Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 17 đến ngày 23-12-2018
Xây dựng Chính phủ điện tử gắn với cải cách thủ tục hành chính
Ngày 20-12, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị Tập huấn nghiệp vụ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính năm 2018 cho các bộ, ngành, địa phương. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại 64 điểm cầu với hơn 7.000 đại biểu đại diện cho 24 cơ quan bộ, ngành và 63 địa phương tham dự. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dự và phát biểu chỉ đạo.
Tập trung một đầu mối để tham mưu trong lĩnh vực cải cách hành chính, xây dựng chính phủ điện tử
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, để gắn kết và đồng bộ giữa cải cách thủ tục hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử, vừa qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chuyển các nhiệm vụ quản lý nhà nước, kiểm soát thủ tục hành chính và chủ trì triển khai nhiệm vụ về cải cách thủ tục hành chính, cơ chế một cửa, một cửa liên thông từ Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ về Văn phòng Chính phủ và chuyển nhiệm vụ từ Sở Tư pháp, Sở Nội vụ về Văn phòng UBND cấp tỉnh, cơ quan tư pháp cấp bộ chuyển về văn phòng cấp bộ, tập trung một đầu mối để tham mưu trong lĩnh vực này. Văn phòng Chính phủ cùng các bộ rất tích cực tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 61/2018/NĐ-CP ngày 23-4-2018 về việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, Chỉ thị số 20/CT-TTg về tăng cường cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện, Chỉ thị số 30/CT-TTg về nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương để thực hiện đồng bộ trong cải cách.
Từ đầu năm đến nay, các bộ, ngành đã cắt giảm 6.776/9.926 thủ tục kiểm tra chuyên ngành liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu, cắt giảm 3.346/6.191 điều kiện kinh doanh là những rào cản gia nhập thị trường, tạo ra những lợi ích nhóm, chi phí bất hợp lý; tiết kiệm 6.279 tỷ đồng với 17,5 triệu ngày công. Với mục tiêu lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để đánh giá hiệu quả của cải cách, đến nay đã có 57/63 địa phương chuyển nhiệm vụ một cửa, một cửa liên thông từ Sở Tư pháp, Sở Nội vụ về Văn phòng UBND cấp tỉnh; 39/63 tỉnh, thành phố có trung tâm hành chính công, trong đó có nhiều tỉnh làm rất tốt như Quảng Ninh, Bắc Ninh. Các bộ đã có bộ phận một cửa, một cửa liên thông tại bộ. Tại Quảng Ninh, thực hiện giải quyết "4 tại chỗ", từ tiếp nhận - thẩm định - xét duyệt hồ sơ đến trả kết quả. Tỷ lệ dịch vụ công cấp độ 3, cấp độ 4 rất cao, liên thông từ cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.
Tuy nhiên, có địa phương có trung tâm dịch vụ hành chính công, công bố thủ tục hành chính công cấp độ 3, 4 nhưng không có hồ sơ chạy trên nền điện tử. "Chúng ta nhận hồ sơ nhưng lại đi bộ, đi xe về sở, hay sở cử người đến nhận hồ sơ về giải quyết xong, trên cơ sở giấy hẹn, lại mang kết quả đến trung tâm hành chính công để trả, như vậy là không đúng tinh thần của trung tâm dịch vụ hành chính công", Bộ trưởng nêu rõ; đồng thời cho rằng cần có sự thống nhất cao hơn, phân cấp mạnh hơn và giao quyền tốt hơn nữa.
Có địa phương, các sở, ngành đều có phần mềm nhưng khác nhau nên không kết nối, hỗ trợ, chia sẻ được, có nhận hồ sơ cũng không xử lý trên nền điện tử được. Từ đó, Bộ trưởng yêu cầu quán triệt triển khai cải cách thủ tục hành chính, xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại. Trách nhiệm các cơ quan văn phòng, tư pháp, hành chính các cấp phải tâp trung vào cải cách lề lối, tác phong làm việc. Nêu rõ năm 2019 tập trung xây dựng Chính phủ điện tử gắn với cải cách thủ tục hành chính, Bộ trưởng cho hay Văn phòng Chính phủ cùng các bộ tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xây dựng cổng dịch vụ công quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông tham mưu xây dựng kiến trúc tổng thể Chính phủ điện tử quốc gia, các bộ, ngành, tỉnh, thành phố, trên cơ sở tiêu chuẩn, quy chuẩn hạ tầng, phần mềm để xây dựng hệ thống nền tảng phần mềm kết nối chia sẻ.
Bộ trưởng nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương tập trung trước hết vào các dịch vụ công liên quan nhiều đến doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, thủ tục phải minh bạch, dễ dàng, thân thiện.
Thực hiện tốt hơn cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tiến tới "4 tại chỗ"
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị Hội nghị quán triệt tốt Nghị định 61/2018/NĐ-CP, Chỉ thị số 30/CT-TTg và Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg, lấy nguyên tắc sự hài lòng của tổ chức, cá nhân làm thước đo cho hiệu quả của cán bộ làm cải cách thủ tục hành chính và cán bộ thực thi công vụ, đánh giá hiệu quả điều hành, quản lý lĩnh vực này. "Nguyên tắc là phải tạo ra chất lượng, kịp thời, nhanh chóng, thuận tiện, đúng pháp luật, công bằng, bình đẳng, khách quan, công khai, minh bạch. Đặc biệt, cải cách thủ tục hành chính phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong nội bộ về cách thức, quy trình xử lý", Bộ trưởng nêu rõ.
Bộ trưởng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu tổ chức mô hình bộ phận một cửa hợp lý, tiến tới "4 tại chỗ"; rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính; cải cách quy trình giải quyết thủ tục đơn giản, gọn nhẹ; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng một nền hành chính hiện đại và chuyên nghiệp. Cục Kiểm soát thủ tục hành chính nên nghiên cứu một mô hình bộ phận một cửa để tạo sự thống nhất trên toàn quốc. Về nguyên tắc, mỗi bộ, ngành, địa phương chỉ có cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin điện tử một cửa để tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, việc tổ chức đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính ở các trung tâm dịch vụ công đều phải minh bạch, đánh giá bằng hệ thống điện tử, công tâm, khách quan. Cải cách thủ tục hành chính là công việc rất va chạm, cán bộ làm cải cách phải trực diện, trực tiếp đối đầu với những lợi ích nhóm, do vậy khi đánh giá cán bộ phải xem xét kỹ, không để bị oan.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được tập huấn 3 chuyên đề về những điểm mới và nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo quy định tại Nghị định 61/2018/NĐ-CP và Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định; hướng dẫn nghiệp vụ đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính, rà soát, đánh giá thủ tục hành chính và quy trình xây dựng, triển khai dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công.
Thanh Hóa: Trung tâm hành chính công - bước đột phá trong cải cách hành chính
Trước đây, Thanh Hóa triển khai việc giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa và một cửa liên thông. Tuy nhiên, việc giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế này tại các cơ quan, đơn vị đã nảy sinh những bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Qua khảo sát, đánh giá cho thấy, mức độ hài lòng của các tổ chức, cá nhân trong giải quyết thủ tục hành chính chỉ đạt từ 70-80%. Tình trạng nhận hồ sơ nhưng không có giấy hẹn ngày trả kết quả vẫn còn xảy ra. Thái độ của cán bộ, công chức chưa nhiệt tình, làm việc chưa đúng giờ, ưu tiên người thân quen, trả hồ sơ trễ hẹn, còn nhũng nhiễu. Ý kiến phản hồi của tổ chức, công dân chưa được giải quyết triệt để...
Nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém trên, cuối năm 2017, UBND Thanh Hóa đã khai trương, đưa vào vận hành Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh. Kết quả, qua hơn một năm hoạt động, số giải quyết hồ sơ đúng hạn đạt 99,97%, đánh giá mức độ hài lòng và rất hài lòng của người dân đạt 99,09%, cán bộ, công nhân viên phục vụ chu đáo, không xảy ra phiền hà sách nhiễu, không bổ sung hồ sơ quá 1 lần... Hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Thanh Hóa thể hiện bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, đem lại sự hài lòng cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trên địa bàn.
Để hoạt động hiệu quả, công khai, minh bạch, Trung tâm được trang bị hệ thống thiết bị hiện đại như: Bảng điện tử thông báo tình trạng xử lý hồ sơ, hệ thống thông tin hướng dẫn, màn hình cảm ứng tra cứu thủ tục hành chính, phủ sóng wifi miễn phí. Đặc biệt, Trung tâm có hệ thống cho phép công dân, doanh nghiệp đánh giá trực tiếp thái độ phục vụ của công chức tại trung tâm. Trung tâm đã trang bị hệ thống camera giám sát toàn bộ hoạt động của cán bộ công chức, qua đó hạn chế tình trạng sách nhiễu, phiền hà, vòi vĩnh trong giải quyết thủ tục hành chính. Khi người dân, doanh nghiệp có nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính, chỉ cần đến một địa chỉ duy nhất là Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Thanh Hóa, thay vì phải đến trực tiếp nhiều sở, ban, ngành riêng lẻ như trước đây. Qua đó, hạn chế tối đa các bước trung gian cho tổ chức, cá nhân trong giải quyết thủ tục hành chính.
Ông Nguyễn Văn Tuyên, Phó Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Thanh Hóa cho biết: Khi tiếp nhận hồ sơ, cán bộ trong Trung tâm đều phải viết phiếu hẹn ngày trả kết quả. Trường hợp đến hẹn mà chưa có kết quả, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan phải có văn bản xin lỗi, nói rõ nguyên nhân chậm trễ và hẹn ngày trả tiếp theo. Toàn bộ quy trình xử lý được công khai trên hệ thống phần mềm điện tử và hiển thị thời gian xử lý của từng bộ phận, từng người liên quan. Trung tâm công khai số điện thoại đường dây nóng, hộp thư điện tử, các kênh đánh giá để tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, công dân, góp phần nâng cao hiệu quả quản trị hành chính công. Ngoài ra, Trung tâm còn có bộ phận tư vấn luật, giúp tổ chức, cá nhân trong xử lý thủ tục hành chính được thuận lợi, nhanh gọn hơn.
Thời gian tới, Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, cung cấp dịch vụ nhanh gọn cho người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra, Trung tâm tăng cường đôn đốc các cơ quan, đơn vị liên quan trong giải quyết thủ tục hành chính theo đúng chức năng, nhiệm vụ, bảo đảo tiến độ và thời gian trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
Cao Bằng: Đẩy mạnh cải cách hành chính trong thi hành án dân sự
Ngày 19-12, UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức hội nghị triển khai công tác thi hành án dân sự, hành chính năm 2019. Theo bà Đoàn Thị Hạ, Phó Cục trưởng Cục thi hành án dân sự tỉnh Cao Bằng, công tác thi hành án dân sự trên địa bàn còn một số hạn chế như: Một số vụ việc phức tạp chưa thi hành xong. Công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo một số đơn vị còn chậm đổi mới. Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lí, chỉ đạo, điều hành, công tác chuyên môn của các chi cục còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền triển khai cơ chế một cửa và hỗ trợ trực tuyến chưa đem lại hiệu quả cao...
Năm 2019, Cục thi hành án dân sự tỉnh Cao Bằng thực hiện nghiêm túc các quy định về đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin tạo sự công khai, minh bạch, nêu cao tinh thần phục vụ người dân và doanh nghiệp....
Phát biểu tại hội nghị, ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng đề nghị ngành Thi hành án dân sự tỉnh cần tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh triển khai đầy đủ các nhiệm vụ cải cách tư pháp trong thi hành án dân sự, hành chính; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và theo dõi thi hành án hành chính; phối hợp tốt với các địa phương, các sở ban ngành giải quyết khó khăn, vướng mắc để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý chỉ đạo điều hành và tổ chức thi hành án.
Bình Dương: Khai trương dịch vụ tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính qua bưu điện
Nhằm tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong việc giao dịch với cơ quan giải quyết thủ tục hành chính khi thực hiện các thủ tục hành chính tại UBND cấp xã, góp phần tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại, UBND tỉnh Bình Dương đã phê duyệt “Đề án thí điểm bố trí nhân viên bưu điện tại Bộ phận một cửa của UBND cấp xã thuộc UBND thành phố Thủ Dầu Một để thực hiện dịch vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính các cấp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018-2020”.
Theo đó, giai đoạn 1 của đề án thực hiện từ tháng 11-2018 đến tháng 6-2019. Bưu điện tỉnh bố trí nhân viên tại Bộ phận một cửa của 5 UBND phường của thành phố Thủ Dầu Một gồm: Phú Hòa, Phú Lợi, Phú Mỹ, Phú Thọ, Định Hòa để tiếp nhận thủ tục hành chính các cấp cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Số lượng thủ tục tiếp nhận dự kiến khoảng 300 thủ tục và trả kết quả đối với tất cả các thủ tục hành chính.
Giai đoạn 2 của đề án thực hiện từ tháng 7-2019 đến 31-12-2020. Trong giai đoạn này, tỉnh sơ kết đánh giá kết quả triển khai giai đoạn 1 để triển khai đồng loạt việc bố trí nhân viên bưu điện tại Bộ phận một cửa của tất cả UBND phường thuộc địa bàn thành phố Thủ Dầu Một để thực hiện dịch vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính các cấp.
Sau khi hoàn tất thực hiện thí điểm tại địa bàn thành phố Thủ Dầu Một, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương sẽ tổ chức tổng kết, đánh giá hiệu quả của mô hình để làm cơ sở đề xuất mở rộng, triển khai đến các huyện, thị xã còn lại.
Được sự chấp thuận và ủy quyền của UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương cũng ký kết hợp tác với Công ty cổ phần VNG - chủ sở hữu ứng dụng Zalo để triển khai nội dung trên. Người dân, doanh nghiệp có thể thông qua ứng dụng Zalo tra cứu hồ sơ bằng mã biên nhận hoặc mã QR code, có thể sử dụng Zalo để theo dõi, nhận thông báo về trạng thái xử lý hồ sơ thủ tục hành chính. Ngoài ra, người dân có thể tra cứu tin tức về tỉnh Bình Dương lấy nguồn từ Cổng thông tin điện tử tỉnh tại trang: Bình Dương Smartcity; qua đó tạo thêm kênh truyền tải chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo tỉnh, đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp nhân dân mọi lúc, mọi nơi. Đặc biệt, qua ứng dụng Zalo, các thông tin khẩn cấp, cần thiết như tình hình bão lũ, dịch bệnh và hướng dẫn phòng tránh cũng được cung cấp...
Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương, Sở đã được UBND tỉnh giao triển khai nhiều dịch vụ công cấp độ 3, 4 trên trang hành chính công của tỉnh. Với các dịch vụ công mức độ 3, người dân và doanh nghiệp có thể điền các biểu mẫu trực tuyến và thực hiện nộp hồ sơ qua mạng, chỉ cần đến trụ sở Trung tâm hành chính công các cấp một lần duy nhất để cung cấp hồ sơ giấy và nhận kết quả. Ở mức độ cao hơn, dịch vụ công mức độ 4, ngoài việc hỗ trợ nộp hồ sơ qua mạng, người dân và doanh nghiệp có thể nộp phí, lệ phí (nếu có) và nhận kết quả trực tuyến hoặc trực tiếp tại địa chỉ theo yêu cầu (qua dịch vụ bưu chính). Đến thời điểm này, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương đã triển khai cung cấp trên 300 dịch vụ công mức độ 3, 4. Để sử dụng dịch vụ công trực tuyến, người dân và doanh nghiệp có thể truy cập vào địa chỉ http://dichvucong.binhduong.gov.vn.
Ngoài ra, triển khai thí điểm thanh toán phí, lệ phí dịch vụ công trực tuyến qua ngân hàng, Trung tâm hành chính công, Sở Nội vụ tỉnh Bình Dương phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Bưu điện tỉnh và Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam Chi nhánh Bình Dương (Vietinbank Bình Dương) tổ chức triển khai các giải pháp kỹ thuật kết nối để thực hiện thanh toán phí, lệ phí cho các dịch vụ công trực tuyến qua ngân hàng./.
VietinBank lần thứ 5 liên tiếp đạt giải Thương hiệu Quốc gia  (24/12/2018)
VietinBank lần thứ 5 liên tiếp đạt giải Thương hiệu Quốc gia  (24/12/2018)
Thủ tướng dự lễ vận hành thương mại nhà máy lọc dầu lớn nhất Việt Nam  (23/12/2018)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gặp mặt đại diện doanh nhân trẻ  (23/12/2018)
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình thăm, chúc mừng Giáng sinh tại Đà Nẵng  (23/12/2018)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên