tuyến về môi trường (nước, không khí, tiếng ồn, đất, chất thải...); các hệ thống thu thập, phân tích dữ liệu môi trường phục vụ nâng cao năng lực dự báo, phòng, chống, khẩn cấp và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Để hướng tới xây dựng thành phố thông minh, Hà Nội bắt đầu với mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử. Ủy ban nhân dân thành phố đã định hướng thiết lập một hệ thống công nghệ thông tin theo hướng tổng thể, đồng bộ, thống nhất sử dụng chung trên toàn địa bàn thành phố; chuyển đổi từ hình thức triển khai nhỏ lẻ sang triển khai theo mô hình tập trung, ưu tiên hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin. Hà Nội cũng xác định xây dựng thành phố thông minh bền vững, mang lại sự tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân dựa trên nền tảng ứng dụng những công nghệ chủ chốt của Cuộc cách mạng công nghệ 4.0, như công nghệ điện toán đám mây, dữ liệu lớn (Big data), trí tuệ nhân tạo (AI), in-tơ-nét kết nối vạn vật (IoT), công nghệ in 3D, công nghệ thực tế ảo.

Các hoạt động trao đổi hợp tác quốc tế về lĩnh vực công nghệ thông tin của thành phố Hà Nội được đẩy mạnh. Thành phố đã tích cực làm việc với các doanh nghiệp nước ngoài để xây dựng các tổ hợp trung tâm dữ liệu lớn nhất toàn quốc tại Hà Nội, bao gồm 6 tổ hợp trung tâm dữ liệu với tổng công suất 1.200MW. Thành phố đã tiếp xúc, trao đổi kinh nghiệm với các tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu trên thế giới, ký kết các thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Microsoft, Tập đoàn Công nghệ Dell về xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh.

Bên cạnh việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, thành phố Hà Nội đã tập trung chỉ đạo phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, làm nền tảng cho phát triển các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của thành phố. Trong thời gian tới, thành phố tập trung triển khai xây dựng hạ tầng và đưa vào hoạt động khu công viên phần mềm thành phố Hà Nội, tiếp tục thu hút đầu tư vào các khu công nghệ thông tin tập trung của thành phố.

Mang lại sự tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân

Nếu đặt vấn đề xây dựng thành phố thông minh tại Hà Nội để giải quyết vấn đề gì thì câu trả lời sẽ là: Hà Nội mong muốn hướng tới một mô hình thành phố thông minh mang lại sự tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân dựa trên nền tảng ứng dụng những công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Do đó, hướng tới xây dựng thành phố thông minh, quan điểm nhất quán của chính quyền thành phố là lấy người dân làm trung tâm, hướng tới mục tiêu để mọi thành phần trong xã hội có thể được thụ hưởng lợi ích, tham gia đầu tư xây dựng và giám sát, quản lý đô thị thông minh.

Xuất phát từ yêu cầu thực tế, thành phố Hà Nội đang tập trung ưu tiên triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi và chuyên ngành theo hướng tập trung, tích hợp tại trung tâm dữ liệu, hình thành dữ liệu lớn (Big data); bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia theo quy định. Đến nay, các thành phần cơ bản của chính quyền điện tử thành phố gồm: Trung tâm dữ liệu nhà nước; mạng diện rộng (WAN) kết nối tới 100% các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn; cổng giao tiếp điện tử thành phố; cổng dịch vụ công trực tuyến đã hình thành; các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu cốt lõi; hệ thống và giải pháp an toàn, an ninh thông tin; hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin tại các cơ quan nhà nước của thành phố đang được hoàn thiện.

Hiện nay, thành phố Hà Nội đã và đang triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn một cách bài bản, thận trọng, chắc chắn, để tạo tiền đề cho việc xây dựng thành phố thông minh. Thành phố đã xây dựng các kế hoạch để số hóa toàn bộ dữ liệu hiện có, xây dựng kết cấu hạ tầng cho việc ứng dụng các dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp cũng như phục vụ cho việc quản lý, điều hành của thành phố. Hà Nội cũng đã xây dựng những cơ sở dữ liệu cốt lõi phục vụ cho việc điều hành của thành phố, như cơ sở dữ liệu về dân cư, cơ sở dữ liệu về đất đai... Thành phố đã xây dựng và triển khai các hệ thống thông tin trên một nền tảng ứng dụng đồng bộ, dùng chung, thống nhất, tạo tiền đề thuận lợi trong việc liên thông, trao đổi, chia sẻ dữ liệu.

Thành phố đã triển khai và tiếp tục duy trì Cổng DVC cung cấp các dịch vụ trực tuyến dùng chung mức độ 3, 4 và đến cuối năm 2018, tích hợp chữ ký số chuyên dùng Chính phủ. Năm 2018, thành phố đạt 55% về thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4, phấn đấu hết năm 2019 hoàn thành 100% dịch công trực tuyến mức độ 3, 4; phối hợp thống nhất về cơ chế thanh toán áp dụng cho dịch vụ công của thành phố để giảm chi phí. Các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 có số lượng giao dịch qua mạng hằng năm cao (năm 2016 đạt 50%, năm 2017 đạt 94%, năm 2018 đạt 94%). Thành phố tiếp tục duy trì việc doanh nghiệp đăng ký thành lập qua mạng với tỷ lệ 100%, hải quan điện tử: 100%, các lĩnh vực kê khai thuế điện tử và bảo hiểm xã hội: trên 98%...

Việc triển khai, duy trì hoạt động của các dịch vụ công trực tuyến khai sinh liên thông và khai tử, giải quyết tử tuất và mai táng phí bảo đảm tiến độ và hiệu quả (kinh phí tiết kiệm được từ khoảng 5 - 6 tỷ đồng mỗi năm). Trên cơ sở chạy vận hành thử nghiệm, từ ngày 26-10-2018, thành phố đã triển khai diện rộng đến 30 ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn phần mềm một cửa điện tử.

Trong lĩnh vực giáo dục, thành phố đã triển khai thành công tuyển sinh trực tuyến đầu cấp vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký trực tuyến của cả 3 cấp năm 2018 tăng so với các năm, cụ thể: Năm 2016 đạt 55,7%, năm 2017 đạt 70,6% và năm 2018 đạt 78,5% (trong đó riêng năm 2018: khối mầm non đạt 86,24%, khối lớp 1 đạt 86,75% và khối lớp 6 đạt 66,93%). Đồng thời thành phố tiếp tục khai thác phần mềm quản lý học bạ điện tử, tuyển sinh trực tuyến, sổ liên lạc điện tử, quản lý kết quả giáo dục tiểu học.

Trong lĩnh vực giao thông đô thị, thành phố đã xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị từ nhiều năm nay, với trên 500 ca-mê-ra được lắp đặt trên các tuyến giao thông trọng điểm để giám sát lưu lượng và xử phạt vi phạm, Hệ thống đèn tín hiệu giao thông đã được kết nối tại 179 nút đèn tín hiệu giao thông. Thành phố đã triển khai ứng dụng quản lý hành trình hơn 100 tuyến xe buýt với 1.600 xe, tạo điều kiện cho các công ty xe buýt quản lý và điều hành tốt mạng lưới xe, cung cấp thông tin chính xác cho hành khách về lộ trình của từng tuyến xe. Năm 2018, thành phố đã triển khai dự án hỗ trợ phát triển hệ thống thẻ vé liên thông cho vận tải công cộng Hà Nội sử dụng nguồn viện trợ không hoàn lại của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA); triển khai phần mềm phục vụ công tác quản lý duy tu, bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn Hà Nội; đang hoàn thiện Đề án Giao thông thông minh, tập trung số hóa hạ tầng và phương tiện giao thông; xây dựng các phần mềm, ứng dụng phục vụ công tác quản lý, điều hành tổ chức giao thông và xử lý vi phạm tự động.

Thành phố đã triển khai thí điểm và tiếp tục mở rộng phạm vi triển khai ứng dụng tìm kiếm và thanh toán trông giữ xe ô tô qua điện thoại di động - IPARKING. Đến nay đã có 165 điểm trông giữ phương tiện được ứng dụng dịch vụ IPARKING. Trong thời gian tới, thành phố sẽ hoàn thiện quy chế quản lý và đề xuất sử dụng hóa đơn điện tử cho toàn bộ hệ thống; thí điểm lắp đặt thiết bị hệ thống vé điện tử thông minh trên tuyến BRT; thí điểm xử lý vi phạm thông qua hệ thống giám sát bằng camera ở bến xe Giáp Bát (xử phạt nguội).

Trong lĩnh vực nông nghiệp, thành phố đang triển khai thí điểm hệ thống thông tin điện tử ứng dụng mã QR truy xuất nguồn gốc bằng các thiết bị di động thông minh, bảo đảm an toàn đối với sản phẩm trái cây tại các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn Hà Nội. Đến nay đã có 652/941 cửa hàng có tem truy xuất nguồn gốc trái cây (đạt tỷ lệ 66%), hình thành một số chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở đó xây dựng thương hiệu trang bị tem, nhãn, bao bì nhận diện sản phẩm trái cây của Hà Nội.

Hệ thống các cơ sở y tế của Hà Nội được thiết lập theo 3 cấp, tuy nhiên với dân số lớn khiến các tuyến y tế của Hà Nội luôn quá tải, đặc biệt là tuyến y tế cấp thành phố. Để phục vụ tốt việc chăm sóc sức khỏe và tạo thuận lợi cho người dân khi đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế, Hà Nội đã triển khai ứng dụng cấp hồ sơ khám sức khỏe điện tử cho trên 7,5 triệu công dân (đến nay đã thiết lập được 6.325.000 hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân, đạt 82,2%); tầm soát ung thư sớm cho hơn 2 triệu người trên 40 tuổi trên địa bàn thành phố (đến nay, đã tổ chức tầm soát miễn phí cho gần 400.000 người); kết nối các bệnh viện trên địa bàn, liên thông khám, chữa bệnh với hệ thống bảo hiểm y tế.

Trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường thành phố Hà Nội đã cung cấp thông tin quan trắc môi trường cho người dân về chất lượng không khí, chất lượng nước, lượng mưa, bản đồ ngập úng... Thành phố cũng đang triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng tổng thể hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai thành phố.

Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục xây dựng, hình thành các yêu cầu xây dựng một số thành phần cơ bản của thành phố thông minh, như Trung tâm Điều hành thông minh thành phố Hà Nội, hệ thống giao thông thông minh, du lịch thông minh... Triển khai các nội dung cơ bản của hệ thống giao thông thông minh gồm: Hệ thống thông tin giao thông; hệ thống quản lý điều hành vận tải công cộng; hệ thống quản lý điều hành giao thông; hệ thống giám sát xử lý vi phạm... Xây dựng trung tâm giám sát điều hành giao thông thông minh; xây dựng hoàn chỉnh bộ cơ sở dữ liệu số hóa cho hệ thống giao thông thông minh (gồm nhiệm vụ tích hợp các cơ sở dữ liệu sẵn có và xây dựng các cơ sở dữ liệu còn thiếu về kết cấu hạ tầng, phương tiện, người sử dụng). Hà Nội cũng đang phối hợp với FPT để xây dựng hệ thống bản đồ số giao thông nhằm cung cấp cho người dân và cơ quan quản lý những thông tin toàn diện về tình trạng giao thông, danh mục các thiết bị hạ tầng giao thông, như bến xe, biển báo,... tích hợp với các phương tiện vận tải công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Hệ thống giao thông thông minh của thành phố Hà Nội sẽ có thể đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin phục vụ người tham gia giao thông và cơ quan quản lý nhà nước; hệ thống điều khiển giao thông bằng đèn tín hiệu; hệ thống giám sát, xử lý vi phạm bằng hình ảnh; hệ thống phần mềm chỉ huy - điều hành giao thông thông minh...

Cần sự kết hợp của nền tảng công nghệ, con người và nguồn lực tài chính

Mục tiêu xây dựng đô thị thông minh của Hà Nội được thực hiện trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra nhanh chóng với những công nghệ nổi bật, đòi hỏi phải có những bước đi thích hợp để thành phố thông minh có thể cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân, kích thích tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Khi đưa ra chương trình cho cả lộ trình xây dựng Thủ đô trở thành thành phố thông minh, Hà Nội cũng dành nguồn lực nhất định từ nguồn ngân sách thành phố cho việc thực hiện. Tuy nhiên, Hà Nội xác định sẽ huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn. Xu hướng chính là khi hình thành các dịch vụ công, Hà Nội sẽ định hình và phân loại dần những dịch vụ này trên tinh thần tất cả những dịch vụ công nào mà tư nhân có thể đảm đương thì sẽ chuyển dần để tư nhân làm. Nguồn lực thu được sẽ được Hà Nội huy động để tiếp tục thực hiện các công việc tiếp theo cho xây dựng thành phố thông minh.

Thành phố cũng sẽ thuê tối đa dịch vụ công nghệ thông tin của các doanh nghiệp, từ trung tâm dữ liệu (Data Center) đến dịch vụ bảo mật cũng như các dịch vụ thuê đường truyền, xây dựng phần mềm. Có thể nói, Hà Nội chuyển hướng sang huy động mọi nguồn lực, trong đó có cả nguồn lực về tài chính, chất xám vào việc xây dựng thành phố thông minh cho Hà Nội.

Do đó, để xây dựng thành công thành phố thông minh, ngoài sự nỗ lực của chính quyền thành phố, rất cần sự tham gia của các doanh nghiệp và cộng đồng. Thành phố luôn chú trọng thu hút các nguồn lực đầu tư từ xã hội, đẩy mạnh việc hợp tác quốc tế về chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm và tri thức thông qua việc ký văn bản ghi nhớ với nhiều tập đoàn trong nước và nước ngoài. Hà Nội đã trao đổi, thống nhất ký biên bản ghi nhớ với các tập đoàn, công ty, như Microsoft Việt Nam, Viettel, VNPT, FPT, Nhật Cường,... về hợp tác triển khai xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh; đồng thời mời các đối tác của Chính phủ và doanh nghiệp Mỹ tham gia tư vấn về xây dựng trung tâm giám sát điều hành tập trung, xây dựng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đô thị, quy hoạch xây dựng, đất đai trên nền bản đồ số...

Trên cơ sở kinh nghiệm đã có, những nền tảng công nghệ đang dần định hình, yếu tố con người và nguồn lực tài chính, Hà Nội hoàn toàn có đủ khả năng để xây dựng thành phố thông minh với mục tiêu đã đặt ra là mang lại sự tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân./.