Hợp tác công - tư trong phát triển dịch vụ công nhằm bảo đảm quyền an sinh của người dân, tạo nền tảng cho sự phát triển hài hòa, bền vững của Hà Nội

PGS, TS. Đoàn Minh Huấn Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản
16:46, ngày 31-12-2018
TCCSĐT - Tầm nhìn đến 2050, Hà Nội trở thành đô thị đặc biệt, giàu, đẹp, văn hiến, văn minh, tiêu biểu của cả nước. Hà Nội cũng trở thành một tổ hợp cung ứng dịch vụ công lớn nhất cả nước, không chỉ thỏa mãn nhu cầu các tổ chức và công dân Thủ đô, mà còn đáp ứng nhu cầu cả nước, nhất là trong điều kiện chuyển đổi từ mô hình nhà nước quản trị sang mô hình nhà nước dịch vụ.
Trong điều kiện nguồn lực đầu tư còn hạn chế, cần tối ưu hóa được các nguồn lực công và huy động được nguồn lực tư theo những mô hình và cơ chế quản lý khác nhau, trong đó hợp tác công - tư (PPP) là một lựa chọn quan trọng, góp phần bảo đảm quyền an sinh của người dân, tạo nền tảng cho sự phát triển hài hòa, bền vững của Hà Nội.

Quan điểm xây dựng mô hình hợp tác công - tư trong phát triển dịch vụ công của Hà Nội

Một là, thông nhất nhận thức về bản chất và sự cần thiết của việc áp dụng mô hình hợp tác công - tư. Mô hình hợp tác công - tư là một khái niệm còn khá mới ở Việt Nam. Do đó, cần nỗ lực để đạt được sự đồng thuận cao hơn trong nhận thức và tư duy của cả chính quyền, khu vực tư nhân và người dân về ưu thế, cũng như khiếm khuyết của mô hình này. Vai trò không thể thay thế được của Nhà nước trong việc bảo đảm hàng hóa và dịch vụ công đến tay người dân không có nghĩa là Nhà nước phải trực tiếp cung ứng mọi loại dịch vụ, mà có thể thu hút tư nhân, các tổ chức khác tham gia nhằm mục tiêu đa dạng hóa các loại hình cung ứng, tăng số lượng, chất lượng các dịch vụ được cung ứng, giảm thiểu chi phí tài chính và rút ngắn thời gian chờ đợi của người tiêu dùng. Bên cạnh việc bổ sung nguồn vốn cho khu vực công, PPP còn giúp nâng cao tính cạnh tranh trong cung cấp dịch vụ công tại Hà Nội.

Hai là, có quyết tâm chính trị cao, tập trung giải quyết các vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến thúc đẩy hình thức hợp tác công - tư. Quá trình chuyển đổi hình thức đầu tư truyền thống sang hình thức đầu tư mới (PPP) trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội đòi hỏi một quyết tâm chính trị cao, nhất là khi PPP hiện nay được xác định nằm trong chiến lược phát triển chung của Thủ đô. Việc áp dụng hình thức đầu tư mới cần phải có bước đi thận trọng, được hoạch định trên cơ sở lý luận và kinh nghiệm chắc chắn, với lộ trình rõ ràng. Cần thiết thí điểm và đúc rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng.

Ba là, gắn kết chặt việc áp dụng PPP với quá trình đổi mới vai trò của Nhà nước, trước hết là chính quyền địa phương Hà Nội. Nếu như trước đây, vai trò của Nhà nước là “người trực tiếp cung ứng dịch vụ”, thì trong điều kiện mới là “bảo đảm để một số loại dịch vụ công cơ bản được cung ứng đến người dân”. Theo đó, chính quyền các cấp của Hà Nội chủ yếu tập trung vào nhiệm vụ tạo dựng khung pháp luật, chính sách, các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ thỏa đáng, mà không can thiệp trực tiếp vào hoạt động tác nghiệp của các đơn vị sự nghiệp thực hiện dịch vụ công; cần trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các tổ chức này.

Bốn là, áp dụng các mô hình PPP phải vừa vận dụng đầy đủ, đúng đắn các kinh nghiệm và thông lệ quốc tế, vừa bảo đảm tính phù hợp với điều kiện phát triển đặc thù của Thủ đô. Mô hình PPP còn khá mới ở nước ta, song đã được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới hơn 50 năm nay. Nhờ thực hiện PPP mà nhiều khó khăn đã được giải quyết, như tình trạng ùn tắc giao thông, vấn đề môi trường, tạo việc làm cho người lao động… Tuy nhiên, cũng có nhiều bằng chứng thực nghiệm chứng tỏ rằng, không phải dự án nào áp dụng hình thức đầu tư trên cũng thu được kết quả như mong muốn. Chính vì vậy, với lợi thế đi sau, Hà Nội cần học hỏi, rút kinh nghiệm từ chính những thành công hay thất bại của những dự án PPP trên thế giới, của các địa phương khác, để áp dụng hiệu quả vào hoạt động cung cấp hàng hóa dịch vụ công có nhiều điểm đặc thù của mình.  

Năm là, mô hình PPP trên địa bàn Hà Nội phải bảo đảm gắn kết hài hòa giữa các mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế với mục tiêu hiệu quả xã hội. Quan điểm nhất quán cần được xác định rõ là không chấp nhận việc “thương mại hóa” các dịch vụ công cơ bản theo hướng chạy theo lợi nhuận thuần túy, bỏ qua chất lượng dịch vụ. Cần có chính sách riêng đối với người nghèo, các nhóm yếu thế trong việc tiếp cận các dịch vụ công. Các mô hình PPP của Hà Nội cần xây dựng và vận hành sao cho hiệu quả hoạt động kinh tế ngày càng được nâng cao, song song với đời sống, phúc lợi của người dân Thủ độ cũng ngày càng được chăm lo tốt hơn.

Sáu là, các dự án, chương trình PPP phải thể hiện mối quan hệ bổ trợ, bổ sung lẫn nhau giữa các chủ thể chính là Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Các mô hình PPP phải được thiết lập sao cho Nhà nước và tư nhân có thể hỗ trợ và bổ sung sức mạnh cho nhau, trở thành lực lượng chung thúc đẩy phát triển, kết hợp hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích của toàn xã hội. Lợi ích đó cần được hiện thực hóa bằng những cam kết chặt chẽ trong điều khoản của hợp đồng PPP.

Định hướng xây dựng mô hình và cơ chế hợp tác công - tư trong phát triển dịch vụ công của Hà Nội

Thứ nhất, thúc đẩy PPP trong phát triển mạnh các ngành dịch vụ trình độ và chất lượng cao. Đẩy nhanh áp dụng PPP trong phát triển khu vực dịch vụ theo hướng hiện đại, ưu tiên phát triển các ngành, sản phẩm dịch vụ trình độ, chất lượng cao và có giá trị gia tăng lớn. Xây dựng và phát triển Hà Nội trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch có đẳng cấp trong khu vực. Tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ cao hơn các khu vực sản xuất và cao hơn tốc độ tăng tổng sản phẩm nội địa của thành phố. Tham gia có hiệu quả vào mạng lưới phân phối toàn cầu và quốc gia. Tập trung áp dụng mô hình PPP trong phát triển và nâng cao trình độ, chất lượng các ngành dịch vụ có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn: tài chính - ngân hàng, y tế chất lượng cao, nghiên cứu và chuyển giao khoa học và công nghệ, văn hóa - nghệ thuật, dịch vụ vui chơi - giải trí, pháp lý và sở hữu trí tuệ… Tỷ trọng giá trị các sản phẩm tư vấn, dịch vụ khoa học - công nghệ, thiết kế công nghiệp, kiến trúc, xây dựng, mỹ thuật, quảng cáo và dịch vụ văn hóa cao cấp chiếm khoảng 15 - 20% tổng số các ngành dịch vụ của Hà Nội.  

Thứ hai, khuyến khích áp dụng mô hình PPP trong phát triển công nghiệp và xây dựng theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh và thân thiện môi trường. Trước mắt, chính quyền thành phố Hà Nội ưu tiên kêu gọi các dự án PPP để phát triển một số sản phẩm chủ lực thuộc các ngành công nghệ thông tin, cơ khí chính xác, điện tử, tự động hóa và thiết bị kỹ thuật điện, công nghệ sinh học, dược phẩm, sản xuất và sử dụng vật liệu mới… 

Thứ ba, phát triển mô hình PPP trong nông nghiệp và nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, hiệu quả, bền vững, an toàn và thân thiện môi trường. Khuyến khích khu vực tư nhân tham gia phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái trên cơ sở hình thành những khu nông nghiệp công nghệ cao gắn với bảo tồn, phát triển văn hóa, du lịch và xây dựng nông thôn mới.

Thứ tư, đẩy mạnh dự án PPP trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ và hiện đại. Tập trung kêu gọi các dự án hợp tác công - tư nhằm xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đi trước một bước so với yêu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô, giải quyết những vấn đề bức xúc và quá tải về hạ tầng hiện nay. Hoàn thiện việc phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại gắn với thiết kế và xây dựng các công trình với kiến trúc tiêu biểu, trong lĩnh vực giao thông, công trình ngầm, xe điện ngầm, đường sắt đô thị, truyền tải điện, hạ tầng thông tin, nước sạch và hệ thống xử lý nước sạch…

Thứ năm, khuyến khích các mô hình PPP trong phát triển và phát huy các giá trị văn hóa. Kêu gọi các dự án PPP đầu tư vào xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình văn hóa đặc biệt quan trọng của quốc gia trên địa bàn; bảo tồn, kế thừa và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; phát triển mạnh hệ thống thông tin đại chúng; hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa các cấp có sự tham gia của khu vực tư nhân.

Thứ sáu, đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa trong phát triển giáo dục và đào tạo theo hướng chuẩn hóa, tiên tiến và hiện đại; xây dựng một số trường chất lượng cao; đẩy mạnh dạy, học song ngữ trong các trường học… Đa dạng hóa các hình thức PPP trong phát triển giáo dục - đào tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao của Hà Nội, phát triển Hà Nội trở thành trung tâm đào tạo nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng hàng đầu của cả nước và có uy tín quốc tế, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên khoảng 85% - 90% vào năm 2030.

Thứ bảy, phát triển mô hình PPP trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân Thủ đô. Khuyến khích phát triển PPP xây dựng hệ thống y tế theo hướng tiên tiến, hiện đại. Có cơ chế kêu gọi khu vực tư nhân tham gia xây dựng trung tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ gen, di truyền của cả nước; phát triển mạng lưới y tế dự phòng hiện đại với sự tham gia tự giác, rộng rãi của người dân; nâng cấp và hiện đại hóa y tế tuyến cơ sở; tăng cường phát triển y tế cộng đồng và y tế gia đình; tổ chức cung cấp dịch vụ y tế công bằng, hiệu quả, từng bước giảm chênh lệch về chất lượng dịch vụ y tế giữa khu vực nội thành và các huyện ngoại thành của Hà Nội.

Thứ tám, thu hút các dự án PPP trong lĩnh vực thể dục, thể thao. Kêu gọi các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển các khu liên hợp thể thao hiện đại, các trung tâm thể thao và các cơ sở thể dục, thể thao quốc gia đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.

Thứ chín, đa dạng hóa các mô hình PPP nhằm phát triển khoa học và công nghệ tạo tiền đề để Hà Nội phát triển nhanh và hiệu quả. Thủ đô Hà Nội cần có chính sách đa dạng hóa hình thức đầu tư theo mô hình PPP các trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao, các phòng thí nghiệm trọng điểm đầu ngành đạt chuẩn khu vực và quốc tế, phát triển mạng lưới các cơ sở nghiên cứu và triển khai, hình thành các vườn ươm, khu sinh dưỡng công nghệ... đưa Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước.

Thứ mười, coi trọng áp dụng PP trong giải quyết các vấn đề an sinh xã hội và môi trường. Có cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia giải quyết việc làm, ưu tiên tạo việc làm mới có chất lượng, năng suất và hiệu quả cao; nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của nhân dân, từng bước rút ngắn khoảng cách về điều kiện sống giữa khu vực ngoại thành và nội thành. Khuyến khích khu vực tư nhân tham gia xây dựng hệ thống an sinh xã hội hiệu quả, đa dạng, ngày càng phù hợp với tiềm năng, đặc điểm, yêu cầu và trình độ phát triển của Hà Nội. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình giảm nghèo và hỗ trợ các đối tương yếu thế trong xã hội; phát triển mạnh và đa dạng hóa các hình thức bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế toàn dân; thực hiện tốt chính sách bình đẳng giới, chăm sóc trẻ em, người cao tuổi, người có công và chính sách bảo trợ xã hội. Áp dụng mô hình PPP trong việc duy trì trật tự, an ninh, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô. Kêu gọi các chủ thể trong nền kinh tế tham gia các dự án PPP nhằm bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp và cân bằng sinh thái theo các tiêu chí môi trường đô thị bền vững./.