Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 29-10 đến ngày 04-11-2018
Phát động thi đua về các giải pháp, sáng kiến cải cách hành chính
Ngày 03-11, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lễ công bố đăng ký đợt thi đua cao điểm của Khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội thành phố về các giải pháp, sáng kiến cải cách hành chính trong Đảng (từ tháng 11-2018 - tháng 01-2019).
Phát biểu chỉ đạo lễ phát động, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, đây là dịp khẳng định lại quyết tâm của Đảng bộ thành phố, hướng tới năm 2019 là Năm cải cách hành chính. Để đợt đăng ký thi đua cao điểm đạt hiệu quả, thiết thực, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu Ban Tuyên giáo Thành ủy nắm công tác truyền thông thông tin, Ban Dân vận Thành ủy hướng dẫn trực tiếp việc tham gia phong trào còn Văn phòng Thành ủy nắm số liệu thống kê về công tác thi đua.
Tại lễ công bố đăng ký đợt thi đua cao điểm, đồng chí Trần Thế Thuận, Chánh Văn phòng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện đã có 145 nội dung và 151 sáng kiến, giải pháp đăng ký thi đua. Các nội dung đăng ký thi đua tập trung tháo gỡ những vướng mắc, bất cập như các quy trình, quy định thực hiện nhiệm vụ và phối hợp thực hiện nhiệm vụ, việc triển khai cải cách hành chính trong Đảng, sắp xếp tổ chức bộ máy, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin.
Trong đó, đáng chú ý là Ban Tổ chức Thành ủy đăng ký nội dung sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan, giảm 7 phòng xuống còn không quá 5 phòng, giảm từ 25 xuống còn 10 Phó trưởng phòng; Ban Dân vận Thành ủy đăng ký nội dung nắm tình hình nhân dân trong khu vực công trình, dự án lớn liên quan đến đền bù, giải tỏa; Văn phòng Thành ủy với nội dung thi đua về sử dụng chữ ký số trong hoạt động giao dịch điện tử của các cơ quan Đảng trực thuộc Đảng bộ thành phố. Quận ủy Quận 2 đăng ký nội dung thí điểm ứng dụng di động trong lĩnh vực xử lý vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn…
Đại diện đơn vị tham gia đợt đăng ký thi đua cao điểm, bà Đặng Thị Hồng Liên, Bí thư Quận ủy Quận 9 cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2019, Quận 9 tiếp nhận hơn 3.800 hồ sơ nhà đất, đã giải quyết được hơn 3.400 hồ sơ, số hồ sơ trễ hẹn là hơn 280, số còn lại đang giải quyết. Nguyên nhân là hồ sơ nhà đất phức tạp, phải xác minh kỹ về nguồn gốc, trong khi chưa có sự thống nhất việc ứng dụng công nghệ thông tin giữa các cơ quan để giải quyết. Vì thế Quận 9 đăng ký nội dung thi đua trong việc giải quyết đúng hạn hồ sơ đất với chỉ tiêu đến tháng 01-2019 giải quyết được 96% hồ sơ đúng hạn.
Thực hiện nhiều giải pháp tinh gọn bộ máy nhà nước và cải cách hành chính
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 30-10, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã trả lời nhiều câu hỏi của đại biểu Quốc hội về cải cách thủ tục hành chính, việc tinh gọn bộ máy nhà nước.
Thực hiện nghiêm công vụ: Để thực hiện nghiêm công vụ của công chức, ngày 02-4-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 364 về việc thành lập Tổ công tác kiểm tra về công vụ, giao cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm Tổ trưởng. Từ tháng 7 đến nay, Bộ Nội vụ đã ban hành các quy chế và chương trình hoạt động của Tổ công tác. Nội dung kiểm tra công vụ tập trung vào các vấn đề: Kỷ cương, kỷ luật hành chính, tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, kế hoạch của Nhà nước; về đạo đức công vụ, tổ chức bộ máy về tinh giản biên chế, công tác tuyển dụng, đề bạt cán bộ, công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo.
Tổ công tác đã kiểm tra 12 đơn vị gồm 8 địa phương, 4 bộ, ngành, qua đó chỉ ra những phần thực hiện chưa nghiêm các nhiệm vụ mà Thủ tướng và Chính phủ giao, các quy định pháp luật, đặc biệt là công tác quản lý cán bộ, đề bạt, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ, tổ chức biên chế...
Việc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế: Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, việc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế còn chậm khi triển khai Nghị quyết Trung ương 6 do việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn. Bộ trưởng cho biết, theo Nghị quyết 56 của Quốc hội, Nghị quyết 18 và 19 của Hội nghị Trung ương 6, Bộ Nội vụ được giao điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung 4 bộ luật gồm: Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức. Cùng với đó, Bộ Nội vụ được giao sửa đổi 12 nghị định và khoảng 30 thông tư để triển khai việc sắp xếp lại bộ máy.
Trước mắt, Bộ Nội vụ tập trung sửa đổi Nghị định 24/NĐ-CP và Nghị định 37/NĐ-CP về cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và cấp huyện; sửa đổi Nghị định 123/NĐ-CP về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan bộ, cơ quan ngang bộ thuộc Chính phủ; Nghị định 10/NĐ-CP về cơ cấu tổ chức và chức năng của các đơn vị thuộc Chính phủ. Tất cả những văn bản trên phải phù hợp với Nghị quyết của Đảng.
Đến nay, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, các nghị định này đã được trình Chính phủ. Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Ban cán sự Đảng Chính phủ xin ý kiến Bộ Chính trị 3 nội dung: Khung các cơ quan chuyên môn các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện; tiêu chuẩn, điều kiện để thành lập các đơn vị hành chính (số lượng người tối thiểu, số lượng cấp phó tối đa cho từng đơn vị). Khi có ý kiến của Bộ Chính trị, Chính phủ sẽ ký và ban hành các nghị định về cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện. Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ sẽ chỉnh sửa, bổ sung Nghị định 123/NĐ-CP và Nghị định 10/NĐ-CP.
Tăng cường cải cách thủ tục hành chính: Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Chính phủ và thực hiện một số giải pháp tăng cường cải cách hành chính như: Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị nhà nước trong công tác thanh tra, kiểm tra; phát huy hoạt động đối với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác của các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh. Cùng với đó, tiếp tục triển khai đồng bộ nội dung cải cách hành chính theo quy định tại Nghị quyết 30c ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020.
Bộ Nội vụ đề nghị tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, trong đó chủ yếu xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và các tổ chức hoạt động của các loại hình hành chính; đẩy mạnh cải cách bộ máy hành chính gọn nhẹ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cải cách về thủ tục hành chính, củng cố kiện toàn mô hình "một cửa". Thực hiện nghiêm Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện kỷ cương, kỷ luật hành chính theo tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời đẩy nhanh thực hiện Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, hoàn thiện hệ thống dữ liệu quốc gia cho phát triển kinh tế - xã hội.
Đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực thông tin truyền thông
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực thông tin và truyền thông đến năm 2021, định hướng đến năm 2030.
Cụ thể, về mạng lưới đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực thông tin và truyền thông (không bao gồm cơ quan báo chí), từ nay đến năm 2021 thực hiện rà soát, sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp bảo đảm phù hợp với danh mục dịch vụ sự nghiệp công thông tin và truyền thông, bảo đảm tinh gọn, đồng bộ, thống nhất; thực hiện tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng cung cấp dịch vụ công.
Giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực thông tin và truyền thông và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015 theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017.
Về thực hiện cơ chế tự chủ, các đơn vị tăng dần mức độ tự chủ về tài chính hàng năm phù hợp với lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công; phấn đấu đến 2021 có tối thiểu 10% đơn vị tự chủ về chi thường xuyên, chi thường xuyên và chi đầu tư, giảm bình quân 10% chi trực tiếp ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011 - 2015 theo Nghị quyết số 19-NQ/TW.
Hoàn thành cơ bản việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện thành công ty cổ phần; cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.
Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực báo chí thì thực hiện sắp xếp theo lộ trình của Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 đã được Bộ Chính trị thông qua; phấn đấu đến năm 2021 có tối thiểu 10% đơn vị tự chủ về chi thường xuyên, chi thường xuyên và chi đầu tư. Đến năm 2025, phấn đấu có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ chi thường xuyên, chi thường xuyên và chi đầu tư.
Nhà nước chỉ đầu tư, bảo đảm cho một số báo thực hiện nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền; có hỗ trợ ngân sách (theo hình thức đặt hàng) đối với những ấn phẩm, chuyên mục, chương trình phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị cụ thể trong từng giai đoạn, khu vực.
Phát hiện nhiều vi phạm trong công tác cán bộ ở Trà Vinh
Kết luận thanh tra về quản lý biên chế công chức của Thanh tra Bộ Nội vụ đối với tỉnh Trà Vinh, giai đoạn từ ngày 01-01-2016 đến ngày 31-3-2018 chỉ rõ: Qua kiểm tra 635 hồ sơ về trình độ theo tiêu chuẩn ngạch công chức giữ chức danh lãnh đạo, quản lý của UBND tỉnh Trà Vinh (trong đó, 72 người giữ chức vụ giám đốc, phó giám đốc các sở, cơ quan ngang sở; 563 người giữ chức vụ chi cục trưởng, phó chi cục trưởng, trưởng phòng, phó trưởng phòng và tương đương thuộc sở, cơ quan ngang sở; trưởng phòng, phó trưởng phòng và tương đương thuộc UBND cấp huyện), còn 73 công chức lãnh đạo, quản lý chưa đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn.
Theo kết luận thanh tra, UBND tỉnh Trà Vinh đã tuyển dụng không qua thi tuyển 61 trường hợp, trong đó 60 trường hợp đáp ứng tiêu chuẩn tại thời điểm tuyển dụng; trình tự, thủ tục và thành phần hồ sơ xếp ngạch, bậc lương đối với các trường hợp tuyển dụng không qua thi tuyển. Tuy nhiên, một trường hợp thiếu điều kiện, tiêu chuẩn về thời gian công tác có bằng đại học theo quy định. Hai trường hợp tại Sở Y tế chưa được chuyển ngạch phù hợp với vị trí việc làm. 57/61 trường hợp không có quyết định chấm dứt hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động với cơ quan, đơn vị cũ.
Trong giai đoạn thanh tra, 30 trường hợp là cán bộ, công chức cấp xã được xét chuyển thành công chức từ cấp huyện trở lên. 9 trường hợp thiếu chứng chỉ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên tại thời điểm xét chuyển; 03 trường hợp thành phần Hội đồng kiểm tra, sát hạch gồm 11 thành viên là không phù hợp với quy định; 01 trường hợp là công chức xã được điều động làm công chức huyện Trà Cú nhưng không thông qua Sở Nội vụ để làm quy trình xét chuyển từ cán bộ, công chức cấp xã thành công chức cấp huyện.
Qua kiểm tra, Thanh tra Bộ Nội vụ nhận thấy, đa số các trường hợp được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ đã đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, tuổi bổ nhiệm và thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định. Tuy nhiên, 9 hồ sơ bổ nhiệm chưa đáp ứng tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo (bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành dành cho lãnh đạo Sở), một số hồ sơ không có sơ yếu lý lịch, không có bản kê khai tài sản, thu nhập, không có giấy chứng nhận sức khỏe tại thời điểm bổ nhiệm.
Hầu hết hồ sơ bổ nhiệm thuộc thẩm quyền của giám đốc Sở và Chủ tịch UBND cấp huyện không có tờ trình đề nghị bổ nhiệm, bổ nhiệm lại của bộ phận tham mưu về công tác tổ chức cán bộ, có trường hợp hồ sơ bổ nhiệm lại không có ý kiến của cấp ủy, nhiều trường hợp chậm ban hành quyết định bổ nhiệm lại. Một số quyết định ghi thời gian, thời hạn giữ chức vụ không phù hợp dẫn đến có trường hợp bổ nhiệm lại vượt quá 60 tháng và có trường hợp chưa đủ 60 tháng giữ chức vụ.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế phát hiện qua thanh tra, Thanh tra Bộ Nội vụ kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm các cơ quan, cá nhân trong việc tham mưu thực hiện không đúng quy định pháp luật về quản lý biên chế, tuyển dụng, bổ nhiệm, tiêu chuẩn ngạch, số lượng cấp phó, rút kinh nghiệm và có biện pháp cụ thể để khắc phục.
Tỉnh tiếp tục thực hiện việc tinh giản biên chế theo quy định tại Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, đảm bảo đến năm 2021 tinh giản 10% số biên chế được giao năm 2015; Chấm dứt việc giao, sử dụng viên chức làm việc trong các cơ quan, đơn vị hành chính; Thực hiện đúng quy định về tuyển dụng công chức.
Sắp xếp các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Bạc Liêu
Ngày 02-11, tại kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Bạc Liêu đã thống nhất thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn thuộc UBND. Theo đó, Bạc Liêu sẽ hợp nhất Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch với Sở Thông tin và Truyền thông, thành lập mới Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch (6 phòng; 8 đơn vị sự nghiệp và 285 biên chế). Sở Giáo dục và Đào tạo hợp nhất với Sở Khoa học và Công nghệ, thành lập mới Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ (7 phòng; 1 đơn vị hành chính; 24 đơn vị sự nghiệp và 1.389 biên chế). Ban Tôn giáo trực thuộc Sở Nội vụ chuyển về Ban Dân tộc tỉnh, thành lập mới Ban Dân tộc và Tôn giáo; kết thúc hoạt động Sở Ngoại vụ, chuyển chức năng, nhiệm vụ của Sở Ngoại vụ về Văn phòng UBND tỉnh.
Để triển khai thực hiện tốt Nghị quyết về việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu Lê Thị Ái Nam đề nghị, UBND tỉnh quan tâm làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, công chức, viên chức của các đơn vị đã được sắp xếp, tạo sự thống nhất trong triển khai thực hiện; quan tâm giải quyết đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách cho người lao động dôi dư. Đồng thời, tiếp tục sắp xếp tinh gọn tổ chức bên trong của các sở, ban, ngành và tinh giản biên chế; phấn đấu đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra đến 2021 tinh giản 10% biên chế so với số lượng biên chế được giao năm 2015./.
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển